Dự luật SB895
Dự luật SB895 được đệ trình vào tháng Giêng năm 2018, nhằm đòi hỏi Ủy Ban Soạn Thảo Chương Trình Giảng Dạy Tiểu Bang California (IQC) thiết lập một chương trình giảng dạy về Cuộc chiến Việt Nam Cộng Hòa và những đau thương mất mát của người tỵ nạn trên đường tìm hai chữ tự do, đưa vào tất cả các học khu khắp tiểu bang California, tiểu bang có đông người Việt sinh sống nhất tại Hoa Kỳ.
Ngày 25/4 vừa qua, rất đông các thành viên Cộng đồng Người Việt khắp tiểu bang California đã có mặt tại Quốc Hội Sacramento để ủng hộ Dự Luật SB895 của Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn. Sau khi Ủy Ban Điều Trần nghe về các lý do ủng hộ Dự Luật này từ các thành viên trong cộng đồng người Việt và các Cựu Chiến Binh, Ủy Ban Điều Trần Thượng Viện đã đồng chuẩn thuận thông qua Dự Luật SB895.
Thông cáo báo chí được văn phòng Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn đưa ra cho biết về tầm quan trọng của việc gìn giữ những câu chuyện trung thực của người Việt Tỵ Nạn trong chương trình giáo dục lịch sử cho tất cả trường học tại California và cần phải hành động ngay để bảo vệ trước khi các chứng nhân cũng như dữ kiện bị thất thoát theo thời gian.
<i>Chúng ta đến đây vì hai chữ tự do và chúng ta rất hy vọng con cháu chúng ta hiểu giá trị của hai chữ tự do quan trọng như thế nào.<br/>-Thị trưởng. Tạ Đức Trí</i>
Anh Việt Nguyễn một cư dân đang sinh sống tại khu vực thành phố Westminster, tiểu bang California cho chúng tôi biết: "Nếu đạo luật thành công thì không những tụi cháu, tụi con mà toàn thể người việt tại california và cộng đồng bạn bè cũng biết đến lịch sử của ông cha ta cũng như tại sao người việt chúng ta phải vượt biên vượt biển qua bên này để tìm tự do."
Sau khi Ủy Ban Điều Trần Thượng Viện đồng chuẩn thuận thông qua, Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn cho biết dự luật SB895 sẽ được chuyển sang Ủy Ban Chuẩn Chi Thượng Viện để xem xét vào tháng năm tới đây. Đây cũng được xem là bước quan trọng trong tiến trình lập pháp. Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn kêu gọi cộng đồng người Việt Tỵ Nạn tiếp tục ký tên vào Bản Kiến Nghị.
Dự luật này được sự ủng hộ khá lớn từ các vị dân biểu dân cử tại California. ông Tạ Đức Trí thị trưởng thành phố Westminster, tiểu bang California Trong buổi họp báo nói về dự luật SB895 hồi tháng giêng năm 2018, ông chia sẻ về dự luật này:
“Người việt chúng ta tới đây bằng hai chữ tự do và hơn bốn thập kỷ qua, tất cả chúng ta đều có những câu chuyện, những kinh nghiệm của mình, nhưng kinh nghiệm đau thương hy sinh của những người đi trước, hy sinh của các chiến sĩ VNCH, chúng ta đến đây vì hai chữ tự do và chúng ta rất hy vọng con cháu chúng ta hiểu giá trị của hai chữ tự do quan trọng như thế nào.”
Cuộc chiến nhìn từ hai phía
Cuộc chiến tranh Việt Nam từ năm 1955 – 1975 là giai đoạn thứ hai và cũng là giai đoạt được xem là khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh trên chiến trường Đông Dương. Đây là cuộc chiến giữa một bên là Việt Nam Cộng Hòa với sự viện trợ từ Hoa Kỳ và một bên là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được sự viện trợ quân sự từ các nước Liên Xô và Trung Quốc.
Cuộc chiến này được Mỹ gọi là chiến tranh Việt Nam vì chiến sự chủ yếu diễn ra tại Việt Nam nhưng đã lan tỏa ra toàn khu vực Đông Dương đã lôi cả hai nước Lào và Campuchia vào vòng chiến nhưng ở những mức độ khác nhau. Cuộc chiến này chính thức kết thức vào ngày 30/4/1975. Hoa Kỳ rút toàn bộ lực lượng quân sự và di tản ra khỏi Đông Dương sau sự kiện này.
Sau ngày 30/4/1975, hàng triệu người dân Việt Nam đã tìm cách vượt biên để rời khởi Việt Nam sang các nước khác bằng nhiều hình thức khác nhau trong đó đường biển là chủ yếu.
<i>Khi chưa có chiến tranh, miền Nam trù phú, sung túc lắm, xuất cảng rất là khá, đời sống rất cao, được ví là hòn ngọc Viễn Đông.<br/>- Nhà báo Nam Nguyên</i>
Tại Việt Nam, chính quyền Hà Nội đã đưa thông tin truyền thông và sách vở vào trường học để dạy cho học sinh về cuộc chiến này với tên gọi Kháng chiến chống Mỹ hay Kháng chiến chống Mỹ cứu nước và khẳng định cuộc chiến là của dân tộc Việt Nam chống lại sự xâm lược của Mỹ.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, cựu nhà báo của RFA với bút danh Nam Nguyên, đồng thời ông cũng là một trong những phóng viên thời chiến tranh Việt Nam trong lần trả lời phỏng vấn gần đây với đài RFA thì cho rằng cuộc chiến này không phải là chống Mỹ cứu nước.
"Tôi nghĩ là trong lúc học các bạn tin vào những câu chuyện như vậy. Tôi không nghĩ là chống Mỹ cứu nước, Việt Nam Cộng Hòa khi đó được thành lập và được viện trợ từ Hoa Kỳ để xây dựng lại đất nước. Khi chưa có chiến tranh, miền Nam trù phú, sung túc lắm, xuất cảng rất là khá, đời sống rất cao, được ví là hòn ngọc Viễn Đông".
Cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc 43 năm về trước và đã khiến hơn hai triệu người Việt Nam thuộc cả hai phía Nam Bắc và 58.000 người Mỹ thiệt mạng. Cuộc chiến này cũng từng được ông Võ Văn Kiệt, cựu Thủ tướng của Việt Nam sau này nói rằng đã khiến hàng triệu người vui và hàng triệu người buồn.