Tiểu khu 179 - mô hình đòi quyền sống, quyền tự do tín ngưỡng của người sắc tộc thiểu số

Tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và bị chỉ trích vì chính sách đàn áp tôn giáo một cách khôn khéo, tinh vi của Hà Nội. Tuy nhiên bởi có những theo dõi và đề xuất từ các nước cũng như tổ chức liên quan, một số ít chương trình, dự án được tiến hành trong lĩnh vực tôn giáo- tín ngưỡng. Một trong những dự án được nhận định có chỉ dấu tiến triển tốt được thực hiện tại Tiểu Khu 179 của dân tộc người H’Mông ở tỉnh Lâm Đồng.

0:00 / 0:00

Kiên trì đòi hỏi quyền lợi

Ông Ma Seo Cháng, một trưởng thôn ở Tiểu Khu 179 thuộc xã Lieng Sronh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, lại sống trong tình trạng chưa có hộ khẩu. Ông chia sẻ:

“Tôi đang số tại Tiểu Khu 179 hai mươi năm qua mà chưa được chính quyền Việt Nam công nhận có đất đai rồi giấy tờ tùy thân. Nhiều năm qua anh em tôi cũng làm đơn rất là nhiều lần. Đến năm 2010, đã làm đơn từ chính quyền địa phương đến Trung Ương, mà đến giờ này vẫn chưa được”.

Dù chưa được nhưng sau một thời gian dài nộp đơn, gần đây có chỉ dấu cải thiện cho cá nhân ông và gần 600 người H’Mong trong thôn khi chính quyền địa phương đồng ý ngồi xuống đối thoại:

“Từ năm 2018 đến nay thì có thấy sự thay đổi từ chính quyền địa phương. Họ nói sẽ thành lập quy hoạch (định cư) tại chỗ này để bà con sinh sống”.

Quy hoạch tái định cư tại chỗ cho cộng đồng người H’Mong thuộc Tiểu Khu 179 đã được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đam Rông Trương Hữu Đồng chính thức ký vào ngày 14/12/2020. Văn bản nói rõ: “Quy hoạch này sẽ được công bố công khai trong thời gian tới để người dân có thể kiểm tra và giám sát.”

"Em thấy Tiểu Khu 179, em rất cảm phục tinh thần của họ" .

Đó là nhận định của anh Vàng Seo Giả, tên gọi là Huy, về sự kiên trì đấu tranh của người dân tại đây.

Tiểu-Khu-179-Báo-Lâm-Đồng.jpeg
Hình minh hoạ. Các em học sinh ở tiểu khu 179, tỉnh Lâm Đồng, đi học. Courtesy: Báo Lâm Đồng

" Em cho rằng xuất phát từ việc họ sống ở đó rất lâu rồi và họ thấy rằng cuộc sống của họ không thay đổi. Thời đại phát triển rồi thì họ thấy rằng con cái của họ ít được đi học, sau đó vẫn luẩn quẩn, cha thế nào thì con vẫn vậy. Thành ra họ thấy rất lạc hậu... Chúng ta biết rằng con cái họ không có giấy tờ tùy thân thì không có được đi học lên cao, chỉ học gọi là xóa mù chữ thôi. Sau đó thì họ quay lại cuộc đời của bố mẹ. Em nghĩ bố mẹ cũng nhận thức được điều đó và họ hiểu được tầm quan trọng của việc có quốc tịch và quyền công dân. Điều đó cũng thôi thúc họ".

Anh Huy là một người H’Mong trẻ sống và lớn lên ở Đắk Nông sau khi gia đình như nhiều người H’Mong khác ngoài Bắc bị bách hại phải vào Tây Nguyên định cư lánh nạn. Năm 2017 anh đã phải đi lánh nạn lần thứ hai, chạy sang Thái Lan sau khi một người cháu bị công an bắt, rồi nói là đã “tự tử” trong trại tạm giam. Anh nghi là người cháu đã bị đánh chết vì truyền đạo.

Điểm tích cực trong bối cảnh tồi tệ về tự do tôn giáo

Hôm 21 tháng tư vừa qua, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) công bố báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo trên thế giới, trong đó có phần về Việt Nam.

USCIRF nhận định chính sách đàn áp tôn giáo mà chính quyền Việt Nam đang thực thi vẫn ở mức tồi tệ, đặc biệt đối với khoảng 10.000 người H'Mong và người Thượng Tây Nguyên. USCIRF nhận thấy rằng họ vẫn phải chịu tình trạng sống không quốc tịch trong nhiều thập niên vì chính quyền địa phương từ chối cấp giấy đăng ký hộ khẩu và chứng minh nhân dân cho những người này.

USCIRF cho rằng đây là hành động “muốn trả đũa việc từ chối bỏ đạo” của các tín đồ sắc thiểu số. Tuy nhiên, báo cáo của USCIRF ghi nhận một diễn tiến tích cực trong năm ngoái: đó là từ đầu năm 2020, tại địa bàn gọi là Tiểu Khu 179 thuộc xã Lieng Sronh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, chính quyền địa phương đã thông báo dự án tái định cư các hộ dân người H'Mong theo đạo Tin Lành mà trước giờ bị phân biệt đối xử.

HmongMinorities400.jpg

Vì sao chính quyền địa phương chịu xuống nước?

Anh Vàng Seo Giả, hay Huy, khi sống tại Thái Lan tiến hành kết nối với những nạn nhân khác và tham gia công tác đấu tranh cho những đồng bào đang bị đàn áp vì lý do tôn giáo tại quê nhà. Anh cho biết:

"Bọn em đã viết những báo cáo như vậy và nhờ BPSOS ( tổ chức Cứu Người Vượt Biển ) dịch và gửi lên cho Báo Cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc có bằng chứng, báo cáo rất rõ ràng, thành ra cuối cùng Ủy Hội Tự do Tôn giáo họ mới công bố những báo cáo ấy, thì đó cũng là sự thành công dành cho quá trình đấu tranh của bọn em".

Yếu tố khiến chính quyền huyện đã có cuộc đàm phán với người dân H’Mong và cuối cùng công bố dự án tái định cư và ba triệu USD xây dựng Tiểu Khu 179, anh Huy anh nhấn mạnh:

“Yếu tố quan trọng nhất là chính người dân họ phải đứng lên đòi quyền lợi đáng phải có của mình. Tại vì mình muốn giúp đỡ họ lắm nhưng mà nếu họ tỏ ra sợ sệt chính quyền địa phương, họ không dám lên tiếng cho những bất công đó, họ không đòi quyền lợi của mình thì không ai có thể giúp họ. Tuy nhiên rất may mắn những người H’Mong ở đó rất là quyết tâm trong việc đòi chính quyền địa phương phải cấp giấy tờ tùy thân, hộ khẩu cho họ, đòi chính quyền địa phương phải cho quyền lợi làm một công dân Việt Nam. Họ dám làm điều đó thì làm cho quá trình giúp đỡ họ dễ hơn so với trường hợp khác”.

Cùng làm việc với anh Huy để giúp người dân thúc đẩy tiến trình dự án là ông Trương Minh Tam, trợ giúp về pháp lý với tổ chức Cứu Người Vượt Biển. Ngoài sự đứng lên của người dân, ông nhận định có thêm yếu tố quan trọng đã dẫn đến kết quả hiện nay:

“Yếu tố thành công trong việc chúng tôi tiến hành giúp cho Tiểu khu 179 thương lượng thành công với chính quyền Việt Nam thì tôi cho đó là yếu tố quốc tế. Bởi nếu không có sự can thiệp, rất là sớm và rất là nhiệt tình của Đại sứ quán Hoa Kỳ, sau này kéo thêm sự tham gia của các đại sứ quán khác thì tôi tin chắc là vụ việc đó không thành công. Bởi vì thực tế cho tới nay thì dự án mặc dù đã có trên giấy tờ rồi nhưng nhà nước Việt thì vẫn tìm nhiều cách khác nhau để chưa triển khai trên thực tế”.

Văn bản đã có, nhưng chưa được triển khai

Ông Tam chia sẻ BPSOS xác định về phương thức thực hiện dự án cộng đồng phải có cả yếu tố “trong” lẫn “ngoài” như vừa nêu, và cả hai yếu tố cần tiếp tục tồn tại trong hai giai đoạn của dự án, giai đoạn trên giấy và giai đoạn thực sự triển khai:

“Thông thường bọn mình xác định một dự án nó kéo dài từ năm rưỡi đến hai năm, mà trong dự án này tổng thời gian hoàn thành dự án này không dưới sáu năm. Và hiện nay dự án đang diễn tiến đúng như vậy. Chỉ trong vòng có hơn một năm là đã có dự án tái định cư tại chỗ ở trên giấy tờ rồi. Nhưng mình tính là phải tốn ít nhất 4-5 năm thì nhà nước Việt Nam mới triển khai dự án trên thực tế. Và nếu không có, thì họ chỉ lập dự án trên giấy và quốc tế có nói gì thì họ sẽ nói họ đã có rồi nhưng thời gian nào để triển khai họ sẽ không trả lời. Nên thời gian gọi là họ câu giờ thì cũng cần nhiều kỹ năng để thúc dục”.

