“Củ hành nổi giận”

Cái ăn cái mặc là một trong những điều lo lắng nhất của con người, đặc biệt là người nghèo. Nhưng đôi khi sự thấp kém về trình độ dân trí làm người ta phải đánh đổi những thứ quý giá nhất của con người để được ăn no, mặc ấm.

0:00 / 0:00

Thủ phủ hành tím

Về thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng những ngày sắp đến mùa hành, không ai có thể làm ngơ trước hình ảnh hoạt náo của nông dân khi cùng nhau xới từng liếp đất trên những vuông rẫy. Thẳng tắp và đều đặn như những nốt nhạc.

“Vĩnh Châu này thì một là trồng hành, hai là nuôi tôm. Ở đây trồng các loại cây khác như mía, khoai… cũng chẳng thu hoạch bao nhiêu mà bán cũng không có lời. Còn trồng hành nếu phải vụ cũng có lời. Đa số Vĩnh Châu này 10 nhà thì trồng hành hết 9”.

Ông Dương Lềnh Hạo, một lái buôn hành tím địa phương, bắt đầu câu chuyện đầy tự hào như thế về quê của mình. Là thị xã nằm ven biển và có 43 km chiều dài bờ biển, vùng đất cát pha phía Tây Nam này lấy nông nghiệp làm mũi nhọn. Nếu ai đã nghé Vĩnh Châu mùa thu hoạch hành tím, sẽ thấy thị xã này mới đẹp làm sao. Màu xanh của cây hành và màu tím của củ hành như hai dải thảm trải dài bất tận. Tuy nhiên, ấn tượng của người ta khi đặt chân đến xã Vĩnh Châu không chỉ có như thế.

Hiện tại, có ít nhất trên 1 ngàn người mù được tịnh xá Ngọc Châu Như trong thị xã thống kê. Trong đó, có ít nhất 300 người mù cả hai mắt và 700 người mù một mắt. Con số này được Ni sư Như Huệ, trụ trì tịnh xá Ngọc Châu Như cho biết, nhấn mạnh rằng đây chỉ là danh sách những người mù nghèo khổ mà bà biết, chưa kể đến những người mù ở quá xa hoặc những người có thể tự lo được cho cuộc sống của mình. Mỗi tháng, cứ vào mồng 6 âm lịch là vị ni sư lại đón ít nhất một ngàn người mù nghèo khó trong thị xã đến tu học và dùng chay tại tịnh xá. Vị Ni sư đã trên 60 tuổi, là dân địa phương, tâm sự với những trăn trở khi nhìn thấy nhiều người bị cướp đi ánh sáng trong mấy chục năm qua:

Vĩnh Châu này thì một là trồng hành, hai là nuôi tôm. Đa số Vĩnh Châu này 10 nhà thì trồng hành hết 9".<br/>Ông Dương Lềnh Hạo

“Có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là họ nghèo, là dân lao động, không có kiến thức về y học và vệ sinh. Thứ hai là họ bị phấn hành. Những người có tiền thì khi làm hành họ treo lên và đánh phấn hành. Khi mang hành xuống bán thì những người nghèo làm công là người lặt hành và phấn vô mắt".

Toàn thị xã Vĩnh Châu có ít nhất 5 ngàn ha hành và hàng ngàn hộ sống nhờ vào cái nghề có tính truyền thống của địa phương này. Cứ mỗi công 12 tầm vuông thì mỗi mùa thu được khoảng 2 tấn hành tím. Mỗi mùa, xứ hành tím này cung cấp hàng chục tấn củ hành cho khắp cả nước và xuất khẩu. Đó là lý do vì sao Vĩnh Châu được đặt với cái tên diễm lệ pha chút quyền lực: “thủ phủ hành tím”.

Dân Vĩnh Châu chủ yếu gồm ba dân tộc: Kinh, Khơ Me và Hoa. Những người dân ở vùng phía Tây Nam này từng sống rất bản năng. Để bảo quản hành tím, nông dân Vĩnh Châu dùng hóa chất pha bột đất. Các hóa chất có thể là Mipcin, có thể là Sherpa hay những chất cực độc như DDT (Dichloro Diphenyl Trichloroethane). Và đây được cho là nguyên nhân cướp đi ánh sáng của hàng ngàn người trong thị xã. Mang chuyện này hỏi một giới chức Hội người mù Tỉnh thì được cho biết:

“Một số đồng bào khi trồng hành thì còn sử dụng chất DDT để bảo quản, là chất bị cấm sử dụng từ lâu. Tuy nhiên, vấn đề này đã không còn nữa, việc người mù do chất DDT chỉ là dư âm thôi. Họ cũng được trao dồi kiến thức để nâng cao trình độ của mình. Hiện số lượng người mù ở Vĩnh Châu cũng giảm đi”.

Theo ông Dương Lềnh Hạo, cái nghề thu mua hành và trồng hành đã theo gia đình ông mấy chục năm qua nhưng không ai trong gia đình ông bị phấn hành làm mù mắt – như một cách phản bác lại giả thuyết bị nhiều người nghi ngờ. Quả thật, chưa có một kết luận chắc chắn nào từ phía cơ quan nhà nước về nguyên nhân gây mù mắt ở đây nhưng việc hàng ngàn người bỗng dưng mù mắt là có thật.

