Hội thảo về lúa gạo và nông thôn VN

Hôm 13 tháng 6, Bộ Nông Nghiệp&Phát Triển Nông Thôn phối hợp với Ngân hàng Thế Giới (WB) tổ chức cuộc hội thảo về “Lúa gạo, nông dân và phát triển nông thôn ở Việt Nam, từ tăng trưởng thành công đến thịnh vượng bền vững”.

0:00 / 0:00

Báo chí trong nước cho hay, hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các bộ ngành, lãnh đạo các tỉnh thành, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, nông dân đạt thành tích xuất sắc trong canh tác, chăn nuôi.

Là nước xuất khẩu gạo

Lên tiếng trước diễn đàn hướng đến chủ đề “sản xuất lớn để nâng cao giá trị hạt gạo”, ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp, Phát Triển Nông Thôn nhấn mạnh rằng, lúa là sản phẩm quan trọng nhất của đất nước và người dân Việt Nam. Diện tích gieo trồng lúa chiếm 44% đất nông nghiệp, 80% nông dân là những người làm ruộng, trồng lúa, 100% người Việt đều dùng cơm, ăn gạo mỗi ngày, vì thế nhà nước luôn có những chính sách đầu tư ưu tiên cho kế hoạch tăng gia sản xuất lúa gạo.

Năm 1989 là một dấu mốc lịch sử vì đây là lần đầu tiên, từ một nước thiếu thốn lương thực, thường phải nhập khẩu gạo, Việt Nam xuất khẩu một triệu tấn gạo. Từ nhiều năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu ASEAN về năng xuất thu hoạch lúa gạo với trung bình 7 tấn trên một hecta trở lên, trong vụ đông xuân.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế Giới, cho dù Việt Nam xuất khẩu gạo rất nhiều về số lượng, tuy nhiên giá trị thu về còn thấp, không có thương hiệu, còn thiếu sự liên kết về sản xuất và xuất khẩu, các tỉnh vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, đời sống của nhà nông còn khó khăn.

Về phía đại diện ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn cũng nhìn nhận rằng, việc xuất khẩu lúa gạo chưa được tổ chức công bằng, kém hiệu quả, doanh nghiệp chưa gắn kết với nông dân, để cùng tạo dựng chất lượng cao và thương hiệu ăn khách, cạnh tranh được với các đối tác khác trên thương trường.

Ông Trần Văn Quang, phó Chủ tịch Hội Nông dân Đồng Nai, nói đến sức mạnh của nhà nông Việt Nam, giúp cho đất nước thành công về lúa gạo, vươn lên hàng đầu thế giới:

“Nếu nói điểm mạnh thì nông dân Việt Nam, từ xưa tới nay là có tính cần cù lao động, lao động có sáng tạo, đó là điểm mạnh của nông dân.”

Tuy nhiên, việc ruộng đồng thì luôn phải đối mặt với bao thách thức từ nhiều phía, ông Quang nói tiếp:

“Cái khó khăn trong sản xuất nông nghiệp thì rất nhiều, ví dụ như phụ thuộc vào thiên nhiên, thiên tai, địch họa xảy ra, khó khăn nữa là nông dân có nhu cầu vốn rất lớn, khó khăn thứ ba là khoa học, kỹ thuật, mà nông dân đang từng tiếp cận.

Các vấn đề này thì những năm vừa qua, đặc biệt là 20 năm đối mới, chánh phủ Việt Nam giúp cho nông dân về những vấn đề này rất lớn, kể cả tập huấn khoa học, kỹ thuật, trình diễn để cho nông dân thấy được cái mạnh của khoa học, kỹ thuật để nông dân áp dụng.

Về vốn thì trong thời gian vừa qua, chánh phủ Việt Nam cũng đã có rất nhiều nguồn vốn để cho nông dân phát triển, cái khó khăn nhứt hiện nay chỉ còn có thời tiết, phụ thuộc vào thiên nhiên và trong quá trình hội nhập hiện nay, khó khăn là ở thị trường, thị trường của thế giới, khi nào người ta có nhu cầu, thì giá mới được, khi nào không có nhu cầu thì giá thấp, khó khăn là những vấn đề như thế.”

