Có nên xây thêm đền thờ Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khê?

Chính quyền huyện Thường Tín vừa đề xuất xây thêm một Đền thờ Danh nhân Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khê.

Tôn vinh danh nhân là công tác phải làm; tuy nhiên có cần thiết phải xây hai đền thờ rất gần nhau cho cùng một vị như thế?

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến chuyên gia và một số người dân tại làng Nhị Khê về việc quy hoạch này.

Hai Đền thờ cách nhau 500 mét

Cụ thể, theo quy hoạch mà Ủy ban nhân dân Huyện Thường Tín công bố với báo giới, khu Đền thờ Nguyễn Trãi mới có diện tích khoảng 35 ngàn m2, bao gồm bãi đỗ xe, khu vực đền thờ gồm nghi môn (cổng chính của Đền thờ), lầu chiêng, gác trống, tượng đài, nhà bán hàng lưu niệm… khu vực ban quản lý đền thờ và khu Ao Huê.

Ao Huê là nơi Danh nhân Nguyễn Trãi đã sống, dạy học, nơi có huyền thoại “con rắn báo oán”.

Tuy nhiên, Ao Huê cũng là một phần của di tích nhà thờ Nguyễn Trãi hiện hữu, đã được Bộ Văn hóa vào năm 1964 xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này, Tiến sĩ chuyên ngành Hán Nôm, Nguyễn Xuân Diện cho biết:

Theo luật di sản văn hóa thì tất cả những di sản văn hóa được nhà nước công nhận cấp quốc gia thì không bao giờ được phép có sự thay đổi về mặt cấu trúc quy họach, cũng như bài trí thờ tự…<br/>-TS Nguyễn Xuân Diện

“Về vấn đề cải tạo mở rộng hay xây thêm một đền thờ Danh nhân Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội thì tôi xin trình bày ý kiến như thế này, theo luật di sản văn hóa thì tất cả những di sản văn hóa được nhà nước công nhận cấp quốc gia thì không bao giờ được phép có sự thay đổi về mặt cấu trúc quy họach, cũng như bài trí thờ tự… Tức là không được phép đập bỏ đền thờ cũ đi, để xây dựng một nhà thờ mới trên nền đất cũ, đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai, tất cả những việc xây cất bên cạnh phải hết sức thận trọng vì sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan của khu đền thờ, tức là cái di tích.”

Cùng quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do khẳng định:

“Luật di sản có quy định rõ những di tích quốc gia đặc biệt thì không được xâm phạm. Ngoài ra, khi làm bất cứ điều gì đều phải xin phép, có luận chứng kinh tế kỹ thuật, phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về mặt văn hóa, môi trường…”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, mỗi một cái di tích khi xây dựng lên đều có một quá trình lâu dài, nó gắn với đời sống tâm linh tín ngưỡng của người dân khu vực. Vì vậy cho nên tất cả những hiện vật, kiến trúc, kể cả những cây cối ở trong khuôn viên khu đền đó mà đã tồn tại trong lịch sử thì bản thân những cái đấy cũng là di tích rồi. Vì thế nếu đập phá, sửa sang, xây thêm, xây mới kiến trúc, thì tức là đã vi phạm luật di sản văn hóa và không được phép.

Chúng tôi hỏi chuyện một dân làng Nhị Khê, sống ở gần Đền thờ Nguyễn Trãi và được cô cho biết như sau:

Đền thờ Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Đền thờ Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội. (Courtesy honguyen.vn)

“Hai cái song song để phát triển du lịch thì cũng được, nhưng cái cũ thì mình vẫn phải để nguyên cổ kính ở đấy, không được đập cái cũ đi. Xây cái mới thì nên xây khu tưởng niệm thôi, còn chắc chắn thì cũng phải thờ Cụ ở nhà thờ chính này đã có từ lâu. Còn nếu trùng tu thì chỉ nên trùng tu tượng đài bên ngoài, còn ở trong đền thờ hiện nay thì vẫn khang trang sạch sẽ.”

Anh Thìn, một người cũng sống gần Đền thờ Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội nêu lên ý kiến của mình:

“Thật ra mình thấy rằng, Đền thờ Nguyễn Trãi là một di tích lịch sử, khu này hơi chật, nhưng nếu xây mới thêm thì không giữ được cái nét cổ kính của nó từ ngày trước. Mình nghĩ nên giữ lại Đền thờ cũ thì tốt hơn, vì có xây lại chỗ đấy thì cũng thế thôi vì diện tích chỉ có thế. Còn hai Đền thờ song song… (cười)…”

Đền to… mới xứng tầm?

