Người H’mông và công cuộc giữ gìn di sản sắc tộc tại Việt Nam

0:00 / 0:00

Cộng đồng sắc tộc H’mông ở Việt Nam được truyền thông quốc tế nhắc đến trong những ngày đầu tháng 2 năm 2019, với ghi nhận cộng đồng này sinh sống trong tình cảnh đói nghèo cũng như bị đặt bên lề các chương trình hỗ trợ phát triển cộng đồng trong khi họ còn phải vật lộn để gìn giữ di sản văn hóa của mình.

Đài RFA ghi nhận về đời sống của cộng đồng người H’mông tại Việt Nam hiện nay ra sao?

Tác động từ du lịch

Bài viết với nhan đề tạm dịch là “Cuộc chiến cho di sản H’ Mông ở Việt Nam” do AFP phổ biến và được các tờ báo như Japan Times, Channel NewsAsia đăng tải trong dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi đề cập đến mối tương quan giữa ngành du lịch ở Việt Nam với đời sống của các cộng đồng sắc tộc thiểu số, trong đó có cộng đồng người H’ Mông.

Ngành du lịch của Việt Nam được ghi nhận là phát triển vượt bậc trong những năm vừa qua, đặc biệt được đánh dấu là “bùng nổ” khi đón tiếp hơn 15 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2018. Một trong những yếu tố thu hút du khách đến Việt Nam là bản sắc đa văn hóa, đa sắc màu của các cộng đồng dân tộc thiểu số tại đất nước hình chữ S ở khu vực Đông Nam Á.

Trong một cuộc phỏng vấn với RFA hồi năm 2016, Nhiếp ảnh gia người Pháp, ông Réhahn Croqueveille cho biết chính nét văn hóa đặc sắc của các sắc tộc thiểu số đã níu giữ trái tim của ông ở lại Việt Nam. Trong thời gian 5 năm sinh sống và làm việc, ông thực hiện một dự án có tên “Precious Heritage Collection-Bộ sưu tập Di sản Quý báu” với thông điệp nếu không ai có ý định đánh thức thì một phần lịch sử văn hóa về các sắc tộc thiểu số sẽ chìm vào lãng quên.

Nhiếp ảnh gia Réhahn Croqueveille còn chia sẻ rằng ông hy vọng với các hình thái du lịch có tính chiến lược lâu dài sẽ giúp ích và bảo tồn đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng như những bức hình trong bộ sưu tập của ông không chỉ giới thiệu nền văn hóa đa dạng của các dân tộc Việt Nam mà còn giúp cộng đồng dân tộc thiểu số gìn giữ đời sống văn hóa của họ theo nguyên tắc “win-win; cùng có lợi”.

<i>Nhà nước tỉnh Lai Châu không giúp, không hỗ trợ gì đâu. Mình đi làm nương, làm rẫy, làm được thì sống được. Mình không làm được do không có đất đai khai hoang, không có tiền nong đi mua phân bón thì chết là cái chắc. Nhà nước không hỗ trợ gì hết<br/>-Ông Hàng A Sớ</i>

Một hướng dẫn viên du lịch ở Việt Nam, không muốn nêu tên xác nhận với RFA đời sống của cộng đồng dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi tích cực khi ngành du lịch phát triển mạnh ở Việt Nam. Người hướng dẫn viên này nêu lên ví dụ như ở Sapa, một địa danh du lịch nổi tiếng với “Chợ tình Sapa” mang nét đặc sắc văn hóa của người H’Mông và những cô gái H’Mông trong váy áo truyền thống sặc sỡ sắc màu, nói tiếng Anh thật chuẩn trong lúc bán các xấp thổ cẩm hay những chiếc vòng bạc cho du khách nước ngoài. Người hướng dẫn viên không muốn nêu tên nhấn mạnh:

“Cái gì cũng có hai mặt, cuộc sống dần phải thay đổi. Hiện tại thì dần thay đổi trong cách ăn mặc, như mặc áo sơ mi…Hồi xưa không có xe máy, bây giờ xe máy chạy rần rần rồi. Trước đây không biết tivi là gì thì bây giờ đời sống khá lên thì nhà nào cũng có tivi. Trước đây họ không biết sử dụng điện tử, điện thoại thì bây giờ người dân tộc trong bản làng đều có điện thoại ở trong túi. Chính cái điện thoại bây giờ cũng len lỏi trong tận mọi nhà mọi nơi.”