Đài Á Châu Tự Do đã gọi đến Ủy ban Nhân dân huyện Đam Rông và tỉnh Lâm Đồng để hỏi về diễn tiến nhưng không ai bắt máy.

Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo trong báo cáo 2021 có cho biết, tiến trình dự án tái định cư người dân H’Mong tại đây, “cho đến tháng 12 (2020) vẫn chưa được hoàn thiện”.

Vào đầu tháng tư, một phái đoàn viên chức của một số Đại sứ quán Tây phương tại Việt Nam có ý định đến thăm viếng Tiểu Khu 179 nhưng chính quyền địa phương không cấp phép cho phái đoàn mà không nêu rõ lý do từ chối.

Các nhà đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo và quyền công dân cho người H’Mong tại đây hiện tiếp tục gửi đơn yêu cầu chính quyền địa phương cập nhật về tiến độ dự án. Đài Á Châu Tự Do cũng được biết các Đại sứ quán tiếp tục theo dõi quan tâm.

Ông Tam nói, không thể lơ là chỉ vì đã có dự án trên giấy và người đấu tranh phải có tầm nhìn xa.

“Một yếu tố rất là quan trọng nữa mà rất tế nhị đó là chúng ta thường biết là để phá hoại dự án hoặc các cuộc đàm phán thì Nhà nước Việt Nam luôn luôn sử dụng các biện pháp khôn ngoan ngoài pháp lý để tiến hành bắt những người gọi là tham gia chủ chốt trong dự án mà kết nối được với bên ngoài. Thì họ có thể tạo lên những tội danh không liên quan gì tới dự án để bắt nhấm tạo tính chất răn đe. Nếu như có dự án thì nhằm phá hoại, và khi có dự án rồi thì làm chậm tiến độ”.

Đồng bào H'mong bán củi (ảnh minh họa)
Đồng bào H'mong bán củi (ảnh minh họa) (RFA)

Một mô hình đấu tranh cho các cộng đồng khác

Phó chủ tịch Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo, Luật sư Anurima Bhargava trong cuộc trao đổi với Đài Á Châu Tự Do cảnh báo rằng sự đàn áp các sắc tộc thiểu số trong thời gian qua là một nguy cơ có thể dẫn đến hậu quả bao gồm xung đột bạo lực.

Bà nói, “Không ai muốn thấy diễn tiến đi sâu vào con đường đó”, nên các nỗ lực từ chính quyền Trung Ương, tỉnh và địa phương để tái định cự những người H’Mong Tin Lành có thể được xem là một mô hình hiệu quả cho những cộng đồng khác:

“Rõ ràng có một lời kêu gọi thực hiện điều đó một cách hiệu quả để tập hợp một số cộng đồng này lại với nhau và cho họ một nơi để họ có thể sống và thực hành đức tin của mình một cách hòa bình và với phẩm giá”.

Anh Huy, người thanh niên vận động cho quyền được sống của người H’Mong từ Thái Lan cho biết, anh chị em trong nhóm rất muốn nhân rộng mô hình đấu tranh tại Tiểu Khu 179 nhưng không phải chỗ nào cũng gặt hái được thành công tương tự. Tuy nhiên anh cho hay:

“Có Tiểu Khu 181, họ thấy được thành công của Tiểu Khu 179, họ thấy người dân ở đó lên tiếng và có được thành quả đấy, họ cũng muốn làm điều đấy… Bọn em hỗ trợ bước đầu tiên”.

Ông Ma Seo Cháng, trưởng thôn Tiểu Khu 179 tâm sự, hiện đã có được sự thỏa thuận trên giấy với chính quyền đã làm cho bà con tại đây phấn khởi”

" Chính quyền cũng hứa sắp tới đây họ sẽ xây dựng làng thôn, rồi làm một nhà trường, và nhà cộng đồng. Họ cũng hứa là sẽ làm trạm y tế thôn nữa. .. Nói chung là bà con cũng mừng lắm. Đang mơ ước để được hưởng cái đó."

Cho dù họ còn phải tiếp tục đấu tranh để những lời hứa được thực hiện, nhưng ông nói bước đầu này đã cho phép bà con ở Tiểu Khu 179 dám mơ xa hơn.