Khi trả lời báo chí hôm 29 tháng 10, bà Lê Thị Liễu, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện Thường Tín nói rằng, tại làng Nhị Khê, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín đã có di tích Đền thờ Nguyễn Trãi, được bộ Văn hoá xếp hạng quốc gia. Tuy nhiên theo bà Liễu, Đền thờ này nhỏ, nằm trên khuôn viên đất tư của dòng họ Nguyễn quản lý. Quy mô kiến trúc chưa xứng tầm vóc, vị thế của một danh nhân văn hoá thế giới như Nguyễn Trãi.

Thước đo sự vĩ đại của một Danh nhân có phụ thuộc quy mô đền thờ? Hay xây đền trên đất tư hay đất công, nhà nước quản lý hay con cháu dòng họ Nguyễn quản lý có đo được lòng kính trọng, biết ơn của thế hệ sau đối với Danh nhân?

Nhiều khi chỉ là một bức tượng nhỏ, một ngôi đền nhỏ mà ở trong đó chất chứa tâm linh, lòng kính trọng và biết ơn của người đới sau, của hậu thế, của các bậc đế vương cho đến người dân.<br/>-TS Nguyễn Xuân Diện

Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nói:

“Bây giờ thì một số nơi, bên cạnh khu đền cũ thì người ta xin duyệt dự án lớn để mở rộng quy mô. Một trong những lý do người ta đưa ra là do tầm vóc của nhân vật lịch sử này, cần phải được thờ phượng lớn hơn… Nhưng đấy chỉ là những ý kiến của người làm dự án thôi, tôi cho rằng là từ 500 – 600 năm nay Nguyễn Trãi mất đi, người dân lập đền thờ chính là đền ở làng Nhị Khê. Thì đấy là một đền thờ bao nhiêu đời nay cha ông chúng ta thờ Nguyễn Trãi trong một tâm thức như vậy, một ngôi đền như vậy. Và ngôi đền như vậy, quy mô như vậy, chúng ta thờ cúng Nguyễn Trãi, vì vậy không cớ gì phải quy mô to lớn xây lên, phải hoành tráng thì mới tương xứng với tầm vóc của Nguyễn Trãi. Nhiều khi chỉ là một bức tượng nhỏ, một ngôi đền nhỏ mà ở trong đó chất chứa tâm linh, lòng kính trọng và biết ơn của người đới sau, của hậu thế, của các bậc đế vương cho đến người dân.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, nếu muốn mở rộng quy mô thì không nên mở rộng đền Nguyễn Trãi, mà chỉ có thể quy hoạch lại để làm những bãi đỗ xe ở phạm vi cho phép, để mọi người đến thăm viếng.

Cũng có ý kiến đồng tình với việc xây dựng thêm Đền thờ Nguyễn Trãi mới như ý kiến của nhà Nhà sử học Lê Văn Lan nêu lên với báo chí trong nước. Ông Lan cho rằng nhà thờ Nguyễn Trãi hiện nay không đủ dung lượng với tấm lòng những người hành hương về quê ông và chưa xứng tầm danh nhân như Nguyễn Trãi. Cho nên theo ông Lan, xây mới thêm khu Đền thờ Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khuê là cần thiết và kịp thời.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nguyên giảng viên Đại học xây dựng cũng cho rằng, Nguyễn Trãi là một danh nhân lớn, làm đền thờ mới cho ông cũng được. Tuy nhiên ông nói tiếp:

“Tôi cho rằng, để làm một đền thờ để tôn uy ông Nguyễn Trãi khi đất nước thịnh vượng rồi, giàu có rồi, dân tình giàu có rồi thì làm cũng bình thường. Nhưng bây giờ, trong hoàn cảnh hiện nay, đất nước thì nợ nần biết bao nhiêu, dân tình thì chưa hẳn đã phấn khởi lắm, mà cái đền thờ cũ vẫn còn, vì thế tôi cho rằng chỉ cần tu bổ lại cái đền thờ cũ rồi người ta đến thắp hương cúng bái là được.”

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nếu mà địa phương giàu có, người dân giàu có, bỏ tiền ra để làm thêm đền thờ to lớn quy mô, theo phạm vi pháp luật cho phép, thì cũng có thể chấp nhận được, chứ xin tiền ngân sách nhà nước thì cần phải xem xét lại.

Nguyễn Trãi là một nhà văn hoá lớn, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam. Ông nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc Việt Nam.

Ông sinh năm 1380, là một nhà chính trị, nhà thơ dưới thời nhà Hồ và nhà Lê sơ Việt Nam. Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại ách Minh thuộc. Ông trở thành mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày tính mưu kế cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh.

Ông mất năm 1442, khi toàn thể gia đình ông bị tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên. Đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho ông.