Nghi ngờ khi Fanpage “Save Tam Đảo” bị chặn

0:00 / 0:00

“Ngày 27/12/2016 dự án xây dựng khu du lịch sinh thái Tam Đảo 2 đã được chính thức khởi công với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ... Điều đáng nói, dự án này đã bỏ qua những vấn đề nguy hại sẽ xảy đến với người dân, môi trường và động thực vật khi nó được tiến hành...”

Video clip với tựa "Tiếng kêu cứu của Vườn Quốc Gia Tam Đảo" được tung lên mạng hồi đầu năm 2019 đã gây nhiều ý kiến trái chiều và đưa dự án xây dựng khu du lịch quy mô 300 héc-ta giữa rừng sinh thái Tam Đảo, ra ánh sáng. Trước đó, chủ đầu tư dự án là Sun Group đã không công khai các thông tin về dự án.

Nhóm bạn trẻ thực hiện video clip trên nay lên tiếng nói họ đã trở thành đối tượng của một chiến lược tấn công nội dung trên Fanpage Save Tam Đảo.

Anh Trung Phi, một quản trị viên của trang chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do rằng, một số hình ảnh do chính anh và thành viên chụp về dự án khu du lịch tại vườn quốc gia này đã bị báo cáo vì vi phạm bản quyền, khiến Facebook khóa tài khoản với hơn 12 nghìn fans của nhóm:

“Theo như em biết, sự tấn công này là sự chủ đích của một nhóm rất chuyên nghiệp. Họ có thể sử dụng một lúc vài nghìn account (tài khoản) trên Facebook để họ báo cáo lên Facebook là hình ảnh này của một người nào đó, thì có thể lên hàng nghìn account tấn công cùng một lúc. Khi tấn công vào một bức ảnh, Facebook tạm thời sẽ khóa bức ảnh đó. Đến lần thứ hai, tức là một, hai ngày sau họ tấn công tiếp một bức ảnh khác cũng tương tự như vậy. Và đến lần thứ ba thì Facebook sẽ khóa tài khoản của em lại, mặc định là như vậy”.

Anh Trung Phi đã không ngập ngừng đưa ra nghi ngờ, ai hoặc nhóm nào đứng đằng sau các cuộc tấn công:

“Em nghi là nhóm Sun Group. Em nghe nói họ có nhóm xử lý khủng hoảng truyền . Nhóm này được trang bị rất kỹ lưỡng về công nghệ thông tin. Nói chung là họ khá chuyên nghiệp như nhóm hacker. Ngày 14 (tháng 8) họ tấn công một bức ảnh, ngày 18 họ tấn công một bức khác, đến ngày 20 họ tấn công tiếp nữa. Ngay hôm họ tấn công thì Facebook khóa luôn Fanpage”.

Đài Á Châu Tự Do đã tìm cách liên lạc với Sun Group để lấy phản hồi về những cáo buộc này nhưng không thành công.

Dự án Tam Đảo II của Tập đoàn Sun Group chính thức khởi công vào cuối năm 2016. Theo Phụ Nữ Online, dự án Tam Đảo II được nói có giá trị 25 nghìn tỷ đồng, diện tích được nói hơn 300 héc-ta, bao gồm khu nhà nghĩ cao cấp 200-400 phòng, trung tâm trung tâm tổ chức hội nghị và sòng bạc, các khách sạn mini dành cho khách thư giãn đến sòng bạc và sân golf chín lỗ.

000_QQ6SP.jpg
Một con gấu mặt trăng tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam gần Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc hôm 19/7/2017. Ảnh: AFP

Anh Trung Phi chia sẻ, nhóm admin của trang Save Tam Đảo chỉ khoảng ba người, nhóm thiện nguyện viên cũng chừng một chục người, chia nhau viết bài, chụp ảnh, làm video. Cá nhân anh không hề có ý tưởng trở thành một người hoạt động đối đầu với một tập đoàn như Sun Group, một thương hiệu đầu tư du lịch và bất động sản hùng hậu hàng đầu của Việt Nam.

Sự việc bắt đầu một cách rất là hiển nhiên. Anh kể lại:

“Em nghĩ nó cũng là cái duyên. Bởi vì em rất thích rừng Tam Đảo. Nó là một cái duyên cực kỳ... chắc là không ai có. Rất nhiều người rất yêu nó. Từ năm 2016, 2017, em đi khá nhiều lần. Có những lần em ngủ ở trong rừng, hai người, không lều, không mang đồ ăn, Em rất nhớ, khi nữa đêm, khu vực rất là đẹp khi nửa đêm mây sà xuống, rất đẹp.”

Trong một lần đi trekking (đi bộ) như vậy vào năm 2017, tình cờ anh khám phá về dự án khủng khiếp của Sun Group:

“Năm 2017 bọn em có đi trekking ở trên Tam Đảo, lúc đó là tháng 6/2017. Bọn em đi thì vô tình gặp các chỉ dấu trên đường, trong . Thì em thấy rất là lạ. Em hỏi người dân, đấy là dấu gì, thì họ nói là đây là kiểm lâm họ đánh dấu, đếm để bàn giao cho một dự án xây du lịch khách sạn trên rừng. Em khá là ngạc nhiên vì đây là vườn quốc gia. Đây là rừng nguyên sinh, khu bảo vệ nghiêm ngặt nữa thì tại sao lại có dự án như vậy? Bọn em lên mạng tìm hiểu”.

Anh Trung Phi kể lại, thông tin trên mạng lúc ấy gần như không được công khai, giấu kính. Ban đầu nhóm anh tốn cả năm tìm kiếm thông tin trên mạng, tìm hiểu về dự án của Sun Group, về luật, về hệ sinh thái ở Vườn Quốc Gia Tam Đảo, ở đây có những loài động vật hiếm và đặc hữu gì... Anh kể lại bọn anh đi vào rừng qua các đường mòn, tránh đường chính. Họ thu thập được hình ảnh, video. Họ tiến từng bước: năm 2018 quyết định các thông tin phải được công bố nên họ lập trang Fanpage trên Facebook.

Đến tháng 1 năm 2019, họ chính thức đưa ra video clip "Tiếng kêu cứu của Vườn Quốc Gia Tam Đảo", trong đó có đoạn: "Nguồn nước sạch và sự an toàn tính mạng của hơn 200.000 hộ dân dưới chân dãy núi này có nguy cơ bị đe dọa. Nguồn gen của các loại động thực vật có nguy cơ bị tiêu diệt".

Sau đó nhóm Save Tam Đảo thực hiện một kiến nghị, gửi thẳng lên Bộ Tài Nguyên và Môi Trường. Anh Trung Phi nói, từ đó, mọi việc như cuốn trôi:

“Trong vòng hai tháng bọn em có được khoảng 5.500 chữ ký. Bọn em in ra tất cả, với các nội dung bọn em đề nghị. Em gửi ngày 30/5/2019. Nhờ vậy tác động khá lớn, đến các nhà báo nữa. Có báo Phụ Nữ tham gia”.

Báo Phụ Nữ hồi tháng 9/2019 đã thực hiện một loạt bài với tiêu đề “Điều tra độc quyền: Sun Group, Địa Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo”. Báo này trích lời một số đại diện truyền thông và lãnh đạo của Sun Group ca ngợi các hoạt động bảo vệ môi trường của tập đoàn nhưng lại không muốn báo chí viết về dự án Tam Đảo hoặc viết chung chung vì sợ ảnh hưởng đến tập đoàn.

Anh Trung Phi cho biết:

“Cách làm việc của Nhà nước mình là không bao giờ đáp ứng nguyện vọng của mấy người dân thấp cổ bé họng đâu. Tuy nhiên vì sức ép của cộng đồng mạng và các bài báo của Phụ Nữ, thì Bộ TNMT chính xác là hôm 14 tháng 10 năm 2010 tổ chức họp báo để thông tin về dự án Tam Đảo II.

Tất nhiên cách trả lời của họ thì bọn em cũng biết được rồi, nói rằng là Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được thực hiện theo đúng quy trình pháp luật. Theo đúng nguyên tắc… Nhưng họ vẫn không công khai báo cáo ra bên ngoài”.

"Cách làm việc của Nhà nước mình là không bao giờ đáp ứng nguyện vọng của mấy người dân thấp cổ bé họng đâu. Tuy nhiên vì sức ép của cộng đồng mạng và các bài báo của Phụ Nữ, thì Bộ TNMT chính xác là hôm 14 tháng 10 năm 2010 tổ chức họp báo để thông tin về dự án Tam Đảo II. Tất nhiên cách trả lời của họ thì bọn em cũng biết được rồi, nói rằng là Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được thực hiện theo đúng quy trình pháp luật. Theo đúng nguyên tắc… Nhưng họ vẫn không công khai báo cáo ra bên ngoài". -Anh Trung

Một nhà bảo vệ môi trường không muốn nêu tên ghi nhận, các thành viên "Nhóm Save Tam Đảo rất dũng cảm và kiên trì. Một thế hệ mới của Việt Nam yêu môi trường và dám lên tiếng!"

Liệu nhóm này có đủ kiên trì để đương đầu với những đối thủ mạnh hơn gấp nhiều lần?

Sau khi nhận được một số email từ Facebook về việc bị chặn do bị báo cáo vi phạm bản quyền hình ảnh, nhóm quản trị viên của trang Save Tam Đảo đã liên hệ với Facebook ngay lập tức để yêu cầu xem xét. Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày kể từ khi bị chặn hoàn toàn, anh Trung Phi cho biết, anh vẫn không có toàn quyền truy cập vào trang của mình, không post được bài mới, không nhắn được tin.

Sau khi Đài Á Châu liên lạc với Facebook để hỏi về sự việc, một phát ngôn nhân của Facebook đã trả lời qua email, nhưng không đi vào chi tiết, rằng:

“Chúng tôi muốn mọi người sử dụng Facebook để biểu đạt quan điểm, nhưng chúng tôi không cho phép việc đăng nội dung vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác, bao gồm bản quyền và nhãn hiệu. Theo Điều khoản dịch vụ của Facebook, chúng tôi đã xóa các bài đăng này sau khi có khiếu nại về bản quyền từ một chủ sở hữu quyền”.

Tuy nhiên, sau đó, hôm 3 tháng 9, nhóm Save Tam Đảo cho biết, Facebook đã khôi phục một số bức ảnh với lý do họ đã tháo gỡ nhầm.

Cô Natalia Krapiva, cố vấn pháp lý công nghệ của Access Now, một tổ chức quốc tế bảo vệ quyền kỹ thuật số, nhận định:

“Việc sử dụng các biện pháp tháo gỡ nội dung dựa trên Đạo Luật Bản Quyền Kỹ Thuật Số Thiên Niên Kỷ (DMCA) để bịt miệng xã hội dân sự không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Access Now đã và đang xử lý các trường hợp tương tự từ các tổ chức xã hội dân sự trên khắp thế giới, kể cả Việt Nam. Các công ty công nghệ đã không phản hồi với chúng tôi, họ coi vấn đề này như là một vấn đề bản quyền thuần túy chứ không phải là một vấn đề nhân quyền. Họ phớt lờ thực tế rằng ngày càng nhiều chính quyền và các tổ ngoại vi sử dụng biện pháp yêu cầu tháo gỡ dựa trên DMCA giả mạo, đặc biệt là trong các sự kiện chính trị quan trọng như bầu cử, để kiểm duyệt các tiếng nói bất đồng chính kiến trên mạng”.

Anh Trung Phi cho biết, việc bị Facebook tháo gỡ một số hình ảnh rơi vào đúng thời điểm nhóm đang chuẩn bị công bố thêm một số hình ảnh có hại đến dự án của Sun Group, và người bình thường không có lý do gì tranh chấp quyền sở hữu của các hình ảnh thuộc quyền của trang Save Tam Đảo.

Anh cũng khẳng định, anh sẽ theo dõi Sun Group cho đến cùng dự án. Kể cả khi Sun Group xây được dự án rồi đi chăng, anh sẽ tiếp tục vai trò giám sát nó.