Nữ sinh Huế đánh nhau
Trên mạng xã hội Facebook hai hôm nay xuất hiện hai đoạn video clip quay lại hình ảnh một nữ sinh bị một nhóm bạn nữ xông vào đánh, đá tới tấp vào mặt và lột áo. Trong clip còn vang lên tiếng cổ vũ và xúi cởi áo nạn nhân rất lạnh lùng, vô cảm.
Bà Ngô Thị Ái Hương -Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế xác nhận với truyền thông trong nước đó là những học sinh trung học cơ sở ở Huế.
Theo bà Hương, “các em đang ở độ tuổi với những tâm sinh lý bất ổn, suy nghĩ bồng bột nên mới xảy ra sự việc không hay này. Sau khi làm việc với cơ quan công an, các trường sẽ trực tiếp làm việc với những học sinh này để có hình thức xử lý trên cơ sở nghiêm khắc răn đe”.
Tôi không giật mình vì chuyện học sinh đánh nhau. Tôi giật mình vì một hành động tàn bạo như thế lại được quay lại và đưa lên mạng như một thành tích để chứng tỏ mình. Đó thật sự là điều đáng nói. - Phó giáo sư Hoàng Dũng
Phó giáo sư Hoàng Dũng, cũng là một người gốc Huế, chia sẻ với RFA suy nghĩ của ông về sự việc này:
“Tôi không giật mình vì chuyện học sinh đánh nhau. Tôi giật mình vì một hành động tàn bạo như thế lại được quay lại và đưa lên mạng như một thành tích để chứng tỏ mình. Đó thật sự là điều đáng nói.
Thứ nhất, việc học trò đánh nhau có từ xưa nhưng đánh đến mức tàn bạo như bây giờ lại là câu chuyện khác. Thứ hai, chuyện đánh nhau tàn bạo nó lây lan như một thứ dịch, không có chỗ nào an toàn, kể cả Huế, là nơi có truyền thống phụ nữ thùy mị, nết na…
Điều đáng nói là đánh nhau quay phim đưa lên mạng lại trở thành mốt dù lường trước sẽ bị lên án. Nếu là học trò sẽ bị kỷ luật nhưng họ vẫn vui vẻ, sung sướng khi đăng lên. Đó là sự tan rã về đạo đức”.
Chuyện học trò đánh nhau trong trường xưa nay không là chuyện lạ, nhưng chuyện nữ sinh trong độ tuổi sắp làm người lớn mà đánh nhau hoặc cả nhóm hành hung một bạn học một cách dã man là hiện tượng xã hội đáng lưu ý và không thể coi nhẹ.
Hơn nữa, con gái Huế xưa nay được xem là dịu dàng trong ứng xử, trong lời nói. Những nề nếp ấy đã trở thành khuôn phép truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dường như mỗi người con gái Huế đều mang trong mình một nét gì đó rất kín đáo, thùy mị.
Chị Thanh Nhã từ Huế nêu suy nghĩ của mình về hiện tượng nữ sinh đánh nhau vừa qua:
“Với suy nghĩ của một người bình thường chứ chưa phải là một người ở xứ Huế, tôi thấy điều này nó không bình thường. Trước đây, người phụ nữ không thể có những hành vi như vậy, huống chi là một phụ nữ Huế. Tôi nghĩ nó vượt quá những giá trị đạo đức của một con người, chưa nói đó là một nữ sinh.
Con gái Huế, phụ nữ Huế thường được đào tạo trong môi trường giáo dục cũng như môi trường gia đình một đức tính dịu dàng, thùy mị trong cách đi đứng lẫn cách xử sự. Hành vi đánh nhau như vậy nó đi quá xa chuẩn mực đạo đức của một nữ sinh Huế.”
Vì sao?
Đây không phải lần đầu tiên nữ sinh Huế đánh nhau tàn bạo như vậy. Năm năm trước, một video clip được truyền thông Nhà nước loan tải, cho thấy hình ảnh một nữ sinh Trung Học Phổ Thông Bùi Thị Xuân bị một nhóm bạn gái cùng trường xúm vào đánh đấm tới tấp trong lúc những học sinh khác chỉ đứng nhìn.
Khi trả lời báo chí trong nước về sự kiện này, bà Hiệu trưởng Phạm Thị Ngọc Tâm phát biểu rằng: “Đây là tuổi mới lớn, nếu các em không đánh nhau, không xích mích nhau thì không bao giờ các em năng động được.”
Vậy giáo dục có vai trò như thế nào khi nữ sinh ‘thượng cẳng chân- hạ cẳng tay’ với nhau một cách tàn nhẫn như vậy?
Theo Phó Giáo sư Hoàng Dũng, cho dù hành vi đánh nhau của nữ sinh là điều không thể chấp nhận, nhưng không thể đổ lỗi hết cho giáo dục được. Ông giải thích:
Bây giờ cứ tưởng tượng, nhà trường ngày nào cũng dạy học trò những điều tốt đẹp nhưng ngay trong trường và ngay trước cổng trường có những chuyện không tốt đẹp thì học trò sẽ bị ảnh hưởng thôi. - Phó Giáo sư Hoàng Dũng
“Giáo dục cũng có trách nhiệm nhưng một mình giáo dục không giải quyết được. Bây giờ ngoài xã hội mọi thứ được giải quyết ngoài pháp luật vì họ không tin vào pháp luật nữa. Những chuyện như vậy xảy ra đầy rẫy trong xã hội thì làm sao mà có ốc đảo nào miễn nhiễm được?
Bây giờ cứ tưởng tượng, nhà trường ngày nào cũng dạy học trò những điều tốt đẹp nhưng ngay trong trường và ngay trước cổng trường có những chuyện không tốt đẹp thì học trò sẽ bị ảnh hưởng thôi.”
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội, Viện Xã Hội Học ở Hà Nội cho hay, bà rất ngạc nhiên khi nữ sinh Huế, vốn được tiếng thùy mị, dịu dàng lại đánh nhau ngày càng tàn bạo như vậy. Bà nói thêm:
“Đây không phải lần đầu học sinh đánh nhau mặc dù ở Việt Nam có những chương trình của UNICEF hay UNESCO chống bạo lực học đường. Những chương trình này tuy có làm giảm đáng kể bạo lực học đường, tuy nhiên, tình trạng bạo lực họ đường lại ở mức độ đánh nhau tàn bạo hơn - phải dùng từ tàn bạo thì mới đúng. Theo tôi, đây là do ảnh hưởng ngoài xã hội qua phim ảnh hay những video clip người lớn đánh nhau được đưa lên mạng.”
Theo bà Quỳnh Hương, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường, đặc biệt trong lứa tuổi dậy thì. Phần lớn là do sự chuyển biến tâm lý của lứa tuổi này. Nếu bản thân các em không được giáo dục đầy đủ thì các em rất dễ bắt chước những hành vi bạo lực của người lớn xung quanh. Bên cạnh đó là sự thiếu quan tâm của gia đình.
Để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường cần sự phối hợp chặt chẽ giữa học sinh, nhà trường, phụ huynh, chính quyền địa phương và cả xã hội. Bạo lực học đường là vấn đề tồn tại ở Việt Nam nhiều năm qua dường như chưa có hướng giải quyết, dù các cấp lãnh đạo từng đề cập đến.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên vấn đề bạo lực học đường ở mức báo động và yêu cầu ngành giáo dục cùng chính quyền địa phương cần phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện.