Tính đến khuya ngày 26/2/2020, giới chức Việt Nam vẫn chưa thể quyết định có cho học sinh các cấp đi học lại hay không, sau đợt nghỉ kéo dài từ trước Tết Nguyên Đán đến nay vì lo ngại dịch bệnh COVID-19 lây lan.
Vận mệnh chính trị quyết định
Trong khi trước đây trung ương đã chỉ định các lãnh đạo tỉnh thành phố sẽ tự quyết định khi nào thì học sinh đi học trở lại, nhưng những bản tin từ truyền thông trong nước cho thấy lãnh đạo của nhiều tỉnh thành cũng đang xin ý kiến của Bộ Giáo dục và Thủ tướng chính phủ về thời gian cho học sinh quay lại trường. Kết quả là đến nay phụ huynh vẫn không biết rõ chừng nào con em mình đi học lại để sắp xếp việc trông nom trẻ.
Đơn cử là thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), theo truyền thông trong nước, dự kiến chiều ngày 25/2, thành phố sẽ họp với các sở ngành và 24 quận huyện để đưa ra giải pháp hiệu quả chống dịch, cũng như học sinh có đi học trở lại vào ngày 2/3 hay không?
Nhưng cuối cùng quyết định vẫn không được đưa ra mà được chuyển lên Bộ giáo dục... rồi qua văn phòng chính phủ, và cuối cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng không đưa ra quyết định mà cho rằng, chưa thể chốt việc cho học sinh đi học trở lại vào ngày 2/3, mà phải chờ đến ngày 27/2 hoặc 28/2, theo tình hình diễn biến dịch bệnh mới đưa ra quyết định.
Trả lời RFA hôm 26/2, một giáo viên ở TPHCM, không muốn nêu tên vì lý do an ninh, nói:
“Tôi nói cho anh hiểu, sắp tới Đại hội đảng, ở trong nước có câu ‘sinh mệnh chính trị’ nên họ không dại gì quyết định, lỡ có chuyện gì là bay. Vì vậy để an toàn cho sinh mệnh chính trị là ‘đợi ý kiến cấp trên’, anh ký thì anh chịu, nên ông nào cũng né. Ngay cả lãnh đạo trường học cũng muốn né, cho học sinh nghỉ, vì lỡ có chuyện gì thì cũng tiêu.”
Trước đó, vào ngày 20/2, TP HCM kiến nghị kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên đến hết tháng 3. Tuy nhiên, đến ngày 24/02, Bộ Giáo dục lại kiến nghị các địa phương cho học sinh đi học lại từ ngày 02/03/2020. Đến nay vẫn chưa có cơ quan nào quyết định chính thức vấn đề này.
Trao đổi với RFA hôm 26/2, Nhà báo Ngô Nhật Đăng, nhận định:
“Ở những nước như Việt Nam thì sắp tới sẽ chuẩn bị Đại hội đảng, khi sắp tới Đại hội thì các quan chức các đảng viên, đều không dám tự mình quyết định chuyện gì vì lỡ có sai sót thì sợ ảnh hưởng phiếu bầu, ảnh hưởng uy tín. Nhìn theo hướng tích cực, thì một số lãnh đạo TPHCM, đang không dám quyết định việc cho học sinh đi học lại. Tức là họ đã nhìn thấy một rủi ro rất lớn, nếu lỡ xảy ra việc gì thì sinh mệnh chính trị của họ mất hết, nên họ đã đùn đẩy trách nhiệm lên trên.”
Vào sáng ngày 14/2/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, khi phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch do virus Corona nói rằng “Nếu chưa làm được học phụ huynh, học sinh an tâm thì chưa nên cho đi học trở lại”.
