Giáo dục thay đổi, lương giáo viên vẫn thấp

0:00 / 0:00

‘Hiện nay, những thay đổi của giáo dục và nhà trường trong bối cảnh mới đã đặt ra những yêu cầu mới đối với người thầy, đòi hỏi người thầy phải có những vai trò mới trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Làm thế nào để tiếp tục giữ gìn được sự tôn nghiêm và củng cố vị thế của nhà giáo?’

Đó là câu hỏi trong phần ‘Lời Tòa Soạn’ của VietNamNet mà theo người đọc thì có phần mâu thuẫn giữa hai vấn đề của chính nó: nghĩa là phải bươn chải mưu sinh vì lương thấp thì làm sao vừa có vai trò mới trong sự nghiệp giáo dục vừa duy trì sự tôn nghiêm của nghề giáo!

Vẫn theo bài báo, ‘lương thấp dường như là nhìn nhận điển hình về nghề giáo hiện nay, nhưng thấp đến mức nào thì chưa có nhiều người nhìn rõ.

Nghị Quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam xác định lương giáo viên ‘được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, vùng miền’.

Còn theo Thông Tư về bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên, do Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành, có hiệu lực từ ngày 20/3/2021, thì mức lương cao nhất của giáo viên Mầm Non là hơn 9,5 triệu đồng/tháng; cao nhất đối với giáo viên Tiểu Học và Trung học Cơ sở là hơn 10 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 450USD/tháng, 5.400USD/năm.

Đấy là Nghị quyết và Thông tư trên giấy tờ, còn thực tế thì sao?

Theo nguồn từ Varkey Foundation, một tổ chức ở Anh quốc chuyên nghiên cứu, khảo sát giáo dục toàn cầu nhằm thay đổi cuộc sống bằng giáo dục, thì mức lương giáo viên tại Việt Nam chỉ bằng một nửa (1/2) mức lương trung bình của giáo viên Ai Cập, nước có mức lương giáo viên thấp nhất trong 35 quốc gia được khảo sát.

Vẫn theo Varkey Foundation, so với Thụy Sĩ là nơi có mức lương cao nhất trong 35 quốc gia được khảo sát, thì lương giáo viên Việt Nam chỉ bằng 1/17 lương trung bình của giáo viên tại quốc gia tiên tiến này.

Hậu quả là với mức lương thấp so với mặt bằng của đời sống kinh tế, từ lúc còn khó khăn cho tới lúc đổi mới, chuyện kiếm thêm thu nhập, dạy ngoài giờ, ép học sinh học thêm, rồi chạy chợ hay buôn bán nhỏ lẻ, là những tiêu cực khó tránh trong hàng ngũ giáo viên Việt Nam, dẫn tới niềm tin và sự tôn kính bị giảm sút.

000_FV671.jpg
Hình minh hoạ: Giáo viên và học sinh tại một lễ khai giảng ở một trường tiểu học ở Hà Nội hôm 5/9/2016. AFP

Chuyên gia Đông Nam Á và Việt Nam, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng một cách tương đối thì lương nhà giáo ở đâu, ở nước nghèo hay nước giàu, nước có nền giáo dục tốt hay không tốt, nhìn chung vẫn được coi là thấp:

“Ví dụ lương nhà giáo được gọi là cao như ở Đức, ở các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch…, được xếp vào loại cao nhất thế giới thế nhưng nó vẫn là thấp”

“Bây giờ đến Việt Nam, lương nhà giáo trong trường công tức 100% thuộc hệ thống giáo dục công, thì có thể nói lương rất thấp, khó có thể đủ ăn hay đủ nuôi gia đình. Vì thế giáo viên phải kiếm cách dạy học thêm. Nhưng ở những tỉnh xa xôi như miền núi hay ở sát biên giới Trung Quốc, Lào chẳng hạn, thì học sinh không đi học thêm nên nhà giáo ở đấy là khổ nhất”.

Lý do thứ hai, vẫn lời Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Việt Nam còn nghèo, ngân sách cho giáo dục còn eo hẹp:

"Vì nhà giáo hưởng lương từ ngân sách, mà ngân sách Chính phủ đổ cho giáo dục rất thấp"

“Về mặt cấu trúc của giáo dục Việt Nam, hầu hết những nhà giáo Việt Nam từ bậc tiểu học trở lên, đều bị đưa vào hệ thống công chức. Nhưng 10 năm nay người ta không đưa những giáo viên mới vào hệ thống công chức nữa, số còn lại thì vẫn là công chức, đâm ra việc trả lương bị hạn chế và không thể trả cao lên được”.

Đây chỉ là hệ thống lương công lập, chuyên gia nhấn mạnh, còn ngoài công lập thì lại là chuyện khác mà nhiều khi còn tốt hơn.

Về chuyện thầy cô vừa dạy học vừa tìm cách kiếm thêm thu nhập cách này cách khác mà đã khiến lòng tin và sự tôn kính bị giảm sút, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp trả lời trong tư cách một người từng là giáo viên và cho con đi học trường bình thường, thì tình trạng vừa nói không còn nhiều như trước. Điều ông muốn lý giải ở đây là bản chất nền giáo dục Việt Nam:

“Chi ít tiền đã đành, chất lượng giáo dục lại quá kém. Hai thứ này đi với nhau thành cái gọi là luẩn quẩn. Bài báo nông cạn, chả có tác dụng gì. Ở nhà có từ là “Bài Báo Cúng Cụ”, vì ngày mai (20/11) là Ngày Nhà Giáo, nhân dịp ấy thì có “Bài Báo Cúng Cụ” cho mấy đứa vô ơn nó nhớ”.

