Một nét đẹp văn hóa
Mặc Lâm : Thưa Tiến Sĩ, Ngày 23 Tháng Chạp mở đầu cho một chuỗi ngày hội Tết Nguyên Đán của dân tộc bằng sự lặp lại sự tích Táo Quân trong nhà bếp của mỗi gia đình. Câu chuyện thần thoại cảm động này vẫn được lặp đi lặp lại hàng năm mỗi khi Tết đến. Là người nghiên cứu Hán Nôm, xin Tiến Sĩ cho biết nội dung câu chuyện của ba vị này theo cách kể của dân gian mà người dân ở nơi này hay nơi khác lại có nội dung khác nhau. Xin bắt đầu bằng nhân vật Trọng Cao …
TS Nguyễn Xuân Diện : Sự tích Táo Quân được người Việt Nam truyền khẩu, rồi ghi chép, mà có thể tóm lược nội dung như thế này: Có một người đàn ông tên Trọng Cao, vợ tên là Nhi, và hai vợ chồng ăn ở với nhau rất lâu nhưng không có con nên sinh ra buồn phiền và hay cãi cọ nhau. Một hôm ông Trọng Cao giận quá đánh vợ, bà vợ bỏ nhà ra đi và sau đó gặp và bằng lòng lấy một người đàn ông khác là Phạm Lang làm chồng. Khi Trọng Cao hết giận vợ mới nghĩ lại là mình có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm thì tiền bạc mang theo đều tiêu hết cho nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.
Trọng Cao tình cờ đến ăn xin ở nhà Phạm Lang thì Trọng Cao và bà Nhi nhận ra nhau và bà Nhi rước Trọng Cao vào nhà. Hai người kể lại câu chuyện xưa và bà vợ tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng. Bấy giờ ông Phạm Lang bỗng quay trở về nhà khiến bà Nhi lo sợ người chồng bắp gặp Trọng Cao nơi đây thì khó mà giải thích cho nên bà Nhi mới bảo Trọng Cao chui vào ẩn mình trong đống rơm ngoài vườn.
Phạm Lang về nhà liền đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng, còn Trọng Cao thì không dám chui ra nên bị thiêu chết. Bà vợ trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao bị chết theo sự sắp đặt của mình nên đã nhào vào đống lửa đang cháy để chết theo. Khi Phạm Lang ra vườn thấy tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết cũng không biết phải làm sao, rồi cũng nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.
Linh hồn cùa ba người được lên thượng giới và Thượng Đế cho rằng ba người đều có nghĩa cho nên sắc phong cả ba làm Táo Quân, gọi chung là Định Phúc Táo Quân nhưng mỗi người giữ một việc. Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp danh hiệu Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân. Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa danh hiệu Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần. Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa danh hiệu Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.
Tôi cho rằng tục cúng Ông Táo nếu được làm đúng cách hòa tâm lý của mình một cách trọn vẹn vào trong nghi lễ này thì lễ cúng Ông Táo là một nét đẹp rất nên duy trì. <br/>TS Nguyễn Xuân Diện <br/>
Đây là một truyền thuyết rất lâu đời trong dân giân Việt Nam và người dân cứ đến ngày 23 tháng Chạp thì làm một lễ để tiễn Táo Quân lên Trời, bởi vì họ cho rằng đến ngày 23 tháng Chạp thì các ông bà Táo sẽ cưỡi một con cá chép lên Thiên Đình để báo cáo về việc ăn ở của gia đình nhà chủ trong vòng một năm qua.
Mặc Lâm : V âng , x in được ngắt lời Tiến Sĩ một chút ở chỗ này. Ông vừa nói là 3 vị Táo Quân cưỡi chung một con các chép để về Trời, mà chúng ta đều biết cá chép thì không thể nào bay được, vậy tại sao người xưa lại chọn cá chép để chở ba vị Táo Quân lên chầu Thượng Đế, mà không chọn chim hạc hay chim phụng, hay b ấ t cứ loài chim nào khác, thưa Tiến Sĩ?
TS Nguyễn Xuân Diện : Con cá chép ở đây là cá chép vàng, là một loài động vật quý sống trên Thiên Đình, nhưng vì vi phạm một lỗi nào đó cho nên bị Thượng Đế đày xuống trần gian để tu hành và chuộc lại tỗi lỗi do mình gây ra. Sau khi tu thành chánh quả thì cá chép hóa thành rồng bay lên trời. Vì vậy ông Táo do Thượng Đế phái xuống trần thế theo dõi loài người để xem ai là thiện ai là ác, cho nên khi ông Táo lên Thiên Đình để tâu với Thượng Đế về chuyện trần gian thì phải cưỡi cá chép mới có thể bay lên Thiên Đình, bởi vì con cá chép đã thông tỏ đường đi nước bước trên Thiên Đình rồi.
