Điểm nghẽn nào trong “tự chủ toàn diện” tại các bệnh viện lớn ở Việt Nam?

0:00 / 0:00

Từ tài chính & nhân sự…

Theo Bộ Y Tế Việt Nam, tiến đến tự chủ toàn diện cho các bệnh viện lớn, thí điểm là bệnh viện K, Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy… sẽ là xu thế tất yếu để phát triển. Thế nhưng Bộ cũng thừa nhận rằng cần phải có lộ trình, cơ chế phù hợp với điều kiện cụ thể của từng bệnh viện khi nhiều bất cập đã xảy ra trong quá trình triển khai.

Tiến sĩ, Đinh Đức Long, đang hành nghề bác sĩ tại TP HCM giải thích:

"Tôi đang làm việc ở Bệnh Viện Đa Khoa Bưu Điện ở TP HCM, chỗ tôi thì tự chủ nhiều năm nay rồi và tôi thấy xu hướng này là đúng. Tôi khẳng định tôi làm chuyên môn, tôi chỉ nói những gì tôi hiểu thôi. Tự chủ bệnh viện là người lãnh đạo, cụ thể là giám đốc, có nhiều quyền hơn. Quyền về nhân sự, quyền về tài chính là hai quyền quan trọng nhất"

"Trước kia, một bệnh viện thuộc Bộ Y tế thì phải có chỉ tiêu, biên chế, cho năm người thì chỉ được năm người thôi, giảm rất khó mà tăng cũng rất khó. Còn bây giờ tự chủ thì linh hoạt hơn nhiều, thuận lợi cho cả người sử dụng lao động lẫn người lao động. Họ có thể tuyển đủ nhân sự theo nhu cầu, có quyền cho nhân sự thôi việc theo đúng luật. Hoặc khi người lao động thấy có chỗ khác tốt hơn thì người ta có quyền xin đi chỗ khác, không cứ phải làm một chỗ từ đầu chí cuối"

Đó là mặt nhân sự, về tài chính cũng thế, bác sĩ Đinh Đức Long cho hay, ngày trước tài chính là do trên rót xuống, cho bao nhiêu chỉ được tiêu bấy nhiêu:

"Thế thì rất là bị động, máy móc hiện đại không có tiền mua, xin được lại phải qua quá trình duyệt các cấp, có khi đến lúc được thì máy trở thành lạc hậu rồi".

Nếu được tự chủ, bệnh viện có thể mua sắm trang thiết bị qua luật đấu thầu, luật đầu tư mà không bị gò bó bởi chỉ tiêu hoặc ngân sách ở trên rót xuống. Ông phân tích thêm:

"Ngoài chuyện mua trang thiết bị ra thì tài chính là vấn đề trả lương cho người lao động nữa. Thế thì người làm tốt phải được trả lương cao hơn, chứ như không có quyền tự chủ và lệ thuộc Nhà nước thì ông này biên chế ở mức lương nào, bao giờ được tăng lương, hay phải theo chỉ tiêu, cơ chế của trên mới được tăng? Như vậy người tốt cũng khó mà có thu nhập cao".

000_RG7IU.jpg
Hình minh hoạ: Người bệnh đang điều trị tại một bệnh viện ở Hà Nội hôm 9/8/2017. AFP

Với thực tế như bác sĩ Long cho biết thì rõ ràng hình thức tự chủ đang nói ở đây so với chế độ tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 của Bộ Y Tế được đánh giá gần giống nhau. Khác chăng là ở chỗ có hay không có tự chủ “chi đầu tư”.

“Chi đầu tư” là từ báo chí trong nước sử dụng trong các bản tin, nằm ở quy định khung giá các dịch vụ y tế cần được tính đúng, tính đủ bao gồm cả phần khấu hao thiết bị, tài sản…

…Đến bộ máy điều hành, giá cả

Chương trình thí điểm đang trong lộ trình hoàn thiện như Bộ Y Tế cho truyền thông Nhà nước hay. Theo đó, dù đã có phê duyệt tự chủ toàn diện, triển khai tự chủ toàn diện nhưng thực ra các bệnh viện vẫn chưa có cơ sở thực hiện chi đầu tư được.

Cụ thể, theo quy định thì bệnh viện được quyết định giá dịch vụ y tế với dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành, có nghĩa là kê khai giá, niêm yết giá theo quy định pháp luật về giá cả.

Thế nhưng, đến lúc này, khi chỉ còn ít tháng nữa giai đoạn thí điểm kết thúc, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành khung giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu để bệnh viện tham khảo.

