Tại buổi hội luận với chủ đề “Các định chế nhân quyền, và các biện pháp chế tài”, bà Desi Hanara, điều phối viên khối Nghị Viên ASEAN vì Nhân quyền (APHR), đã trình bày về nỗ lực gửi thư đến Thủ tướng Việt Nam, yêu cầu trả tự do cho tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển.
Hôm 13/8 vừa qua, 65 nghị sĩ thuộc gần 30 quốc gia trên toàn cầu đã ký lá thư chung gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho ông Truyển, cũng như những tù nhân lương tâm khác.
Ông Nguyễn Bắc Truyển là Chủ tịch Hội Ái hữu Cựu Tù nhân Chính trị và một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, bị chính quyền Việt Nam bắt vào ngày 30/7/2017 và tuyên án 11 năm tù về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Bà Hanara trong buổi hội luận qua mạng ngày 14/8 của tổ chức Cứu Người Vượt Biển (Boat People SOS), cho biết, lá thư được gửi đến Thủ tướng đúng ngày kỷ niệm 3 năm ông Truyển bị bắt. Bà nói Việt Nam là đối tượng vận động hàng đầu của APHR vì Việt Nam đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN.
“Hôm qua chúng tôi đã gửi là thư chung đến Thủ tướng của Việt Nam, và chúng tôi rất vui được thông báo là hơn 65 nghị sĩ từ 28 quốc gia đã ký. Lá thư kêu gọi Thủ tướng trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Nguyễn Bắc Truyển, và tất cả những người hiện đang bị giam cầm chỉ vì do thực thi một cách ôn hòa các quyền con người gồm cả quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng. Lá thư cũng kêu gọi Việt Nam bảo đảm tất cả tổ chức tôn giáo được thực thi quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, và không bị đe dọa, tra tấn, ngược đãi, bắt bớ hoặc tù giam vì hành đạo ôn hòa.”
Giáo sư Heiner Bielefeldt, Báo Cáo Viên Đặc Biệt của Liên Hiệp Quốc về Tự do Tôn giáo hoặc Niềm tin từ năm 2010 đến 2016, đã cập nhật về tình hình của ông Truyển trong buổi hội luận:
“Ông Truyển hiện vẫn đang thi hành bản án tù giam, tại một trại giam rất xa gia đình. Có một thời gian ông cũng không được liên lạc với bên ngoài. Vợ ông cũng bị quấy rối, và bị ngăn cản quyền đi lại. Những người bảo vệ nhân quyền thường bị cho là người của “thế lực thù địch bên ngoài”. Đây là ngôn từ mà nhiều chính quyền dùng, kể cả Việt Nam. Cho tôi nói, tôi không nghĩ ông làm việc cho “thế lực thù địch bên ngoài”. Ngược lại, ông đang phục vụ cho nước Việt Nam. Ông là người yêu nước.”
Trong buổi sinh hoạt trực tuyến, một trong chuỗi hội luận kéo dài 3 tuần của BPSOS, Giáo sư Ahmed Shaeed, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Tự do Tôn giáo hay Niềm tin, cho rằng, tình hình nhân quyền Việt Nam trong nhiều năm nay không có một thay đổi gì đáng kể.
“Về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, tôi không muốn khi phải nói là nó không có gì thay đổi so với nhận xét 6 năm về trước của người tiền nhiệm của tôi. Ông đã nói trong báo cáo là khả năng sinh hoạt ôn hòa và tự do của các nhóm không có đăng ký mới là phép thử cho sự cải thiện về quyền tự do đó tại Việt Nam. Chúng ta đều biết, việc đó đã không xảy ra. Luật (tôn giáo) có hiệu lực từ 2 năm nay có thể đã có một số bước tiến, nhưng những nhóm chưa đăng ký thì bị đẩy vào tình trạng lấp lửng. Họ không thể sinh hoạt khi chưa đăng ký, và không thể đăng ký khi chưa sinh hoạt ít nhất 5 năm.”