Nhiều khó khăn, thách thức

rfa-nongdan-250.jpg
Một nông dân vùng ĐBSCL chụp tháng 4/2011. RFA photo (Một nông dân vùng ĐBSCL chụp tháng 4/2011. RFA photo)

Theo báo chí thì cuộc sống của nhà nông Việt Nam được cải thiện rất nhiều thời gian gần đây, ông Trần Văn Quang cũng thừa nhận như vậy:

“Vấn đề này rõ ràng lắm, nếu các ông có dịp có thể xem lại về đời sống của nông dân qua những hình ảnh, phim ảnh, trước 20 năm đổi mới và hiện nay, chắc các ông sẽ thấy rất rõ.”

Một nông dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cho biết là năm nay trúng mùa:

“Chỉ có mùa nay thôi là lúa được giá, nông dân chỉ thở được thôi, con riêng về những vụ trước, nông dân giống như con trâu cày mà không được ăn, mần xong là bị lỗ, thất giá, không lời.”

Chị kể về việc vay mượn vốn để làm ruộng, canh tác:

“Bà con nông dân đưa bằng khoán cho nhà nước rồi làm, tới mùa thì đi vơ vào, hỏi ở ngoài, thế chấp bằng khoán để vay tiền, sinh sống, rất khổ, mấy ổng nói mà đâu có gì đâu.”

Nhà nông chỉ mong gạo được xuất khẩu để kiếm chút ít:

“Xuất khẩu nhiều, gạo có giá thì nông dân có lời, thì khấm khá, còn xuất khẩu bán không được, thì lúa làm ra bị lỗ đâu có được gì.”

Nói về mơ ước của nhà nông, chị cho biết:

“Bà con nông dân ước ao, lúa xuất khẩu bán được giá, thì mới sống nổi, chứ còn vật giá bây giờ rất cao mà lúa giá rẻ, sống không nổi, người dân mong ước rất nhiều, nhưng không đáp ứng được bao nhiêu. Mong lúa trồng và cá nuôi đều được giá, nhưng thường bị lỗ, chỉ có lúa mùa này được lời.”

Theo các chuyên gia nông nghiệp thì trong giai đoạn mới, hướng đi có nhiều triển vọng là kế hoạch hình thành những cánh đồng mẫu ứng dụng kỹ thuật canh tác mang lại nhiều hiệu quả. Nông dân hưởng ứng và tham gia chương trình này sẽ được hưởng nhiều lợi ích thiết thức như, nhận hạt giống tốt, tiếp thu kinh nghiệm về cách thức làm đất, quản lý nước, chăm sóc lúa, thu hoạch, chế biến, tồn trữ, xuất khẩu.

Chỉ có mùa nay thôi là lúa được giá, nông dân chỉ thở được thôi, con riêng về những vụ trước, nông dân giống như con trâu cày mà không được ăn, mần xong là bị lỗ, thất giá, không lời.

Một nông dân ĐBSCL

Những sự hướng dẫn thiết thực đó sẽ giúp nhà nông giảm chi phí giá thành, hạn chế thất thoát sau thu hoạch, tăng được giá trị và chất lượng hạt gạo, lợi nhuận thu về cao hơn, so với phương pháp canh tác và sản xuất thông thường.

Theo dự kiến, mô hình cánh đồng mẫu, tiến tới xây dựng vùng trồng lúa quy mô lớn, phục vụ xuất khẩu, nhằm nâng cao giá trị cho hạt gạo do nhà nông Việt Nam làm ra, sẽ được nâng từ 20 ngàn hecta lên 40 ngàn hecta, trong năm 2012.

Với việc áp dụng kế hoạch sản xuất quy mô và tân tiến, các chuyên gia ngành lương thực hy vọng trong tương lai, năng suất lúa có thể đạt từ 8 tấn rưỡi đến 12 tấn, trên một hecta và nông dân Việt Nam được lời từ 25 triệu đồng tới 34 triệu đồng, một hecta.

Theo dòng thời sự: