Nói giá điện ‘có tăng, có giảm’ chỉ để được lòng ‘khán giả’!

0:00 / 0:00

“Giá điện sẽ có tăng, có giảm vào năm 2024 khi Việt Nam có thị trường điện cạnh tranh hoàn toàn và chấm dứt sự can thiệp của Nhà nước vào giá điện.”

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tại phiên giải trình về ‘Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội’ hôm 7 tháng 9 năm 2020.

Theo ông Tuấn, sở dĩ giá điện có tăng, có giảm do theo cơ chế giá đầu vào, giá thành sản xuất... trên cơ sở công khai, minh bạch theo quy luật của thị trường với sự cạnh tranh bình đẳng của các thành phần tham gia thị trường điện.

Ông Trần Tuấn Anh đưa ra thông tin vừa nêu khi Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Hoàng Quang Hàm chất vấn ngành điện đã 9 lần điều chỉnh giá điện bán lẻ từ năm 2011 đến nay, nhưng cả 9 lần đều tăng chứ không giảm giá điện và khi nào mới có thể bàn chuyện giảm giá điện?

“Không thể có tăng, có giảm”

Điều Bộ trưởng công thương trả lời Thường vụ Quốc hội chỉ là 'được lòng khán giả', và chỉ là trả lời theo nguyên lý thôi, chứ thực tế không thể xảy ra.<br/>-PGS. TS. Ngô Trí Long

Có mặt trực tiếp tại phiên giải trình, Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 8 tháng 9 năm 2020, liên quan vấn đề này nhận định:

“Với quan điểm cá nhân tôi là xu hướng của thế giới là giá điện không bao giờ giảm, hầu như các nước đều tăng. Hôm ấy tiếc rằng thời gian quá ít nên tôi không hỏi, không chất vấn, chứ nói giá điện có tăng có giảm thì khó. Giá xăng dầu có tăng có giảm vì nói phụ thuộc quan hệ cung cầu, phụ thuộc sản lượng, phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Nhưng giá điện thì đầu vào luôn luôn là tăng, mà thu nhập cao, đầu vào cao thì chắc chắn điều kiện đó không có tính khả thi. Mặc dù quyết định của Thủ tướng chính phủ có nói là điều chỉnh giá bán lẻ điện 6 tháng một lần, có tăng có giảm, nhưng cái kỳ vọng giảm thì theo tôi không bao giờ có, xu hướng thế giới không bao giờ xảy ra. Cho nên điều Bộ trưởng công thương trả lời Thường vụ Quốc hội chỉ là ‘được lòng khán giả’, và chỉ là trả lời theo nguyên lý thôi, chứ thực tế không thể xảy ra.”

Tại phiên giải trình Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng không phải lỗi ngành điện, từ năm 2011 đến nay chính phủ chưa cân đối được giá thành sản xuất điện của EVN và các nhà sản xuất khác, các yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất điện luôn tăng chứ chưa giảm. Theo Luật giá, quy định biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng phê duyệt.

Giải thích về thời điểm năm 2024, Việt Nam thực sự có môi trường điện cạnh tranh hoàn toàn, ông Tuấn Anh cho biết đến nay môi trường phát điện cạnh tranh đã hoàn chỉnh, 94 nhà máy điện đã tham gia thị trường này, hiện đang thí điểm bán lẻ điện cạnh tranh đến năm 2024 là hoàn chỉnh.

“EVN định giá là vi hiến”

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thời gian qua, Bộ Công Thương cũng như EVN mặc dù mong muốn xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường nhưng theo Luật Giá, Nhà nước phải điều tiết giá, hỗ trợ cho các đối tượng xã hội, người nghèo. Từ năm 2011 đến năm 2020, EVN đã thực hiện thị trường điện cạnh tranh, nhưng trên thực tế, người sử dụng điện vẫn chưa có cơ hội được hưởng cơ chế giá thị trường.

Giá điện hiện nay của Việt Nam có là giá thị trường chưa?

Ảnh minh họa: Công nhân EVN tại Sơn La.
Ảnh minh họa: Công nhân EVN tại Sơn La. (Reuters)

Theo Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, hiện nay điện là lĩnh vực độc quyền, mà đã là độc quyền thì nhà nước phải kiểm soát. Mà nếu nhà nước kiểm soát không sát giá thị trường thì sẽ gây bất ổn. Vì nếu giá quá thấp thì nhà sản xuất điện bị lỗ sẽ không sản xuất, ngành điện sẽ không phát triển. Nhưng nếu cao quá thì thiệt hại cho người tiêu dùng. Ông nói tiếp:

