Người dân Quảng Bình chật vật kêu cứu sau bão Wutip

0:00 / 0:00

Theo một số đài báo trong và ngoài nước đưa tin, sau bão Wutip, nhà cầm quyền đã kịp thời cứu trợ cho nhân dân để khắc phục hậu quả thiên tai. Và con số thống kê thiệt hại cũng như số tiền cứu trợ ở tỉnh Quảng Bình lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Đó là những thông tin báo chí nhận được từ phía nhà cầm quyền.

Nhưng trên thực tế, khi chúng tôi đi khảo sát thực địa vào những huyện như Lệ Thủy, Quảng Trạch, Bố Trạch, Minh Hóa… và thành phố Đồng Hới, thông tin mà chúng tôi nắm bắt hoàn toàn trái ngược với những gì đài báo đã loan.

Không thấy đồng cứu trợ nào

Một người đàn ông ở Lệ Thủy bức xúc nói:”Nghe đài, tivi phát sóng thì nói trợ cấp trợ kiết rứa chớ có thấy chi mô, nhưng giờ ai cũng phải tu sửa, che chói lại chứ nhà cửa rưa chờ nhà nước thì biết tới khi mô, như nhà tui hộ cận nghèo mà cũng có thấy chi mô!”

Ông Nhung, người Lệ Thủy, là một cán bộ về hưu xác nhận với chúng tôi rằng những gì gọi là cứu trợ đồng bào bị thiên tai mỗi năm không nhỏ một chút nào và nó vẫn được đưa một phần nào đó về tới các cơ quan địa phương. Nhưng khi đến tay dân vẫn chỉ là vài gói mì tôm, vài ký gạo, một hoặc nửa lít dầu ăn, một hoặc nửa ký đường cùng vài chai nước mắm, thế là xong, không có gì khác.

Nghe đài, tivi phát sóng thì nói trợ cấp trợ kiết rứa chớ có thấy chi mô, nhưng giờ ai cũng phải tu sửa, che chói lại chứ nhà cửa rưa chờ nhà nước thì biết tới khi mô, như nhà tui hộ cận nghèo mà cũng có thấy chi mô

Một người dân ở Lệ Thủy

Một người phụ nữ tên Thiệt, cho chúng tôi biết thêm:”Vài gói mì tôm mà cũng phải nói mỏi cả cổ, mỗi nhà vài gói mì tôm, đôi khi cho chung thì được vài gói mì tôm. Hộ nghèo và cận nghèo thì được nhiều hơn. Nhưng chưa, cô đã được cứu trợ mô nờ, bao giờ họ kêu mới đi lấy được, không biết.”

Những căn hộ không còn mái sau cơn bão
Những căn hộ không còn mái sau cơn bão (RFA)

Và bão lụt năm nào cũng thế, vừa bão xong là trưởng thôn bị điều động đi thống kê tài sản thiệt hại, cách thống kê cũng rất qua loa, lấy lệ, theo ông Nhung, cách thống kê như các trưởng thôn ở khắp nơi đang làm sẽ đưa ra con số không thực. Ông Nhung đơn cử một ví dụ, nhà của ông không hề bị ướt bao lúa nào, chỉ bị bão hất bay mấy tấm lợp prociment đáng giá khoản hai triệu đồng. Nhưng khi cán bộ thống kê đến, người ta khuyên ông nên ghi cao lên gấp mười lần, tức là hai chục triệu đồng thiệt hại, trong đó có ướt mấy bao lúa, chết mấy con heo, bay mất mấy chục tấm tôn…

Năm nào cũng thế, cán bộ thôn luôn khuyên dân nên kê khai cao hơn mức bình thường. Và tâm lý người dân cũng bị ảnh hưởng không kém, phần đông người dân tự ý khai thiệt hại cao hơn vài lần so với thực tế. Mục đích của việc khai cao hơn thực tế này cũng khá tế nhị.
Tiếp xúc với một trưởng thôn, yêu cầu giấu tên, chúng tôi được ông cho biết, sở dĩ cả trưởng thôn và người dân đều thống nhất kê khai tài sản thiệt hại cao hơn thực tế là vì người dân luôn nhận thấy rằng nếu kê khai mất một triệu đồng, sẽ được cho một đến hai đồng cứu trợ, thôi thì kê lên thật nhiều triệu đồng để tăng một chút cứu trợ, dù sao cũng vớt vát được đôi chút sau thiên tai, đói kém.

