Kê khai tài sản là một biện pháp được cho cần thiết trong công cuộc chống tham nhũng. Tuy nhiên chính ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa lên tiếng cho rằng việc kê khai tài sản cán bộ là rất khó và nhạy cảm vì liên quan đến đời tư, bí mật cá nhân.
Mâu thuẫn
Có mâu thuẫn gì trong câu nói đó của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam hiện nay hay không?
Phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng mới nhất về việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức được đưa ra vào ngày 17 tháng 6 năm 2018 trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Và đây là lần đầu tiên ông Trọng thừa nhận việc kê khai tài sản là khó khăn kể từ khi Bộ chính trị vào ngày 23 tháng 5 năm 2017 ban hành quy định kiểm tra, giám sát kê khai tài sản khoảng 1.000 cán bộ và cơ quan giám sát chính là Bộ chính trị, Ban bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Thừa nhận của ông Nguyễn Phú Trọng được nhiều người quan tâm trên mạng xã hội đưa ra nhận định với nhiều hướng khác nhau, có người cho rằng ông Trọng không am hiểu pháp luật, có người cho rằng ông Trọng đã chính thức thừa nhận thất bại trong công cuộc chống tham nhũng.v.v…
Ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng việc kê khai tài sản rất là khó bởi vì nó đụng đến bí mật đời tư. Trong khi đó ông ấy vừa cổ vũ cho việc thông qua luật an ninh mạng, mà đối với công dân, nó tạo cơ sở cho công an vi phạm bí mật đời tư, vi phạm sự riêng tư một cách trắng trợn.<br/>-TS. Nguyễn Quang A
Theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đăng tải trên trang cá nhân, ông Trọng là người giương cao ngọn cờ chống tham nhũng. Tuy nhiên ông lại không hiểu rằng chống tham nhũng là quan trọng nhưng phòng không cho tham nhũng xảy ra còn quan trọng hơn.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cũng cho rằng, việc kê khai và công khai tài sản cán bộ công chức là công cụ hữu hiệu nhất để phòng và chống tham nhũng, nhưng ông lại không muốn dùng đến.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người từng tự ứng cử Đại biểu Quốc hội vào năm 2016, hiện sống tại Hà Nội, đưa ra nhận định:
“Điều rất là mỉa mai là ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư của đảng cộng sản Việt Nam, nói rằng việc kê khai tài sản rất là khó bởi vì nó đụng đến bí mật đời tư. Trong khi đó ông ấy vừa cổ vũ cho việc thông qua luật an ninh mạng, mà đối với công dân, nó tạo cơ sở cho công an vi phạm bí mật đời tư, vi phạm sự riêng tư một cách trắng trợn. Tóm lại khi không muốn làm thì ông ấy lấy lý do vi phạm sự riêng tư. Còn đến khi muốn hủy hoại bí mật đời tư, vi phạm quyền riêng tư (luật an ninh mạng) thì ông ấy rất là ủng hộ. Như vậy ông này là một người không thể tin được.”
Theo nhà báo Trương Duy Nhất ở Đà Nẵng, ông Trọng nói kê khai tài sản khó là trái với quy định của đảng, trái luật bầu cử quốc hội cũng như hội đồng nhân dân các cấp. Ông nói thêm:
“Việc kê khai tài sản thuộc về nguyên tắc bắt buộc chứ không phải khó dễ gì cả. Nói sợ đụng đến bí mật đời tư của công dân thì tôi cho thế là không ổn, vì anh bảo vệ quyền riêng tư của cán bộ công chức trong khi đó quyền riêng tư của người dân thì anh rất xem thường giống như cái luật an ninh mạng vừa rồi đụng chạm đến quyền riêng tư thì anh lại bảo rằng vì phải bảo vệ chế độ. Cuối cùng anh xây dựng ra luật là để bảo vệ cán bộ, bảo vệ bộ máy thôi, chứ đụng chạm đến quyền lợi người dân thì anh rất xem thường.”
Vi phạm pháp luật?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì cho rằng có thể ông Nguyễn Phú Trọng đã vi phạm pháp luật. Ông nói:
“Tôi nghĩ ông ấy đã vi phạm luật, đã xảo trá một cách rất là trắng trợn, bản thân ông Nguyễn Phú Trọng phải tuân theo luật công chức cán bộ, luật đó có từ lâu rồi, rồi luật bầu cử quốc hội. Khi mà một người đề cử làm đại biểu quốc hội như là tôi ứng cử đại biểu quốc hội các đây hai năm, thì người đó buộc phải kê khai tài sản. Việc ông ấy kê khai tài sản đúng hay sai chưa bàn đến, nhưng nếu ông ấy không kê khai tài sản thì ông ấy đã vi phạm pháp luật một cách trắng trợn.”