"Vương quốc đen"

Một phụ nữ Vĩnh Châu trong mùa hành. Photo courtesy of vbard.com
Một phụ nữ Vĩnh Châu trong mùa hành. Photo courtesy of vbard.com (Một phụ nữ Vĩnh Châu trong mùa hành. Photo courtesy of vbard.com )

Một vị lớn tuổi nơi đây cho biết, nghề trồng hành đã có từ 50-60 năm nay ở Vĩnh Châu nhưng người ta không phát hiện có nhiều người mù ở đây cho đến năm 1995 khi có một cuộc thống kê thiệt hại sau một cơn bão. Lúc đó, cả huyện Vĩnh Châu có hàng ngàn người mù. Đó là lý do vì sao Vĩnh Châu được đặt với cái tên gọi khác mà chắc chắn sẽ làm nhiều người không mấy hài lòng: “vương quốc đen”.

Theo Sở Y tế Tỉnh, các nguyên nhân gây mù ở đây thường là do đục thủy tinh thể, do bệnh nổ mắt, viêm loét giác mạc…

Ông Trần Dưỡng, 59 tuổi, người dân tộc Khơ Me bị mù mắt từ năm 1995. Kể từ đó, ông lúc nào cũng ngồi trên chiếc võng trước cửa nhà, bỏ đôi chân nứt nẻ xuống sàn đất đưa võng mà hóng người qua lại. Ông kể rằng thủ phạm cướp đi ánh sáng cuộc đời ông chính là cái nghề đã giúp ông thoát khỏi cái đói:

“Hồi trước tôi không có nghề nghiệp gì, đi làm hành cho người ta và bị ảnh hưởng. Ở đây cũng đông người mù lắm, mù một bên có, hai bên có vì làm hành”.

Bác sĩ đã cho ông Dưỡng biết rằng đôi mắt ông mù hẳn và không có cơ hội cứu chữa; người đàn ông đen đúa không giấu được nỗi buồn:

"Cũng buồn nhưng ráng chịu chứ biết sao”.

Đến Vĩnh Châu, sẽ thấy những câu chuyện như ông Dưỡng không hề hiếm và ông cũng không phải là trường hợp đáng thương nhất ở đây. Người mù lớn nhất huyện cũng ngoài 80, còn người mù nhỏ nhất cũng chỉ 3 tuổi. Ni sư Như Huệ cho biết:

"Không biết lý do gì mà có trẻ lại bị mù bẩm sinh. Hai vợ chồng mù đẻ con cũng mù luôn. Trẻ mù 4 tuổi có, 7 tuổi có”.

Mỗi tháng, bà con mù trong thị xã lại rồng rắn bám vai nhau đến Tịnh xá Ngọc Châu Như nghe kinh Phật. Và mỗi tháng, Tịnh xá phải đưa hàng chục người bị đục thủy tinh thể đi mổ để tránh bị mù. Ni sư cho biết, vì trình độ kém quá mà có nhiều người không biết mình đục thủy tinh thể và dẫn đến mù mắt. Thậm chí, có những người còn dùng lá cây giã nhỏ rồi bỏ vào chiếc khăn hay dùng lau mồ hôi để đắp lên mắt. Hâu quả là mắt càng bị tổn thương và bị mù:

Hồi trước tôi không có nghề nghiệp gì, đi làm hành cho người ta và bị ảnh hưởng. Ở đây cũng đông người mù lắm, mù một bên có, hai bên có vì làm hành.<br/>Ông Trần Dưỡng

“Những người đó là những người không có kiến thức về y học. Nói chung ở đây người dân tộc nhiều, trình độ còn giới hạn. Có những người còn không biết tiếng Kinh mà”.

Hồi năm 2000, tỉnh Sóc Trăng thống kê toàn thị xã có đến gần 3 ngàn người mù. Ba xã có nhiều người mù nhất là Lạc Hòa, Vĩnh Hải, Vĩnh Châu. Có những gia đình có 4 người mà đã 3 người bị mù một mắt hoặc hai mắt; có những nhà có 5 người con thì đã 3 người con mù. Thậm chí, có những gia đình bị mù toàn bộ. Cứ như thế, người sáng mắt đi làm hành nuôi người mù và khi gia đình bị mù hết thì sống nhờ vào lòng hảo tâm của bá tánh. Những người mù thường là dân ít học hoặc là người dân tộc, không biết tiếng Kinh. Họ thường là những người làm thuê cho các chủ đất trồng hành. Có những người mù nghèo đến nỗi khi mất đi không có nỗi cái quan tài và 500 ngàn đồng để mua đồ tẩn liệm khiến người khác không khỏi xót xa. Ni sư Như Huệ chia sẻ:

“Tôi thấy họ bất hạnh. Tưởng tượng chỉ cần mất điện một ngày đã có chịu nhưng họ bị mất ánh sáng cả đời”.

Danh xưng “thủ phủ hành tím” hay “vương quốc đen” đều là những từ ngữ hoa mỹ người ta tự đặt cho thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Thực tế, người dân Vĩnh Châu quê mùa chân chất tưởng như chẳng biết gì hơn ngoài những xâu hành tím bóng loáng. Nếu hỏi bà con Vĩnh Châu một năm được đánh dấu bằng gì thì có lẽ sẽ rất nhiều người sẽ trả lời rằng một năm được đánh dấu bằng một mùa hành. Đó là những tháng 10, 11, 12 Âm lịch khi mưa đã ngớt hạt. Lúc đó, mùi hành tím thơm nức mũi cứ thoang thoảng cả một vùng. Và khi đó là khi những người mù như ông Trần Dưỡng lại nhẩm tính: 1kg hành tím bằng 20 ngàn đồng và một ngày làm công bằng 100 ngàn đồng. Nhưng có lẽ dù tính đến mấy, ông Dưỡng cũng khó có thể tính hết cái giá mà ông phải trả cho những xâu hành tím đầy sức hấp dẫn kia.

Liên lạc với tác giả tại: Quynhchi@rfa.org

Theo dòng thời sự: