Nhóm lợi ích: lực cản tái cơ cấu kinh tế

0:00 / 0:00

Tại diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013 vừa diễn ra ở Nha Trang, quy tụ hơn 100 diễn giả từ khắp nơi trên cả nước, bàn về những vấn đề kinh tế chủ chốt, trong đó, vấn đề tái cơ cấu một lần nữa là đề tài nòng cốt. Tại đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định nhóm lợi ích là lực cản rất lớn cho tiến trình này.

Lợi ích nhóm ở VN

“Lợi ích nhóm” không còn là một khái niệm mới mẻ, tuy nhiên, để lực cản này trở thành một “rào cản rất lớn” cho tiến trình tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế lại là một vấn đề đáng phải bàn luận. Bởi lẽ, lợi ích nhóm len lỏi trong tất cả các ngành nghề, từ những lĩnh vực “màu mỡ” như bất động sản, ngân hàng, tài chính, xăng dầu… cho đến cả những khu vực “phi lợi nhuận” như giáo dục, y tế… lợi ích nhóm tồn tại từ cấp vĩ mô trong Chính phủ cho đến cấp vi mô của các công ty, tập đoàn.

Về mặt khái niệm, các nhóm lợi ích được hình thành một cách khách quan trong các xã hội để phục vụ lợi ích của các thành viên trong nhóm mình. Ở các nước phương Tây, những người vận động hành lang (lobby) là biểu hiện rõ nhất của lợi ích nhóm, đó được xem như một nghề hẳn hoi. Nếu lợi ích nhóm nhằm hướng tới sự phát triển, hài hòa đi theo lợi ích của số đông và xã hội, thì lợi ích nhóm đó là tích cực. Ngược lại, nếu lợi ích nhóm chỉ nhằm vào thiểu số người có quyền hạn, tạo ra sự xung đột, có tác động xấu đến sự phát triển của toàn xã hội, đó là lợi ích nhóm tiêu cực.

Trong một nền kinh tế thị trường, việc các doanh nghiệp chạy theo mục đích tối đa hóa lợi nhuận là chuyện đương nhiên, thế nhưng, xét trên tổng thể cả xã hội, ở đâu mà lợi ích càng lớn thì ở đó các nhóm lợi ích hoạt động càng mạnh, thậm chí là càng tinh vi. Bằng nhiều phương tiên và công cụ khác nhau, họ tác động hoặc cấu kết với những người ra quyết định nhằm đạt được lợi ích tối đa cho mình và vô hình chung, họ làm tổn hại đến lợi ích của số đông và nghiêm trọng hơn là lợi ích quốc gia. Theo chuyên gia kinh tế, T.S Ngô Trí Long, nhóm lợi ích được biểu hiện như sau:

Biểu hiện của lợi ích nhóm là khi thông qua việc tạo dựng những cơ chế, chính sách; người ta lồng những ý đồ cá nhân của họ vào. Để đặt chính sách đó phục vụ cho lợi ích của họ, nhằm thu được những lợi ích tương đối là bất chính, không chính đáng.

Những khoản thu được “bất chính” và “không chính đáng” như T.S Ngô Trí Long giải thích thể hiện rõ trong một cơ chế kinh tế vẫn đặt nặng tính “xin cho” và “độc quyền” như tại Việt Nam, khi nhiều lĩnh vực vẫn là những “sân sau” của các doanh nghiệp Nhà nước hoặc được Chính phủ “đỡ đầu” kiểu điện lực, xăng dầu, nhà đất, ngân hàng… Những nhóm lợi ích này càng dễ hoạt động trong một môi trường luật pháp thiếu tính nhất quán, minh bạch, người ra quyết định thì không rõ ràng, người thực hiện mệnh lệnh thì thiếu thông tin.

Nói về nhóm lợi ích ở Việt Nam nó có thể khác đi. Ý người ta muốn nói đến các nhóm lợi ích có ảnh hưởng đến chính sách của đất nước, thì nhóm mạnh nhất và lớn nhất là nhóm của lãnh đạo. <br/> - T.S Nguyễn Quang A

Tại Việt Nam biểu hiện của nhóm lợi ích được thể hiện rõ nét nhất trong những tầng lớp điều hành, quản lý, quyền càng cao thì khả năng thao túng và gây ảnh hưởng càng lớn, chính bởi lợi ích nhóm đang đi ngược lại lợi ích chung của toàn xã hội, mà trở lực đó đang là rào cản cho tiến trình tái cơ cấu kinh tế, điều nhận định này được T.S Nguyễn Quang A chia sẻ như sau:

Nói về nhóm lợi ích ở Việt Nam nó có thể khác đi. Ý người ta muốn nói đến các nhóm lợi ích có ảnh hưởng đến chính sách của đất nước, thì nhóm mạnh nhất và lớn nhất là nhóm của lãnh đạo. Bên trong hệ thống ấy mỗi một bộ có những quyền lợi khác nhau, mỗi địa phương thậm chí nhóm doanh nghiệp nhà nước cũng có thế lực rất mạnh.

