Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thông (Bộ NN&PTNT) Việt Nam cho biết từ ngày 7 đến 15/3/2020, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ có một đợt xâm nhập mặn xảy ra mà theo nhận định ở mức cao nhất trong mùa khô năm nay.
Trong khi đó Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo, trong tháng 3 này, nước sông Mekong từ thượng nguồn về ĐBSCL vẫn ở mức rất thấp. Do đó, xâm nhập mặn vẫn sẽ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt. Dự báo đến cuối tháng 4 mới kết thúc đợt hạn hán, xâm nhập mặn này.
Ngày 4/3/2020, có 5 tỉnh bao gồm Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp về hạn mặn. Ngành nông nghiệp của các tỉnh này đang chịu thiệt hại nặng nề nhất tại ĐBSCL trong đợt xâm nhập mặn năm nay.
Không ảnh hưởng đến An ninh lương thực quốc gia
Tình trạng thiếu nước ngọt kéo dài đã khiến cho hơn 10.000 ha lúa đông xuân, chủ yếu ở Bến Tre, mất trắng.
Ngoài ra, các loại cây ăn trái đặc sản miền Tây như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bòn bon… cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không có nước tưới. Khoảng 150.000 ha cây ăn trái ở 3 tỉnh Bến Tre, Long An, Tiền Giang cũng đang trong cơn khát nước ngọt.
Trước tình hình hạn mặn khốc liệt gây ra nhiều thiệt hại nặng nề về sản lượng nông sản trong vùng. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu hồi tháng Một rằng cần có giải pháp ứng phó hiệu quả với tình hình hiện nay, cũng như về lâu dài vì ĐBSCL là vùng đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước.
Trao đối với RFA về vấn đề an ninh lương thực quốc gia, Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, người có hơn 25 năm kinh nghiệm về các vấn đề quản lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, sinh kế bền vững, biến đổi khí hậu ở các quốc gia trong lưu vực Mekong nói rằng nếu cắt bớt 1/3 sản lượng lúa gạo của khu vực ĐBSCL, và nếu Việt Nam không tự gánh lên vai “trọng trách lo cho an ninh lương thực thế giới” thì vẫn dư sức đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, không nên lo lắng quá:
" Vào năm 2016 cũng hạn mặn cực đoan và thiệt hại còn nhiều hơn bây giờ mà Việt Nam vẫn sản xuất khẩu 5 triệu tấn gạo thì năm nay không có lý do gì mà bị ảnh hưởng an ninh lương thực đâu.
Những năm hạn mặn như năm nay thì sẽ có những vùng bị ảnh hưởng, bị thiệt hại lúa chết trắng. Nhưng mà xét về tổng thể thì đồng bằng vẫn không có ảnh hưởng, tức là vẫn dư sức đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đừng có lo.
Nếu như chúng ta không tự mình gánh lên vai cái gọi là vỗ ngực xưng tên là chúng ta có trách nhiệm lo cho an ninh lương thực thế giới. Đó là khái niệm giả và không đúng. Mình chỉ lo an ninh lương thực quốc gia cho mình thôi. Mình làm lúa tốt, sạch thì chỉ làm hai vụ thôi thì đồng bằng vẫn dư sức làm được.”

Đồng quan điểm, Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đánh giá tình hình hạn mặn năm nay không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia nhờ 3 yếu tố sau:
"Yếu tố thứ nhất là thực sự Việt Nam đã sản xuất được như một khối lượng lúa đáng kể. Mỗi năm vẫn xuất khẩu đến 6-7 triệu tấn gạo. Cho nên lượng lúa dư là rất lớn.
Cái thứ hai là vùng trọng điểm sản xuất lúa của ĐBSCL tập trung ở vùng thượng nguồn, ở các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang hoặc Long An mà ở phía bên trên xa biển, chứ không phải các tỉnh ven biển. Các tỉnh ven biển thì bây giờ chủ yếu sản xuất thủy sản. Vì thế cho nên tác động về mặt lúa gạo không nhiều lắm.
Điểm thứ ba là năm nay thì tương đối là chủ động được tình hình diễn biến của hạn mặn. Vì quá trình hạn mặn diễn ra từ trên thượng nguồn, nhưng Việt Nam đã được thông báo khá sớm nên là năm nay các tỉnh họ đều chủ động xuống lúa vụ đông xuân tương đối sớm, sớm hơn hẳn so với thời vụ, và họ cũng tránh những vùng ven biển.”
Tuy vậy, theo tiến sỹ Đặng Kim Sơn, dù an ninh lương thực của đất nước hoàn toàn có thể yên tâm nhưng đời sống của người dân thì rất khó khăn:
"Tuy nhiên cái thiệt hại nó thuộc về phía người dân. Vẫn có một số nông dân ở ven biển họ sản xuất lúa cho nên bị thiệt hại. Thực ra người dân ở vùng ĐBSCL, nhất là vùng ven biển rất khó khăn, nhất là thiếu nước sinh hoạt nữa."
