Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm – Biển Đông tiếp tục dậy sóng

Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn đặt nặng mục tiêu tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao. Bởi vì với một đất nước đông dân, có nhiều vấn đề nội bộ nghiêm trọng như Trung Quốc thì chỉ khi giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao mới có thể đảm bảo cho việc cầm quyền của Đảng Cộng sản, không dẫn đến sự rối loạn đất nước.

Tuy nhiên, tình hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc gần đây đã xuất hiện những trở ngại mới và điều đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình chính trị Trung Quốc và thế giới. Các con số thống kê chỉ tính đến tháng 9/2019 đã cho thấy sự sụt giảm đáng kể của nền kinh tế Trung Quốc. Tại cuộc họp Lưỡng hội tháng 3/2019, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đặt ra mục tiệu trong Báo cáo công tác Chính phủ, dự kiến kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng từ 6 - 6,5%/năm. Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (National Bureau of Statistics of China) thì GDP quý I đạt 6,4%, quý II đạt 6,2% và quý III chỉ đạt 6%. Các số liệu như trên cho thấy mức tăng trưởng về GDP năm nay của Trung Quốc thấp nhất trong thời gian gần 30 năm trở lại đây. [1] Hãng Reuters dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2020 chỉ có khả năng đạt được 5,9%. [2]

Nền kinh tế Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nên ít nhiều gặp khó khăn do quy mô kinh tế lớn và phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài. Thời gian qua, Trung Quốc cũng đã nỗ lực chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế thiên về xuất khẩu thay bằng kích thích nhu cầu trong nước, xong để nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này chuyển hướng cần thời gian và các chính sách đồng bộ. Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia đánh giá thì một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là do tác động của cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ trong suốt thời gian qua. Cuộc chiến tranh thương mại này cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, đang ở mức không ngừng leo thang căng thẳng thậm chí còn mở rộng ra cả lĩnh vực tài chính tiền tệ. Điều đó đã tác động trực diện đến nền kinh tế Trung Quốc, gây ra tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đã rời khỏi Trung Quốc để tránh tác động của thương chiến, dẫn đến việc thất nghiệp lan rộng. [3] Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) - cơ quan hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu Trung Quốc cho biết, nước này đang phải chịu rất nhiều áp lực trong việc duy trì môi trường việc làm ổn định), v.v...Ngoài ra, tình hình chính trị căng thẳng như biểu tình ở Hồng Kông kéo dài cũng là nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc.

Trong nhiều năm trở lại đây, mức tăng trưởng kinh tế ổn định đã trở thành một trong những nền tảng duy trì tính hợp pháp trong sự cầm quyền của ĐCS Trung Quốc. Bởi vậy, việc thừa nhận những khó khăn nổi cộm trong phát triển kinh tế, một mặt cho thấy, những áp lực về kinh tế mà Trung Quốc đang phải đối mặt là rất lớn, mặt khác cho thấy chính phủ Trung Quốc đã nhận thức rõ được cục diện khó khăn về mặt kinh tế mà nước này đang phải đối mặt.

Hình minh họa. Hình chụp hôm 1/6/2014 từ tàu cảnh sát biển Việt Nam cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc đang đuổi theo tàu Việt Nam gần giàn khoan dầu Trung Quốc triển trai ra Biển Đông
Hình minh họa. Hình chụp hôm 1/6/2014 từ tàu cảnh sát biển Việt Nam cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc đang đuổi theo tàu Việt Nam gần giàn khoan dầu Trung Quốc triển trai ra Biển Đông (AFP)

Tuy nhiên, cho dù nền kinh tế có những biến động như vậy, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh tế ở khu vực đảo Hải Nam nhằm mục tiêu xây dựng khu vực đảo Hải Nam thành Khu mậu dịch tự do và cảng thương mại tự do với hàng loạt các chính sách ưu đãi về mặt kinh tế. Kế hoạch thúc đẩy phát triển kinh tế ở Hải Nam trên các lĩnh vực mũi nhọn như: Cảng biển, nuôi trồng thuỷ hải sản, nông nghiệp nhiệt đới, du lịch nghỉ dưỡng, hàng không vũ trụ...đã cho thấy mục tiêu lâu dài của Đảng và Chính phủ Trung Quốc trong việc phát triển kinh tế Hải Nam làm bàn đạp tiến ra khống chế Biển Đông. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở Hải Nam để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào khu vực này, tạo điểm kết nối với các quốc gia trong khu vực trên cơ sở thúc đẩy chiến lược con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21.

Chúng ta đã chứng kiến trong năm 2019, những dấu hiệu bất ổn của tình hình kinh tế, chính trị, đối ngoại của Trung Quốc đã có những tác động, ảnh hưởng nhất định tới tình hình Biển Đông. Bởi vì một trong các cách thức căn bản mà Trung Quốc từ trước đến nay vẫn hay áp dụng đó là khi có những dấu hiệu bất ổn trong nước, Trung Quốc thường thông qua những động thái gây căng thẳng ngoài biển để đẩy mâu thuẫn ra bên ngoài, kích động chủ nghĩa dân tộc nhằm làm giảm sự chú ý của dư luận đối với các vấn đề nội bộ. Chính vì vậy, với việc tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, cộng với các vấn đề chính trị nội bộ, Trung Quốc đang có những xung đột sâu sắc, khả năng Trung Quốc “mượn” vấn đề biển Đông để lấp đi những bất ổn nội bộ là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra.


[1] National Bureau of Statistics of China, 2019, Preliminary Accounting Results of GDP for the Third Quarter of 2019, http://www.stats.gov.cn/english/PressRelease/201910/t20191021_1704329.html

[2] https://www.reuters.com/article/us-china-economy/chinas-economic-growth-set-to-slow-to-30-year-low-this-year-more-government-support-seen-reuters-poll-idUSKBN1ZD0O9

[3] Công ty nước ngoài chạy khỏi Trung Quốc, hàng loạt nhà máy tê liệt". Mạng: https://vietnamnet.vn/vn/kinh- doanh/dau-tu/cong-ty-nuoc-ngoai-chay-khoi-trung-quoc-hang-loat-nha-may-te-liet-562737.html