Trung Quốc đang gấp rút xây dựng các đảo đá nhân tạo ở Trường Sa, nơi mà Việt Nam cũng khẳng định chủ quyền. Trong khi đó, Mỹ dường như ngày càng lên tiếng mạnh mẽ hơn phản đối điều này. Mới hôm qua, Bộ trường Quốc phòng Mỹ Ash Carter kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hoạt động xây dựng ở Biển Đông. Hải Ninh có cuộc phỏng vấn với giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy môn Quan hệ Quốc tế tại Đại học George Mason Hoa Kỳ, về vấn đề này.
Hải Ninh: Xin chào Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng. Cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Xin hỏi ông câu đầu tiên, việc Trung Quốc xây dựng đảo đá ở Trường Sa, rồi cả hải đăng nữa sẽ ảnh hưởng tới tình hình Biển Đông ra sao?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Điều đầu tiên mình thấy là tình hình đang rất căng thẳng, thêm vào đó là nhũng chỉ trích qua lại, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Đấy là tình hình tổng quát. Còn về chi tiết có hai cái điều quan trọng: Thứ nhất là về phương diện chiến lược, thứ hai là về phương diện luật quốc tế và trật tự quốc tế.
Về phương diện chiến lược thì hiện 5 hòn đảo mà Trung Quốc đang bồi đắp nằm ngay ở tuyến đường biển rất quan trọng giữa Việt Nam này, Philippines, Brunei, Malaysia. Vì vậy nếu Trung Quốc thiết lập được căn cứ đó thì họ có thể kiểm soát và chế ngự hoàn toàn cái vùng biển này, khiến cho tuyến đường biển quan trọng bị block, bị chặn lại biển Hoa Đông xuống Malaca. Thành ra nếu Trung Quốc thành công thì họ sẽ đạt được ưu thế chiến lược rất là quan trọng.
Thứ hai nói về trật tự quốc tế, luật quốc tế hiện hành không cho phép nước nào nhận chủ quyền các bãi đá chìm, trừ khi bãi đá đó nằm trong vùng lãnh hải của mình hay là trong vòng EEZ, tức là vùng đặc quyền kinh tế của mình. Luật pháp quốc tế qui định như thế, nhưng Trung Quốc lại muốn biến thành đảo riêng của họ. Việc làm này của Trung Quốc làm phát sinh hai chuyện: Thứ nhất là Trung Quốc vi phạm luật quốc tế, hoặc là Trung Quốc lập luận là họ chỉ xây dựng trong phạm vi của họ thôi, phạm vi đó là gì, là phạm vi đường lưỡi bò.
Như vậy có nghĩa là Trung Quốc tuyên bố phạm vi trong đường lưỡi bò là chủ quyền của họ, mọi người phản đối nhưng Trung Quốc cứ thi hành từ từ. Tõ ràng là Trung Quốc đang từ từ biến đường lưỡi bò thành sự thật. Về phương diện quốc tế hiện hành thì nó là sai, nhưng mà Trung Quốc cứ giải thích theo kiểu của họ rằng đây là vùng biển của Trung Quốc, họ có quyền xây, ai cũng có quyền xây dựng như xây nhà trên đất của họ.
Trung Quốc thì cứ làm như vậy, mà nếu quốc tế cứ đứng nhìn như thế thì đến một lúc nào đó Trung Quốc đặt ra luật rồi lại thi hành luật đó.
Hải Ninh: Vâng. Mới đây còn có thông tin từ một tờ báo Australia rằng Trung Quốc dường như đã đưa vũ khí lên đảo nhân tạo kể trên. Theo Giáo sư thì khả năng xung đột là như thế nào?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết là theo như những gì máy bay trinh sát Mỹ phát hiện thì Trung Quốc đang xây những đảo quan sát ở Biển Đông. Và tất nhiên là Trung Quốc sẽ tiếp tục xây căn cứ quân sự để bảo vệ cho các đảo quan sát đó. Khi đi vào hoạt động thì thông tin từ các đảo quan sát này sẽ truyền sang cho quân đội Trung Quốc, và quân đội sẽ theo dõi máy bay, thậm chí có thể dùng kỹ thuật zoom in để bắn vào máy bay đó. Tình trạng này sẽ rất nguy hiểm cho các máy bay đi vào khu vực do Trung Quốc kiểm soát.
