9 người dân nuôi 1 công chức, không ngân sách nào có thể chịu nổi

0:00 / 0:00

Mặc dù chính phủ nhiều lần đưa ra giải pháp tinh giản biên chế, nhưng Việt Nam hiện vẫn có số lượng công chức khổng lồ, gây nhiều hệ lụy kinh tế xã hội.

Tại Hội thảo Chính phủ và Chính quyền địa phương do Bộ Nội vụ tổ chức hôm 28 tháng 8 tại Hà Nội, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa thuộc Đại học Fulbright Việt Nam, khi đề cập đến bộ máy chính quyền địa phương đã cho biết, số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước hiện nay là khoảng 11 triệu người.

Nếu số liệu đúng như vậy thì cứ 9 người Việt Nam phải nuôi 1 người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách nhà nước.

Ông Nghĩa cũng dẫn số liệu của Bộ Nội vụ tính đến tháng 3 năm 2018 cho biết, hiện Việt Nam có gần 137 ngàn tổ dân phố; 11.162 xã, phường; 713 đơn vị hành chính cấp huyện và 63 tỉnh, thành phố. Chỉ riêng từ cấp phường xã trở xuống thì số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách ước tính là 1,3 triệu người.

Một cái ngân sách như thế và phải nuôi số lượng người trong biên chế gồm viên chức nhà nước, quân đội, công an và tất cả các đoàn thể… thì không có một ngân sách nào có thể chịu được.<br/>-Giáo sư Tương Lai

Nhận xét về số liệu này, Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết:

“Lâu nay trên Diễn đàn Quốc hội và trong dư luận cũng ca thán là bộ máy cồng kềnh, thuế lại nuôi bộ máy đó, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Thứ hai, bộ máy cồng kềnh làm cho hiệu quả phục vụ nhân dân giảm sút.”

Giáo sư Tương Lai, Cựu Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, từng là thành viên nhóm cố vấn cho các cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, đưa ra nhận định:

“Vấn đề nó quá rõ rồi, bởi vì một cái ngân sách như thế và phải nuôi số lượng người trong biên chế gồm viên chức nhà nước, quân đội, công an và tất cả các đoàn thể… thì không có một ngân sách nào có thể chịu được.”

Cũng tại Hội thảo Chính phủ và Chính quyền địa phương, Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa cũng cho biết, tỷ lệ công chức và viên chức trên dân số của Việt Nam ước tính là 4,8%, con số này được ông Nghĩa cho là cao nhất Châu Á.

Theo số liệu do Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR công bố, các tổ chức quần chúng công mỗi năm tiêu tốn từ 45.670 tỷ đồng đến 52.700 tỷ đồng mỗi năm, tương đương khoảng 1,7% GDP của Việt Nam năm 2014. Trong đó, khoản chi từ ngân sách nhà nước khoảng 14.023 tỷ đồng.

Trong khi đó, trong Báo cáo Đánh giá về chi tiêu công Việt Nam do Bộ Tài chính và Ngân hàng thế giới công bố, dù có tăng trưởng kinh tế ấn tượng, Việt Nam vẫn nằm trong những quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất, tăng khoảng 10% trong 5 năm qua, mà nguyên nhân một phần là do bội chi ngân sách.

Rất khó để tinh giản

Công chức, ảnh minh họa.
Công chức, ảnh minh họa. (Courtesy tcnn.vn)

Theo một số chuyên gia phát biểu tại Hội thảo Chính phủ và Chính quyền địa phương, để tinh gọn bộ máy chính quyền một hiệu quả, Việt Nam phải bắt đầu từ việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ngoài ra, phải tách dịch vụ công thuần túy theo địa giới hành chính như đất đai, tài nguyên, quy hoạch, bảo vệ môi trường, thuế, y tế công cộng... ra khỏi các chức năng điều tiết từ trung ương. Đồng thời, tách công vụ, công chức dần ra khỏi trung ương và địa phương.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, hiện sống tại Sài Gòn thì cho rằng:

“Cải cách đó tới bây giờ thì có Nghị quyết trung ương 6, tức là sắp xếp bố trí lại các cơ quan một cách hợp lý hơn. Mà nếu thực hiện tốt cái này thì cũng có thể giảm một số khá lớn công chức. Ở Việt Nam thì làm cái gì cũng phải làm từ từ, không thể làm cái rụp được, vì họ sợ có biến động về chính trị thế này thế kia, cho nên làm một cách từ từ. Nhưng Bộ công an cũng cho biết là giảm từ mấy Tổng cục xuống còn một số Cục thôi. Nhưng vậy mà riêng tướng lãnh thôi cũng thừa ra chừng cả chục…”

Tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức ngày 7 tháng 8, để công bố việc triển khai Nghị định 01/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công an, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, sau tinh gọn, Bộ Công an chính thức không còn 6 Tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp Cục và giảm gần 300 đơn vị cấp phòng.

Ông Lê Văn Cuông cũng cho rằng, việc thu gọn bộ máy không dễ gì thực hiện vì sẽ thừa ra nhiều lãnh đạo.

“Bây giờ thu gọn đầu mối lại thì cũng rất ảnh hưởng và không dễ dàng mà thực hiện được vấn đề này. Nhưng mà có thể nói là đối với Việt Nam thì cũng không còn con đường lùi nữa.”

Không giảm biên chế được thì từ vấn đề kinh tế nó sẽ chuyển qua vấn đề xã hội. Mà khó để giải quyết vấn đề xã hội đó, vì tình hình Việt Nam rất bê bối, nhìn đâu, sờ vào đâu cũng đều thấy có vấn đề cả.<br/>-Giáo sư Tương Lai

Liên quan vấn đề này, Giáo sư Tương Lai cho rằng vì vậy việc tinh giản biên chế là không thể không giảm được, nhưng mà “đảng” phải giảm như thế nào để tránh gây biến động xã hội, đấy là vấn đề phải tính. Ông nói thêm:

“Bởi vì cái số người bám vào cái ngân sách nhà nước là quá đông, và phải nhớ rằng khi mà họ vào để trở thành một viên chức nhà nước thuộc biên chế, thì cái số tiền họ mua để vào biên chế đó không nhỏ đâu. Ngay cả một giáo viên ra trường muốn có một chỗ đi dạy thì cũng phải mua. Ví dụ như lực lượng công an, để vào được biên chế công an đâu phải đơn giản. Thì số tiền người ta đã bỏ ra mà anh gạt người ta ra thì người ta phải đòi lại số tiền đó. Mà làm sao đòi được, thì nó sẽ sinh ra những biến động xã hội.”

Theo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam-PAPI được công bố ngày 4 tháng 4 năm 2017, khoảng 54% số người dân được hỏi cho rằng, cần phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước.

Theo Giáo sư Tương Lai, vấn đề giảm biên chế là buộc phải giảm, nhưng ông cho rằng giảm biên chế có thể sẽ gây ra những biến động xã hội không hề đơn giản.

"Không giảm biên chế được thì từ vấn đề kinh tế nó sẽ chuyển qua vấn đề xã hội. Mà khó để giải quyết vấn đề xã hội đó, vì tình hình Việt Nam rất bê bối, nhìn đâu, sờ vào đâu cũng đều thấy có vấn đề cả."