"Vừa đấm vừa xoa"
Vào ngày 9/4/2018 vừa qua, hai nhân viên an ninh - Công an quận Hà Đông, Hà Nội đã tới gia đình anh Trịnh Bá Phương để vận động gia đình anh ngừng các hoạt động đấu tranh vì quyền lợi đất đai và các hoạt động xã hội khác, kèm theo những ẩn ý đe dọa. Đáp lại, gia đình anh Phương đã cương quyết từ chối thỏa hiệp và tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi.
Anh Trịnh Bá Phương cho biết, anh và gia đình hoàn toàn không bất ngờ trước việc an ninh quận Hà Đông tới thuyết phục, vận động, bởi khi bà Cấn Thị Thêu - mẹ anh bị bắt năm 2016, phía an ninh đã từng thuyết phục anh dừng đấu tranh với những lời lẽ hàm ý tương tự lần này.
Các ông có kết án tôi cả trăm năm, có tử hình tôi thì tôi cũng không bao giờ lui bước, trùn bước trước các ông đâu.<br/>-Trịnh Bá Phương
Về việc hai nhân viên an ninh góp ý về đơn thư khiếu nại của bà con Dương Nội về đất đai, anh Phương thẳng thừng đáp lại rằng, phía ngành an ninh không có thẩm quyền, không có tư cách để can dự vào. Còn về những lời lẽ thuyết phục, vận động dừng tham gia hoạt động xã hội với đầy hàm ý kia, anh Phương cũng phản ứng lại cương quyết.
"Tôi tuyên bố với họ rằng là tôi sẽ không bao giờ lui bước. Trong gần 10 năm qua, nhà cầm quyền Hà Nội đã sử dụng tất cả các biện pháp như bắt bỏ tù, đánh đập người dân chúng tôi để mục đích cướp đất của chúng tôi. Họ đã đàn áp chúng tôi, kết án người dân chúng tôi hơn 100 tháng tù giam, thì đó là một sự đàn áp rất khốc liệt, mà chúng tôi phải đấu tranh để đòi lại công bằng và công lý. Tôi trả lời với họ như thế. Trong câu nói họ hàm ý đe dọa tôi, tôi cũng bảo là các ông có kết án tôi cả trăm năm, có tử hình tôi thì tôi cũng không bao giờ lui bước, trùn bước trước các ông đâu."
Anh Phương nhận định, nhân viên an ninh có nghiệp vụ của ngành họ khi tới gặp anh và có thể họ tới theo sự chỉ đạo và đã bàn thảo kế hoạch từ cấp trên cao như Bộ Công an và Công an thành phố Hà Nội.
Nhà văn Phạm Thành - một người quan sát sự việc cho rằng, do bà con Dương Nội và gia đình anh Phương có tinh thần đoàn kết trong việc đấu tranh giữ đất, trong khi phía công an đã dùng nhiều biện pháp mà không khuất phục được, nên họ sử dụng "chiêu bài" vận động, thuyết phục. Cũng theo ông Phạm Thành, ngành công an không có tư cách, không có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai.
"Công an quận nói như thế chỉ là một biện pháp nghiệp vụ, muốn làm phân tán, làm nhụt ý chí đấu tranh của những người dân Dương Nội đoàn kết bên anh Trịnh Bá Phương và chị Cấn Thị Thêu giữ đất của mình mà thôi."
Dừng đấu tranh hay tiếp tục đòi quyền lợi?
Trong buổi tiếp xúc với anh Trịnh Bá Phương, hai nhân viên an ninh quận Hà Đông đã đưa ra những lời hứa hẹn và anh Phương không tin tưởng vào những lời lẽ đó, bởi chưa có hành động thiện chí cụ thể nào trên thực tế, mà vẫn còn những hành động bạo lực với người dân.
"Hôm qua tôi cũng nói rằng là, trước mắt tôi muốn nhìn thấy tất cả những kẻ liên quan trong việc đàn áp chúng tôi, đánh đập, bỏ tù chúng tôi là phải bị điều tra, truy tố, xét xử, trả đúng theo đúng tội trạng của họ mà đã gây ra cho dân chúng tôi. Đó là bước đầu tiên chúng tôi muốn nhìn thấy đó. Sau đó là ngồi với chúng tôi."
Bước thứ hai mà anh Phương và bà con nông dân Dương Nội mong đợi là một cuộc tiếp xúc, trao đổi thẳng thắn giữa người dân và chính quyền thành phố Hà Nội liên quan đến vấn đề đất đai. Chỉ khi như vậy, anh Phương và người dân mới thấy thiện chí giải quyết mâu thuẫn của chính quyền.
Họ muốn giảm bớt nhiệt đấu tranh ở trong nước bằng cách họ đi dụ dỗ, lừa gạt, để mà bảo người ta: "chúng tôi sẽ giải quyết", nhưng mà họ chẳng giải quyết đâu.<br/>- Nhà văn Phạm Thành
Còn theo nhà văn Phạm Thành, để những người nông dân mất đất như anh Phương tin vào những lời hứa hẹn, thì chính quyền phải tôn trọng và thực thi đúng pháp luật và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tôn trọng và bảo đảm cho người dân thực thi các quyền dân sự và chính trị.
"Họ muốn giảm bớt nhiệt đấu tranh ở trong nước bằng cách họ đi dụ dỗ, lừa gạt, để mà bảo người ta: "chúng tôi sẽ giải quyết", nhưng mà họ chẳng giải quyết đâu. Bởi giờ họ muốn giải quyết vấn đề tranh chấp đất đai thì họ phải sửa luật, họ phải trao quyền sở hữu đất đai cho người dân. Chứ bây giờ Hiến pháp, pháp luật họ vẫn để cái mục "đất đai là công thổ quốc gia, do nhà nước thống nhất quản lý", nhưng thực ra có ông nhà nước quyết định sử dụng cái mảnh đất đó và giá trị như thế nào, chứ người dân chả có quyền gì cả. Thì họ không sửa, mà họ muốn giải quyết mâu thuẫn thì sao mà giải quyết được.”
Chính vì quyền lợi chính đáng chưa được bảo đảm, và người dân chưa nhìn thấy thiện chí cụ thể của chính quyền, nên những người như anh Phương vẫn tuyên bố tiếp tục đấu tranh bảo vệ mảnh đất - là kế sinh nhai của họ và tiếp tục lên tiếng trong các vấn nạn về giáo dục, y tế, môi trường và tranh chấp biển đảo.
"Khi có được tư liệu sản xuất, chúng tôi mới có thể tăng gia sản xuất để bảo đảm cuộc sống no ấm được, và con cháu chúng tôi được cắp sách đến trường, được đến bệnh viện - cũng từ mảnh đất mới có. Còn hiện nay, nếu bị mất đất thì chúng tôi rơi vào cảnh thất nghiệp, nghèo đói. Mục tiêu chúng tôi đề ra trong vụ việc đấu tranh, khiếu kiện ở Dương Nội là phải trả lại tư liệu sản xuất cho chúng tôi, trả lại đất đai, tài sản và bồi thường toàn bộ những hậu quả họ gây ra đối với chúng tôi."
Nhà văn Phạm Thành cho rằng, nếu anh Trịnh Bá Phương và bà Cấn Thị Thêu dừng đấu tranh bây giờ thì sẽ là một sự thất bại và tạo cho chính quyền tiền lệ để dấn tới lấy đất của người dân.