Điều này đang gây lúng túng trong quyết định cho các bệnh viện được tự chủ toàn diện.

Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, kế đó là nguyên Giám đốc Viện Tim Mạch TP HCM, trong đặc thù của ngành Y Tế, sự tự chủ nhiều phần đã có và sự tự chủ toàn diện đang được nhắm tới, tựu chung vẫn nằm dưới sự quản lý của Bộ Y Tế, chỉ có điều mọi thứ sẽ tốt hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.

“Bệnh viện nói vậy chứ cũng nhờ Nhà Nước nhiều lắm. Tiền thuê đất mỗi năm, rồi cơ sở vật chất, rồi con người, rồi giá tiền cho người bệnh thì Nhà Nước cũng có quản lý giá thấp nhất và giá cao nhất để người bịnh không bị lấy nhiều tiền”.

Theo nội dung Nghị Quyết 33, khi được tự chủ toàn diện thì bốn bệnh viện thí điểm (Bạch Mai, K, Chợ Rẫy, Việt Đức) sẽ được tự quyết nhiều việc mà không cần phải thông qua Bộ Y Tế. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng lý giải điều này:

"Bệnh viện có doanh thu, có kỷ luật thì mới được tôn trọng, đó là cái thứ nhất. Thứ nhì, mình có thể cho bác sĩ, nhân viên, hộ sinh, điều dưỡng của mình đi học thêm, nâng chất lượng phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Chuyện áp đặt bệnh viện này bao nhiêu giường thì phải có bao nhiêu bệnh nhân là không còn nữa"

2016-03-24T120000Z_402227384_GF10000358485_RTRMADP_3_VIETNAM-ECONOMY-INFLATION.JPG
Hình minh hoạ: Khoa khám bệnh dịch vụ ở Bệnh viện K, Hà Nội. Reuters

Ngoài ra, khi tự chủ thì các bệnh viện sẽ thực hiện được mô hình như một doanh nghiệp. Điều này được bác sĩ Đinh Đức Long cho là vô cùng giá trị trong nền kinh tế thị trường :

“Bệnh viện cũng gần như một doanh nghiệp, phải có quyền tự chủ nhất định và tất nhiên phải tuân theo luật lao động. Các bệnh viện khác nhau đều có mục đích khác nhau. Như Bạch Mai là bệnh viện nội khoa, Việt Đức là ngoại khoa. Ngay cả bệnh viện nội khoa TP HCM nó cũng khác với Hà Nội. Thế cho nên những người lãnh đạo trực tiếp các bệnh viện đó thì họ nắm cụ thể hơn”.

Từ trước tới nay, những chức vụ như Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị hay Ban Giám Đốc bệnh viện đều do Bộ Y Tế bổ nhiệm. Luật Việt Nam cũng chưa qui định rõ ràng về thẩm quyền của một bệnh viện tự chủ toàn diện.

Trong một bài viết về đề tài này được đăng trên vov.vn, tác giả bài báo cho rằng, khi bắt đầu triển khai Nghị Quyết 33 về tự chủ toàn diện thì một vị giám đốc bệnh viên sẽ kiêm luôn chức Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị. Tiếp đó, Bộ Y Tế sẽ bổ nhiệm chức vụ chủ tịch theo đề xuất của Hội Đồng Quản Trị đó.

Thêm một bất cập mà bác sĩ Ngọc Phượng cho rằng phụ thuộc vào nhiều yếu tố và hoàn cảnh:

"Tôi nghĩ vấn đề tùy thuộc vào con người nhiều lắm. Cái bất cập theo tôi nghĩ trước hết là mình chọn người tốt thì việc sẽ tốt thôi. An toàn, hiệu quả, đối xử nhân văn là xây dụng một đội ngũ mà bệnh nhân hài lòng. Lãnh đạo chuyên nghiệp thì anh chị em trong bệnh viện hài lòng".

Bác sĩ Phượng còn cho rằng Nhà nước phải có bảng hướng dẫn quốc gia, phải có guidelines (hướng dẫn) để thống nhất qui định về tổ chức nhân sự thì việc thực hiện tự chủ toàn diện cho các bệnh viện mới được gọi là thành công, tạo thế cạnh tranh công bằng và bền vững trong hệ thống y tế công của đất nước.

Mặt khác, bác sĩ Phượng còn khẳng định, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành như hiện nay, các bệnh viện đang ra sức chống chọi với COVID-19, thì thời điểm bắt đầu thí điểm tự chủ toàn diện cũng cần phải được cân nhắc toàn diện.