Tiến sỹ Celia Lamkin, nhà sáng lập “Phong trào Thanh niên Quốc gia vì Biển Tây Philippines” (Biển Tây Philippines là Biển Đông trong tiếng Việt), nói rằng việc Trung Quốc phong tỏa bãi cạn Scarborough là vi phạm Luật biển Quốc tế (UNCLOS) vì theo UNCLOS, người ta có quyền tự do hàng hải trong khu vực này. Tiến sỹ Celia cũng cho rằng bài học kinh nghiệm lớn nhất của Philippines về bãi cạn Scarborough mà Việt Nam nên học để ứng phó với Trung Quốc là “đừng bao giờ tin Trung Quốc.”
Còn theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay căng thẳng, Mỹ và Phương Tây bị hút nguồn lực ra nhiều mặt trận khác nhau, Trung Quốc có cơ hội để hung hăng hơn ở Biển Đông thì Việt Nam nên tạm ngưng khai thác một số mỏ dầu khí để tránh nguy cơ bị Trung Quốc chọn làm mục tiêu.
Bài học niềm tin với Trung Quốc
Nói về tình hình hiện tại của Philippines khi Trung Quốc đang phong tỏa cùng lúc ba thực thể của nước này, trong đó có hai thực thể trong vùng đặc quyền kinh tế là Bãi Cỏ Mây, tức Second Thomas Shoal, và Bãi cạn Scarborough, TS. Celia Lamkin chia sẻ, bài học kinh nghiệm lớn nhất của Philippines về bãi cạn Scarborough mà Việt Nam nên học để ứng phó với Trung Quốc là “đừng bao giờ tin Trung Quốc.”
Phân tích thêm về mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc, TS. Celia cho rằng, về kinh tế, Trung Quốc cho Philippines vay rất nhiều để nói rằng họ quan tâm đến lợi ích của Philippines. Nhưng điều đó không đúng, họ muốn lấy nguồn lợi của Philippines từ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, dầu khí, sinh vật biển… Dưới thời cựu Tổng thống Duterte, Philippines đã được Trung Quốc cho vay hàng nghìn tỷ peso (hiện nay, một tỷ peso tương tương khoảng 17 triệu dollars) để xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc đầu tư ở Philippines. Nhưng những cơ sở hạ tầng ấy bây giờ ở đâu rồi? Bà Lamkin đặt câu hỏi.
Mặt khác, TS. Lamkin tố cáo Trung Quốc đã lừa dối Philippines bằng cách nói rằng họ xây dựng nơi trú ẩn trên rạn san hô cho ngư dân của họ, nhưng rồi sau đó họ biến chúng thành đảo nhân tạo. Những đảo nhân tạo như Đá Vành Khăn và Đá Subi đã bị quân sự hóa.
Bãi cạn Scarborough nằm trong 200 hải lý thềm lục địa Philippines, cách đường cơ sở nước này khoảng 120 hải lý. Trung Quốc đẩy Philippines khỏi bãi cạn này và chiếm đóng thực tế từ tháng 4 năm 2012 trong thời gian hai nước Philippines - Trung Quốc đối đầu nhau.
Philippines đã bị lừa vì sau khi cả Trung Quốc và Philippines đều yêu cầu phía kia rời khỏi Bãi cạn Scarborough. Philippines thực hiện điều đó, còn Trung Quốc chưa bao giờ rời Bãi cạn Scarborough cho đến tận bây giờ, người sáng lập “Phong trào Thanh niên Quốc gia vì Biển Tây Philippines” nói với RFA.
Việt Nam nên tránh đối đầu với TQ ở Biển Đông
Phân tích về tình hình Việt Nam giữa những căng thẳng tại Biển Đông đang gia tăng, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. HCM nói rằng Việt Nam nên tạm ngừng khai thác dầu khí ở một số mỏ tại Biển Đông để tránh đối đầu với Trung Quốc khi mà Hoa Kỳ và châu Âu đang phải tập trung vào các điểm nóng Ukraine và Trung Đông.
Trước việc Trung Quốc phong tỏa bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây của Philippines, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng Việt Nam không có những điểm yếu tương tự để Trung Quốc lấn tới.
Bãi cạn Scarborough do Trung Quốc kiểm soát thực tế nhưng đó là một bãi san hô có nhiều đá ngầm và đá nổi, hiện chưa thể đưa người đến đồn trú. Bãi cạn Cỏ Mây (the Second Thomas Shoal) thì Philippines có quân đồn trú nhưng trú trên một con tàu cũ và con tàu sắp bị sập. Trung Quốc phong tỏa bãi Cỏ Mây vì nếu phong tỏa đủ lâu thì Philippines sẽ phải rút quân. Trong khi đó, Trung Quốc khó bao vây Việt Nam như vậy vì trên Biển Đông, Việt Nam không có những điểm yếu tương tự để dễ dàng phong tỏa đến mức phải rút quân. Ông nói:
“Việt Nam không có những điểm yếu tương tự như vậy. Bản thân Philippines đang chiếm hữu một số đảo lớn như Thị Tứ chẳng hạn. Trung Quốc mạnh hơn nhưng không dễ gì tấn công Philippines ở Thị Tứ. Từ đó có thể suy ra trường hợp Việt Nam. Các căn cứ Việt Nam chiếm hữu đều được xây dựng đầy đủ. Nói chung với những cấu trúc được xây dựng, trang bị mạnh mẽ như vậy thì những việc Trung Quốc làm như với bãi Cỏ Mây thì khó lắm.