Theo ông Vũ Đức Đam, an toàn là cả dưới giác độ chuyên môn lẫn trong suy nghĩ của học sinh, của phụ huynh học sinh, bao gồm: an toàn và an tâm. Không nên cho đi học trở lại mà học sinh vẫn lo sợ bị lây nhiễm ở trường, vẫn phải đeo khẩu trang trong lớp học…
Cách trả lời này của ông Đam đã gây ra những phản ứng trái chiều trên mạng xã hội. Có một số ý kiến ủng hộ nhưng cũng có ý kiến cho rằng ông phát biểu nước đôi, không dám quyết định.
Lo lắng vẫn chưa dứt
Bộ Y tế Việt Nam hôm 26/2 chính thức thông báo hai tỉnh Thanh Hoá, Khánh Hoà đã đủ điều kiện để công bố hết dịch COVID-19. Trong cùng ngày, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 cũng họp báo đưa ra con số thống kê là 14 ngày qua, Việt Nam chưa ghi nhận thêm các trường hợp nhiễm mới ngoài việc đã chữa khỏi bệnh cho toàn bộ 16/16 trường hợp nhiễm COVID-19.
Tuy nhiên, tại những nước như Trung Quốc và Hàn Quốc, diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp với con số người nhiễm bệnh và tử vong tăng lên từng ngày. Đây cũng là hai quốc gia có nhiều người đến Việt Nam nhất.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch nCoV của TP HCM tối 25/2, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur cho rằng: “Trẻ đến trường an toàn hơn ở nhà”. Ông Lân dẫn thống kê cho thấy số người nhiễm nCoV dưới 10 tuổi chiếm 1%, từ 10 đến 20 tuổi chiếm 1%. Hiện, thế giới chỉ có 2 học sinh Nhật Bản bị nhiễm nCoV nhưng không phải lây lan ở trường học.
Phản ứng trước nhận định này của ông Phan Trọng Lân, vị giáo viên ở TPHCM nói tiếp:
“Tôi mới đọc tin về việc ông Viện trưởng Pasteur TPHCM nói, “trẻ đến trường an toàn hơn ở nhà”, nghe nó làm sao đó, trong khi bữa giờ nói không cho tập trung đông người, nếu có đi học thì không cho chào cờ… bây giờ lại nói thà đi học tốt hơn là sao? Ông viện trưởng nói tỷ lệ trẻ nhỏ nhiễm ít, không tử vong, các em không tử vong nhưng lây qua người khác thì sao?”
Trả lời RFA hôm 26/2, Bác sĩ Phạm Nhật An, nguyên phó giám đốc kiêm trưởng Khoa Truyền Nhiễm Bệnh Viện Nhi Trung Ương, nói:
“Nếu mà dịch cần các biện pháp tránh lây truyền thì phải nghỉ học lâu. Còn nếu khả năng dịch không còn thì mới cho đi học, cái này phải cân nhắc nhiều yếu tố. Ví dụ tỉnh nào hết dịch sau một thời gian, ví dụ như sau hai tuần không có một ca nghi nhiễm nào cả thì mới cân nhắc công bố hết dịch thì mới cho đi học được.”
Bà Ninh, một phụ huynh không muốn nêu tên ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, khi trả lời RFA cho biết:
“Nếu cho các cháu học sinh đến trường, mặc dù chính quyền có biện pháp phòng, chống và sẽ phát khẩu trang, nhưng chúng tôi vẫn rất lo lắng và chưa muốn cho các cháu đi học.”
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM khi trả lời báo chí trong nước hôm 26/2 cho biết, nhìn chung phụ huynh còn nhiều ý kiến trái chiều về việc đi học lại hay nghỉ, trong đó nhiều phụ huynh sẵn sàng cho con nghỉ học, thậm chí bảo lưu kết quả học tập qua năm sau. Tuy nhiên theo ông, việc nghỉ học dài ngày cũng khiến nhiều cơ sở giáo dục gặp khó khăn.
Còn theo Bác sĩ Phạm Nhật An, phải có một ủy ban, để thảo luận, cuối cùng nếu thống nhất là an toàn thì mới cho đi học được. Tùy theo điều kiện từng địa phương, chứ không bắt buộc được.