Công ty Charoen Pokphadn Foods Plc của Thái mới đây cho biết Phở Việt đang là một trong những sản phẩm ready-to-eat (thực phẩm tươi ăn liền đóng gói) thuộc hàng bán chạy nhất của công ty này tại thị trường Châu Mỹ. Tin này khiến một số người thắc mắc vì sao các nhà sản xuất Việt lại bỏ mất một cơ hội làm ăn như thế?
Phở Việt do Thái xuất khẩu
Thường khi nhắc đến phở, ai cũng đều biết đây là món ăn truyền thống và được ví như quốc hồn quốc túy của Việt Nam; thậm chí trong từ điển Oxford cũng có định nghĩa về phở. Ngoài ra, phở còn được bình chọn là 1 trong 10 món ăn được yêu thích nhất trên thế giới.
Bây giờ mình gạt bỏ đi chuyện người Thái hay người Việt làm phở, đối với khách hàng chỉ có ngon hay dở. Nếu quả thật họ làm y như người Việt Nam mình là một điều mừng.<br/>- Dũng Phan
Bạn Thiên Minh, một sinh viên du học tại bang Virginia Hoa Kỳ khi đang chọn mua phở ăn liền tại một siêu thị gần nhà tâm sự
“Khi thấy phở ăn liền của Thái Lan xuất hiện trên thị trường Mỹ thì cái thứ nhất sẽ thấy niềm vui vì phở của mình phổ biến rộng rãi. Cái thứ hai là buồn vì phở là của người Việt Nam nhưng không do người Việt Nam mà là người Thái Lan phát triển mạnh.”
Dù buồn nhưng Thiên Minh cho biết bạn hay mua loại phở của Công ty Charoen Pokphand Foods Plc của Thái vì rất tiện cho bạn mỗi khi đi học về tối mà những tiệm ăn đã đóng cửa:
“Thấy hương vị phở tạm chấp nhận được so với những sản phẩm phở ăn liền khác trên mặt bằng thị trường. Nhưng nếu so với phở truyền thống thì không thể nào so sánh bằng được. Còn riêng cuộc sống bận rộn ở bên Mỹ này, nấu một nồi phở công phu và tốn nhiều thời gian thì phở ăn liền là một lựa chọn tốt nhất.”
Điều này được anh Dũng Phan, quản lý chuỗi tiệm Phở 75 tại Virginia giải thích rằng có cầu thì sẽ có cung, và việc phở trở thành mặt hàng xuất khẩu chính của Thái là một điều tốt giúp cho món ăn Việt được nhiều người biết đến:
“Bây giờ mình gạt bỏ đi chuyện người Thái hay người Việt làm phở, đối với khách hàng chỉ có ngon hay dở. Nếu quả thật họ làm y như người Việt Nam mình là một điều mừng tại vì khía cạnh đó Việt Nam mình không đủ tài nguyên hoặc không muốn khai triển thì họ (người Thái) khai triển là chuyện của họ. Miễn sao họ đừng làm hư hương vị với cái tiếng của mình đi, chẳng hạn như họ làm tồi quá, chẳng hạn như Tàu làm thức ăn giả thì đó là cái hại cho mình.”
Tuy nhiên, Chuyên gia ẩm thực Lê Công Yên tại Hà Nội lại không đồng tình với ý kiến này. Anh cho rằng:

“Cá nhân tôi nghĩ rằng với thế mạnh như vậy thì Việt Nam phải là nước tiên phong trong việc quảng bá nhiều hơn, đưa món phở của chúng ta ra thế giới.”
Anh Yên cho biết thêm cách đây hai năm ở nước Anh rầm rộ lên cuộc cách mạng của phở bởi vì tất cả mọi người đều đổ xô đến siêu thị để mua những gói vị phở của Việt Nam. Điều này chứng tỏ Việt Nam có lợi thế để phát triển nhưng các doanh nghiệp Việt đã không nắm bắt kịp cơ hội để món ăn truyền thống Việt được phân phối rộng rãi hơn. Anh cho biết lý do:
“Thứ nhất quảng bá thương mại của chúng ta chưa mạnh. Thứ hai việc xuất khẩu chúng ta làm chưa tới. Chính vì vậy, việc xuất khẩu của chúng ta còn nhiều hạn chế, chưa thể đưa phở đi rộng hơn so với thế giới. Không kể đến nguồn gốc xuất xứ món ăn đó từ đâu, ai nhanh chân đưa sản phẩm đến người tiêu dùng thì người đó chiến thắng.”
Trái với quan điểm này, anh Dũng Phan cho rằng nếu Việt Nam chưa thể sản xuất loại phở tươi ăn liền đóng gói này bây giờ thì vẫn có thể phát triển mặt hàng này này trong tương lai. Việc Thái Lan tiên phong xuất khẩu có thể có lợi cho Việt Nam, vì đã quảng cáo trước cho mặt hàng này, từ đó doanh nghiệp Việt có thể phát triển, chứ không phải là mất đi văn hóa Việt:
“Không phải vì họ khai triển như vậy mà phở không phải là của Việt Nam. Cái đó mình không cần phải thắc mắc nữa vì tất cả mọi nơi trên thế giới đều biết về phở rồi. Sản phẩm của Thái mà có thành công đi nữa thì người ta cũng bảo là phở của Việt Nam do người Thái khai triển thành công. Mình không có gì để mất hết mà có rất nhiều điều lợi nếu họ làm đàng hoàng.”
Phở Việt xuất khẩu
Vào ngày 27 tháng 2 vừa qua, Tập đoàn MHEnviron của Canada, Minh Hưng Group của Việt Nam và Avure Technologies từ Hoa Kỳ vừa ký biên bản xây dựng nhà máy sản xuất chế biến thực phẩm công nghệ xử lý áp suất cao HPP. Nhà máy này sẽ bắt đầu khởi công vào tháng 9 năm 2018 và sẽ đưa vào hoạt động 9 tháng sau đó.
Cá nhân tôi nghĩ rằng với thế mạnh như vậy thì Việt Nam phải là nước tiên phong trong việc quảng bá nhiều hơn, đưa món phở của chúng ta ra thế giới.<br/> - Lê Công Yên
Trả lời với truyền thông trong nước, ông Lâm Đạo Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Minh Hưng group cho biết với công nghệ HPP này, Việt Nam có thể xuất khẩu không chỉ phở mà cả bún bò đi các nước khác mà vẫn giữ nguyên hương vị và chất lượng sản phẩm lên đến 180 ngày.
Bên cạnh việc phát triển công nghệ, Chuyên gia ẩm thực Lê Công Yên cho rằng còn một vấn đề quan trọng khác cần được chú ý đến khi xuất khẩu thực phẩm đến các nước khác mà các doanh nghiệp Việt thường bỏ qua do chỉ quan tâm đến lợi nhuận:
“Khi bước chân vào thị trường lớn, sản phẩm của chúng ta phải mang tính thuần khiết, không chất bảo quản cũng như là phải đảm bảo chế độ vệ sinh an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng. Với người Việt Nam chúng ta còn coi nhẹ, chưa đặt cao việc vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như chất lượng bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Chính vì vậy chúng ta chưa thể bước một chân ra ngoài thế giới một cách hoàn chỉnh.”
Nhiều người quan tâm hy vọng nhà nước và các doanh nghiệp thực phẩm sẽ thúc đẩy hơn nữa ngành ẩm thực nói chung và món phở nói riêng để có thể đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế Việt Nam, đồng thời quảng bá để thế giới biết đến nhiều hơn về ẩm thực Việt.