Những chỗ tranh tối tranh sáng như bãi Cỏ Mây thì họ mới sử dụng vũ lực được, có thể chiếm hữu thay thế được, còn ở những chỗ đã được trang bị tốt thì họ không làm được. Mà có làm thì bị các nước khác phản đối ngay. Cách quan trọng nhất mà Việt Nam phải tính về mặt ngoại giao là không để xảy ra sự đối đầu như thế.”
Năm 2014, Việt Nam và Trung Quốc từng đối đầu nhau trong vụ giàn khoan HD-981. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nói rằng cuộc đối đầu năm 2014 từng rất căng thẳng, khốc liệt không kém Philippines và Trung Quốc hiện nay ở bãi Cỏ Mây. Bài học mà Việt Nam học được qua lần đối đầu đó, theo ông Hoàng Việt, là muốn chống lại chiến thuật vùng xám thì phải có đủ cảnh sát biển, dân quân biển để đối phó chứ không thể đem hải quân chính quy ra được. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt chia sẻ:
“Đối phó với chiến thuật vùng xám thì phải xem ai kiên nhẫn hơn, mạnh mẽ hơn. Và năm 2014 thì Việt Nam đã thành công. Còn hiện tại và tương lai thì Việt Nam lại chọn tránh tối đa đối đầu với Trung Quốc.
Theo đánh giá của phía Việt Nam thì hiện Trung Quốc đe dọa Việt Nam trong kế hoạch khai thác các mỏ mới, chứ khó có lý do để bao vây những thực thể Việt Nam đã chiếm giữ, xây dựng kiến cố từ lâu.
Hiện Việt Nam chấp nhận tạm ngưng khai thác ở một số mỏ để tránh đối đầu khi tình hình quốc tế đang căng thẳng ở các khu vực khác, nhưng không có nghĩa là sẽ lùi bước mãi mãi.”
Mỹ bị hút bởi điểm nóng khác
Tình hình quốc tế căng thẳng mà nhà nghiên cứu Hoàng Việt nói đến ở đây là các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông. Đồng quan điểm với nhà nghiên cứu Hoàng Việt, TS. Nagao Satoru ở Hudson Institute cho rằng kể từ khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, các đối thủ của Mỹ đã đánh giá thấp Mỹ trong vai trò là cường quốc răn đe các cuộc xung đột. Sau đó, do cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine và bất ổn ở Trung Đông, Mỹ cần chia sẻ nguồn lực lớn hơn để hỗ trợ Ukraine và Israel. Trong tình hình như vậy, Mỹ không thể chia sẻ đủ nguồn lực với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Nhìn từ phía Trung Quốc thì đây là một cơ hội. TS. Nagao chỉ ra là năm 2023, Trung Quốc tăng cường cung cấp vũ khí lưỡng dụng (có thể dùng cho cả quân sự và dân sự) cho Nga để hỗ trợ ngành công nghiệp quân sự Nga. Trung Quốc chưa cung cấp vũ khí cho Nga nên kho vũ khí của Trung Quốc vẫn còn đủ khi cần. Trong khi đó, Mỹ đang cạn dần kho vũ khí vì cần chia sẻ thêm vũ khí để hỗ trợ Ukraine và Israel. Đó là tình huống khiến Trung Quốc có ý định tạo cơ hội mở rộng lãnh thổ tại Scarborough hiện nay, vị chuyên gia an ninh quốc tế ở Hudson Institute chia sẻ góc nhìn của mình với RFA.
Còn theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay căng thẳng, Mỹ và Phương Tây bị hút nguồn lực ra nhiều mặt trận khác nhau, Trung Quốc có cơ hội để hung hăng hơn ở Biển Đông thì Việt Nam tạm ngưng khai thác một số mỏ dầu khí để tránh nguy cơ bị Trung Quốc chọn làm mục tiêu.
Đông Nam Á quan sát mức độ cam kết của Mỹ
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, không chỉ Việt Nam mà một số nước khác có xung đột lợi ích với Trung Quốc như Malaysia và Indonesia cũng chọn cách giải quyết tránh đối đầu với Trung Quốc. Ông nói:
“Theo tôi hiểu thì những quốc gia như Malaysia, Indonesia đang thay đổi cách tiếp cận với Trung Quốc và Biển Đông. Một mặt, họ kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia ở Biển Đông, bao gồm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán. Mặt khác, họ cho rằng Biển Đông là vấn đề lâu dài, không giải quyết được trong ngắn hạn, nên vẫn muốn tranh thủ hợp tác với Trung Quốc để kích thích nền kinh tế của họ.
Tôi nghĩ Việt Nam cũng có cách tiếp cận như vậy. Malaysia, Indonesia đều là những quốc gia thực dụng. Họ sẽ quan sát liên minh ba bên Mỹ, Nhật, Philippines xem nó hiệu quả đến đâu. Họ muốn nhìn xem liên minh của Philippines với Mỹ, Nhật có sức ngăn cản được tham vọng của Trung Quốc không. Hay liên minh này lại tạo ra cái cớ cho Trung Quốc lấn tới, gây thiệt hại nhiều hơn cho Philippines.
Nếu liên minh Philippines - Mỹ mà thất bại, không ngăn cản được Trung Quốc bành trướng ở bãi cạn Scaborough thì tôi chắc là Việt Nam, Malaysia, Indonesia cũng sẽ không dại gì đối đầu với Trung Quốc. Còn nếu liên minh của Philippines với Mỹ - Nhật có hiệu quả, có sức bền vững, lâu dài, ngăn cản được sức bành trướng của Trung Quốc, giúp Philippines bảo vệ được chủ quyền thì tôi nghĩ Việt Nam, Malaysia, Indonesia cũng sẽ xem xét lại chính sách của mình liên quan đến Biển Đông. Họ có thể điều chỉnh nhất định với chính sách nếu chiến lược của Philippines hiệu quả.”