Tình trạng sức khỏe của người tù chính trị Trần Huỳnh Duy Thức được ‘báo động’ vì tính đến nay ông bước vào tuần thứ 10 đợt tuyệt thực.
Ngay sau khi có tin tù chính trị Trần Huỳnh Duy Thức cương quyết tuyệt thực để đòi cơ quan chức năng Việt Nam thực thi luật pháp do chính họ đưa ra, nhiều tổ chức và cá nhân lên tiếng kêu gọi cùng có biện pháp thúc giục chính phủ Việt Nam đáp ứng yêu cầu của ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Hôm 19 tháng 1, tổ chức The 88 Project đã lên tiếng cho Tù nhân Lương tâm đang phải thụ án tù với cáo buộc 'hoạt động nhằm lật đổ chính quyền". Trong một bài nhận định đăng trên tờ Asia Times, The 88 Project đồng thời lên án cái mà họ gọi là "sự im lặng" của cộng đồng quốc tế trước tình trạng của ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Trong bài viết với nhan đề " Các tổ chức nhân quyền làm ngơ đối với người tù Việt Nam áp dụng phương pháp tuyệt thực", hai nữ tác giả Kaylee Uland và Nguyễn Quỳnh Thiện Trang của tổ chức bảo vệ nhân quyền The 88 Project viết:
“Bất chấp những lời cầu cứu từ gia đình và các nhà hoạt động địa phương, cộng đồng quốc tế vẫn im lặng một cách kỳ lạ.
Một số tổ chức nhân quyền, mặc dù biết về tình hình của ông Thức, đã phản đối việc ông dùng phương pháp tuyệt thực, vì cho rằng phương pháp này “bạo động”. Một số nhà hoạt động thậm chí còn lập luận rằng việc ông tuyệt thực không phải là kết quả của sự ngược đãi. Và vì vậy họ vẫn im lặng khi anh phải chịu đựng trong nhà tù Việt Nam”.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức hiện đang thụ án 16 năm tù tại Trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An. Ông bị xét xử vào năm 2010 theo Điều luật 79 Bộ luật hình sự, tuy nhiên vào năm 2015, điều luật 79 được Việt Nam sửa đổi thành 109, và theo đó mức án người phạm tội là từ 3 đến 5 năm tù. Ông Thức làm đơn yêu cầu trả tự do vì ông đã thụ án hơn 11 năm nay. Ông đã bắt đầu tuyệt thực vào cuối tháng 11 năm 2020.
The 88 Project mô tả tình trạng ông Thức, nói ông hiện chỉ còn là “da bọc xương”.
Bà Grace Bùi, nhân viên phụ trách vận động của The 88 Project chia sẻ thêm về nhận định của tổ chức này đối với thực tế “im tiếng” đối với trường hợp tù chính trụ Trần Huỳnh Duy Thức đang tuyệt thực:
"Khi mình lên tiếng và kêu gọi mọi người lên tiếng, thì có rất là nhiều tổ chức không lên tiếng. Giống như là họ không đồng ý hoặc không nghĩ vấn đề tuyệt thực là đúng theo tiêu chuẩn con người. Giống như Liên Hiệp Quốc không có nói lên về vấn đề tuyệt thực vì họ cũng không đồng ý. Đó là quan sát riêng của 88 chứ không phải là một cái gì mình có thể nói là họ không quan tâm. Họ rất là quan tâm".
Trong quan điểm trên tờ Asia Times, The 88 Project khẳng định:
"Các tổ chức không muốn ủng hộ việc nhà hoạt động tuyệt thực vì 'thiếu sự ngược đãi ' hoặc vì 'chính việc tuyệt thực là một hành động bạo lực ', nên biết rằng đối với những tù nhân chính trị sống mòn mỏi trong lao tù của một Việt Nam độc tài, đôi khi tuyệt thực là công cụ duy nhất mà họ còn lại để bảo vệ quyền tiếp cận các nhu cầu thiết yếu hoặc bảo đảm pháp lý".