Nguyên nhân hạn mặn khốc liệt 2020
Ngay từ tháng 10/2019, trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia dự báo mặn vào mùa khô 2019-2020 có khả năng gay gắt và xuất hiện sớm hơn so với năm 2018-2019 khoảng 10-30 ngày.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cũng cho biết nguồn nước mùa khô 2019-2020 sẽ ít, nguy cơ hạn mặn xuất hiện sớm và hạn hán thiếu nước có thể xảy ra.
Đồng quan điểm, thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện cho biết mình đã cảnh báo về tình hình hạn mặn này từ tháng Bảy năm ngoái khi thấy mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục:
"Lý do là ở ĐBSCL như một cái quy luật là mình có thể quan sát mùa nước năm trước để biết được mùa hạn vào sau tết năm sau.
Cái này đã chứng minh hồi năm 2015 qua đến 2016 một lần rồi. Cụ thể là từ ngày 19 tháng 7 năm ngoái là mình đã lên tiếng rồi. Vào tháng Bảy là ngày đầu mùa lũ, mùa nước nổi mà mực nước sông Mekong hạ thấp xuống kỷ lục trong 50 năm, mùa lũ đã không về và nước không lên được thì chắc chắn mùa hạn năm nay là sẽ gặp gay gắt.”
Ông cũng nêu ra 3 nguyên do chính dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt như năm nay:
"Lý do thứ nhất là do lượng mưa thấp ở toàn bộ lưu vực sông sông Mê Kông từ đầu năm 2019 cho đến tháng Chín do hiện tượng El Nino. Nó xảy ra mưa thấp thì không có nước để đổ xuống dòng sông nên mực nước sông bị thấp kỷ lục."
Nguyên nhân thứ hai là do các đập thuỷ điện ở thượng nguồn. Theo thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, thuỷ điện không làm mất đi tổng lượng nước mà nó cũng không tự gây ra khô hạn. Thuỷ điện không tiêu thụ nước nhưng nó làm chậm đường đi của nước.

Vào những năm mưa ít, thiếu nước khô hạn thì thủy điện buộc phải đóng đập tích nước cho đầy thì mới đủ độ sâu để chạy tua-pin phát điện bên dưới. Như vậy, dòng nước đi qua một chuỗi các con đập kéo dài từ đầu nguồn sông thì sẽ rất là lâu để nước về tới được ĐBSCL:
"Nó không làm mất nước nhưng sẽ làm chậm đường đi của nước. Mình cứ hiểu lầm nói là do nó đắp đập nên không có giọt nước nào chạy xuống thì điều đó có sai về mặt kỹ thuật."
Nguyên nhân thứ ba là do những thay đổi ở ĐBSCL hằng năm từ tự nhiên và nhân tạo:
"Còn một cái nguyên nhân nữa là ở đồng bằng mình về phía biển vào những năm bình thường bây giờ thì đang xâm nhập mặn nó đã sâu hơn trước đây. So với khoảng năm 1980 đổ về trước thì bây giờ mặn nó đã sâu hơn hàng năm vào mùa khô.
Bởi vì hai thứ. Nguyên nhân thứ 3a là mực nước biển dâng đều 3mm mỗi năm rất chậm. Nhưng 10 năm cũng được 3cm rồi thì 30 năm cũng được 30cm. Thành ra mặt biển cao hơn ngày xưa.
Còn nguyên nhân 3b là hệ thống tự nhiên của đồng bằng mình thay đổi. Bây giờ đê bao khép kín khắp nơi. Một là làm lúa vụ ba trong mùa lũ trên vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười và ở vùng miệt vườn cây ăn trái thì cũng đê bao khép kín.
Cho nên là vào mùa nước nổi, khi nước sông Mekong dồi dào đổ về thì mình từ chối nhận. Những ô đê bao đó chiếm không gian, nước từ dòng sông không lên ruộng vườn được, cho nên là nó ngập khắp nơi ở các thành phố rồi đi luôn ra biển.
Đến mùa khô, đặc biệt là những năm cực đoan như thế này, dòng sông Cửu Long bị yếu đi vì bản thân đất đai đồng bằng của mình nó không còn nước. Lẽ ra mùa mưa mà nó được ngậm nước thì đến mùa khô nó sẽ lâu bị khô hạn hơn.”
Giải pháp
Về giải pháp trước tình hình hạn mặn kỷ lục như năm nay, thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện cho biết hiện giờ, cách tốt nhất là không nên cố gắng chống chọi với tự nhiên:
"Như vậy thì cái lời khuyên dành cho năm nay là nên né thôi, không thể đương đầu được với tình hình cực đoan thì phải né.
Né có nghĩa là dịch chuyển lịch cây trồng, lịch thời vụ gieo trồng. Bởi vì cái này mình hoàn toàn có thể làm được, nó đâu phải xảy ra đùng một cái là mặn ngay, mà mình đã biết từ hồi tháng Bảy năm ngoái rồi. Theo cái quy luật như vậy thì từ hồi tháng Bảy năm ngoái mình đã cố gắng cảnh báo, nhưng vẫn có một số người họ không tin theo quy luật này và vẫn xuống giống, càng xuống giống nhiều, càng đối chọi thì càng thiệt hại nhiều hơn.”
