Lịch sử nên là môn học tự chọn hay bắt buộc ở cấp phổ thông?

0:00 / 0:00

Việc đưa môn Lịch sử thành một môn học tự chọn ở cấp phổ thông trung học bị nhiều người phản ứng và đề nghị những nhà làm sử phải viết trung thực để thu hút học sinh.

Kể từ năm học 2022-2023, môn Lịch sử được xếp vào nhóm những môn học tự chọn cho học sinh từ lớp 10, ngoài các môn bắt buộc. Người ta lo ngại môn Lịch sử sẽ ‘biến mất’ ở trường cấp 3 do học sinh không chọn học môn này. Điểm thi môn Lịch sử thấp kỷ lục trong nhiều năm liên tiếp vừa qua cho thấy học sinh không thích môn học này vì nhiều lý do.

Báo Chính phủ dẫn lý giải của Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Hữu Độ:

"Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp trung học cơ sở từ lớp 6 đến lớp 9, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện. Nội dung môn Lịch sử trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại… Với cách bố trí như vậy, môn Lịch sử bảo đảm đáp ứng được vai trò giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông."

Để trấn an dư luận, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 lên tiếng với truyền thông Nhà nước rằng, nếu môn lịch sử có sự chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp dạy học để hấp dẫn hơn thì sẽ thu hút nhiều học sinh tự nguyện học thay vì bị ép buộc hoặc chỉ học để thi.

Lịch sử là môn học hết sức quan trọng trong mỗi quốc gia, cho nên theo tôi, nó nên là một môn học văn hóa nền tảng cơ sở của mỗi công dân trong đất nước. Lịch sử nên là môn học bắt buộc thì sẽ tốt hơn, đúng hơn bởi. Điều quan trọng nhất cho nền tảng văn hóa của một công dân trong đất nước là phải hiểu được lịch sử của đất nước mình, dân tộc mình.- Tiến sĩ Mạc Văn Trang

Một số nhà giáo cho rằng, để hấp dẫn giới trẻ học môn Lịch sử thì phải viết sử cho đúng, cho đủ chứ không chỉ đổi mới cách dạy vì bây giờ thông qua internet, giới trẻ hiểu nhiều hơn về những gì đã, đang thực sự xảy ra trên đất nước và điều đó khác với những gì được biên soạn trong sách giáo khoa.

Tiến sĩ Mạc Văn Trang nói với RFA sáng 19 tháng 4 năm 2022:

“Lịch sử là môn học hết sức quan trọng trong mỗi quốc gia, cho nên theo tôi, nó nên là một môn học văn hóa nền tảng cơ sở của mỗi công dân trong đất nước. Lịch sử nên là môn học bắt buộc thì sẽ tốt hơn, đúng hơn bởi. Điều quan trọng nhất cho nền tảng văn hóa của một công dân trong đất nước là phải hiểu được lịch sử của đất nước mình, dân tộc mình.

Việc lịch sử viết có những sai lệch là trách nhiệm của những người làm sử. Còn những người làm về giáo dục thì phải dạy môn Lịch sử. Lịch sử bây giờ không phải chỉ có trong sách giáo khoa mà từ các sự kiện lịch sử, học sinh có thể tìm hiểu từ rất nhiều thông tin trên mạng xã hội. Rồi tìm hiểu từ nhiều loại hình văn hóa khác nữa chứ đâu phải chỉ có trong sách.

Trong sách có nhiều cái viết có thể không đúng, nó sai lệch hoặc quá sơ xài nhưng học sinh có thể tham khảo rất nhiều nguồn rồi tự nghiên cứu, tự tìm hiểu được nhiều chiều. Từ đó học sinh mới hứng thú học môn Lịch sử. Nếu chỉ học thuộc trong sách giáo khoa những sự kiện hết sức máy móc, một chiều thì học sinh sẽ rất chán. Chán là do cách viết sách và cách dạy thôi.”

