Tại buổi sơ kết của ngành lao động, người có công và xã hội, diễn ra hôm 16 tháng 7 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho rằng, không liệt sĩ nào là vô danh, họ đều có tên, có tuổi, có quê quán, chỉ có điều chưa xác định được danh tính, vì thế phải sửa lại là ‘Liệt sĩ chưa xác định được thông tin’. Theo ông Dung, sửa như vậy sẽ chính xác hơn.
Vị Bộ trưởng Bộ LĐTBXH còn nhấn mạnh, việc ghi tên bia mộ này là thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13 của Bộ LĐTBXH, đã thống nhất tên trên những tấm bia này là ‘Liệt sĩ chưa xác định được thông tin’, không nên để ‘vô danh’.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 20 tháng 7 năm 2020, liên quan việc này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ lâu năm, nói:
Cũng có thể người ta nói như thế để khẳng định một nỗ lực, khi mà nói chưa xác định thông tin cũng có nghĩa rằng ta nói thành lời đó là một gánh nặng, một trách nhiệm phải đi tìm thông tin của liệt sĩ đó.<br/>-PGS. TS. Hoàng Dũng
“Cũng có thể người ta nói như thế để khẳng định một nỗ lực, khi mà nói chưa xác định thông tin cũng có nghĩa rằng ta nói thành lời đó là một gánh nặng, một trách nhiệm phải đi tìm thông tin của liệt sĩ đó. Nếu mà hiểu theo cách đó thì có thể chấp nhận được. Nhưng có đều theo tôi thấy, người đưa ý kiến đó không theo ý kiến tôi vừa nói, chứ còn chữ ‘Liệt sĩ vô danh’ không có gì là xúc phạm cả, rồi cuối cùng cho dù có tìm kiếm đến đâu đi nữa, cũng có người vĩnh viễn không tìm được tên tuổi. Cuộc chiến tranh vừa rồi thật khủng khiếp, biết bao nhiêu người như vậy.”
Gia đình, người thân của những người lính đã nằm xuống vì chiến tranh, nói gì về việc này? Để tìm hiểu thêm, Đài Á Châu Tự Do hôm 20 tháng 7 năm 2020, liên lạc ông Trần Anh Pháp ở Thanh Hóa, là người nhà của liệt sĩ Trần Văn Xứng, hiện vẫn chưa biết phần mộ ỡ đâu, dù đã được công nhận liệt sĩ, và được ông cho biết ý kiến của mình:
“Bên gia đình tôi là Công giáo, nếu tìm thấy phần mộ thì tốt, không thì cũng không sao. Năm ngoái Bác cháu có đi tìm phần mộ, nhưng rút cuộc không phải, chỉ là trùng tên. Theo tôi nghĩ nên để ‘liệt sĩ chưa xác định danh tính’ bởi vì ‘vô danh’ nghe có vẻ không hợp lý lắm. Nhưng bây giờ mà thay hết thì cũng lãng phí, vì phần này cũng không quan trọng lắm. Đối với những người đã mất chưa xác định danh tính thì hàng năm nhà nước cũng quan tâm làm lễ... chứ làm lại cả nước thì theo tôi chi phí rất lớn, thay vì để thăm hỏi gia đình thân nhân liệt sĩ thì nó ý nghĩa hơn.”
Trước chỉ thị của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung tại buổi sơ kết, ông Phan Văn Linh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị phản ánh cho rằng rất khó để thực hiện. Theo ông Linh, địa phương ông hiện có 20.000 bia mộ liệt sĩ đang ghi ‘không có thông tin’, ‘chưa biết tên’... Riêng bia mộ ghi ‘vô danh’ có 6.000 mộ. Với số lượng như vậy và không có kinh phí, tỉnh Quảng Trị không thể hoàn thành điều chỉnh thông tin bia mộ như yêu cầu của Bộ trưởng.
Tuy nhiên Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ trả lời rằng, làm việc này vì lương tâm, vì trách nhiệm, và vì danh dự của mình, không phải vì bệnh thành tích hay bất cứ một vấn đề gì hết… Ông chỉ đạo sử dụng chủ yếu từ nguồn kinh phí địa phương để tu sửa các bia mộ ‘vô danh’. (!?)
Cựu quân nhân, Trung tá Vũ Minh Trí, trước khi về hưu công tác tại Tổng cục 2, cho Đài Á Châu Tự Do biết ý kiến của mình hôm 20 tháng 7 năm 2020:
“Tình trạng bia mộ liệt sĩ vô danh không phải bây giờ mới có, mà đã tồn tại hơn 50 năm rồi, số lượng tương đối nhiều. Đây là những liệt sĩ chưa tìm được thông tin, chưa xác định được tên tuổi.v.v... chứ không có người nào là không có tên cả. Nhưng nếu bây giờ mà vẽ ra để đổi toàn bộ, thì nó cũng không thay đổi được thực chất của vấn đề, mà tốn kém rất nhiều, tôi nghĩ không cần thiết.”
Theo Trung tá Vũ Minh Trí, ở một đất nước còn nghèo như Việt Nam, thì có rất nhiều việc cần làm cho người dân. Ông cho rằng, những người có quyền sử dụng số ngân sách ấy mà thật sự biết lo cho dân, thì người ta sẽ dễ dàng tìm ra việc để làm và được mọi người ủng hộ.
Đài Á Châu Tự Do hôm 20 tháng 7 năm 2020, đã nhiều lần liên lạc Bộ LĐTBXH, để hỏi về việc này, nhưng mọi cố gắng đều không thành công.
Để tìm hiểu trước năm 1975, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa quy định như thế nào về việc ghi ơn các chiến sĩ tử trận, Đài Á Châu Tự Do hôm 20 tháng 7 năm 2020, liên lạc ông Võ Văn Cơ, cựu Trung úy Phi công Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, hiện sinh sống ở Hoa Kỳ, và được ông cho biết:
Những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa mà tử trận trong chiến cuộc mà không rõ tên tuổi, thì phần mộ sẽ được gọi là 'Chiến sĩ Vô danh', và có một cái bia ghi là 'Tổ quốc Ghi ơn'...<br/>-Trung Úy Võ Văn Cơ
“Những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa mà tử trận trong chiến cuộc mà không rõ tên tuổi, thì phần mộ sẽ được gọi là ‘Chiến sĩ Vô danh’, và có một cái bia ghi là ‘Tổ quốc Ghi ơn’... ghi công là của chế độ cộng sản, còn của chế độ Việt Nam Cộng Hòa là ghi ơn. Chế độ cộng sản bây giờ dùng những từ dao to búa lớn nhưng khó hiểu, nghe không được. Họ đổi là quyền của họ, mình vẫn dùng từ của mình thôi. Rõ ràng mình đơn giản lắm, những cựu quân nhân của mình đọc là biết liền thôi, còn từ của chế độ mới thì khác.”
Theo Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ, hiện tại Việt Nam có tổng cộng 1.146.250 liệt sĩ, trong đó vẫn còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang và hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ nhưng còn thiếu thông tin. Nếu phải thay thế toàn bộ bia mộ ‘Liệt sĩ vô danh’ trên cả nước, chưa kể Đài tưởng niệm ‘Liệt sĩ vô danh’ tại 63 tỉnh thành... thì số tiền bỏ ra không hề nhỏ. Trong khi hiện vẫn còn rất nhiều cựu quân nhân, thương binh sau chiến tranh hiện sống rất khó khăn, nhất là các anh thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa còn ở Việt Nam, nhưng không hề được trợ cấp gì từ chính quyền, mà chỉ nhận được sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng nhận định thêm:
“Tôi nghĩ xét về mặt kinh tế, cái đó phải cân nhắc, không nhất thiết phải thay bia liệt sĩ đồng loạt... về mặt tiền bạc, phải cân nhắc. Hiện ở Việt Nam có cái chuyện, có khi đúng, có khi sai, nhưng các ông lãnh đạo thỉnh thoảng nghĩ ra một sáng kiến, rồi bỏ ra rất nhiều tiền. Ngay cả chuyện đúng nhưng chưa chắc đúng, chẳng hạn như đúng mà chưa đúng thời điểm, hoặc nguồn lực cần tập trung cho một cái khác hơn, mặc dù không phải họ sai, cũng thành vấn đề.”
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, người lãnh đạo cần cân nhắc tiền bỏ ra là tiền thuế của người dân. Làm sao tiết kiệm, đạt mục đích chính trị, mục đích xã hội, mục đích về tinh thần, tâm linh của người dân, nhưng mà không quá tốn tiền.