Còn về các giải pháp lâu dài cho những năm phi cực đoan về sau thì Chính phủ cũng đã có nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, được ban hành từ năm 2017. Ông Thiện đánh giá những tinh thần cải cách của nghị quyết này rất là tiến bộ, có thể tóm tắt như sau:
Thứ nhất là phải “thuận thiên”, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên:
"Tuân theo quy luật tự nhiên và tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Không có nghĩa là "khoanh tay", nhưng mà phải hiểu về quy luật tự nhiên để biết cái nào có thể can thiệp được và cái nào không. Chứ trước đây chúng ta đã can thiệp thô bạo rồi, và chúng ta đã trả giá rồi. Bây giờ, chúng ta đã học từ bài học đó và đã chuyển sang là thuận theo thiên nhiên để mùa lũ không phải loay hoay chống lũ, mùa hạn thì lại chống hạn, loay hoay suốt cả năm trời không có lúc nào rảnh.
Mà thật ra hai cái đó nếu mà thuận theo, nương nhẹ theo thì vẫn có cơ hội canh tác nước mặn, nhiều khi lại tốt hơn, đạt được giá trị cao hơn.
Còn cái vùng nước ngọt ở trên canh tác một năm đến ba vụ để làm cái gì?! Nên giảm bớt đi và làm sao tăng cái giá trị của các sản phẩm lúa gạo lên, chứ còn làm ra cả đống bán giá thấp, rồi lâu lâu phải giải cứu. Bởi vì ta phụ thuộc vào một vài thị trường, không đa dạng hóa thị trường. Lâu lâu cái thị trường đó mà cụ thể là rất nhiều nông sản phụ thuộc vào Trung Quốc. Nếu thị trường Trung Quốc mà "nhúc nhích" thì mình cũng mệt theo, nên cứ giải cứu hoài."

Thứ hai là xem các loại nước ngọt, nước mặn hay nước lợ đều là tài nguyên và không ngăn cách sông ra khỏi biển:
"Tinh thần số hai là xem nước mặn, nước ngọt hay nước lợ đều là tài nguyên, chứ không phải chỉ có nước ngọt còn hai thằng kia là kẻ thù, là phải dùng công trình để chắn lại. Nếu dùng công trình để chắn lại thì phải tách biển ra khỏi sông. Như thế thì sông sẽ không chảy được. Nó sẽ tích tụ ô nhiễm và gánh thêm phân bón thuốc trừ sâu, thì nước ở khắp nơi nhưng không uống được, và bây giờ chúng ta đang lâm vào tình trạng này. Như vậy thì theo tinh thần số hai là xem rất mặn nước ngọt hay nước lợ đều là tài nguyên để bớt cản trở sông ngòi."
Thứ ba là ưu tiên thuỷ sản, canh tác mặn ngọt luân phiên thuận theo tự nhiên. Một năm trồng lúa 2 vụ thay vì ngăn mặn để trồng ba vụ mùa như trước đây:
"Cái thứ ba là xoay trục ưu tiên. Có nghĩa là hồi trước trong mấy mươi năm qua, chúng ta đã chạy theo khái niệm gọi là "an ninh lương thực" nhưng thực ra khái niệm đó không đúng. Ngày xưa mình tự động coi là an ninh lương thực là phải tạo ra thật nhiều lúa gạo, nhưng việc đó hoàn toàn là không đúng.
Bây giờ, theo nghị quyết 120 là xoay trục ưu tiên thủy sản, và cây lúa xuống vị trí thứ ba. Cái đồng bằng này không cần phải làm lúa ba vụ vẫn có thể đảm bảo an ninh lương thực quốc gia như thường, dư sức.
Nếu vậy thì người dân sẽ đỡ mệt mỏi hơn, đất được nghỉ ngơi. Người dân được phục hồi sức khỏe, không phải loay hoay cả năm cắm mặt xuống đất bán lưng cho trời để làm ra cả đống nông sản giá thấp. Chúng ta sẽ không phải loay hoay mùa nước thì lo chống nước lũ, mùa mặn thì lo tránh nước mặn, tránh hết cái nọ đến cái kia cả năm.
Khuynh hướng chuyển sang hướng bền vững nó đã manh nha ở đồng bằng từ trước năm 2019 rồi. Hết năm nay thì sẽ trở lại tình hình phi cực đoan. Khuynh hướng người dân đang cắt bớt một vụ mùa lúa. Ở vùng ven biển thì người ta bắt đầu chuyển hướng canh tác theo mặn rồi theo mùa. Từ từ mọi vấn đề nó sẽ dần đi vào ổn định, ngoại trừ những năm cực đoan như thế này thì đành phải chịu thôi."
Chiều ngày 8/3/2020, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc làm việc với một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về hạn hán, xâm nhập mặn. Ông công bố Chính phủ sẽ hỗ trợ 5 tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp bao gồm Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang, mỗi tỉnh 70 tỷ đồng nhằm phục vụ cho nguồn nước sinh hoạt, đời sống người dân.