Bắn pháo hoa đêm bế mạc đại lễ - nên hay không?

Vụ nổ kho pháo hoa tại sân Mỹ Đình, khiến cho 4 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương, một lần nữa dấy lên việc nên hay không tổ chức bắn pháo hoa tại 29 địa điểm vào ngày bế mạc đại lễ 10/10 tại Hà Nội.

0:00 / 0:00

Khánh An phỏng vấn để lấy ý kiến của một số cư dân thủ đô về vấn đề này.

Không thể thiếu

Vụ nổ kho chứa pháo hoa chuẩn bị cho ngày bế mạc đại lễ (10/10) đã khiến không ít người dân thủ đô hoang mang, nhất là với những người sống xung quanh khu vực sân vận động Mỹ Đình.

Ân, một sinh viên cư trú gần khu vực sân vận động Mỹ Đình cho biết:

"Hôm qua em có nghe chị ạ. Em nghe em thấy em lạnh gáy luôn bởi vì khi đó em đang còn ngồi trong nhà, em nghe thấy tiếng nổ to lắm. Khi đó em không hiểu gì cả. Em nghe nổ đâu khoảng 3, 4 phát, em nghĩ rằng không biết có ai nổ súng đại bác hay nổ bom vì em có cảm giác đất rung chị ạ, mặc dù là em ở tầng 3, có nghĩa là nó nổ khủng khiếp luôn. Sau khi nổ xong thì nghe rào rào tiếng gạch đá vỡ xuống, kiểu như vậy."

Báo chí trong nước trích lời ông Nguyễn Đức Nhanh, phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II kiêm Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, cho biết đây là một vụ tai nạn do sơ suất trong quá trình vận chuyển. Vụ nổ đã khiến cho 4 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương, khiến cho dư luận thêm một lý do lớn nữa để đặt lại câu hỏi về vấn đề nên hay không nên tổ chức bắn pháo hoa tại 29 địa điểm trong thủ đô vào ngày bế mạc.

Pháo bông thì rất đẹp, có vài phút thôi thì có vấn đề gì đâu vì đây là một lễ lớn của dân tộc, nó là bộ mặt của đất nước mình, nó mang tính ngoại giao nữa …

Anh Nguyễn Văn Thịnh ở HN

Đối với không ít người dân Hà Nội, pháo hoa vẫn là một trong những màn trình diễn được đón chờ nhiều nhất, dù dư luận những ngày gần đây cho rằng nên hạn chế để chia sẻ với đồng bào miền Trung đang bị mất nhà cửa, ruộng vườn và cả tính mạng vì lũ lụt. Anh Nguyễn Văn Thịnh, một cư dân của thủ đô, cho biết:

"Pháo bông thì rất đẹp, mà nó nổ tầm khoảng 2, 3 lần trong một chương trình, có vài phút thôi thì có vấn đề gì đâu mà rất là vui, bởi vì đây nó còn là vấn đề đại lễ 1000 năm Thăng Long, là một lễ lớn của dân tộc, nó là bộ mặt của đất nước mình, nó còn mang tính ngoại giao nữa, chứ chúng ta cũng không thể vì tiết kiệm một vài phút mà…

Cái việc đồng bào miền Trung là việc của đồng bào miền Trung và người dân cả nước cũng như các đoàn thể người ta cũng xúm tay vào để cứu giúp đồng bào miền Trung."

Nhưng nên tiết kiệm

Nhà văn Trần Nhương, người đã khiến dư luận chú ý đến nhiều vì lá thư ông đăng trên mạng cách đây vài ngày để gửi cho Chủ tịch thành phố Hà Nội mà trong đó, ông đưa ra hai đề nghị lớn. Thứ nhất, cắt giảm 19 điểm bắn pháo hoa và các tiết mục khác để lấy tiền cứu trợ lũ lụt miền Trung. Thứ hai, sau khi kết thúc đại lễ nên công khai cho dân biết số kinh phí chi cho dịp này. Ông cho biết:

"Vâng, nghìn năm chả nhẽ lại cắt hết đi thì cũng bất tiện. Trong đó, tôi có đề nghị là bỏ bớt, chỉ bắn có 10 điểm thôi, thay vì 29 điểm là một. Thứ hai nữa là bỏ bớt những tiết mục nào mà thấy tốn tiền quá, chẳng cần thiết gì cả. Lễ hội tới 10 ngày trời nó dài dòng quá thì lấy cái tiền ấy để cứu trợ cho đồng bào mình đang bị lũ lụt ở trong kia. Tôi nghĩ đấy là một đề nghị của công dân thôi, bình thường."

Đồng quan điểm với nhà văn Trần Nhương, sinh viên Ân cũng cho rằng không nên bỏ nhưng nên bớt lượng pháo bông sẽ bắn vào dịp bế mạc đại lễ:

"Hôm qua, em đọc báo thì thấy người ta bảo là pháo hoa ở 29 điểm ở Hà Nội, Mỹ Đình và nhiều nơi khác nữa. Trong một thành phố mà có đến 29 điểm bắn pháo hoa để mừng đại lễ thì em nghĩ rằng hơi phung phí. Mình vẫn có pháo hoa nhưng pháo hoa ở một vài điểm thôi, chẳng hạn như là những nơi chính như Hồ Tây, Hồ Gươm, hay ở Mỹ Đình, tầm 3, 4 nơi thôi. Em nghĩ không cần thiết phải có 29 nơi như thế bởi vì cứ một lần bắn pháo hoa như thế tại một điểm trong vòng 15 phút thì cũng ngốn khoảng chục tỷ đồng, 29 nơi có nghĩa là 290 tỷ. Trong khi 290 tỷ đó mà chúng ta để cho dân, cứu trợ lũ lụt thì cực kỳ nhiều, nhiều lắm lắm luôn."

mientrung-250.jpg
Cảnh buôn gánh bán bưng của một người dân miền Trung. RFA photo (Cảnh buôn gánh bán bưng của một người dân miền Trung. RFA photo)

Bên cạnh những ý kiến cho rằng nên hạn chế các điểm bắn pháo hoa, một số người dân Hà Nội đề nghị bỏ hẳn tiết mục này. Lan Hương, một cư dân sống gần khu vực sân vận động Mỹ Đình, là một trong số đó. Cô cho biết:

"Tất nhiên là không nên bắn pháo hoa nữa bởi vì bây giờ ở Hà Tĩnh, quê của Hương chính là chỗ bị ngập, nhà Hương cũng đang bị ngập nước mà không có được sự hỗ trợ của chính quyền. Chính quyền họ chỉ cho 2 gói mì tôm, trong khi đó chỗ cha xứ ở bên đạo, bên nhà thờ thì họ lại hỗ trợ 3 gói mì tôm.

Trong khi những nơi đang thiếu thốn thức ăn như thế mà không có được sự hỗ trợ, mình lại đi bắn pháo hoa thì đó cũng không phải là một chính sách tốt trong thời điểm hiện tại. Với cả bây giờ mình thấy rằng là việc bắn pháo hoa đối với Hương chả thích thú gì cả, mà bắn pháo hoa gây ra rất nhiều hậu quả khác nhau, cho nên Hương nghĩ cái đấy là không nên nữa."

Theo Lan Hương, việc bỏ hẳn tiết mục bắn pháo hoa không những là vấn đề tiết kiệm mà còn là một chính sách hợp lý, khôn ngoan trong lúc này:

"Nếu mà nhà nước Việt Nam khôn ngoan thì việc chuyển đổi sang một hình thức là hỗ trợ cho miền Trung thì chắc chắn họ cũng có được một cái gì đấy tốt hơn, đằng này họ cũng không… Theo Hương nghĩ là như thế, chả ai đánh giá mình là không nổ pháo hoa thì sẽ như thế nào cả!"

Nghìn năm chả nhẽ lại cắt hết đi thì cũng bất tiện. Tôi có đề nghị là bỏ bớt, chỉ bắn có 10 điểm thôi, thay vì 29 điểm, bỏ bớt những tiết mục nào mà thấy tốn tiền quá, chẳng cần thiết gì cả.

Nhà văn Trần Nhương

Riêng nhà văn Trần Nhương, người đã gửi đơn kiến nghị bỏ bớt pháo hoa cho biết ý kiến của ông đã được rất nhiều người dân quan tâm, mặc dù chưa có bất cứ phản hồi gì từ phía chính quyền:

"Mình là công dân thì cứ kiến nghị thôi nhưng chắc là các đồng chí lãnh đạo người ta đang bận, còn phải lo bao nhiêu công việc của thủ đô ngày đại lễ cho nên không biết có để ý không, nhưng nhân dân thì để ý nhiều. Cái thư của tôi đưa lên trang web của tôi chỉ trong một ngày thì độ khoảng một vạn người đọc, thì mình cũng hy vọng đấy là đồng cảm của nhân dân thôi. Còn lãnh đạo thì mình cũng xa họ, mình không hiểu là như thế nào..."

Thắc mắc còn đang bỏ lửng của nhà văn Trần Nhương có lẽ cũng là trăn trở của nhiều người dân thủ đô nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

Liệu những kiến nghị, nguyện vọng của họ có được và bao giờ sẽ được xem xét đến, để khẩu hiệu mà nhà văn Trần Nhương đã nhắc tới trong lá thư của ông là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” có thể trở thành hiện thực?

Theo dòng thời sự: