Việc này mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh đến đâu. Quỳnh Như mời quý thính giả theo dõi một số ý kiến của học sinh và thầy cô về việc giáo dục kiến thức về công dân cho học sinh.
Chương trình không thực tế
Ở Việt Nam, vấn đề giáo dục công dân đã được chú trọng ngay từ khi trẻ cắp sách đến trường. Một giáo viên đang dạy môn Giáo dục Công dân ở bậc trung học phổ thông của trường chuyên Lê Hồng Phong ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Ở bậc Tiểu học thì môn học này được gọi là Giáo dục, còn bắt đầu lên cấp 2, tức là trung học cơ sở thì gọi là Giáo dục Công dân.”
Giáo viên này cũng tóm lược về nội dung chương trình giảng dạy của môn Giáo dục Công dân ở bậc trung học phổ thông như sau:
“Chương trình lớp 10 phân ra làm 2 phần, phần đầu tìm hiểu quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về thế giới, con người và tự nhiên; còn phần 2 dạy các em đạo đức, về tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình, và những truyền thống đạo đức của dân tộc. Lớp 11 thì tìm hiểu về kinh tế chính trị học, những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về kinh tế chính trị học. Lớp 12 thì học một phần về Pháp luật, những khái niệm về pháp luật, và những đường lối chủ trương của nhà nước.”
Môn Công dân Giáo dục ở trường Phổ thông là một môn học bắt buộc và lấy điểm, cho nên việc học sinh học chỉ cốt để trả bài, rồi cho qua cuộc thi.
Quỳnh Liên, HS Lê Hồng Phong
Quỳnh Liên, một học sinh đã học qua môn Giáo dục Công dân của 12 năm học, và cũng là một cựu học sinh giỏi của trường chuyên Lê Hồng Phong nói lên nhận xét của em về việc học Môn Giáo dục Công dân trong nhà trường phổ thông như sau:
“Đối với những định nghĩa, nếu mình học thuộc lòng, thì lúc ấy mình nhớ nhưng sau đó thì sẽ quên, chẳng nhớ gì hết, rồi còn phải học nguyên cả Bộ Luật. Về việc này thì mình có thể mua những quyển sách Luật về đọc, chứ đâu nhất thiết phải học thuộc nguyên cả Bộ Luật để trả bài. Việc đó thực sự là quá nặng nề. Còn có những bài tập tình huống trong chương trình lớp 12 thì lâu lâu khi rảnh ngồi lại vẫn còn nhớ vì nó có thật trong thực tế, còn những định nghiã thì quá xa vời.
Đối với môn Triết học thì học quá nhiều, quá sâu thực sự là không cần thiết, vì sau này khi lên Đại học thì cũng phải học lại các môn như Triết học, Chủ nghĩa Xã hội, Kinh tế Chính trị học, Pháp luật Đại cương. Trong số các môn này thì chỉ có môn Pháp luật Đại cương là gần gũi với cuộc sống của mình nhất, còn những môn khác thì nó cũng na ná giống nhau, mặc dù là nó không giống nhau hoàn toàn.
Nó cứ lặp lại những vấn đề giống nhau nên điều đó gây ra sự nhàm chán, dẫn đến tâm lý học sinh không muốn học. Môn Công dân Giáo dục ở trường Phổ thông là một môn học bắt buộc và lấy điểm, cho nên việc học sinh học chỉ cốt để trả bài, rồi cho qua cuộc thi.”
Phương pháp dạy không phù hợp
Một nữ giáo viên của trường chuyên nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra nhận định:
“Nói chung, phần tìm hiểu về thế giới xung quanh trong chương trình mới có phần nhẹ hơn ngày xưa, nó đưa ra những khái niệm đơn giản. Vấn đề là phương pháp truyền đạt của giáo viên như thế nào, để người ta đưa đến cho học sinh những hiểu biết cơ bản phù hợp với thực tế. Chứ còn nếu chỉ dạy theo như trong sách Giáo khoa nhiều khi có những cái rất trừu tượng.
