Hỗ trợ tinh thần cho tù chính trị tuyệt thực vì bị ngược đãi

0:00 / 0:00

Tính đến thứ Tư ngày 3 tháng Bảy, cuộc tuyệt thực của các tù nhân chính trị tại Trại 6 huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An, nhằm phản đối điều kiện giam giữ khắc nghiệt đối với tù nhân, đã bước sang ngày thứ 23.

Trong khi đó một số tù chính trị ở Trại 5 Yên Định, Thanh Hóa cũng tuyệt thực.

Cùng lúc, Bản Tuyên Bố Phản Đối Ngược Đãi Tù Nhân, do các cựu tù nhân lương tâm, nhà văn, nhà báo, các tổ chức xã hội, đã nhận được gần 600 chữ ký đồng thuận từ trong cũng như ngoài nước.

Thông tin tuyệt thực được tiết lộ trong chuyến đi thăm chồng Trại 6 Thanh Chương, Nghệ An của bà Nguyễn Kim Thanh, vợ tù chính trị Trương Minh Đức hôm 20 tháng 6. Khi được tin thì các tù chính trị đã tuyệt thực được 10 ngày rồi. Lý do buộc các tù chính trị phải đi đến biện pháp lấy mạng sống ra để đấu tranh là bị ngược đãi. Đến tối ngày 26 tháng Sáu, bà Kim Thanh thông tin cho biết:

Hôm nay chồng tôi mới được gọi điện về. Tôi thấy anh nói rất yếu ớt, giọng bị run run. Tôi hỏi về sức khỏe của anh Trương Minh Đức thế nào thì anh Đức trả lời rằng trong trại giam trời nắng nóng rất khắc nghiệt nên anh Đức rất mệt, hay khó thở và đầu óc hay đau nhức, bị quay cuồng. Anh Đức cho biết các anh vẫn còn tuyệt thực và đã tiếp tục làm đơn khiếu nại yêu cầu giải quyết vấn đề quạt điện; trong trường hợp không giải quyết thì các anh cũng vẫn tuyệt thực cho đến khi họ giải quyết quạt cho các anh.

Cũng trong ngày 26 tháng Sáu, tù nhân chính trị Nguyễn Văn Túc khi được gặp vợ là bà Bùi Thị Rề cũng xác nhận bản thân ông cùng ông Trương Minh Đức, thầy giáo Đào Quang Thực, tù nhân Trần Phi Dũng (vụ án Bia Sơn) đã tuyệt thực đến ngày thứ 16.

Đợt này trùng hợp với ngày 26 tháng Sáu là ngày Công Ước Quốc Tế Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc, có hiệu lực từ ngày 26 thang Sáu năm 1987, ngày Công Ước Quốc Tế chống Tra Tấn 26 tháng Sáu năm 1987. Việt Nam đã ký Công Ước Quốc Tế Chống Tra Tấn từ năm 2013, đến 2014 thì thông qua quốc hội và 2015 thì có hiệu lực. - Ông Trần Bang

Bước qua ngày 1 tháng Bảy, con của ký giả Trương Minh Đức khi thăm gặp được ông Đức báo cho biết trại giam không có động thái giải quyết dù bà Kim Thanh đã gởi đơn khiếu nại đến bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm, Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Nghệ An cùng Ban Giám Thị Trại giam số 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An kể từ ngày 23 tháng 6.

Trước thực tế đáng ngại đó, hơn chục tổ chức và nhiều nhà hoạt động xã hội cùng ký tên vào Bản Tuyên Bố Ngược Đãi Tù Nhân này 26 tháng Sáu. Mục tiêu nhằm tố cáo trước công luận những hành vi ngược đãi tra tấn tù nhân ở Việt Nam qua những vụ việc như tháo quạt điện ở Trại 6 Nghệ An, đánh đập và biệt giam tù nhân Nguyễn Văn Hóa ở trại giam An Điềm Quảng Nam, cùm biệt giam tại trại giam Hà Nam đối với các tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng, Phan Kim Khánh, Lê Đình Lượng, Nguyễn Thanh Tùng vì gặp nhau lúc lao động để bàn chuyện khiếu nại đòi quyền lợi vân vân….