Đời sống của người H’Mông

Theo nhận xét của người hướng dẫn viên du lịch vừa rồi là cái gì cũng có hai mặt nên những người H’Mông ở Sapa bán quà lưu niệm cho khách du lịch có thể có cơ hội kiếm tiền thay vì công việc đồng áng du canh du cư, nhưng đổi lại họ cũng dần dà bị mai một trong việc gìn giữ các giá trị truyền thống. Chẳng hạn, những cô gái H’Mông sẽ mua thổ cẩm dệt công nghiệp, có xuất xứ từ Trung Quốc để bán cho du khách với giá rẻ thay vì một xấp thổ cẩm do chính người H’Mông dệt phải mất nhiều ngày và bán với giá cao hơn.

Trở lại với bài viết “Cuộc chiến cho di sản H’ Mông ở Việt Nam”, AFP ghi nhận người H’ Mông bị gạt ra ngoài sự phát triển kinh tế trong thập niên qua và hơn 60% trong cộng đồng khoảng 1 triệu người H’Mông phải sống dưới mức nghèo khổ. AFP dẫn nguồn từ cuốn sách “The New Way: Protestantism and the Hmong in Vietnam” (tạm dịch “Con Đường Mới: Đạo Tin lành và người H’Mông ở Việt Nam) của tác giả Ngô Tâm, một nhà nhân chủng học, đã viết “Hơn mọi sắc tộc thiểu số khác ở Việt Nam, người H’Mông đã bị đẩy ra ngoài lề xã hội bởi chính những chương trình được nói là để hỗ trợ phát triển cho họ.”

Người H’Mông ở Việt Nam là một phần của tộc người H’Mông tại châu Á, có lịch sử khoảng 4.000 năm. Họ sống chủ yếu ở các vùng núi cao phía Nam Trung Quốc và phía Bắc các nước Đông Nam Á như Lào, Việt Nam, Thái Lan và Miến Điện.

Đài RFA ghi nhận một số các tài liệu nghiên cứu cho thấy người H’Mông đã di cư vào Việt Nam sớm nhất là khoảng 300 năm và muộn nhất là khoảng 100 năm về trước. Ở Việt Nam, người H’Mông là nhóm dân tộc thiểu số có dân số đứng thứ 8 trong danh sách 54 dân tộc tại Việt Nam. Theo cuộc điều tra dân số vào năm 2009, có khỏang 1 triệu người H’Mông sinh sống chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa…; một số đã di dân vào các vùng miền Trung Việt Nam như Đắc Lắc, Đắc Nông.

Một người sắc tộc H’Mông, ở Hoàng Su Phì, Hà Giang, lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do:

"Người H' Mông bây giờ không còn như ngày xưa nữa. Các đỉnh núi bây giờ cũng không còn huyền nhiệm như ngày xưa nữa. Nhưng tất cả do trời đất cả thôi. H' Mông bây giờ chán lắm. Tất cả các hoạt động tôn giáo đều bị cấm đoán, bị đập phá, bị dọa dẫm. Còn gì nói nữa đâu. Ngày xưa người H' Mông được tự do, nhưng bây giờ người nào cũng thế thôi. Người Ê Đê, người Cơ Tu, người Mường… Tất cả các tộc người thiểu số đều bị áp bức hết…"

Ông Hàng A Sớ, người H’Mông chạy trốn khỏi Việt Nam và đang xin quy chế tị nạn tại Thái Lan nói về cuộc sống của các bản làng người H’Mông ở Lai Châu, nơi ông từng sinh sống:

“Nhà nước tỉnh Lai Châu không giúp, không hỗ trợ gì đâu. Mình đi làm nương, làm rẫy, làm được thì sống được. Mình không làm được do không có đất đai khai hoang, không có tiền nong đi mua phân bón thì chết là cái chắc. Nhà nước không hỗ trợ gì hết.”

Cộng đồng người H’Mông tại Việt Nam được các tổ chức về tôn giáo và phi chính phủ trên thế giới cùng truyền thông quốc tế đặc biệt chú ý từ những năm đầu của thế kỷ 21, khi Chính phủ Hà Nội đàn áp người H’Mông theo Thiên Chúa giáo bằng các hình thức như đánh đập, bắt bớ để bắt họ phải từ bỏ niềm tin của mình. Ông Hàng A Sớ là một nạn nhân bị đàn áp tôn giáo:

“Họ đàn áp nhiều kiểu lắm. Họ không cho họp nhóm. Họ không cho đi giảng đạo. Họ không cho đi giảng dạy và học việc Chúa. Ai đi học mà họ biết thì họ bắt. Nặng thì họ bắt đi tù 1,2 năm đến 4,5 năm. Nhẹ thì họ phạt tiền 4,5 triệu đồng. Có người không ở được đành trốn hết.”

Ông Vương Duy Bảo (người đeo kính, ở giữa bức hình) thuyết minh về lịch sử gia tộc họ Vương cho du khách tham quan Dinh thự Vua Mèo, ở Đồng Văn, Hà Giang. Hình chụp ngày 26/10/18.
Ông Vương Duy Bảo (người đeo kính, ở giữa bức hình) thuyết minh về lịch sử gia tộc họ Vương cho du khách tham quan Dinh thự Vua Mèo, ở Đồng Văn, Hà Giang. Hình chụp ngày 26/10/18. (AFP)

Trong bản tin của AFP loan đi vào những ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam, một số người H’Mông được trích lời nói rằng chính quyền địa phương khuyến khích họ mặc những y phục truyền thống và xây cất nhà theo lối xưa để thu hút khách du lịch. Dân tộc H’ Mông cũng được yêu cầu rút ngắn thời gian dành cho lễ an táng, lễ kết hôn, mà những lễ này thường kéo dài nhiều ngày, vì theo văn hóa của người H’Mông thì đây là dịp với những tiệc rượu được xem là trịnh trọng trong cộng đồng.

Ông Hàng A Sớ chia sẻ với RFA:

“Nhà nước bắt thay đổi văn hóa dân tộc H’mông. Bây giờ ăn Tết, ngày Mùng 1, nếu cả bản tụ họp làm điều gì đông vui thì Nhà nước đến bắt, không cho hội họp, không cho tụ tập kiểu đấy.”

<i> <i>Dân thiểu số ở vùng biên thì họ có đặc thù là 2 bên biên giới đều là một sắc dân của họ. Vùng mà tôi thực hiện dự án thì hầu hết đều là người H'Mông. Thực ra việc họ đi lại qua biên giới buôn bán hay giao thương là việc bình thường. Tuy nhiên, một điều đáng buồn là một số nhân vật mà tôi tìm không được vì nhiều người bỏ qua bên kia biên giới làm thuê. Trong đấy có những nạn nhân đã từng bị bắt cóc và họ trở lại chính nơi đó một cách tự nguyện để đi làm thuê kiếm tiền<br/>-Nhiếp ảnh gia Na Sơn Nguyễn</i> </i>

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, một vài phóng viên ở Việt Nam làm việc cho các hãng thông tấn nước ngoài nhận định cộng đồng người H’Mông là một cộng đồng thiểu số có thể nói là nghèo đói, lạc hậu, mặc dù được Nhà nước Việt Nam đầu tư nhiều chương trình hỗ trợ phát triển.