Vì vậy, nếu như tin Trung Quốc đưa vũ khí đến các đảo này là đúng, tức là họ đã quân sự hoá các đảo này; thì đây có thể coi là một bước leo thang thêm cái hành động của họ.
Hải Ninh: Vậy thì khả năng xảy ra xung đột sẽ là như thế nào?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Khả năng xẩy ra xung đột thì có. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter hôm qua đã lên tiếng yêu cầu các quốc gia có liên quan đều phải liên kết phản đối các hành động của Trung Quốc. Ông Carter còn nói thêm rằng Mỹ có quyền gửi máy bay hay tàu chiến đến bất cứ vùng nào mà luật quốc tế cho phép, mà nếu mà Mỹ giải thích luật quốc tế cho phép ấy thì nó sẽ bay qua khu vực Trung Quốc đang xây đảo và đi tàu vào trong đó.
Thành ra như vậy là những tuyên bố của phía Mỹ đi ngược lại với quan điểm của Trung Quốc, và tất nhiên là Trung Quốc sẽ chống lại chuyện đó... Bây giờ lại thêm chuyện Trung Quốc đã đưa vũ khí đến các đảo đó thì sẽ rất nguy hiểm, có thể xảy ra các biến cố không trù liệu trước được.
Do vậy, nguy cơ xung đột là rất lớn. Hôm trước tôi có đọc câu tuyên bố của ông cựu phó giám đốc trung ương tình báo Hoa Kỳ CIA, ông nói rằng rất có nguy cơ xảy ra chiến tranh ở Biển Đông.
Hải Ninh: Trong trường hợp xảy ra xung đột và chiến tranh như thế, những nước cũng khẳng định chủ quyền ở Biển Đông phải làm thế nào?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Các nước đó thì chỉ có đánh bom miệng đươc thôi, thực sự họ không có khả năng gì để cản trở Trung Quốc cả, tất cả họ đều phải nhờ vào Mỹ.
Thế mà cái khổ là thế này: Nếu như các nước trong khu cực đoàn kết lâu nay, thì Trung Quốc đã không tiến mạnh được như bây giờ. Bởi vì nếu Đông Nam Á kết lâu thì Mỹ sẽ dễ dàng dính tay vào.
Theo sự nhận xét riêng của tôi đó thì tôi cảm tưởng các nước Đong Nam Á ấy chỉ muốn free ride đấy, tức là chống Trung Quốc thì chỉ chống miệng thôi, còn hành động thì không làm, và thậm chí một số nước vẫn tiếp tục có quan hệ tốt với Trung Quốc. Thì Mỹ sẽ bảo "you cannot have cake and eat it too", ông ăn hết bánh rồi thì bánh hết chứ còn gì là bánh nữa. Đó chính là tình trạng tạo ra những khó khăn như hiện nay.
Hải Ninh: Vậy liệu Trung Quốc có dừng việc xây đảo đá hoặc có cách nào khiến họ dừng việc xây dựng hay không. Thưa Giáo sư?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết là Trung Quốc đã xây thành đảo rồi. Vấn đề là họ có quân sự hoá những đảo nhân tạo đó không? Quân sự hoá có nghĩ là gì, ngoài vũ khí thì họ có thể xây sân bay, đưa tàu chiến vào. Nếu họ làm như vậy thì họ thay đổi rất mạnh mẽ thế chiến lược trong vùng, và sẽ có ưu thế chiến lược để kiểm soát Biển Đông, tạo ra áp lực rất mạnh cho những người muốn chống lại, nếu chống lại thì có thể xảy ra chiến tranh.
Hải Ninh: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.