Một trong những người khởi xướng Tuyên Bố Phản Đối Ngược Đãi Tù Nhân, kỹ sư Trần Bang, nói với đài Á Châu Tự Do:

Đợt này trùng hợp với ngày 26 tháng Sáu là ngày Công Ước Quốc Tế Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc, có hiệu lực từ ngày 26 thang Sáu năm 1987, ngày Công Ước Quốc Tế chống Tra Tấn 26 tháng Sáu năm 1987. Việt Nam đã ký Công Ước Quốc Tế Chống Tra Tấn từ năm 2013, đến 2014 thì thông qua quốc hội và 2015 thì có hiệu lực.

Đúng ngày 26 tháng Sáu thì chúng tôi lại có thông tin anh Đức tuyệt thực, mọi người mới bàn là phải có bản tuyên bố này, mục tiêu là để làm sao kêu gọi các nước trên thế giới và Liên Hiệp Quốc, yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện Công Ước Chống Tra Tấn như đã ký kết và yêu cầu không được ngược đã tù nhân, đặc biệt tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị.

Tra tấn ở đây không chỉ đánh đập hành hạ và để lại vết thương trên thân xác, ông Trần Bang nhấn mạnh, mà theo Công Ước Chống Tra Tấn thì nó bao gồm những hình thức khủng bố tinh thần chẳng hạn như việc tắt quạt điện khiến tù nhân có thể nguy hiểm đến tính mạng trong nhiệt độ nắng nóng mùa hè tại Trại 6 Nghệ An chẳng hạn:

Theo qui định về nhà giam là phải thông thoáng, chẳng hạn mỗi người 2 mét vuông, rồi ăn uống 17 ký gạo nọ kia chứ đâu bao giờ có luật trại giam để cho con người nóng bức hoặc thiếu nước, thiếu ăn đâu. Không có luật qui định để phạt mà họ phạt tức là họ vi phạm Công Ước Chống Tra Tấn.

Về sự hưởng ứng cũng như sự tham gia của bà con trong ngoài đối với Bản Tuyên Bố Phản Đối Ngược Đãi Tù Nhân, ông Trần Bang cho biết:

Tại thời điểm này thì 598 người ký tên , vào bản tuyên bố. Từ trước tới nay cũng có nhiều bản tuyên bố mà lớn nhất và nhiều người tham gia nhất là bản chống Luật Đặc Khu, lúc ấy là mấy ngàn. Còn đâu các bản khác ít khi nào được năm trăm.

Bản này theo tôi đánh động tương đối lớn, tôi cho là nó đứng thứ hai về gây được chú ý và cảm xúc. Nhiều người ký chẳng hạn như giáo sư Lê Xuân Khoa Đại Học John Hopkins ở Mỹ, ông Phạm Xuân Yêm, giáo sư tiến sĩ Vật Lý Đại Học Paris, giáo sư Nguyễn Đông Yên ở Viện Toán, hay các giao sư hiện tại đang giảng dạy như Trần Thanh Tuấn, Đào Thị Thu Huệ, và rất nhiều người như nhà văn Nguyên Ngọc, blogger và nhà văn nổi tiếng Đoàn Bảo Châu, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện… Rất nhiều kể không hết.