Ông Nguyễn Huy Khâm, một phóng viên làm việc cho Reuters tại Việt Nam, nói với RFA theo những gì ông biết thì Chính phủ Việt Nam có chính sách đầu tư lớn cho các sắc tộc thiểu số, không ngoại trừ sắc tộc người H’Mông.

“Theo nhìn nhận chung của tôi, thì tôi thấy không chỉ phần từ lợi nhuận du lịch, mà chính quyền đang có được sự đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, mặt bằng của họ rất thấp cho nên khả năng sử dụng đồng vốn của họ không cao. Được đầu tư, nhưng họ không tận dụng được từ sự đầu tư đó. Thứ hai nữa, với nhiều người sử dụng số tiền đầu tư đó thì sẽ sinh lời tốt hơn, nhưng người H’Mông lại không có khả năng sử dụng có hiệu quả như các cộng đồng khác. Cho nên, số tiền đầu tư cho cộng đồng dân tộc H’mông là rất cao, thậm chí có cả chính sách nuôi ăn học nhưng mà không đạt hiệu quả tương xứng.”

Phóng viên Nguyễn Huy Khâm nhấn mạnh rằng khó có thể so sách sự khác biệt giữa các sắc tộc thiểu số với nhau, nhưng ông cho là cộng đồng người H’Mông có mặt bằng rất thấp vì các yếu tố chủ yếu như cộng đồng này du canh du cư và đang dần trong quá trình định canh định cư nên đời sống của họ không thể ổn định và phát triển giống như các cộng đồng thiểu số khác như dân tộc Thái hay dân tộc Tày. Yếu tố quan trọng khác cộng đồng người H’Mông thường sinh sống ở các vùng núi cao nên rất khó khăn trong việc đi lại cũng như học hỏi, tiếp nhận kiến thức để hòa nhập vào môi trường xã hội. Bên cạnh đó, cộng đồng này còn gặp nhiều khó khăn trong công việc tổ chức sản xuất vì họ có truyền thống khai hoang và trồng thuốc phiện. Hơn thế nữa, do đời sống kinh tế xã hội phát triển và có sự di chuyển cộng đồng đan xen với nhau nên người H’Mông bắt nhịp với nhịp sống cộng đồng chung quanh chậm hơn so với các nhóm sắc tộc thiểu số khác.

Trong khi đó, Nhiếp ảnh gia Na Sơn Nguyễn, phóng viên ảnh của AP tại Việt Nam, qua trao đổi với RFA liên quan cuộc triễn lãm ảnh “Mã Vạch” do ông thực hiện hồi năm 2012 nhằm gióng lên một hồi chuông cảnh báo đối với xã hội và cộng đồng, đã chia sẻ về thực trạng tệ nạn buôn người mà những phụ nữ H’Mông là nạn nhân. Chúng tôi trích lại lời chia sẻ của ông:

“Dân thiểu số ở vùng biên thì họ có đặc thù là 2 bên biên giới đều là một sắc dân của họ. Vùng mà tôi thực hiện dự án thì hầu hết đều là người H’Mông. Thực ra việc họ đi lại qua biên giới buôn bán hay giao thương là việc bình thường. Tuy nhiên, một điều đáng buồn là một số nhân vật mà tôi tìm không được vì nhiều người bỏ qua bên kia biên giới làm thuê. Trong đấy có những nạn nhân đã từng bị bắt cóc và họ trở lại chính nơi đó một cách tự nguyện để đi làm thuê kiếm tiền.”

Khó khăn và Thách thức

Những dẫn chứng mà Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trong phóng sự này không thể gột tả hết được đời sống thực tại của cộng đồng người H’Mông ở Việt Nam. Tuy nhiên, những người H’Mông mà chúng tôi tiếp xúc bày tỏ đời sống tinh thần của họ là quan trọng hơn hết và họ khẳng định rằng người H’Mông đang phải vật lộn từng ngày để gìn giữ và bảo tồn văn hóa bản sắc của họ.