Việc tái cấu trúc sự thực người ta nói đến rất nhiều nhưng mà làm như thế nào mới là điều quan trọng. Bởi vì có những trường hợp gọi là thay đổi nhưng mà thay đổi theo hướng thụt lùi như là từ năm 2006-2007 đến nay với việc thành lập nhiều tập đoàn, ra đời rất nhiều ngân hàng, thì đấy cũng là một sự thay đổi. Nhưng sự thay đổi đó tạo ra kết quả rất là xấu, và bây giờ làm như thế nào mới là điều quan trọng.

Rõ ràng những gì T.S Nguyễn Quang A phân tích cho thấy lợi ích nhóm nằm ở mọi tầng lớp, mà cụ thể là đội ngũ chóp bu của các tổ chức và thậm chí là Chính phủ.

Rào cản cho phát triển kinh tế

Hàng hóa trong siêu thị ở Hà Nội. RFA photo

Sự móc nối của các nhóm lợi ích tiêu cực tạo ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Người ta thường nói "quyền" và "tiền" đi đôi với nhau, chính sự cấu kết của chính trịkinh tế hình thành nên những nhóm đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, chính lợi ích nhóm là tác nhân nuôi dưỡng sự tha hóa, biến chất của nhiều cán bộ. Bản thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng khẳng định sẽ kiên quyết ngăn chặn lợi ích nhóm để đảm bảo sự công bằng xã hội. Ông cho rằng việc hợp tác, liên kết để giúp nhau làm giàu chính đáng là tốt, nhưng không thể vì lợi ích của từng cá nhân mà phương hại đến lợi ích của cộng đồng.

Những thí dụ cụ thể trong lĩnh vực ngân hàng, như thống đốc Nguyễn Văn Bình từng lên tiếng có những ngân hàng chỉ do một, hai cổ đông hoặc một nhóm cổ đông chi phối nhưng có dư nợ lên đến 70 - 90% phục vụ cho nhóm cổ đông đó. Đặc biệt, các nhóm cổ đông này sử dụng vốn không hiệu quả, gây nên thất thoát vốn. Hay trong lĩnh vực bất động sản, nhiều mảnh đất đáng giá 100 tỷ đồng thì được định giá thành 1.000 tỷ đồng, rồi các quan chức giữa bất động sản và ngân hàng “ăn chia” khoản chênh lệch, để rồi, những khoản vay trội lên lại không thể đòi nổi hoặc có bán mảnh đất đó đi cũng không thể nào đạt cái giá 1.000 tỷ đồng.

Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đang bị chững lại, mà chắc hẳn trong đó, những nút thắt từ lợi ích nhóm là không nhỏ. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để hạn chế những nhóm lợi ích tiêu cực? Nhiều chuyên gia cho rằng cần có một hệ thống luật pháp, chính sách công bằng và minh bạch, có những phản biện thích hợp trong quá trình ra quyết định. Nhận định này cũng giống với những gì T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết như sau:

Tôi nghĩ là động tác đầu tiên rất quan trọng là cần phải thực hiện công khai minh bạch các quá trình quyết định. Công khai minh bạch các quá trình phân bổ vốn. Công khai minh bạch việc đấu thầu cũng như việc giao các dự án đầu tư của nhà nước cho các doanh nghiệp nào. Những mối quan hệ của những người có liên quan rất cần được công bố công khai ra. Trên các cơ sở đó thì giới truyền thông mới có thể đóng góp vào việc đưa ra ánh sáng những góc khuất mà chúng ta đang muốn kiềm chế và kiểm soát.

Có thể nhận thấy minh bạch hóa thông tin có khả năng thu hẹp đặc quyền, đặc lợi của những nhóm lợi ích thiểu số, và từ đó, tiến trình tái cơ cấu kinh tế sẽ có động lực để tiếp tục. Mục tiêu của phát triển kinh tế là nhắm tới sự phân phối công bằng cho mọi thành phần trong xã hội, chỉ khi các lợi ích của xã hội được chia sẻ một cách đồng đều, thì sự bền vững, hài hòa và ổn định mới thực sự đạt được.