Ông cũng cho rằng, những điều kiện đăng ký quá nặng nề và siết chặt quyền tự do tôn giáo thay vì tạo điều kiện cho người hành đạo.Tuy những quyền tự do không được mở rộng, ông nói, môi trường hoạt động cho nhân quyền có thay đổi, và ông ví nó như là một dàn nhạc, trong đó, mỗi người, mỗi tổ chức đóng một vai trò.
“Nó bao gồm những nhóm người lập hồ sơ dẫn chứng những vi phạm nhân quyền, những nhóm theo dõi đà phát triển hay thụt lùi về các quyền này, nhóm thì thương lượng với chính quyền để cải thiện phong độ và kỷ lục của họ, nhóm thì làm việc với những đồng minh trong nước đề xây dựng khả năng của họ, vận động họ, vạch mặt những người vi phạm, dùng biện pháp ngoại giao hoặc quỹ phát triển, những luật lệ trong phạm vi có thể, kể cả biện pháp chế tài.”
Nói đến biện pháp chế tài, nhiều diễn giả cho rằng đạo luật Magnitsky toàn cầu là công cụ mạnh mẽ nhất của giới đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam.
Ông Robert Berschinski của tổ chức Human Rights First, một tổ chức với mục đích thúc đẩy chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ bắt nguồn từ cam kết mạnh mẽ về nhân quyền, cho biết Hoa Kỳ đã dùng đạo luật Magnitsky đối với 207 trường hợp từ 25 quốc gia, trong đó, 72 trường hợp liên quan đến những vi phạm nhân quyền, và 121 trường hợp liên quan đến tham nhũng.
Cho dù Hoa Kỳ chưa dùng đạo luật Magnitsky đối với quan chức Việt Nam, vì đạo luật này không bắt buộc Hoa Kỳ phải áp dụng nó khi có bằng chứng vi phạm nhân quyền, ông vẫn cho rằng, việc thu thập hồ sơ với đầy đủ dẫn chứng cụ thể là một việc thiết yếu để một chính quyền như Hoa Kỳ có đầy đủ dữ kiện khi muốn áp dụng biện pháp chế tài.
Chính việc này đang được nhiều cộng đồng Việt Nam trên thế giới, như tại Canada và Úc, vận động rầm rộ.
<i>"Tôi đã gặp nhiều người dũng cảm như ông Truyển. Những người này đã chấp nhận rủi ro nhiều để đấu tranh cho nhân quyền cho dân của họ. Và tôi mong rằng chính quyền Việt Nam biết quý việc họ làm vì nó là một sự cống hiến cho quốc gia." TS. Heiner Bielefeldt</i>
Giáo sư Heiner Bielefeldt cho rằng biện pháp chế tài không thể thay thế cho sự quan tâm hàng ngày, những hành động kiên trì do những người đấu tranh, như những lá thư gửi đến dân biểu, đến quốc tế, để các tù nhân lương tâm không bị bỏ quên trong tâm thức của thế giới. Theo ông, những hành động tuy đơn giản này, luôn luôn nhất quán hơn là các biện pháp chế tài.
Ông kể lại, vào năm 2014 khi ông có dịp thăm Việt Nam trong một chuyến làm việc chính thức của Liên Hiệp Quốc, ông đã có dịp gặp ông Truyển. Ông kể lại, đây là lần duy nhất trong vai trò là Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc mà ông phải chấm dứt cuộc gặp gỡ vì sự đe dọa của công an trong lúc đó.
“Tôi đã gặp nhiều người dũng cảm như ông Truyển. Những người này đã chấp nhận rủi ro nhiều để đấu tranh cho nhân quyền cho dân của họ. Và tôi mong rằng chính quyền Việt Nam biết quý việc họ làm vì nó là một sự cống hiến cho quốc gia.”
Hội luận vào hôm 14/8 kết thúc 3 tuần sinh hoạt trực tuyến của BPSOS dẫn đến ngày 22 tháng 8, là ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn Nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin. Từ năm 1992, BPSOS tổ chức chương trình “Ngày Vận Động cho Việt Nam,” quy tụ hàng trăm người hoạt động cho nhân quyền tại Washington DC, nhằm vận động ngành lập pháp Hoa Kỳ.