Học sinh Việt Nam từ nhiều năm qua đã không thích học môn Lịch sử. Có thể nêu một dẫn chứng: Hôm 7 tháng 4 năm 2013, trang VNexpress cho chiếu một đoạn video clip dài khoảng hai phút cho thấy hình ảnh các em học sinh ở trường PTTH Nguyễn Hiền ở TP.HCM reo hò vui sướng xé giấy, ném xuống trắng cả sân trường. Theo bài báo, đoạn video này được quay trước đó một tuần khi học sinh biết tin môn Lịch sử không nằm trong các môn thi tốt nghiệp năm đó.

Trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông mấy năm qua, điểm trung bình môn Lịch sử luôn ở con số rất thấp. Cụ thể, 2017 là 4,6; năm 2018 là 3,79; năm 2020 là 4,5 và năm 2021 là 4,97.

Khi điểm trung bình môn Lịch sử nhiều năm liên tiếp thấp kỷ lục như vậy, nhiều giáo viên trong nước cho rằng phải đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; phải in sách lịch sử với nhiều màu sắc, tranh ảnh hơn bên cạnh các sự kiện, ngày tháng để thu hút học sinh. Nếu không thay đổi thì không học sinh nào chọn môn Lịch sử nếu không bị bắt buộc phải học.

Theo quan điểm của tôi, muốn giữ môn Lịch sử cho học sinh trong trường PTTH để dạy cho học sinh biết truyền thống của ông cha, biết những cái tốt đẹp trong sự phát triển của đất nước cũng như nền văn minh của nhân loại, tôi nghĩ rằng, phải có một cuộc cách mạng trong việc soạn sách giáo khoa và cách mạng trong việc dạy môn Lịch sử ở trường phổ thông. - Nhà giáo Đinh Kim Phúc

Nhà giáo Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của ông:

“Ai cũng biết rằng nội dung môn Lịch sử được giảng dạy ở trong trường phổ thông nó theo cái nguyên tắc đồng tâm. Tức là cấp hai rồi cấp ba xoay vòng ở mức độ cao hơn. Nhưng cuối cùng là gì? Lịch sử của lớp 12 PTTH là môn được chọn để lấy điểm xét tốt nghiệp phổ thông và xét vào đại học nhưng nó chỉ thuần là lịch sử Việt Nam thời kỳ hiện đại. Nói một cách khác, nó là lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nếu nội dung môn lịch sử như hiện nay và cách dạy của giáo viên cũng giống như trước đây, khi học sinh làm bài thi là trả lại những gì thầy cô đã dạy thì cũng nên cho học sinh tự chọn hoặc dẹp luôn môn Lịch sử. Nó chẳng ảnh hưởng gì đến sự phát triển nhân cách của học sinh.

Theo quan điểm của tôi, muốn giữ môn Lịch sử cho học sinh trong trường PTTH để dạy cho học sinh biết truyền thống của ông cha, biết những cái tốt đẹp trong sự phát triển của đất nước cũng như nền văn minh của nhân loại, tôi nghĩ rằng, phải có một cuộc cách mạng trong việc soạn sách giáo khoa và cách mạng trong việc dạy môn Lịch sử ở trường phổ thông.”

Theo bảng thăm dò ý kiến’ trên báo Tuổi trẻ tối 19 tháng 4 năm 2022 về môn Lịch sử trong trường PTTH năm học tới, con số bình chọn “Bắt buộc, nhưng cần thay đổi cách dạy” cao gấp đôi con số “Cho học sinh tự chọn”.

Một giáo viên dạy môn Lịch sử không muốn nêu tên ở TP.HCM kết luận, nếu dạy sử và học sử dưới dạng những câu chuyện thật thì chắc chắc sẽ thu hút được sự đam mê, khám phá của học sinh. Muốn thế, những nhà viết sách hãy viết đúng bản chất sự kiện, phải tôn trọng lịch sử. Nếu những sự kiện lịch sử bị cắt xén, ghép nối hoặc cố tình lãng quên vì bất cứ lý do gì thì học sinh và thế hệ trẻ có nguy cơ quay lưng lại với lịch sử dân tộc. Nếu điều đó xảy ra thì trách nhiệm rõ ràng thuộc về các vị lãnh đạo.