AFP nhắc đến di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Dinh thự họ Vương (hay còn gọi là Dinh Vua Mèo) của người H’Mông, có ảnh hưởng kiến trúc của ba nền văn hóa (Trung Quốc-H’Mông-Pháp) và là một địa điểm du lịch ở Đồng Văn, Hà Giang mà khách du lịch phải mua vé để vào xem. Nhà nước Việt Nam công nhận dinh thự này là một kho tàng về kiến trúc, vì trong lịch sử thì người H’Mông là dân du mục, rất hiếm khi ở lâu tại một địa điểm nào để xây dựng nhà cửa trao truyền lại cho các thế hệ sau. Thế nhưng trong số nhiều du khách đặt chân đến tham quan Dinh thự họ Vương, mấy ai biết đến một cuộc chiến pháp lý đầy cam go đang diễn ra giữa chính quyền với dòng dõi gia tộc họ Vương?

Ông Vương Duy Bảo, một hậu duệ của gia đình họ Vương sinh sống ở Hà Nội nhiều năm, nói với AFP rằng ông đã khám phá các quan chức địa phương chiếm dụng dinh thự của gia đình khi ông về thăm quê. Ông Vương Duy Bảo thuật lại chính quyền bác bỏ chủ quyền dinh thự thuộc về ông Bảo, nói rằng ông không thể chứng minh chủ quyền bằng giấy tờ hợp lệ.

<i>Theo nhìn nhận chung của tôi, thì tôi thấy không chỉ phần từ lợi nhuận du lịch, mà chính quyền đang có được sự đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, mặt bằng của họ rất thấp cho nên khả năng sử dụng đồng vốn của người H'Mông không cao. Được đầu tư, nhưng họ không tận dụng được từ sự đầu tư đó. Thứ hai nữa, với nhiều người sử dụng số tiền đầu tư đó thì sẽ sinh lời tốt hơn, nhưng người H'Mông lại không có khả năng sử dụng có hiệu quả như các cộng đồng khác. Cho nên, số tiền đầu tư cho cộng đồng dân tộc H'mông là rất cao, thậm chí có cả chính sách nuôi ăn học nhưng mà không đạt hiệu quả tương xứng<br/>-Phóng viên Reuters Nguyễn Huy Khâm</i>

Hồi tháng 6 năm 2018, truyền thông trong nước cũng loan tin gia đình ông Vương Duy Bảo đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng. Mặc dù vậy, Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Hà Giang vẫn một mực tuyên bố việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất gắn liền Dinh thự họ Vương từ năm 2012 cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn là “hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật”.

AFP dẫn lời của ông Vương Duy Bảo rằng việc yêu cầu giấy chủ quyền từ phía chính quyền là điều phi lý, vì dinh thự được xây trên mảnh đất của gia đình trước khi nhà nước có hệ thống cấp giấy tờ hành chính. Ông Vương Duy Bảo nói trong sử sách viết về địa phương đều liên kết dinh thự với gia đình họ Vương của ông, có cả những tấm ảnh cho thấy điều đó, kể cả ảnh được trưng bày trong bảo tàng viện.

AFP cũng trích lời của đa số người H’Mông, lên tiếng lo sợ Nhà nước muốn chiếm giữ di sản của người Mèo cũng như ép buộc họ thay đổi trong các sinh hoạt văn hóa truyền thống nhằm mục đích thu tiền của khách du lịch thì chẳng khác nào như đang phá hủy di sản sắc tộc của người H’Mông.

Ông Vương Duy Bảo chia sẻ với AFP rằng ông hy vọng sự việc lấy lại Dinh thự họ Vương sẽ giúp góp phần vào sự phục hồi lịch sử của người H’Mông. Còn ông Vang My Sinh khẳng định với AFP rằng thỉnh thoảng chính quyền áp đặt tư tưởng của họ lên người H’Mông, nhưng người H’Mông chống lại bằng cách không tuân theo.