“Có một điều tôi thấy chưa chuẩn ở chỗ này, cái quyết định 24 của thủ tướng là có cho 6 tháng 1 lần, nếu điều chỉnh từ 3 đến 5% thì do EVN quyết định, từ 5 đến 10% thì do chủ thể Bộ Công thương quyết định, và trên 10% thì báo cáo chính phủ... Nhưng điều đó là vi hiến, không đúng với luật giá, đó là đối với lãnh vực độc quyền thì không bao giờ cho doanh nghiệp độc quyền tự định giá, cái đấy là hoàn toàn không đúng. Hiện nay nhiều người cứ cho rằng nhà nước định giá thì đó không phải giá thị trường là hoàn toàn không chuẩn xác... Giá hiện nay là giá thị trường, nhà nước tính sát với giá thị trường. Tại sao như vậy, vì nhà nước theo cơ sở chi phí hợp lý, tính đúng tính đủ... cộng với mức lãi... đó là giá thị trường.”

Cũng tại phiên giải trình về ‘Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội’, Bộ Công Thương đề xuất 5 giải pháp đảm bảo cung ứng điện trong 5 năm tới: Thứ nhất ưu tiên bổ sung các nguồn điện gió, điện mặt trời vào vận hành giai đoạn 2021-2025. Thứ hai, bổ sung thêm các nguồn điện khí sử dụng LNG. Thứ ba, tăng cường nhập khẩu điện từ Lào, xem xét nhập khẩu thêm điện năng từ Trung Quốc. Thứ 4, bổ sung và xây dựng lưới điện đồng bộ để giải phóng công suất các nguồn điện. Và cuối cùng, Bộ Công thương đưa ra các giải pháp khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả...

Tuy nhiên với ưu tiên số một bổ sung các nguồn điện gió, điện mặt trời vào vận hành, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại phiên giải trình lại cho rằng: ‘Điện than gần đây bị quay lưng còn điện mặt trời, điện gió được ủng hộ, nhưng loại hình này đang mang tính phong trào’. Tuy nhiên ông Hiển dù ủng hộ điện than lại không nêu lên vấn đề ô nhiễm do điện than gây ra.

Nếu điều chỉnh từ 3 đến 5% thì do EVN quyết định, thì điều đó là vi hiến, không đúng với luật giá, đó là đối với lãnh vực độc quyền thì không bao giờ cho doanh nghiệp độc quyền tự định giá.<br/>-PGS. TS. Ngô Trí Long

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với RFA cho rằng:

“Hiện tại phát triển điện của Việt Nam có khả năng sắp tới sẽ khó khăn, có khả năng sẽ thiếu điện, nên sẽ có hướng phát triển để cung cấp đủ điện thì phải sử dụng đầy đủ các nguồn nguyên liệu sơ cấp mà phần lớn có ở Việt Nam. Trước đây tính nhiệt điện than chiếm tỷ lệ cao nhất, vì giá thành nhiệt điện than được cho là rẻ nhất sau thủy điện, vì chưa tính những ô nhiễm do nhiệt điện than gây nên. Cho nên nếu tính cả cái đấy vào thì giá nhiệt điện than không còn rẻ như trước nữa.”

Theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, hiện nay ở Việt Nam chưa thống nhất việc sẽ sử dụng loại nguyên liệu năng lượng sơ cấp nào là ưu tiên, trong các loại như điện than, năng lượng tái tạo, thủy điện hay khí… Nhưng theo ông, rõ ràng là phải sử dụng hợp lý các loại năng lượng sơ cấp hiện có tại Việt Nam.

Từ Hà Nội, Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam, hiện là Phó chủ tịch Hội điện lực Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2022, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, cho biết thông tin liên quan vấn đề này:

“Nhà máy điện than gây tác động xấu về môi trường, thực hiện kế hoạch giảm dần vai trò của nhiệt điện than trong cân bằng điện năng của Việt Nam, thay vào đó sẽ ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo mặt trời và gió ở Việt Nam, tôi nghĩ đây là một kế hoạch hợp lý. Chủ trương hiện nay của nhà nước thì việc phát triển năng lượng tái tạo mở ra những cơ hội khá lớn, nhà nước đã thúc đẩy khá mạnh mẽ việc phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là của điện mặt trời tại Việt Nam.”

Trở lại với vấn đề giá điện cạnh tranh, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, hiện nay muốn có giá điện cạnh tranh thực sự thì phải tiến tới một thị trường điện cạnh tranh thật sự, thì khi đó mới có thể có.

Trước mắt chưa có một thị trường điện cạnh tranh thật sự, thì với quan điểm cá nhân của mình, Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long cho rằng phải tính giá điện hai thành phần tách biệt nhau: một là giá phát điện, hai là giá điện kinh doanh truyền tải... Thì khi đó mới phản ánh tương đối chính xác giá điện, mới hợp lý. Chứ còn theo cách tính như hiện nay theo ông là chưa sòng phẳng.