Lương giáo viên thấp là đúng, mà dù có nhỉnh hơn lương công chức chừng triệu bạc cũng chẳng ăn thua, nhưng cung cách đối xử thô thiển mới là nguyên nhân khiến sự kính trọng càng lúc càng xa vời, là nhận định của nhà thơ Hoàng Hưng, nhóm Văn Việt, một thời là giáo viên giỏi tại miền Bắc:

“Thời chúng tôi đi dạy học là thời còn chiến tranh, lương của tôi là giáo viên Trung học Phổ thông khởi điểm là 65.000 đồng/tháng. Lương như thế trong điều kiện chiến tranh thì chỉ đủ sống một cách tối thiểu, có nghĩa là đủ ăn để không chết đói. Thời đó thì hoàn cảnh chung của xã hội miền Bắc là như vậy nên người ta chấp nhận”

“Sau năm 1975 thì tôi vào Sài Gòn, lúc ấy tôi đang ở Bộ Giáo dục và viết báo cho Bộ Giáo dục. Tôi gặp nhà văn Nhật Tiến cũng là giáo viên toán bậc trung học. Anh kể cho tôi nghe rằng hôm nay trên bảng đen to tướng trong nhà trường đề chữ to tướng là “Hôm nay mỗi thầy giáo nửa cân thịt”. Anh bảo không thể chấp nhận được, coi thầy giáo không ra cái gì cả. Bởi vì giáo viên ở miền Nam trước kia lương cao, được xử sự trân trọng, họ không thể hiểu được kiểu sống từ ngoài Bắc đưa vào là toàn dân đói khổ thì việc được cho nửa cân thịt đấy là sự ưu đãi, vui mừng. Nhưng đối với giáo viên ở Sài Gòn thì đấy là sự sỉ nhục, tại sao lại đưa chuyện mỗi thầy giáo nửa cân thịt ra trước mặt học sinh”.

Đó là chuyện xưa, còn chuyện nay, vẫn lời nhà thơ Hoàng Hưng, là những hình thức tham nhũng vặt trong nghề giáo. Ông kể lại trường hợp đứa cháu đang học lớp ba. Khi được hỏi trong lớp con ai là người học giỏi nhất, cậu bé trả lời ngay là lớp em có một bạn học rất giỏi nhưng không được đứng đầu lớp, còn một bạn luôn đứng đầu lớp và luôn được cô cho điểm cao là vì bạn ấy có đi học thêm ngoài giờ ở nhà cô.

Nếu một học sinh lớp ba mà đã biết phân biệt rành rẽ như thế thì liệu em và phụ huynh của em có thực sự kính trọng cô giáo chủ nhiệm không? Câu trả lời nhiều phần là không, nhà thơ Hoàng Hưng kết luận.

Không một đất nước nào trên thế giới có nền giáo dục tốt đẹp lại đi trả lương ba cọc ba đồng cho giáo viên của con em mình, là khẳng định của nhà nghiên cứu Ngữ học, giáo viên Hoàng Dũng với 42 năm trong nghề:

“Nếu tính về thu nhập thì đúng là lương của nhà giáo thấp. Một cô học trò của tôi trong 10 năm dạy đại học với bằng Thạc sĩ, hàng tháng người ta gởi vô tài khoản của cô tám triệu Đồng. Ở Sài Gòn này, nếu người đó ở nhà cha mẹ thì tám triệu cũng tằn tiện được. Nhưng nếu đi thuê nhà thì chắc chắn phải bươn chải kiếm sống. Tôi thấy tất cả các nước trên thế giới có nền giáo dục phát triển tuyệt nhiên không có nước nào mà lương thầy cô giáo lại thấp cả”.

Cho nên chuyện lương hướng trong ngành giáo dục Việt Nam đến giờ vẫn là vấn đề nhức nhối:

"Mươi năm gần đây thì giáo dục có thêm một chuyện nhức nhối nữa mà bài báo không nói. Đó là ngày trước người học Đại học Sư phạm ra trường kiếm việc làm rất dễ. Thông thường là Nhà nước trực tiếp phân công. Bây giờ sinh viên sư phạm tốt nghiệp cũng phải lo chạy việc như mọi người"

“Vì tôi dạy trường Sư phạm, là đào tạo giáo viên, tôi biết để có một việc làm thì họ bắt buộc phải hối lộ. Bắt đầu nghề giáo mà phải hối lộ tức là bắt đầu cái nghề cao quí bằng việc làm trái với lương tâm. Đúng là một sự mỉa mai, một tổn thương rất lớn trong việc hành nghề của họ”

“Một xã hội đã ung nhọt, tham nhũng đã tràn lan thì giáo dục cũng không thể miễn nhiễm với tất cả những loại tật bệnh của xã hội được”.

Tóm lại, nói gần, nói xa chẳng qua nói thật, trong hơi hướm Ngày Nhà giáo, người thầy Hoàng Dũng nói ông mạn phép mượn lời nhà Toán học quá cố Hoàng Tụy, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, Chủ tịch Hội Đồng Khoa Học, Viện Nghiên Cứu Độc Lập IDS đã tuyên bố giải thể:

“Từ khi còn sống Giáo sư Hoàng Tụy đã viết hẳn một bài, sau này tập hợp in thành sách về giáo dục. Ông nói thẳng rằng không tăng tiền lương của thầy cô giáo thì đừng nói chuyện cải cách gì hết. Tất cả mọi hô hào cải cách giáo dục đều vô nghĩa”

“Ông nói thẳng mọi cải cách giáo dục phải bắt đầu bằng chuyện ít nhất cho người làm nghề giáo được sống đàng hoàng, không phải lo lắng gì chuyện mưu sinh. Sau khi đảm bảo điều kiện tối thiểu đó rồ muốn cải cách gì thì cải cách”.