Những lễ vật cần có
Mặc Lâm : Xin Tiến Sĩ cho biết ông cha chúng ta khi làm lễ tiễn đưa ông Táo về Trời thì lễ vật gồm có những thứ gì và những thứ đó biểu trưng cho điều gì, thưa ông ?
TS Nguyễn Xuân Diện : Các lễ vật dâng lên Ông Táo trong lễ tiễn này, thứ nhất là bộ trang phục của 3 ông bà Táo gồm 3 con cá chép vàng loại nhỏ, còn sống và để trong một bình nước đặt trên bàn thờ cúng Ông Táo. Bây giờ thì ao hồ bị san lấp nhiều quá rồi cho nên mang cá đi thả thì chẳng còn ao hồ để thả nữa, cho nên người ta mới bán 3 bộ trang phục cho Táo Quân có kèm cá chép làm bằng giấy đi chung với bộ trang phục. Khi nào cúng xong thì đem cá đó ra sông để thả. Đây là một nét đẹp phản ánh nhu cầu tâm lý là cầu phúc và phóng sinh. Ngoài ra còn có một miếng thịt lợn luộc, một món canh gì đó, một đĩa muối, và đặc biệt là phải có hoa quả và vàng mã. Và lập riêng một bàn thờ cúng Ông Táo ở khu vực nhà bếp.
Mặc Lâm : Thưa Tiến Sĩ, đối với những người lớn tuổi và những người chủ gia đình thì từ xưa tới nay vẫn nghĩ rằng tục lệ đưa Ông Táo về Trời là một phong tục tập quán rất đẹp cần duy trì . Thế nhưng, đối với lớp trẻ thì họ có những tư tưởng ngược lại. Có nhiều người cho rằng đó là một sự phung phí tiền bạc và thì giờ vì nó có vẻ mê tín dị đoan. Tiến Sĩ giải thích ra sao về những ý kiến như vậy ạ?
TS Nguyễn Xuân Diện : Tôi cho rằng tục cúng Ông Táo nếu được làm đúng cách hòa tâm lý của mình một cách trọn vẹn vào trong nghi lễ này thì lễ cúng Ông Táo là một nét đẹp rất nên duy trì. Bởi vì thứ nhất nó thể hiện một tâm lý là đến ngày 23 tháng Chạp, tức là trước Tết có 7 ngày thôi, là người ta có những giây phút để chiêm nghiệm lại một năm vừa rồi. Khi người ta nghĩ đến Ông Táo lên chầu Trời là người ta nghĩ đến một năm qua trong nhà có những việc gì, làm được những điều gì tốt, những điều gì xấu, và có công như thế nào, có tội như thế nào.
Bây giờ thì ao hồ bị san lấp nhiều quá rồi cho nên người ta mới bán 3 bộ trang phục cho Táo Quân có kèm cá chép làm bằng giấy đi chung với bộ trang phục. <br/> TS Nguyễn Xuân Diện <br/>
Nếu chúng ta làm điều gì sai thì ông bà Táo sẽ lên tâu với Ngọc Hoàng trên Thiên Đình về những khuyết điểm đó. Chúng ta có một thời gian để chiêm nghiệm, hai nữa là nó ẩn tàng ở đây một tâm lý về vấn đề phóng sinh, tức là thả cá và đưa con cá đó trở lại nơi thường sống của nó, đó là thể hiện cái tâm lý phóng sinh.
Và ở đây đặc biệt lễ cúng Ông Táo diễn ra trong nhà bếp, ở đây người ta thấy rằng một người đàn ông nào đó ở trong gia đình mà cả năm không ngó ngàng đến bếp núc thì đến ngày cúng Ông Táo này mà thoáng một chút nghĩ đến bếp núc thì cũng nghĩ đến người vợ, người nội trợ trong gia đình đã vất vả như thế nào trong một năm qua. Và nếu người ta hiểu được sự tích Ông Táo thì càng nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng rất đẹp của câu chuyện này.
Tôi nghĩ rằng không phải bất cứ ai khi sinh ra là có thể biết tất cả mọi chuyện thuộc về phong tục, mà phong tục là một thứ được lưu truyền từ đời này sang đời khác và muốn lưu truyền được thì người ta phải có cách dạy dỗ bằng cách chiêm nghiệm.
Mặc Lâm : Xin cảm ơn TS Nguyễn Xuân Diện đã cho chúng tôi những chi tiết thú vị về câu chuyện ba vị Táo Quân cũng như ý nghĩa của tục lệ thờ cúng này. Trong những ngày cuối năm xin chúc Tiến Sĩ và gia đình có được những ngày chuẩn bị Tết thật thú vị và đầy ý nghĩa của mùa xuân dân tộc.