“Các tổ chức không muốn ủng hộ việc nhà hoạt động tuyệt thực vì ‘thiếu sự ngược đãi’ hoặc vì ‘chính việc tuyệt thực là một hành động bạo lực’, nên biết rằng đối với những tù nhân chính trị sống mòn mỏi trong lao tù của một Việt Nam độc tài, đôi khi tuyệt thực là công cụ duy nhất mà họ còn lại để bảo vệ quyền tiếp cận các nhu cầu thiết yếu hoặc bảo đảm pháp lý”. -The 88 Project
Tổ chức Ân xá Quốc Tế (Amnesty International) không đề cập đến trường hợp cá nhân của TNLT Trần Huỳnh Duy Thức, tuy nhiên trong thông cáo báo chí công bố ngày 20 tháng 1, đã kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các TNLT, và nêu tên của 3 TNLT thành viên Hội Nhà báo Độc lập là các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, cũng như nhà báo Phạm Đoan Trang.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) qua điện thư trả lời với Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này, có trình bày:
"Human Rights Watch đã liên tục và nhiều lần nêu lên những quan ngại nghiêm trọng về trường hợp của Trần Huỳnh Duy Thức trong nhiều lời tuyên bố và thư. Chúng tôi đã vận động hành lang trong nhiều năm để yêu cầu các chính phủ nêu lên trường hợp của ông ấy, và họ đã làm như thế: mới tuần trước, ông ấy đã được đề cập trong một nghị quyết quan trọng của Liên minh Châu Âu về Việt Nam, đoạn 20 .
Tất cả mọi người đều có quyền thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình, bao gồm cả việc thông qua biểu tình bất bạo động, có thể bao gồm cả tuyệt thực”.
The 88 Project lập luận rằng vai trò của các tổ chức nhân quyền không nên phán xét về cách các TNLT đấu tranh, mà phải làm sao truyền đạt được thông điệp của họ.
"Human Rights Watch đã liên tục và nhiều lần nêu lên những quan ngại nghiêm trọng về trường hợp của Trần Huỳnh Duy Thức trong nhiều lời tuyên bố và thư. Chúng tôi đã vận động hành lang trong nhiều năm để yêu cầu các chính phủ nêu lên trường hợp của ông ấy, và họ đã làm như thế: mới tuần trước, ông ấy đã được đề cập trong một nghị quyết quan trọng của Liên minh Châu Âu về Việt Nam, đoạn 20 . Tất cả mọi người đều có quyền thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình, bao gồm cả việc thông qua biểu tình bất bạo động, có thể bao gồm cả tuyệt thực". -Human Rights Watch
Bà Grace Bùi cho biết thêm về trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức:
"Anh Thức cũng đã được chính phủ Việt Nam đề nghị thả, nhưng mà anh ta phải ra nước ngoài. Nhưng anh Thức không muốn làm điều đó. Đó là lý do tại sao anh Thức tuyệt thực, để nói lên với chính phủ là nếu mà thả anh Thức ra thì phải để anh trong nước. Nhưng mình biết tiền lệ của chính phủ Việt Nam khi một người được thả sớm, như Mẹ Nấm hay Trần thị Nga , Nguyễn Văn Hải , Việt Khang đều phải ra khỏi Việt Nam. Nhưng mà anh Thức muốn thay đổi tiền lệ đó và cho rằng nếu mà thả TNLT hoặc chính trị thì họ có quyền ở lại hoặc đi".
Bà cho biết gia đình của ông Trần Huỳnh Duy Thức hôm 21 tháng 1 nhận được điện thoại của ông từ Trại số 6 Thanh Chương gọi về. Người chị của ông Thức nói, ông hiện chỉ còn 56kg mà thôi, nhưng đầu óc vẫn sáng suốt và ông khẳng định sẽ tiếp tục tuyệt thực cho đến khi nào chính phủ Việt Nam đáp ứng những đòi hỏi của ông. Tính đến ngày 26 tháng 1, ông Thức đã tuyệt thực 63 ngày.