Nói chung trong chương trình giảng dạy Bộ cũng cho phép giáo viên có thể đưa thực tế vào nhiều theo nội dung của bài học. Cho nên nếu trình độ của giáo viên nhanh nhạy một chút thì sẽ hữu ích, có ích cho các em học sinh nhiều. Ví dụ như, có một số bài mình có thể ghép lại, còn có một số bài mình có thể đưa thêm vào.”
Một nữ giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm khác, tuy cô không trực tiếp giảng dạy môn Giáo dục Công dân, nhưng có con em đang học môn này cũng góp thêm ý kiến để việc giảng dạy môn Giáo dục Công dân phù hợp với từng lứa tuổi của học sinh. Cô nói:
“Bộ Môn Giáo Dục Công Dân thì không phải là chuyên ngành của tôi nên tôi không đi sâu được vào phần này, nhưng theo như các anh chị dạy môn Giáo Dục Công dân thì nói là có nhiều chương trình cũng khá nặng và chưa phù hợp với lứa tuổi của các em học sinh. Đáng lẽ nên dành nhiều thời gian hơn trong vấn đề tâm tình hay định hướng cuộc sống cho các em thì đi hơi nặng về phần pháp luật.
Nên điều đó đôi khi cũng làm cho các em không tiếp thu được trong giờ giảng của giáo viên. Thường bên các giáo viên dạy môn Giáo dục Công dân thì họ rất chú trọng đến vấn đề dạy đạo đức, định hướng cho các em trong cuộc sống. Họ rất quan tâm đến những vấn đề đó.”
Vấn đề là phương pháp truyền đạt của giáo viên như thế nào, để người ta đưa đến cho học sinh những hiểu biết cơ bản phù hợp với thực tế. Chứ còn nếu chỉ dạy theo như trong sách Giáo khoa nhiều khi có những cái rất trừu tượng.
Một giáo viên ở Saigon
Nhìn lại chương trình học quá nặng, nhưng lợi ích thực tiễn thì không được bao nhiêu. Quỳnh Liên đề nghị nên có những cải tiến để việc học môn Giáo dục Công dân mang lại hứng thú và nhiều lợi ích thiết thực cho người học:
“Theo em, môn Giáo dục Công dân không nên là môn học khô khan trong nhà trường không thôi, mà cần mở rộng ra, thí dụ như dạy về kỹ năng sống hoặc có các hoạt động ngoại khóa bổ ích hơn thì sẽ tốt hơn cho lứa tuổi học trò. Môn Giáo dục Công dân đặt nặng vấn đề lý thuyết, trong khi việc áp dụng trong thực tế như thế nào và việc trang bị kỹ năng sống cho học sinh thì không có.
Nên khi học sinh gặp một tình huống nào đó thì lúng túng không biết cần phải giải quyết như thế nào trong khi miệng cứ đọc lý thuyết ra rả. Gần đây có những trường hợp bạo lực trong học đường, học sinh đánh nhau rất nặng nề trong trường học, những em học sinh này cũng được học môn này ở trường. Nhưng khi đụng chuyện, trong những trường hợp như vậy họ không biết nên cư xử như thế nào cho phải.
Và không chỉ những người trong cuộc, các bạn học sinh chung quanh cũng được học môn đó nhưng cũng không biết khi bạn mình bị đánh thì mình nên làm gì, mà chỉ đứng xem, và cũng không can thiệp vào hoặc nghĩ ra hướng giải quyết nào đó tích cực hơn.
Hiện nay các nhà quản lý, các nhà sư phạm, các vị phụ huynh, kể cả các học sinh cũng thấy cần có sự thay đổi trong việc giảng dạy môn Giáo dục công dân. Nhưng nên cải tiến theo hướng nào? Quỳnh Như mời quý vị theo dõi tiếp trong bài kỳ tới.