Kêu gọi không lái xe sau khi uống bia, rượu

Gần 11.000 người đến tiễn đưa một trong hai nạn nhân xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong số này có nhiều người dán lên ngực áo, lên xe logo nhỏ có in dòng chữ "Đã uống rượu bia – không lái xe". '

Đây là một thống điệp muốn nhắn gửi đến toàn xã hội.

Anh Đỗ Đức thành viên ban quản trị của nhóm THPT 91-94 tại Hà Nội và cũng là nhóm thực hiện thông điệp vừa nêu nói với truyền thông trong nước rằng, nhóm đã phát động nhiều việc làm nhằm giảm thiểu những vụ tai nạn do rượu bia gây ra và kêu gọi mọi người ý thức về điều đó.

Ông Uông Việt Dũng, phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chia sẻ trên trang Facebook cá nhân rằng:

“Với vai trò và trách nhiệm của cơ quan giúp việc cho Chính phủ trong công tác đảm bảo TTATGT, Ủy ban ATGT Quốc gia cam kết sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan thành viên và các địa phương tiếp tục triển khai những giải pháp cấp bách nhằm đẩy lùi cũng như tiến tới hoàn thiện thể chế nhằm ngăn chặn hiệu quả hành vi trên!”

Đồng thời, ông cũng khẳng định rằng ông tin tưởng với sự ảnh hưởng của cộng đồng mạng xã hội những thông điệp này sẽ giúp lan truyền rộng rãi và có giá trị ý nghĩa thực sự.

Chúng tôi trao đổi qua tin nhắn với một bạn cũng hưởng ứng thông điệp vừa nêu và được bạn cho biết.

“Mình cũng có người thân và bạn bè mất vì tai nạn cũng do người gây tai nạn say xỉn, mà các vụ tai nạn vậy mình thấy nó càng ngày càng nhiều nên mình cũng muốn chia sẻ một phần để nhắc nhở bạn bè mình hay người nhà hạn chế nhậu nhẹt lại và nếu có uống không nên ép nhau hay sĩ diện gì cả mà có uống thì đi taxi về”

Bác sĩ Ngọc hiện đang làm việc tại một bệnh viện tại Hà Nội nói với chúng tôi rằng ông hoàn toàn ủng hộ việc này:

“Tôi rất là hưởng ứng việc đó vì cái đó là do người dân tự phát ra cho thấy người dân ý thức được vấn đề tai hại và căm phẩn cũng như kịch liệt phản đối việc uống rượu bia gây tai nạn như vậy. Mà hiện nay rất nhiều chứ không riêng trường hợp ấy toàn là do rượu bia, cái này cấm từ lâu rồi mà tôi không biết vì sao giờ mọi người trở nên hư như vậy.”

Tuy nhiên, bác sĩ Ngọc nói thêm rằng đã có rất nhiều lời kêu gọi tuyên truyền chống việc sử dụng rượu bia rồi điểu khiển phương tiện giao thông; thế nhưng để kiểm soát được là điều vô cùng khó.

“Tại Việt Nam mình để kiểm soát được rượu bia rất khó vì nó quá nhiều tràn lan khắp nơi nên việc kiểm soát rất khó, ở nước ngoài người ta uống thì kêu taxi hay có người chở thì cho thấy đó là sư tự giác. Người Việt Nam mình ngồi ăn uống với nhau chúc tụng này nọ rồi khích bác nhau uống, nhiều khi người ta không muốn uống nhưng mà rồi vì sỉ diện nên vẫn phải uống. Dù là hưởng ứng nhiều thế nhưng vẫn còn lọt nhiều lắm, nhiều người đã thấy những tấm gương đó nhưng người ta vẫn không sợ.”

Thống kê của những công ty nghiên cứu thị trường đưa ra cho thấy trong suốt gần 10 năm qua người dân Việt Nam đang dẫn dầu các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng như có tên trong danh sách những quốc gia có nhóm tiêu thụ lượng rượu bia nhiều nhất thế giới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (AFP)

Xác nhận với chúng tôi điều này, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng tỉ lệ sử dụng rượu bia tại Việt Nam ở mức rất cao và xu hướng ngày càng tăng nhanh hơn trong thời gian gần đây. Nếu chỉ tính riêng năm 2017 Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu và 4,1 tỉ lít bia đứng đầu khu vực, thứ ba Châu Á sau Nhật và Trung Quốc, đứng thứ 29 của thế giới.

“Tại Việt Nam tỉ lệ đàn ông sử dụng rượu bia đến 77% thì đây là một con số cao của thế giới và gấp hai lần mức trung bình. Tôi thấy nhiều tổ chức cũng kêu gọi phòng chống tác hại rượu bia và tôi nhớ tại kỳ họp đại hội đồng lần thứ 70 của Liên Hiệp quốc thì Việt Nam có cam kết sẽ giảm 10% mức độ sử dụng rượu bia nguy hại vào năm 2030, tuy nhiên để đạt được mục tiêu này tôi thấy rất là khó khăn nếu không có một hành lang pháp lý mạnh để can thiệp.”

Luật sư Hậu cho rằng cần sớm ban hành luật phòng chống tác hại của rượu bia, phải siết chặt, xử lý thật mạnh nếu có vi phạm và không nhân nhượng thì mới mong có chuyển biến.

Bác sĩ Ngọc đồng ý là pháp luật phải xử lý mạnh, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của người dân.

“Ví dụ như việc có lợi cho người ta mà vẫn không làm là việc đội mũ bảo hiểm hay các thứ khác mà phải dùng đến luật mặc dù cái đó nó có lợi cho chính bản thân họ nhưng không chấp hành.”

Hành động kêu gọi không lái xe khi có men rượu bia như vừa nêu của cư dân mạng là một thông điệp đầy ý nghĩa trong tình hình mức tiêu thụ rượu bia quá lớn với quán nhậu mọc lên khắp nơi tại Việt Nam như hiện nay.