Lời xin lỗi không thật lòng
Bộ Ngoại giao Philippines vào ngày 28/8 đã công bố bức thư của hiệp hội bảo vệ nghề cá tỉnh Quảng Đông với lời xin lỗi về vụ việc tàu cá nước này đâm chìm tàu cá Philippines ở khu vực bãi Cỏ Rong hôm 9/6 rồi chạy đi bỏ mặt thủy thủy đoàn giữa biển.
Trong thư xin lỗi được công bố nêu rõ, qua báo cáo điều tra xác minh vụ tai nạn thì tàu cá bỏ chạy thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Trong thư viết rõ đây chỉ là “va chạm tai nạn” nên đề nghị bồi thường thiệt hại dựa trên thực tế. Tuy nhiên, trong thư không đề cập đến vấn đề bỏ mặc 22 ngư dân giữa biển và được tàu cá Việt Nam cứu vớt.
Được biết, đây là lần đầu tiên phía hiệp hội Trung Quốc lên tiếng xin lỗi về việc đâm chìm tàu cá nước ngoài. Trong khi đó, hàng chục năm nay tàu cá Việt Nam vẫn thường xuyên bị tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm, phá hỏng nhưng đến nay phía Việt Nam chưa nhận được lời xin lỗi từ Trung Quốc.
Ông Đỗ Thái Bình thành viên của Hội Khoa học Biển thành phố Hồ Chí Minh nhận định về việc này như sau:
“Thật ra Trung Quốc không phải là va chạm mà là chủ ý đâm chìm, rất nhiều lần rồi nhưng không có một lời xin lỗi, tôi cho rằng nó (Trung Quốc) quá coi thường chúng ta.
Ngoài ra, ông Đỗ Thái Bình còn cho rằng phía Trung Quốc họ sử dụng “hiệp hội” để gửi lời xin lỗi, tức là họ dùng nhân dân xin lỗi nhân dân. Tuy nhiên, hiệp hội của các nước theo chế độ toàn trị như Việt Nam và Trung Quốc thì cũng chỉ mang tính chất hình thức nên việc gửi thư trong thời điểm này cũng chỉ là những trò chơi ngoại giao, giữa lúc Philippines và Trung Quốc đang chuẩn bị có cuộc đàm phán.
Tiến sĩ Đinh Kim Phúc, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông thì có nhận định rằng, Trung Quốc không thật sự xin lỗi vì nội dung lá thư và thời điểm gửi thư xin lỗi cũng chỉ là một trong những động thái để xoa dịu thái độ cứng rắn của Manila khi Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ đề cập tới phán quyết của toà trọng tài về việc bác bỏ yêu sách “đường chin đoạn” phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Bên cạnh đó, việc xin lỗi cũng như để Bắc Kinh dễ dàng đàm phán với tổng thống Duterte trong chuyến thăm sắp diễn ra. Ông phân tích:
"Hiện nay, TQ cũng đang cùng một lúc phải đối mặt với nhiều mặt trận như cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, vấn đề Hồng Kông, vấn đề Đài Loan, Philippines và Việt Nam. Tôi nghĩ rằng Bắc Kinh muốn xoa dịu Philippines nhân chuyến thăm của Duterte để tập trung vào các mặt trận khác. Đối với trường hợp của Việt Nam thì hơn 10 năm qua TQ đã nhiều lần cố tình đâm chìm, đâm hư hại các tàu cá của ngư dân Việt Nam, thậm chí bắt bớ hoặc là phạt vạ (phạt vô tội vạ-PV) ngư dân Việt Nam khi đi tránh bão lọt vào khu vực Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam trước đây. Tôi nhận xét thấy TQ không thật sự xin lỗi Philippines vì họ chỉ nói đây là hành động vô tình nhưng họ không nói gì đến việc bỏ mặt 22 ngư dân Philippines rớt xuống biển, được tàu cá Việt Nam cứu vớt và giao lại cho chính phủ Philippines, tôi đánh giá hành động của TQ là không thật tình."
Truyền thông Manila loan tin cho biết tổng thống Philippines ông Duterte đang bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc diễn ra từ ngày 28/8 đến ngày 1/9 để đàm phán và ký kết các thỏa thuận song phương giữa hai nước. Tuy nhiên, một trong những nội dung được thế giới quan tâm là việc ông Duterte sẽ trao đổi với Trung Quốc về phán quyết của tòa trọng tài thường trực quốc tế PCA về Biển Đông năm 2016, mặc dù Bắc Kinh không thừa nhận phán quyết này.
Có nên cứng rắn với Trung Quốc ?
Trong những ngày gần đây, Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte tỏ ra quyết tâm và cứng rắn hơn với phán quyết của tòa trọng tài PCA tuyên năm 2016, bác bỏ đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc tự vạch ra ở Biển Đông, trong đó toà bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc.
Phát biểu trong lễ khánh thành nhà máy điện mặt trời ở tỉnh Romblon miền trung Philippines, ông Duterte nói: "Họ (TQ) nói đừng nhắc đến vấn đề đó. Tôi nói không. Nếu là tổng thống một quốc gia có chủ quyền mà tôi không được nói bất cứ gì tôi muốn, thì đừng hội đàm còn hơn". (Trích từ Zing.vn đăng ngày 22/8/2019)
Dư luận Việt Nam cho rằng, thông thường các vụ tranh chấp, va chạm trên biển Đông thì phía Manila thường sẽ có những phản ứng cứng rắn kiên quyết hơn phía Việt Nam. Vậy tại sao Việt Nam không có những động thái cứng rắn hơn với Trung Quốc?
Ông Đỗ Thái Bình thành viên của Hội Khoa học Biển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng:"Gần đây thì chúng ta mới có những kiên quyết một chút với Trung Quốc với việc ra một số công hàm phản đối nhưng mức độ quyết liệt thì theo tôi thì chưa đến mức quyết liệt."
Còn Tiến sĩ Đinh Kim Phúc thì lý giải vấn đề dư luận đặt ra là do mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc dựa trên 16 chữ vàng và lấy đại cục làm trọng nên thông thường Việt Nam nhân nhượng với Trung Quốc, không muốn làm “nóng” mối quan hệ Việt -Trung. Tuy nhiên ông cũng thẳng thắng phân tích:
“Trong hoàn cảnh hiện nay khi các tàu địa chất quấy nhiễu, xâm phạm vào khu vực thuộc chủ quyền VN quản lý theo luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982, thì VN cần phải có hành động cứng rắn hơn nữa đối với các tàu cá của Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển của Việt Nam, đâm chìm các tàu cá VN và có những hành động vũ trang trái phép khác. Thì tôi nghĩ nên cứng rắn hơn và nếu như VN tiếp tục nhân nhượng thì TQ sẽ có những đòn hay những chiêu thức khác để gây sức ép và đe dọa VN (phải) khuất phục trước sức mạnh, tham vọng của TQ.”
Trong khi đó, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan giải thích những tương đồng và dị biệt giữa Việt Nam, Philippines đặc biệt là trong chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia đối với Trung Quốc như sau:
Về mặt tương đồng: "Phải thấy rằng Việt Nam và Philippines đều là thành viên của ASEAN, hơn nữa Việt Nam và Philippines vừa ký vào AOIP ( Asean Outlook on the Indo-Pacific) nghĩa là cả hai có tiếng nói chung đối với chiến lược IPS (chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương), điểm thứ hai là cả hai đều có tranh chấp với Trung Quốc và đồng thời cũng có tranh chấp với nhau một số đảo trên biển Đông, thứ ba là cả hai đều yếu thế trước Trung Quốc, tức là trong tương quan về pháp lý, về truyền thông, về sứ mệnh cứng thì đều yếu thế với Trung Quốc."
Tuy nhiên về mặt khác nhau, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng khẳng định sự khác biệt lớn nhất giữa hai quốc gia là một xã hội đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập nên các nhánh quyền lực của Philippines tương đối độc lập.
"Vì độc lập nên tiếng nói phản biện trong chính sách đối ngoại đối với TQ thì thường lớn hơn Việt Nam. Cái khác thứ hai là Phi đã có vụ kiện thành công mặc dù TQ không thực hiện và không chấp nhận phán quyết, nhưng đó là công cụ pháp lý rất quan trọng đối với Phi để có cái dền dứ ( đôi co) với TQ. Điều này được thể hiện rất rõ trong chuyến thăm của ông Duterte vừa rồi với Bắc Kinh. Cái phán quyết của tòa nó có sức mạnh hơn so với chính sách của Việt Nam đối với TQ, chính sách 4 tốt 16 chữ vàng thì phán quyết của Philippines nó mạnh hơn. Điều thứ ba là chất lượng đồng minh và chất lượng đối tác mới nổi, có nghĩa Phi là đồng minh còn VN là đối tác mới nổi."
Một điểm nữa được tiến sĩ Thắng cho là rất quan trọng, đó là Việt Nam và Trung Quốc có “núi liền núi, sông liền sông” về địa dư như thế thì Việt Nam bất lợi hơn Philippines.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng khẳng định lại rằng, vấn đề của Việt Nam không phải là cứng hơn hay mềm hơn mà phải nhìn vào tổng thể tương đồng và khác biệt trong chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia để tìm hướng đi thích hợp. Nguyên lý của Việt Nam thường lấy nhu thắng cương chứ không thể cứng hơn với Trung Quốc vì tương quan lực lượng đã không cho phép thực hiện điều đó.