EVN có nên được quyền quyết định giá điện tăng dưới 5%?

0:00 / 0:00

Bộ Công Thương hôm 10/3/2024 vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, giữ nguyên đề xuất điều chỉnh giá điện mỗi 3 tháng và đề xuất EVN được quyền quyết định giá điện tăng dưới 5%

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với RFA hôm 11/3/2024 liên quan vấn đề này, cho biết:

“Thủ tướng đã ký dưới 5 % thì EVN tự quyết định, trên 5 % thì Bộ Công thương và trên 10% là Thủ tướng Chính phủ và dưới 5 % thì đề nghị cứ mỗi ba tháng. Theo tôi phải vào thời điểm thuận lợi, chứ bây giờ thời điểm này là nhạy cảm, có nghĩa là những tháng tới dùng nhiều điện, thứ hai đến đầu mùa hè sẽ tăng mức dùng, thứ ba lá từ đang ở tình trạng có khả năng xảy ra thiếu điện… những cái đó sẽ gây nên khó khăn chung, theo tôi bây giờ thời điểm chưa thích hợp.”

Những tháng tới dùng nhiều điện, thứ hai đến đầu mùa hè sẽ tăng mức dùng, thứ ba lá từ đang ở tình trạng có khả năng xảy ra thiếu điện… những cái đó sẽ gây nên khó khăn chung, theo tôi bây giờ thời điểm chưa thích hợp.
-Tiến sĩ Ngô Đức Lâm

Trước đó, quyết định 24 của Thủ tướng, quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 6 tháng/lần, nếu điều chỉnh từ 3 đến 5% thì do EVN quyết định, từ 5 đến 10% thì do chủ thể Bộ Công thương quyết định, và trên 10% thì báo cáo chính phủ...

Một người dân sống tại thành phố Hồ Chí Minh, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 11/3 nói với RFA:

“Quan điểm của tôi với tư cách một người dân, một doanh nghiệp… thì họ làm điều đó chỉ đưa đến vấn đề cuộc sống người dân thêm khó khăn, chứ chẳng có lợi ích gì. Nói chung về xăng dầu, về điện tăng giá thì doanh nghiệp và dân sẽ khổ, còn 3 tháng tăng một lần… thì xin lỗi tăng 10 lần chưa giảm một lần. Ví dụ như xăng tăng một ngàn mấy, hay ba bốn ngàn… đến khi giảm sâu mà chỉ giảm 500 đồng.”

Theo vị cư dân Sài Gòn này, vì ngành điện là ngành kinh doanh độc quyền cứ than lỗ, nên hành xử tùy tiện. Ông nêu ví dụ:

“Vừa rồi có chuyện ngoài Hà Nội, có hóa đơn cộng hai tháng tiền điện vô một lần. Mà ở Việt Nam xài điện giá tăng theo lũy kế, xài càng nhiều càng tốn tiền, càng bị phạt... Chứ không phải như những nước khác, ngành năng lượng tư hữu hóa cạnh tranh nhau, càng xài nhiều càng rẻ. Ở Việt Nam xài càng nhiều càng đắt, mà bắt người dân phải đóng hai tháng tiền điện một lần, vì hai tháng lũy kế tăng, nhiều người than hóa đơn tăng gấp ba bốn lần. Tôi thấy vở tuồng này hát tới hát lui hoài, dân ngao ngán lắm rồi.”

bf0d7595-02a1-49c9-bcca-ccf332043877.jpeg
Công nhân công ty điện lực EVNSPC. (Ảnh minh họa). Courtesy EVNSPC.

Đại diện Bộ Công thương tại phiên giải trình trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vào tháng 8 năm 2023, về ‘Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội’ từng cho rằng: “Giá điện sẽ có tăng, có giảm”. Theo Bộ Công thương, sở dĩ giá điện có tăng, có giảm do theo cơ chế giá đầu vào, giá thành sản xuất... trên cơ sở công khai, minh bạch theo quy luật của thị trường, với sự cạnh tranh bình đẳng của các thành phần tham gia thị trường điện…

Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Hoàng Quang Hàm tại phiên giải trình cho rằng, ngành điện đã 9 lần điều chỉnh giá điện bán lẻ từ năm 2011 đến nay, nhưng cả 9 lần đều tăng chứ không giảm giá điện.

Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm hôm 11/3 nhận định thêm:

“Gọi là cơ chế thị trường có lên có xuống, nhưng hoàn cảnh xuống thì lúc nào xuống được? Tức là phải có thủy điện nhiều, trả thấp thì phải giảm thấp. Chứ bây giờ nói theo cơ chế thị trường thôi, chứ khó xuống, trừ những trường hợp rất đặc biệt, có biện pháp quản lý nào đó, chứ bây giờ cứ như thế này chỉ có tăng.”

Gọi là cơ chế thị trường có lên có xuống, nhưng hoàn cảnh xuống thì lúc nào xuống được?
-Tiến sĩ Ngô Đức Lâm

Theo ông Lâm, nếu mỗi ba tháng mà EVN được tự tăng không cần Bộ Công thương và Chính phủ phê duyệt… thì cần phải xem xét lại sao cho thích hợp. Ông Lâm giải thích thêm:

“Chứ nếu cứ tăng kiểu như thế mãi thì khó lắm, tức là dù ba tháng hay sáu tháng thì tôi đề nghị Bộ Công thương hoặc Chính phủ vẫn phải xem xét, chứ cứ tự động cho phép mỗi ba tháng như vậy thì 5 % ba tháng, cộng 5 % ba tháng… một năm tính ra phải khoảng 20 %, có khả năng cứ tiếp diễn như thế thì sẽ khó khăn lắm.”

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cho rằng, nếu tăng giá điện mỗi ba tháng thì ít nhất phải Bộ Công thương xem xét, Bộ Công thương phải cân đối mọi thời điểm thích hợp, chứ nếu EVN tự tăng giá điện mỗi 3 tháng sẽ rất khó khăn cho người dân.

Cũng tại dự thảo vừa trình Chính phủ, Bộ Công Thương vẫn giữ đề xuất giá điện được tính thêm các chi phí vốn chưa được tính trước đây, ví dụ như chênh lệch tỉ giá. Thời gian điều chỉnh giá điện rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần. Như vậy, mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá điện. Tại dự thảo đưa ra lấy ý kiến trước đó, Bộ Công Thương cũng đã đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện xuống 3 tháng một lần.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng:

“Việc rút ngắn chu kỳ tăng giá điện thì đối với sản xuất quy mô lớn sẽ gây ra khó khăn trong việc dự tính kết quả kinh doanh. Vì bước ngắn như thế thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc dự báo mọi chuyện. Trong một doanh nghiệp thì họ thường cần phải có chi phí ổn định, thì lúc bấy giờ bài tính kinh doanh nó dễ hơn.”

Việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện tối thiểu từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần theo Bộ Công Thương và EVN là để ‘phản ánh kịp thời biến động đầu vào, tránh giật cục’.

Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính, khi trả lời RFA trước đây liên quan việc này cho rằng, ba tháng điều chỉnh giá điện một lần là hoàn toàn bất khả thi, sẽ mất hiệu lực và người dân sẽ không tin tưởng.