Chúng tôi hỏi thăm tình hình cứu trợ, tình hình nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo để tái thiết nhà cửa sống qua mưa nắng, anh chỉ lắc đầu, còn chị thì buồn bã nói rằng chuyện cứu trợ nghe ra có mùi mì tôm và nước mắm, chỉ thế thôi, còn chuyện cán bộ thôn đến kê khai tài sản bị hư hại thì năm nào chả thế

Anh Đức, người làng Đại Phong (làng cũ của cố Tổng thống Ngô đình Diệm) đã dắt chúng tôi về thăm căn nhà rách tả tơi của anh. Khi đến nơi, chúng tôi hết sức bàng hoàng chứng kiến một căn nhà bốn bề vách liếp phên tre chỗ có chỗ không, mái ngói đất bị bung vài chục tấm, nhà trống hoác, không có thứ gì khác ngoài chiếc giường ngủ, một bộ bàn ghế tiếp khách và cũng là nơi để ngồi ăn cơm, nhìn từ trước ra sau chỉ thấy đám rau diếp cá là có giá trị nhất, nó giúp anh mỗi ngày kiếm được từ 5 ngàn đồng đến 10 ngàn đồng để đi chợ. Vật dụng để làm ra của cải cho hai vợ chồng anh không có gì khác ngoài một cái bếp lò tráng mì lá để tối đến, anh xay bột, chị tráng mì, sáng mai mang ra chợ quê để bán.

Căn nhà của một hộ nghèo chưa được cứu trợ. RFA
Căn nhà của một hộ nghèo chưa được cứu trợ. RFA (RFA)

Khi nghe chúng tôi hỏi thăm tình hình cứu trợ, tình hình nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo để tái thiết nhà cửa sống qua mưa nắng, anh chỉ lắc đầu, còn chị thì buồn bã nói rằng chuyện cứu trợ nghe ra có mùi mì tôm và nước mắm, chỉ thế thôi, còn chuyện cán bộ thôn đến kê khai tài sản bị hư hại thì năm nào chả thế, một kê thành hai, ba, thậm chí năm, mười. Con số thiệt hại loan báo thì nghe khổng lồ, con số trung ương đưa về giúp đỡ nghe cũng to không kém, nhưng có thấy gì đâu. Chỉ có ba đứa con đầu lòng của anh chị đi làm công nhân Đà Nẵng và Sài Gòn vừa chung vốn lại gửi về giúp đỡ anh chị một triệu đồng để sửa nhà.

Các cơ quan nhà nước luôn có nguy cơ bị sập trước so với nhà dân mặc dù nó được xây dựng bằng khoản kinh phí khổn lồ. Nguyên nhân của việc này là do những công trình này đã bị rút ruột một cách triệt để trong lúc xây dựng. Và điều này có lợi cho cán bộ quản lý cơ quan đó

Ông Kiều

Nhưng do cúp điện sau bão, ngân hàng không cho rút tiền, vậy là anh phải đi mượn của người em về làm trước. Người em cũng nghèo khó nên chỉ cho anh mượn được 200 ngàn đồng làm tạm. Cho đến ngày 8 tháng 9 năm 2013, cả làng anh tuy bị bão quăng quật tơi tả nhưng chưa thấy đồng xu cứu trợ nào. Người dân tự đi mua vật liệu về che chắn, thậm chí có người phải vay nóng để mua tôn về che cho có chỗ trú mưa.

Cơ quan nhà nước bị sập nhiều hơn nhà dân

Ông Kiều, một cư dân thành phố Đồng Hới, từng là bộ đội trinh sát trước năm 1975, chua chát nói với chúng tôi rằng ông thấy thật nực cười khi bão xong, các cơ quan nhà nước bị thiệt hại nhiều hơn nhà dân, mà điều này đúng với sự thật, ông đưa ra hai ví dụ gồm đài phát thanh truyền hình Quảng Bình và trường đại học sư phạm Quảng Bình.

Riêng đài phát thanh truyền hình, ngoài những đổ nát nhà cửa, có cây trụ angten bị đổ, tốn đến cả chục tỉ đồng, trong khi đó cây trụ này mới vừa xây xong cách đây chưa đầy hai năm, được xây dựng theo công nghệ mới nhất, đảm bảo bền vững gần như tuyệt đối. Trường đại học sư phạm Đồng Hới cũng thế, nó được xây dựng với số tiền hàng chục tỉ đồng, theo kết cấu hiện đại nhất, nếu qui từ số tiền ra chất lượng, nó phải tốt gấp mười lần các biệt thự tư nhân. Thế nhưng sau bão, nó bị đánh tả tơi.

Ông Kiều khẳng định rằng các cơ quan nhà nước luôn có nguy cơ bị sập trước so với nhà dân mặc dù nó được xây dựng bằng khoản kinh phí khổn lồ. Nguyên nhân của việc này là do những công trình này đã bị rút ruột một cách triệt để trong lúc xây dựng. Và điều này có lợi cho cán bộ quản lý cơ quan đó. Vừa rút ruột, tư túi trong lúc xây dựng mà lại vừa có cơ hội rút ruột tiếp khoản kinh phí tái thiết, xây dựng sau bão, đàng nào cũng có lợi cho họ cả, chỉ có người dân là phải cong lưng đóng thuế và cong lưng chịu thiên tai để rồi sau thiên tai lại kê khai mức thiệt hai lên thật cao với hy vọng nhận thêm được vài gói mì tôm, vài lạng đường… Nhưng họ không hay biết rằng đó là cơ hội để các quan chức địa phương tiếp tục bỏ túi những khoản tiền hời từ nguồn cứu trợ.

Nói đến đây, ông Kiều chua chát lắc đầu, thở dài. Tiếng thở của ông nghe ra còn não nùng hơn cả mưa gầm bão rít!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.