Bộ Y tế Việt Nam vào ngày 2/8 vừa qua đã gửi văn bản đến Ủy ban Nhân dân các tỉnh thành đề nghị không thực hiện việc phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn để diệt vi-rút SARS-CoV-2 tại những khu vực ngoài trời.
Ngoài ra, các nơi cũng không được áp dụng biện pháp phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn vào người trong bất cứ tình huống nào, gồm cả biện pháp dùng máy phun hóa chất trực tiếp vào người hoặc sử dụng buồng khử khuẩn phun hóa chất.
Văn bản được đăng tải trên website của Bộ Y tế cũng dẫn nguồn từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) khuyến cáo việc phun khử khuẩn kém hiệu quả, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người phun và người xung quanh khu vực phun.
Đồng thời, văn bản cũng yêu cầu không phun hóa chất diệt khuẩn vào người trong bắt cứ tình huống nào do phương pháp này không làm giảm nguy cơ lây nhiễm mà có thể gây hại cho sức khỏe con người.
Đáng chú ý, hai biện pháp phun hóa chất diệt khuẩn tại các nơi công cộng và lắp đặt buồng khử khuẩn để phun hóa chất diệt khuẩn vào người đứng trong buồng đã được nhiều tỉnh, thành của Việt Nam áp dụng rộng rãi và triệt để trong gần hai năm qua. Thậm chí có nơi còn phun khử khuẩn ngoài đường khi người dân đang tham gia giao thông.
Đến nay mới quyết định dừng thì tôi cho rằng cũng là một quyết định gọi là tiếp thu ý kiến phản biện của nhiều người, các cơ quan nhà nước, các tỉnh quyết định cho dừng thì tôi cho rằng đấy cũng là một biểu hiện tốt, nhưng cũng rất tiếc là Việt Nam đã áp dụng biện pháp này tới gần hai năm, cũng gây những tổn hại đáng kể cho môi trường. - GS. Đặng Hùng Võ
Từ Sài Gòn, Tiến sĩ, Bác sĩ quân đội Đinh Đức Long nhận định:
“Hình như Cloramin B, chất khử khuẩn này nếu có là diệt vi trùng chứ không phải vi khuẩn, thứ hai nữa đấy là chất độc, phun như thế môi trường bị tổn hại mà có đạt hiểu quả hay không? Muốn nói đúng hay không phải có công trình nghiên cứu thì tôi chưa đọc công trình nào nghiên cứu nào nhưng rõ ràng giờ Bộ Y tế ra công văn cấm là họ có cơ sở về mặt khoa học rồi.”
Trao đổi với RFA tối 4/8, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho rằng đến lúc này dừng thì coi như cũng hơi muộn nhưng ông cho rằng cũng vẫn tốt vì nếu tiếp tục phun nữa thì câu chuyện mới tệ hại hơn. Ông tiếp lời:
“Tất nhiên tôi cho rằng quyết định phun khử khuẩn là quyết định không đúng, nhiều khi đấy là tư duy thiếu khoa học và mọi người cũng chấp nhận đây là cách diệt vi-rút.
Đến nay mới quyết định dừng thì tôi cho rằng cũng là một quyết định gọi là tiếp thu ý kiến phản biện của nhiều người, các cơ quan nhà nước, các tỉnh quyết định cho dừng thì tôi cho rằng đấy cũng là một biểu hiện tốt, nhưng cũng rất tiếc là Việt Nam đã áp dụng biện pháp này tới gần hai năm, cũng gây những tổn hại đáng kể cho môi trường.”
Bộ Y tế nêu trong văn bản ngày 2/8 rằng việc sử dụng số lượng hóa chất diệt khuẩn để phun ngoài trời còn có thể gây hại đến môi trường và làm lãng phí nguồn hóa chất dự trữ cho công tác phòng, chống dịch.
Trên nhiều diễn đàn và các trang mạng xã hội, nhiều ý kiến trái chiều về việc phun hóa chất khử trùng được tiến hành trong hai năm, tốn nhiều kinh phí, nhân lực và thậm chí sức khỏe của người dân nhưng đến nay cơ quan chức năng mới phát hiện nguy hiểm. Câu hỏi đưa ra là tại sao các cơ quan chức năng không nghiên cứu kỹ càng trước khi ban hành quyết định, liệu trách nhiệm trong việc này thuộc về ai?
GS. Đặng Hùng Võ đưa ra ý kiến cá nhân về vụ việc này như sau:
“Có thể trong lúc bị COVID, trong lúc dịch bệnh tới thì có thể làm cho nhiều người cũng thiếu hụt sự minh mẫn, có thể thông cảm được vì dịch bệnh đến thì luống cuống, tìm mọi cách để phòng chống thì cứ nghĩ đến cách gì là đưa ra. Tôi cho rằng gây hại cho môi trường khá nhiều.”
Còn theo BS. Đinh Đức Long, việc chống dịch COVID-19 lần này đã bộc lộ nhiều cái, một là trình độ, hai là năng lực tổ chức và sự phối hợp giữa các nhánh chính quyền với nhau. Ông nói rõ hơn:
“Nó thể hiện các đơn vị khác nhau là anh bộ đội, y tế, khoa học không có sự hợp tác với nhau ngay từ đầu và theo cảm tính bây giờ tôi đang có hóa chất diệt này, cứ diệt cái đã, không bàn với nhau từ đầu là có cần thiết hay không cần thiết, rõ ràng bây giờ Y tế thổi còi, đấy là cái thứ nhất.
Thứ hai là không tham khảo xem thế giới có làm hay không, nếu thế giới có làm thì mình đi sau học tập, nhưng nếu nó không làm mà anh lại sáng tạo thì câu hỏi là anh sáng tạo hay anh lợi dụng cái này để tiêu thụ hóa chất tồn kho hay sao? Tất cả đều là tiền thuế của dân hết, không những tiêu tiền thuế của dân mà còn rước độc hại vào.”
Bên cạnh việc yêu cầu làm rõ trách nhiệm, nhiều ý kiến còn quan tâm đến việc phun nhiều hóa chất vào không khí trong thời gian dài vừa qua sẽ ảnh hưởng đến môi trường thế nào và liệu cơ quan chức năng có biện pháp nào khắc phục những hậu quả do việc phun khử khuẩn gây ra?
Dưới góc nhìn chuyên môn, GS. Đặng Hùng Võ cho hay:
“Bây giờ phải xem là giảm nhẹ nhất ảnh hưởng tới môi trường, nhất là môi trường đất khi nó thấm vào đất và môi trường nước vì phun tác động tới môi trường nước. Cả quá trình tiếp theo là phải kiểm nghiệm lại môi trường đất và môi trường nước tại những nơi đã phun bị ảnh hưởng thế nào và hóa chất phun được sử dụng trước đây là loại nào thì tôi cho rằng mới có thể đưa ra một giải pháp phù hợp, rẻ tiền, và hiệu quả cao.”
Nó thể hiện năng lực của người đảm trách vị trí, thứ nhất về mặt khoa học có xứng đáng hay không, thứ hai là đằng sau có thể bị chi phối bởi các nhóm lợi ích hay không khi vừa ký xong thu hồi. Đấy là cái theo tôi cần làm rõ. - BS. Đinh Đức Long
Nêu ra quan điểm cá nhân, BS. Đinh Đức Long cho rằng trong thời gian gần đây, Bộ Y tế đã có những hành động gây chú ý, ngay như việc Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký công văn cho rằng đông y xuyên tâm liên chữa được COVID-19 nhưng hai ngày sau lại thu hồi.
Riêng Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM sáng ngày 3/8 đã ký công văn chỉ định các đơn vị mua gấp hai loại thuốc gồm thuốc kháng viêm Medrol 16 mg và thuốc kháng đông Xarelto 20 mg để kịp thời điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, công văn này cũng bị thu hồi ngay trong chiều cùng ngày.
Từ những việc nêu trên, BS. Đinh Đức Long nhận định:
“Nó thể hiện năng lực của người đảm trách vị trí, thứ nhất về mặt khoa học có xứng đáng hay không, thứ hai là đằng sau có thể bị chi phối bởi các nhóm lợi ích hay không khi vừa ký xong thu hồi. Đấy là cái theo tôi cần làm rõ.”
Trong công văn gửi đến các tỉnh thành ngày 2/8, Bộ Y tế cho biết sẽ vẫn cho phép áp dụng phun khử khuẩn, tuy nhiên chỉ trong phạm vi hẹp khi xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng theo hướng dẫn tại công văn số 1560 mà Bộ đã ban hành ngày 25/3/2020.
Thống kê của Bộ Y tế Việt Nam cho thấy, tính đến tối ngày 4/8, trên cả nước có 177.813 ca nhiễm COVID-19. Riêng trong đợt dịch thứ tư bùng phát từ ngày 27/4 đến nay có 173.914 ca lây nhiễm trong nước.
Chiều ngày 4/8 Việt Nam thông báo có thêm 256 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số lên 2.327 trường hợp.