Thành hình ‘dịch vụ công trực tuyến’
Trong thời gian gần đây, một trong những nỗ lực cải cách hành chính của chính phủ Hà Nội được thể hiện rõ qua việc các địa phương tiến hành thành lập những trang web để người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Hầu như các ban ngành, các loại dịch vụ công đều có thông tin trên trang web dịch vụ trực tuyến như Sở Công thương, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch, Giao thông Vận tải, Sở Ngoại vụ, Nội vụ…
Người dân có thể đăng ký, tra cứu, quản lý hồ sơ chỉ bằng vài thao tác trên máy tính hoặc điện thoại. Đây được đánh giá là bước ngoặc lớn trong sự thay đổi của bộ máy công quyền Việt Nam.
Về mặt chức năng khá là tốt, tuy nhiên cách sử dụng vẫn chưa thân thiện với mọi người. Nếu làm bằng máy tính thì rất tiện nhưng làm bằng điện thoại thì vẫn khó, trong khi bây giờ đại đa số nhân dân sử dụng điện thoại.- anh Nguyễn Lâm Thanh
Bạn Hương, nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại GBCO, người hay sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho công ty của mình khi làm hồ sơ công bố sản phẩm cho biết:
" Dùng dịch vụ công trực tuyến thì khỏe hơn. Mình chỉ cần đăng nhập rồi làm theo các bước họ hướng dẫn thì em thấy nó nh a nh hơn đi ra ngoài.
Việc đăng ký cũng dễ dàng bởi vì cũng có hướng dẫn, thành ra có thắc mắc gì cứ gọi đến tổng đài họ tư vấn cho mình làm. "
Bạn Hương cho biết thêm, tùy theo ban ngành mà thời gian hoàn tất hồ sơ nhanh chậm khác nhau, điển hình như khi đăng ký với Cục An toàn thực phẩm sẽ nhanh hơn nhiều khi lên website Cổng thông tin 1 cửa để khai báo hải quan.
Đồng quan điểm với bạn Hương, anh Nguyễn Lâm Thanh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam, nói với Đài Á Châu Tự Do:
" Thỉnh thoảng anh cũng đi làm giấy tờ cho cá nhân thì anh thấy chính phủ làm khá tốt, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Hà Nội chẳng hạn, là cổng thực hiện được các thủ tục hành chính công. Anh đã từng làm anh thấy tiện lắm, nó đỡ chi phí. "
Tồn tại
Hẳn nhiên hình thức mới được đầu tư khá nhiều nhưng vẫn còn nhiều khiếm khuyết cần phải điều chỉnh dần dần; nhất là khi người sử dụng ngày càng có yêu cầu cao hơn, như trình bày của anh Thanh:
" Về mặt chức năng khá là tốt, tuy nhiên cách sử dụng vẫn chưa thân thiện với mọi người. Nếu làm bằng máy tính thì rất tiện nhưng làm bằng điện thoại thì vẫn khó, trong khi bây giờ đại đa số nhân dân sử dụng điện thoại. "
Cũng theo anh Thanh thì một vấn đề đáng nói nữa là nhiều người dân không được biết là đã có dịch vụ công trên các cổng điện tử. Anh cho rằng đó là sự lãng phí rất lờn vì chính phủ khi xây dựng nên một hệ thống như thế tốn kém nhiều tiền, mất nhiều công sức; trong khi đó nhiều người dân không hề biết mà vẫn phải cất công tìm đến Ủy ban Nhân dân các cấp để làm.
Trong khi đó Chị Thảo, chủ một doanh nghiệp sản xuất cà phê tại Sài Gòn cho biết chị vừa hoàn tất thủ tục đăng ký hoạt động cho doanh nghiệp của mình vào tháng 3 năm nay, mặc dù có tham khảo rất kỹ trang web thủ tục hành chính công trực tuyến của Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cuối cùng chị vẫn phải nhờ công ty dịch vụ hỗ trợ. Lý do được chị nêu rõ:
" Không thể làm trực tuyến hoàn toàn được. Nó không rườm rà phức tạp nhưng mà không dễ hiểu , thông tin không đầy đủ. Tùy quận khác nhau bắt làm theo cách khác nhau chứ không hẳn là có một hệ thống, một quy trình đâu."
Chị Thảo giải thích thêm:
Không thể làm trực tuyến hoàn toàn được. Nó không rườm rà phức tạp nhưng mà không dễ hiểu, thông tin không đầy đủ.- chị Thảo
“Làm ra giấy phép xong rồi thì có một số thứ sau đó, tức là có tư cách pháp nhân rồi, ví dụ như tờ khai, thì lúc đó mới có thể làm online được.
Nhưng mà giai đoạn đăng ký để được ghi nhận chị thấy phải trình với cơ quan, có nhiều cái phải lên cơ quan làm. Thậm chí lên trên đó còn chưa được giải quyết nói chi làm trực tuyến.”
Những điều chị Thảo vừa tâm sự cũng được chính Thứ trưởng Thông tin – Truyền thông Phạm Hồng Hải phát biểu trong buổi Hội nghị trực tuyến về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính vào ngày 11 tháng 9, cho rằng vẫn còn nhiều bất cập trong việc giải quyết hồ sơ hành chính trong thời gian qua. Và người dân là người chịu thiệt thòi khi phải nhiều lần liên hệ với nhiều cơ quan thì mới hoàn tất hồ sơ.
Bạn Huy, chủ một nhà nghỉ ở Lâm Đồng cũng chia sẻ về trường hợp bản thân khi đăng ký khách lưu trú online thay vì mỗi ngày phải đi ra công an phường đăng ký:
“Người ta kêu em lên công an phường để xin con dấu mộc cho form online. Lúc lên công an phường thì họ kêu em phải lên Cục xuất nhập cảnh để lấy form.
Khi qua Cục xuất nhập cảnh lấy form xong thì họ lại kêu em quay ngược lại phường cho con dấu tờ giấy xin đăng ký khách lưu trú online.
Xong phải cầm theo đầy đủ các loại giấy tờ đem ngược lại Cục Xuất nhập cảnh nộp cho bên đó, phải đợi khi nào nó duyệt mới cấp thẻ tài khoản (online) cho mình.”
Thủ tục hành chính lâu nay bị nhiều người trong nước cho là ‘nỗi sợ hãi’ đối với họ vì mỗi khi phải đến ‘cửa công’ không chỉ mất nhiều thời gian, công sức, mà lắm lúc gặp phải tình trạng bị sách nhiễu, hạch sách…
Do vậy, việc xây dựng các trang web thủ tục hành chính công trực tuyến được đánh giá cao trong việc nhà nước hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, vẫn còn đó những bất cập mà chính phủ cần điều chỉnh cho hoàn thiện hơn. Khi đó lời kêu gọi của ông Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính chắc chắn sẽ được hưởng ứng mạnh mẽ.