Ký giả Trương Minh Đức là một trong 4 tù nhân chính trị đang tuyệt thực tại Trại 6, Nghệ An đến ngày thứ 16, tính đến ngày 26/06/19.
Ký giả Trương Minh Đức là một trong 4 tù nhân chính trị đang tuyệt thực tại Trại 6, Nghệ An đến ngày thứ 16, tính đến ngày 26/06/19. (Courtesy: Facebook Duc Minh Truong)

Cô Phạm Thanh Nghiên, cựu tù nhân lương tâm, từng trải qua 3 mùa hè tại Trại 5 Thanh Hóa, cũng là người đã mau mắn ký tên vào Tuyên Bố Phản Đối Ngược Đãi Tù Nhân trình bày kinh nghiệm khi bị giam ở Trại 5, Yên Định, Thanh Hóa, cho biết:

Thời tiết mùa hè ở Trại 5 Thanh Hóa và Trại 6 Nghệ An thì chỉ có diễn tả bằng từ khủng khiếp. Tôi đã trải qua 3 mùa hè ở Trại số 5 Thanh Hóa nên tôi cảm nhận được hết và cũng hình dung được cái nghiệt ngã không chỉ đến từ những song sắt, từ những bức tường bỏng rát của nhà giam trong mùa hè mà còn đến từ sự đối xử man rợ của cai tù. Không nghĩ đây là sự ngược đãi cũng không được, đây là một sự trả thù đê tiện và trắng trợn.

Từ California, nhà văn đối kháng Trần Khải Thanh Thủy, bị đưa thẳng từ Trại 5 Thanh Hóa sang Hoa Kỳ năm 2014, cũng đã ký tên vào Tuyên Bố Phản Đối Ngược Đãi Tù Nhân, bày tỏ sự xót xa trước cảnh mùa hè tại Trại 5 Thanh Hóa và Trại 6 Nghệ An, nơi mà từng đợt gió Lào biến nhà giam thành lò hấp thịt người khổng lồ:

Nó nắng đến mức mà chính trại là 3 giờ rưỡi chiếu mới dám đưa tù thường phạm ra lao động đến 7 giờ tối. Gió Lào mà cứ thốc từng đợt vào người, cứ nóng hầm hập lên, nắng nóng héo cả cây cả người. - Trần Khải Thanh Thủy

Cán bộ lãnh đạo vẫn cứ xài quạt rồi là điều hòa nhiệt độ, còn toàn bộ không cứ là tù nhân lương tâm mà tội phạm các thứ đều phải chịu. Anh em tù nhân lương tâm không đáng bị xử khắc nghiệt như thế.

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay, thật đứt ruột khi nghe anh em mình phải chịu cảnh cơ hàn nắng nóng như thế. Nó nắng đến mức mà chính trại là 3 giờ rưỡi chiếu mới dám đưa tù thường phạm ra lao động đến 7 giờ tối. Gió Lào mà cứ thốc từng đợt vào người, cứ nóng hầm hập lên, nắng nóng héo cả cây cả người.

Theo ông Trần Bang, cần phải thông tin rộng rãi thực trạng Việt Nam ngược đãi tù nhân, cụ thể qua Tuyên Bố Phản Đối Ngược Đãi Tù Nhân đang được nhiều người hưởng ứng.

Còn đối với bà Kim Thanh, vợ của tù nhân chính trị Trương Minh Đức, thì bà kêu gọi và mong mỏi lương tri của cán bộ Trại giam số 6, Nghệ An hãy nhanh chóng cứu xét đơn khiếu nại của những người tù đang đối diện tình trạng sức khỏe bị nguy kịch.

“Tôi mong rằng phía bên giám thị trại giam cũng phải thứ nhất là nghĩ tới tình con người, thứ hai nghĩ tới sức nóng khắt nghiệt và họ sẽ giải quyết sớm ngày nào tốt này đó để bảo đảm sức khỏe cho chồng tôi và các anh em ở trong đó. Bởi vì con người ta ai cũng có lương tâm và đạo đức nên tôi mong rằng họ sẽ giải quyết vấn đề cho các anh em theo đúng tiêu chuẩn mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế.”

‘Các anh phải sống’ là câu nhắn gửi mà nhiều người khi nghe tin các tù chính trị vì không thể chịu đựng được sự bức bách, ngang ngược của chính sách tra tấn, ngược đãi, trả thù tù chính trị trong các nhà tù Việt Nam hiện nay.