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, hiện sống tại Sài Gòn cho biết:
“Hiện nay người ta quy định một số người có chức vụ từ cấp cơ sở trở lên, thì phải kê khai tài sản, chứ không phải tất cả cán bộ công chức đều phải kê khai. Những người ứng cử vào làm đại biểu hội đồng nhân dân, đại biểu quốc hội đều phải nộp bản kê khai tài sản. Hiện nay thì chưa có quy định phải kiểm tra, thẩm định bản kê khai đó có đúng không. Người được giới thiệu ứng cử từ các tổ chức đảng, các tổ chức chính trị xã hội, nói chung là các tổ chức của nhà nước và những người tự ứng cử đều phải kê khai tài sản hết.”
Luật sư Trần Quốc Thuận cũng cho biết sở dĩ việc kê khai tài sản khó khăn vì phải có ý nghĩa trung thực, phải được thẩm tra, thẩm định, giám sát, công khai… Theo ông hiện nay, việc kê khai chỉ cho các cơ quan quản lý thôi chứ chưa có công khai rộng rãi cho toàn dân biết. Ông nói thêm:
“Việc công khai đó phải qua thẩm định nhưng hiện giờ vẫn chưa có một quy định hay tổ chức nào có trách nhiệm đi thẩm tra xem việc kê khai đó có trung thực hay không? Bây giờ luật chống tham nhũng cũng đang gay go là nếu kê khai không trung thực thì xử lý làm sao, cũng có nhiều ý kiến, nào là tịch thu, nào là đóng thuế 45 %... cũng có những ý kiến đôi khi nó lại trái hiến pháp…”
Ông Thuận cũng đưa ra so sánh với chế độ Sài Gòn trước năm 1975:
“Theo chế độ Sài Gòn trước 1975, những người có chức vụ lớn mà kê khai tài sản không trung thực thì người ta gọi là tài sản bất minh, và người ta không để người đó làm việc nữa, và không bổ nhiệm người đó vào bất cứ chức vụ gì.”
Thừa nhận thất bại?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nghi ngờ chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng:
Điều đó chứng tỏ cái gọi là chống tham nhũng của ông ấy là chống tham nhũng giả vờ, mà thật sự là cuộc đấu đá nội bộ, khi người nào ông không thích thì ông moi ra, người nào trong vây cánh của ông ấy thì ông ấy nói cái này khó lắm, đụng đến quyền riêng tư.<br/>-TS. Nguyễn Quang A
“Điều đó chứng tỏ cái gọi là chống tham nhũng của ông ấy là chống tham nhũng giả vờ, mà thật sự là cuộc đấu đá nội bộ, khi người nào ông không thích thì ông moi ra, người nào trong vây cánh của ông ấy thì ông ấy nói cái này khó lắm, đụng đến quyền riêng tư, tôi nghĩ đấy là một cách suy nghĩ rất là bần tiện. Nguyên điều đó chứng tỏ chiến dịch chống tham nhũng là không thực.”
Nhà báo Trương Duy Nhất đưa ra ví dụ về trường hợp bản kê khai tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng:
“Hồi câu chuyện Đà Nẵng thì nó xảy ra cái chuyện bản kê khai tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ. Sau này chính quyền Đà Nẵng lại truy tìm ai là người làm lộ cái bản kê khai tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ ra ngoài. Đáng lý ra cái bản kê khai đó phải được công khai chứ, mà đến bây giờ người ta vẫn không nói gì, không đả động gì đến, nghe nói là sau đó cảnh cáo ông Huỳnh Đức Thơ và giao cho ủy ban kiểm tra vào để kiểm tra những vụ lùm xùm về tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ. Nhưng đến bây giờ, kết luận như thế nào, có kiểm tra hay không, kết luận kiểm tra như thế nào thì vẫn chưa ai được biết, không ai được công khai.”
Theo một bài viết của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, tiến sĩ kinh tế, hiện sống tại Sài Gòn, thì chưa đầy một năm sau tuyên bố ‘lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy’, ‘lò’ của Nguyễn Phú Trọng giờ chỉ còn lép bép củi nhỏ.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cũng cho rằng phát ngôn về khó khăn của việc kê khai tài sản của ông Trọng là một sự thừa nhận gián tiếp thất bại về chủ trương kê khai tài sản cán bộ và cao hơn nữa là ‘kiểm tra tài sản 1.000 quan chức’.