Cần có chế tài với những Chủ tịch tỉnh ‘lờ’ quyết định của tòa án!

0:00 / 0:00

Bộ Tư pháp Việt Nam mới đây đưa ra một báo cáo gửi tới Quốc hội cho biết các Chủ tịch và Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) ở nhiều thành phố của Việt Nam thường không thi hành lệnh triệu tập của tòa đến các phiên xử án hành chính, và thường ủy nhiệm cho cấp dưới làm thay.

Theo báo cáo, sau khi luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016 tới nay, Chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho Phó chủ tịch tham gia tố tụng, sau đó phó chủ tịch cũng chưa từng tham gia bất cứ phiên đối thoại hay phiên tòa nào.

Giải thích rõ hơn về luật Tố tụng hành chính, Luật sư Đặng Trọng Dũng, thuộc Văn phòng luật sư Đặng Dũng & Ninh Hòa từ Sài Gòn cho hay:

“Căn cứ theo Tố tụng hành chánh mới có cách đây 2 năm, khi Ủy ban hay Chủ tịch Ủy ban Nhân dân của cấp nào đó bị người dân hay tổ chức kiện thì họ chỉ có thể ủy quyền cho một cấp phó tham dự phiên tòa. Trước đây họ có thể ủy quyền cho bất cứ ai và điều này đã được sửa đổi lại bởi Luật Tố tụng hành chánh bây giờ. Đây là một điều rất tiến bộ.”

Dưới góc nhìn cá nhân, ông Hai Lúa, hiện đang sống tại Cần Thơ nhận xét về việc các Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND không tham dự các triệu tập của tòa đến các phiên xử án hành chính như sau:

“Cán bộ phủ bênh phủ, huyện bênh huyện, cán bộ huyện lên tỉnh trốn dân thì trên tỉnh không nói gì, cán bộ xã lên huyện người ta cũng không nói gì, trốn được thì trốn. Cán bộ làm trật với dân rồi bây giờ cấp trên bất quá khai trừ đảng, dân chịu thiệt thòi thôi, mấy ông bênh nhau lẩn trốn trách nhiệm, tạm thời vắng mặt, hết vụ đó trở lại bình thường như không có gì. Giả tỉ mấy ông ở xã có chuyện gì thì điều lên huyện, huyện thì điều lên tỉnh, không có gì lạ, ở đây có vậy thôi.”

Báo cáo của Bộ Tư pháp cũng cho biết tại một số địa phương, các Chủ tịch và Phó chủ tịch được ủy quyền còn gửi văn bản đến tòa án đề nghị được vắng mặt trong tất cả các hoạt động tố tụng mà tòa triệu tập. Lý do thường được đưa ra là các chủ tịch và phó chủ tịch ở các thành phố lớn như Hà Nội rất bận và khó sắp xếp lịch để dự tòa.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, trước tình trạng vừa nêu, chính phủ Hà Nội đang có hướng sửa lại luật Tố tụng hành chính hiện nay. Ông nói thêm:

“Khi xây dựng Luật Tố tụng hành chính là muốn người đứng đầu tham gia vụ kiện để họ trả lời vụ án đó nhưng theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, Ủy ban Nhân dân tỉnh là người bị kiện mà không chịu đến tòa thì bị bất lợi, có nhiều bản án bị hủy. Luật đã quy định thì họ phải sắp xếp để tham gia, nếu nơi nào không tham gia thì sẽ bất lợi cho Ủy ban Nhân dân tỉnh đó theo quy định của Luật Tố tụng hành chính ở Điều 61.”

Với kinh nghiệm từng tham gia những vụ người dân khiếu nại chính quyền, Luật sư Đặng Trọng Dũng cho biết việc lãnh đạo cấp cao ở Ủy ban Nhân dân các cấp không tham dự khi tòa mời hòa giải hay lấy lời khai không có mặt mà chỉ gửi văn bản là khá phổ biến.

Trong trường hợp này, phía Ủy ban gặp bất lợi không phải chỉ trên lý thuyết luật định mà Luật sư Nguyễn Văn Hậu vừa nhắc đến, mà còn diễn ra trong thực tế. Luật sư Đặng Trọng Dũng cho hay:

Công an và lực lượng dân phòng, ảnh minh họa
Công an và lực lượng dân phòng, ảnh minh họa (AFP Photo)

“Những ủy ban nào ở cấp nào không tuân thủ Luật Tố tụng hành chánh một cách đầy đủ thì tôi nghĩ đây là một điều lợi cho người dân bởi vì Hội đồng xét xử thường là cấp cao hơn Ủy ban Nhân dân quận, huyện, như vậy cấp thành phố là cao hơn và không bị ảnh hưởng bởi quan chức ở dưới phường xã. Nếu người dân đi kiện cấp nào ví dụ như quận, huyện, phường mà cấp bị kiện có Chủ tịch không tuân thủ tố tụng hành chánh thì tôi thấy thường họ bị xử thua chứ không thể xử thắng. Bởi vì anh (Chủ tịch UBND) đã sai Luật Tố tụng hành chánh như thế thì người dân và luật sư bảo vệ cho người đi kiện nêu lên, Hội đồng xét xử cấp thành phố đã biết những cơ quan, những quận huyện nào hay ra quyết định xử phạt bậy bạ hoặc hành vi sai trái với người dân bị lên blacklist (danh sách đen) nên Hội đồng xét xử dễ dàng đi đến kết luận có lợi cho người đi kiện.”

Vẫn trong báo cáo của Bộ Tư pháp, từ năm 2017 đến 2019, số lượng bản án mà người thi hành là các UBND, Chủ tịch UBND các cấp và cơ quan hành chính nhà nước, chỉ chiếm 68% trong tổng số 1.052 bản án phải thi hành.

Trong 10 tháng đầu năm 2020, số bản án mà các cơ quan hành chính nhà nước phải thi hành (bao gồm cả án tồn đọng) là 716 vụ nhưng tỷ lệ bản án được thi hành xong là 244 vụ, chiếm 34%.

Trước những con số thống kê vừa nêu, Luật sư Đặng Trọng Dũng nêu ra nguyên nhân vì sao cơ quan công quyền không chấp hành thi hành án theo phán quyết của tòa:

“Luật Hành chánh Việt Nam và các luật của việt Nam hiện nay không có những điều khoản chế tài một cách nghiêm khắc. Chính vì vậy có nhiều việc vi phạm tố tụng của các cơ quan chức năng nhà nước, kể cả cán bộ nhà nước.”

Do đó, để khắc phục tình trạng nêu trên, Luật sư Đặng Trọng Dũng đề nghị:

“Tôi nghĩ phía Liên đoàn Luật sư khi sửa đổi các bộ luật đó cần phải đề nghị chế tài đối với các cá nhân, tổ chức có những hành vi vi phạm tố tụng từ nhỏ đến lớn thì mới bảo vệ cho người dân một cách đầy đủ.”

Còn ông Hai Lúa, người dân ở Cần Thơ lại cho rằng dù có chỉnh sửa thế nào thì những sai phạm của cán bộ, tổ chức vi phạm vẫn không thể được giải quyết triệt để với lý do được nêu ra:

“Việt Nam bây giờ vấn đề luật lệ thì muốn làm thì làm, không làm thì thôi. Mấy ông đứng ngồi trên luật, ra luật chỉ cho dân chứ cán bộ không tính theo luật được, cán bộ, đảng viên ngồi trên luật, muốn thì làm, không thì thôi. Như vậy dân chịu thiệt. Giờ mấy ông giao tùm lum luật đọc không hết, kêu bằng rừng luật nhưng xử ra luật rừng.”

Báo Nhà nước Việt Nam dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp cho biết đã có kiến nghị kiểm điểm xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp được xác định rõ có hành vi chậm thi hành án hành chính.