Cô giáo quỳ gối dâng đơn và cơ chế “xin-cho” nơi công quyền ở Việt Nam

0:00 / 0:00

Quỳ gối để dâng đơn

Truyền thông trong nước vào ngày 6 tháng 8 đăng tải thông tin cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh đã quỳ gối trong sáng cùng ngày tại Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Đắk Lắk để xin được gặp lãnh đạo tỉnh và gửi đơn trình bày vụ việc của cô.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam dẫn lời cho biết cô cùng với một giáo viên khác mang đơn đến Văn phòng đăng ký tiếp công dân tỉnh Đắk Lắk, nhưng cán bộ tiếp dân không cho hai cô đăng ký gặp lãnh đạo tỉnh với lý do "UBND thành phố đã ra quyết định nên cứ chấp hành theo quyết định".

Không đồng ý với cách từ chối trên, hai cô giáo tiếp tục đến trụ sở Ủy ban tỉnh Đắk Lắk vào tầm 9 giờ sáng và đã chờ ở đây khá lâu nhưng vẫn không được cán bộ ra nhận đơn.

Trong lúc ngồi chờ, hai cô giáo nhìn thấy một cán bộ ở Văn phòng đăng ký tiếp công dân chạy đến nói với bảo vệ đuổi hai cô ra bên ngoài. Người bảo vệ lên tiếng với hai cô giáo rằng hãy trở lại Văn phòng đăng ký tiếp công dân và sẽ được cho làm thủ tục đăng ký gặp lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên hai cô giáo đã không đồng ý và đến khoảng 11 giờ trưa, cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh quyết định quỳ gối để xin được gặp lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk xem xét, giải quyết trường hợp “oan ức” của mình.

Vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh quỳ gối tại Ủy ban tỉnh Đắk Lắk vào sáng ngày 6 tháng 8 được ghi hình lại trong một clip video và trong clip có sự xuất hiện của nhiều cảnh sát khi cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh có hành động quỳ gối xin dâng đơn lên cán bộ tỉnh.

Sau khi đoạn clip ghi hình cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh quỳ gối yêu cầu cán bộ Ủy ban tỉnh nhận đơn của cô theo quy định luật pháp được lan truyền, Báo Điện tử Giáo Dục vào chiều cùng ngày đã được ông Bùi Hồng Quý, Chánh Văn phòng Ủy ban tỉnh Đắk Lắk xác nhận cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh có đến văn phòng của Ủy ban để trình bày nộp đơn và đã ra về sau khi được cán bộ giải thích, hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật. Ông Bùi Hồng Quý còn khẳng định, cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh không có quỳ tại trụ sở Ủy ban tỉnh Đắk Lắk mặc dù clip của cô Hoa Anh quỳ gối đã tràn lan trên mạng xã hội.

Đài RFA ghi nhận mặc dù chưa rõ thực hư sự tình vụ việc như thế nào, nhưng dự luận đặc biệt quan tâm đoạn clip ghi hình cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh quỳ gối nơi trụ sở Ủy ban tỉnh Đắk Lắk để xin dâng đơn tố cáo. Qua các ý kiến trên trang fanpage của truyền thông Nhà nước và trên mạng xã hội, rất nhiều người chỉ trích và lên án cách hành xử tiếp công dân của cán bộ ở văn phòng Ủy ban tỉnh Đắk Lắk. Bên cạnh đó, cũng không ít ý kiến cho rằng việc quỳ gối của cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh là không nên và hành động quỳ gối đó sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ học sinh.

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, một thầy giáo được cộng đồng biết đến là một tấm gương đấu tranh chống tiêu cực trong ngành giáo dục, qua trang Facebook cá nhân cũng đã chia sẻ thông tin về trường hợp của cô Hoa Anh.

<i>Tôi cho rằng đây là do sự uất ức tột cùng của cô giáo buộc cô phải chọn giải pháp quỳ gối tại trụ sở ủy ban. Một số người phê phán cô giáo quỳ gối như thế là thể hiện sự khuất phục, khiếp nhược, không ngẩng cao đầu. Quan điểm đấy cũng có lý. Nhưng đối với một phụ nữ chân yếu tay mềm thì việc đó phải ngẩng cao đầu ở Việt Nam thì rất là khó. Tôi đây chưa bao giờ khuất phục mà tôi cũng bị vùi dập trong khi tôi là đàn ông. Phải chịu một áp lực rất lớn thì mới có thể trụ vững được<br/>-Thầy giáo Đỗ Việt Khoa</i>

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho biết cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh vốn là một giáo viên giỏi, từng dạy học nhiều năm ở vùng sâu vùng xa (tại trường Buôn Ky –phần đông học sinh là con em đồng bào dân tộc Ê-đê-pv) và cô bị quyết định lại phải chuyển trường đi xa do vi phạm “dạy thêm” trong khi cô chỉ ôn bài, kiến thức cho một nhóm em nhỏ là cháu trong gia đình và con của đồng nghiệp mà không thu tiền học phí.

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa lên tiếng với RFA vào tối ngày 7 tháng 8:

“Tôi cho rằng đây là do sự uất ức tột cùng của cô giáo buộc cô phải chọn giải pháp quỳ gối tại trụ sở ủy ban. Một số người phê phán cô giáo quỳ gối như thế là thể hiện sự khuất phục, khiếp nhược, không ngẩng cao đầu. Quan điểm đấy cũng có lý. Nhưng đối với một phụ nữ chân yếu tay mềm thì việc đó phải ngẩng cao đầu ở Việt Nam thì rất là khó. Tôi đây chưa bao giờ khuất phục mà tôi cũng bị vùi dập trong khi tôi là đàn ông. Phải chịu một áp lực rất lớn thì mới có thể trụ vững được. Thế thì phải thông cảm cho cô ấy vì bị uất ức quá, chưa kể một thời gian dài trước đó cô ấy bị ốm, đau gần như điên loạn thần kinh sau khi bị tỉnh ra quyết định như vậy.”

Trong cùng ngày 7 tháng 8, câu chuyện oan ức của cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh đều được báo giới trong nước đưa tin.

Theo đó, nữ giáo viên Nguyễn Thị Hoa Anh với tâm huyết dạy học trong nhiều năm bị điều động từ Trường Tiểu học Võ Thị Sáu sang trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh theo quyết định của Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuộc ký ngày 17/08/18, với lý do “Điều chuyển giáo viên trường thừa sang trường thiếu”. Sau khi nộp đơn khiếu nại, UBND thành phố Buôn Ma Thuột vào ngày 23/10/18 cho biết nguyên nhân điều trường là do giáo viên vi phạm dạy thêm. Bởi vì các nguyên nhân điều trường mà Chính quyền thành phố Buôn Ma Thuộc đưa ra không đồng nhất, cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh làm đơn khiếu nại nhiều lần lên các cơ quan của thành phố Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắc Lắk nhưng không được giải quyết.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh quyết định làm đơn tố cáo Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột và dẫn đến vụ việc cô phải quỳ gối vào sáng ngày 6 tháng 8.

Người dân khiếu kiện tập thể liên quan đất đai tại một trụ sở văn phòng Trung ương ở Hà Nội.
Người dân khiếu kiện tập thể liên quan đất đai tại một trụ sở văn phòng Trung ương ở Hà Nội. (AFP)

Bởi tại Cơ chế “xin cho”?

Một số người theo dõi vụ việc của cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh chia sẻ với RFA rằng họ tin vào cô giáo hơn là Chính quyền tỉnh Đắc Lắk, qua viện dẫn trường hợp của tử tù nông dân Đặng Văn Hiến, buộc phải có những hành vi tự bảo vệ công lý cho mình trước sự thờ ơ, cửa quyền của chính quyền địa phương trong tỉnh Đắk Lắk.

Không chỉ riêng tỉnh Đắc Lắk mà còn có ý kiến cho rằng tình trạng quan chức, cán bộ cơ quan công quyền của Nhà nước trên khắp Việt Nam đều hành xử với dân theo kiểu cách “xin-cho”, chứ không theo luật pháp. Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lý giải có một sự bất hạnh cho người dân Việt Nam khi làm việc với các cơ quan công quyền là do một nhà nước dân chủ “của dân-do dân-vì dân” đã không ra đời sau tháng 8 năm 1945 như lời tuyên truyền, hô hào trước đó. Ông Nguyễn Khắc Mai nhấn mạnh:

<i>Đó là một nhà nước phong kiến, Đảng Cộng sản Việt Nam phải là vua và ông tổng bí thư đứng đầu Đảng là 'siêu' vua. Tất cả luật lệ đều áp đặt cho dân, còn dân thì không có quyền hành gì. Bi kịch lớn là ở chỗ đó. Cho nên từ cơ chế đấy, quyền của người dân không còn và các quan chức, công chức, nhân viên…tự biến họ thành một người có quyền ban phát, có quyền cho và họ buộc người dân phải xin. Đấy là chuyện dài<br/>-Ông Nguyễn Khắc Mai</i>

“Đó là một nhà nước phong kiến, Đảng Cộng sản Việt Nam phải là vua và ông tổng bí thư đứng đầu Đảng là ‘siêu’ vua. Tất cả luật lệ đều áp đặt cho dân, còn dân thì không có quyền hành gì. Bi kịch lớn là ở chỗ đó. Cho nên từ cơ chế đấy, quyền của người dân không còn và các quan chức, công chức, nhân viên…tự biến họ thành một người có quyền ban phát, có quyền cho và họ buộc người dân phải xin. Đấy là chuyện dài.”

Trong một lần trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Lê Công Định cho rằng bộ máy công quyền tại Việt Nam không tuân thủ những quy định về quyền và trách nhiệm của cán bộ, công chức mà chỉ hoàn toàn hành xử theo cái mà họ nghĩ rằng được trao quyền bởi Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Thể theo nhận định của các nhà quan sát tình hình Việt Nam như ông Nguyễn Khắc Mai và Luật sư Lê Công Định thì tình trạng người dân buộc phải quỳ gối nơi cơ quan công quyền sẽ có thể vẫn còn tiếp diễn cũng như việc tiếp công dân của cán bộ cơ quan nhà nước là tùy thuộc vào việc “họ muốn hay không”. Có thể điểm lại thông tin từ kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ được công bố hồi đầu tháng 9 năm 2018 rằng, các giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Sở Văn hóa-Thể thao & Du lịch, Sở Nội vụ, Cục thuế tỉnh Đồng Tháp đã không tiếp công dân trong suốt hơn 5 năm.