Đập thủy điện Sekong A: Việt Nam đang tự bắn vào chân mình bằng cách xây dựng con đập

0:00 / 0:00

Hiện đang có một đập thủy điện được một công ty Việt Nam xây dựng một cách “bí ẩn” ở một địa điểm nhạy cảm đối với kinh tế xã hội hạ lưu sông Mekong: Đập thủy điện Sekong A ở Lào.

Nói đây là một dự án “bí ẩn” vì những thông tin pháp lý cơ bản của dự án hiện vẫn chưa được công khai.

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, đập thủy điện này nằm ở vị trí có thể phá hoại nghiêm trọng nghề cá ở Campuchia và đẩy nhanh tốc độ lún ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Dù các bên chịu ảnh hưởng của dự án này đang quan tâm đặc biệt đến tiến độ của nó, dự án không rõ ràng về tình trạng pháp lý này hiện đã sắp hoàn thành. Theo hình ảnh vệ tinh do TS. Brian Eyler , Giám Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Chương trình Năng lượng, Nước và Bền vững tại Stimson Center, một think tank ở Washington DC, công bố hôm 14 tháng 2 năm 2023, đập thủy điện này hiện đã vượt qua giữa dòng sông Sekong A.

RFA phỏng vấn TS. Brian Eyler về dự án thủy điện này.

Thời điểm để Việt Nam hành động trước khi quá muộn

RFA: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn về đập Sekong A. Ông cho rằng đây là vấn đề cấp bách đối với cả Campuchia và Việt Nam, và Việt Nam cần khẩn cấp hành động trước khi quá muộn. Xin ông chia sẻ một quan điểm toàn diện về dự án này.

Brian Eyler: Hiện nay đang có sự thay đổi một số vị trí lãnh đạo Chính phủ ở Việt Nam. Đồng thời ở Việt Nam cũng xuất hiện một số cáo buộc liên quan đến các dự án thủy điện khác nhau và các hoạt động tham nhũng. Bạn biết đấy, đây có thể là thời điểm cần hành động để có thể trì hoãn hoặc dừng việc xây dựng đập Sekong A.

RFA: Tại sao lại có mối liên hệ giữa việc chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay với khả năng dừng dự án Sekong A?

Brian Eyler: Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam người ta đã đưa ra ánh sáng việc một số nhà lãnh đạo có liên hệ với các doanh nghiệp Nhà nước. Điều đó đã rõ rồi. Nhưng cũng có những lãnh đạo khác có những sở thích kinh doanh khác. Chúng ta đã biết được rất nhiều về điều đó trong vài tháng qua.

Chúng tôi không biết chắc chắn, nhưng tôi nghĩ có thể có một số giả định rằng một số lãnh đạo trong mạng lưới lãnh đạo cũng có liên quan đến các dự án ở nước ngoài.

Tôi đã đọc một số phân tích từ Việt Nam về đập Luang Prabang ở Lào. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ban đầu có cổ phần trong con đập đó. Nhưng bây giờ đang hình thành một ban lãnh đạo mới ở Việt Nam, và ban lãnh đạo mới đã hành động để Petro Vietnam không còn nắm giữ cổ phần trong con đập đó nữa. Như vậy không còn phần vốn góp của Việt Nam trong đập Luang Prabang.

Vì vậy, chúng ta có thể hy vọng mặc dù dự án Sekong A được khởi đầu là một dự án của Việt Nam, nhưng có thể hy vọng sẽ có một thỏa thuận tương tự với đập Luang Prabang. Có lẽ đập Sekong A cũng sẽ bị đưa vào tầm ngắm của chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam.

RFA: Nhưng nhà đầu tư chính của dự án đập Sekong A là một công ty tư nhân, Hoàng Anh Gia Lai. Đó là công ty tư nhân, không phải công ty Nhà nước. Tại sao nó lại có mối liên hệ với tham nhũng trong nhà nước?

Brian Eyler: Tôi nghĩ rằng vốn chủ sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai đã được thanh lý và hiện tại nó thuộc sở hữu của một công ty khác khi Hoàng Anh Gia Lai được tái cấu trúc vài năm trước. Tôi nghĩ chúng ta có thể kiểm chứng được ai là chủ đầu tư thực sự của dự án Sekong A. Điều đó là khả thi. Đó có thể thực sự là Hoàng Anh Gia Lai. Hoàng Anh Gia Lai không phải là nhân vật xa lạ gì với vấn đề sông Mekong.

RFA: Họ sở hữu rất nhiều đập ở Lào.

Brian Eyler: Đúng vậy. Ở đây, vấn đề là toàn bộ tình hình xung quanh con đập này trong quá trình tiến triển của dự án là rất mơ hồ. Có một sự thiếu minh bạch rất lớn ở đây.

Điều này có thể không quá quan trọng trong một tình huống khác nếu con đập không quá rủi ro. Nhưng đây là một dự án cực kỳ rủi ro với tác động sâu sắc có thể xảy ra đối với nghề cá trong toàn bộ hệ thống sông Mekong, bao gồm một số nghề liên quan đến ngư nghiệp và những hậu quả đối với Đồng bằng sông Cửu Long cũng như toàn bộ Việt Nam.

Vì vậy, theo nhiều cách, tôi gọi dự án này là một hồi chuông báo tử cho nghề cá trên sông Mekong. Và theo nhiều cách, Việt Nam đang tự bắn vào chân mình bằng cách xây dựng con đập này ở Lào.

Và một lần nữa, cấu trúc của truyền thông tri thức, cung cấp tin tức, cũng như thông tin về quyền sở hữu của dự án đập Sekong A rất mơ hồ.

Tôi nghĩ có lý do để tin rằng ngay cả trong tình trạng hiện tại của con đập (đã được khởi công và xây dựng phần lớn) thì con đập đang được xây dựng trái phép.

000_1LV8F1.jpg
Ngư dân Thái Lan bắt cá trên dòng sông Mekong ở tỉnh Loei, đông bắc Thái Lan. AFP

Nghi vấn đập Sekong A được xây dựng trái phép

RFA: Ông nói có khả năng con đập này được xây dựng trái phép. Xin ông giải thích.

Bryan Eyler: Không ai tìm thấy các tài liệu cần phải được công khai của con đập này. Khi một con đập được xây dựng ở Lào, nó cần một thỏa thuận nhượng quyền được ký kết, về cơ bản, đó là hợp đồng giữa chủ sở hữu đập và chính phủ, cụ thể là Bộ Năng lượng và Khai thác Mỏ của Lào. Không ai biết hiệp định sang nhượng đã được ký kết hay chưa.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy con đập đang được xây dựng rất nhanh. Việc xây dựng đã bắt đầu từ hơn hai năm trước. Để con đập đến được giai đoạn phát triển này, một thỏa thuận nhượng quyền phải được ký kết.

Và sau đó chính phủ Lào cũng phải thông báo cho Ủy hội sông Mekong (the Mekong River Commission.) Nhưng từ các cuộc thảo luận của chúng tôi với các chủ thể chính trong khu vực sông Mekong, không ai rõ liệu Ủy hội sông Mekong có được thông báo hay không.

Chúng tôi biết điều này vì các chủ thể khác ở hạ lưu, chẳng hạn như Ủy ban sông Mê Kông Quốc gia Campuchia đã nhiều lần hỏi Ủy hội sông Mekong về tình trạng phát triển của đập Sekong A ở Lào. Và Ủy hội sông Mekong vẫn chưa đưa ra câu trả lời chính thức cho Ủy hội sông Mekong Quốc gia Campuchia.

Các cuộc thảo luận của tôi với các chủ thể chính ở Campuchia cho thấy Campuchia quan ngại sâu sắc về sự phát triển của dự án này và tiến độ của dự án này. Họ quan ngại đến mức đang đưa ra yêu cầu đối với Ủy hội sông Mekong.

RFA: Nếu dự án đập thủy điện Sekong A bị xây dựng trái phép, một số thực thể ở Campuchia và Lào có thể kiện chủ đầu tư của dự án hay không? Nếu họ muốn kiện chủ đầu tư thì kiện ở đâu, kiện những gì và nếu kiện thì sẽ ra sao?

Bryan Eyler: Tôi không nghĩ đó là vấn đề có thể xử lý ở phòng xử án. Điều cần làm là Bộ Năng lượng và Mỏ của Chính phủ Lào hoặc các thực thể trên cần xem xét lại liệu các quy trình pháp lý liên quan đến con đập này có được tuân thủ hay không. Và các nhà chức trách ở Lào cần có những hành động thích hợp để ngăn chặn hoặc trì hoãn việc xây dựng con đập này nếu nó đang được xây dựng bên ngoài giới hạn của luật pháp quốc gia Lào hoặc nỗ lực để đưa nó vào trong giới hạn của luật pháp quốc gia Lào. Điều đó có nghĩa là chính phủ nhận được hiệp định nhượng quyền đã ký kết.

Cùng với các thông tin khác đó, dự án này phải được báo cáo cho chính quyền địa phương những vấn đề liên quan đến tác động môi trường, tác động xã hội cũng như tiến độ xây dựng.

Chúng tôi biết rằng nhà đầu tư đã được phép bắt đầu công việc chuẩn bị cho dự án xây đập, nhưng loại công việc đang được thực hiện hiện nay, với bằng chứng là hình ảnh vệ tinh, cho thấy con đập đang được xây dựng vượt xa công việc chuẩn bị, vốn chỉ là chuẩn bị mặt bằng và tái định cư cũng như các loại công việc ở giai đoạn đầu. Hiện nay con đập này gần như đang được xây dựng trên sông. Và khi dòng sông bị đóng lại, thì con đường di cư của cá sẽ không còn khả thi.

RFA: Ông nói có nhiều thực thể ở Campuchia lo ngại về dự án. Xin cho biết họ là ai, tại sao họ lo ngại và họ cần gì để dừng dự án này?

Bryan Eyler: Họ không làm bất cứ điều gì để ngăn chặn dự án. Họ chỉ đang cố gắng tìm hiểu thêm về nó. Theo hiểu biết của tôi, các chủ thể chính ở Campuchia quan tâm đến dự án đập Sekong A là Ủy ban Quốc gia về Sông Mekong (the Cambodian National Mekong Commission) và Cục Kiểm ngư (the Fisheries Administration).

Ủy ban Quốc gia về Sông Mekong của Campuchia được đặt trong Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng. Ủy ban này đã đưa ra yêu cầu đối với Ủy hội sông Mekong. Ngoài ra, các cơ quan chủ chốt trong Bộ Nông Lâm Campuchia, nơi quản lý Cục Kiểm ngư, trong các cuộc thảo luận với tôi, cũng đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về diễn biến này.

Ngay cả các quan chức ngành năng lượng của Campuchia, những người quan tâm đến nguồn điện cho đất nước và cũng rất ủng hộ nhu cầu phát triển mạnh mẽ của nghề cá trên sông Mekong, cũng đã bày tỏ lo ngại về con đập này.

Nhưng có điều gì đó đang cản trở quá trình tìm hiểu và tạo ra môi trường minh bạch về con đập cụ thể này, và chúng tôi không biết cái gì đã làm cho mọi thứ trở nên bí ẩn như vậy. Nhưng có suy đoán rằng việc đình trệ này liên quan đến việc không có một thỏa thuận nhượng quyền nào được ký kết đối với con đập, và do đó con đập đang được xây dựng bất hợp pháp theo Luật của Lào.

Không ai thấy bản Đánh giá Tác động Môi trường

RRFA: Tôi muốn hỏi về bản Đánh giá Tác động Môi trường và Xã hội của dự án này. Tôi cố gắng tìm bản Đánh giá Tác động Môi trường và Xã hội của dự án này nhưng không thấy.

Ryan Eyler: Chưa ai nhìn thấy nó. Không. Tôi cũng đã hỏi nhưng không thấy.

RFA: Tôi đã hỏi một số đồng nghiệp của tôi ở Lào và Campuchia nhưng họ không có.

Ryan Eyler: Đúng. Và vâng, một lần nữa, các quy trình, tài liệu và việc cung cấp thông tin xung quanh dự án này hoàn toàn không rõ ràng.

Tất nhiên, bạn biết đấy, chúng ta không nên cho rằng nó diễn ra không minh bạch như vậy là do một số lý do bất chính nào đó. Đúng hơn là có thể chúng không được tiết lộ chỉ vì việc tiết lộ thông tin về các đập trên những dòng nhánh của sông Mekong cho công chúng không phải là một phần thông lệ ở Lào.

Nhưng một con đập có tác động lớn như thế này cần phải có sự minh bạch hơn xung quanh nó. Và một lần nữa, bạn biết đấy, chưa nói đến các chính phủ, tình hình khẩn cấp đến mức ngay cả công chúng cũng cần được thông báo về những gì đang xảy ra.

Ý tôi là, con đập này đang được xây dựng ở biên giới với Campuchia, chỉ cách thượng nguồn vài km. Vì vậy, các tác động xuyên biên giới của dự án này không chỉ là những tác động đến hồ Tonle Sap. Nó cách hồ Tonle Sap khoảng 150 km hay 200 km, nhưng chỉ cách vài km về phía hạ lưu. Sẽ có những tác động đáng kể ở Campuchia.

RFA: Về vấn đề tính minh bạch của đập thủy điện Sekong A, ông có biết khách hàng của đập thủy điện này không? Dự án này làm xong thì bán điện cho ai?

Ryan Eyler: Có thể Campuchia là một trong những khách hàng. Và đây là một trong những lý do khiến Campuchia lo ngại vì chính quyền Campuchia không muốn mua điện từ những con đập sẽ làm hỏng hệ thống sông Mekong.

Và điều rất rõ ràng là Campuchia đã trì hoãn, nếu không muốn nói là hủy bỏ, các kế hoạch của họ đối với hai con đập trên dòng chính sông Mekong ở Campuchia. Đây là một phần cam kết của Campuchia trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu. Vì vậy, chúng tôi biết Campuchia cam kết không phá hủy sông Mekong bằng những con đập lớn hơn. Campuchia rõ ràng là rất quan tâm đến những diễn biến của đập Sekong A.

phần tiếp theo, RFA phỏng vấn TS. Bryan Eyler về những tác động môi trường, xã hội và an ninh khu vực mà dự án đập thủy điện Sekong A có khả năng tạo ra một khi được hoàn thành.