Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời báo giới chiều ngày 17/2 rằngvụ án ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao không thể phủ nhận được kết quả của việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước.
Ngoài ra, bà Hằng khẳng định chủ trương nhất quán của Bộ Ngoại giao là sai phạm đến đâu xử lý đến đó, không bao che, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Một người luôn theo dõi sát sao vụ án này nhận định rằng để xảy ra vụ bê bối ở Cục Lãnh sự là kết quả của cả một chính sách sai lầm của Chính phủ Việt Nam.
Do chính sách sai lầm
Trả lời phỏng vấn Đài Á châu Tự do, ông Phùng Mạnh Cường, thường trú tại Đức nói không thể đồng tình với phát ngôn của bà Thu Hằng, bởi theo ông, không dễ dàng gì “chen chân” lên được chuyến bay giải cứu của Nhà nước nếu không có tiền:
“Tôi không đồng ý với quan điểm này, đây chỉ là một câu nói cửa miệng thôi. Bởi vì, mình không phủ nhận rằng có những chuyến bay đưa công dân về, nhưng để lên được những chiếc máy bay này thìngười Việt Nam mình phải chịu rất nhiều đau thương, đau khổ, và nếu mà không có tiền thì đừng hòng được đi trên những chuyến máy bay này.”
Một doanh nhân ở Ba Lan, không muốn nêu tên, nói với RFA hôm 18/2 rằng các chuyến bay mà Nhà nước Việt Nam gọi là “chuyến bay giải cứu” thực chất không có gì gọi là “giải cứu” cả. Do người dân phải tự bỏ tiền ra mua mới có suất về nước:
“Trước hết, các vấn đề các chuyến bay giải cứu thì không có chuyện là giải cứu. Tất cả các chuyến bay đó, từ chuyến bay đầu tiên từ Vũ Hán về Việt Nam, tất cả công dân đều phải trả tiền cho chuyến bay đó, chứ không phải là Nhà nước bỏ tiền ra để nói là giải cứu. Đó là vấn đề thứ nhất.”
Theo ông, gốc rễ của vụ án các lãnh đạo Cục Lãnh sự nhận hối lộ là do chính sách sai lầm của Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn tất cả các chuyến bay thương mại nhập cảnh. Lợi dụng điều đó mà các cán bộ Ngoại giao mới có điều kiện lạm thu tiền, trục lợi trên nỗi khổ của đồng bào:
“Vấn đề thứ hai là thực tế ra cái quyết định chặn các chuyến bay thương mại vào Việt Nam và mở các chuyến bay giải cứu là chính sách sai lầm của Nhà nước Việt Nam. Nhẽ ra Nhà nước Việt Nam phải tạo điều kiện cho người dân về nước bằng tất cả chuyến bay thương mại, hay các phương tiện khác.
Phía Việt Nam chỉ có việc giải quyết là đặt các khu cách ly và giám sát những người nhập cảnh trong thời gian cách ly. Đó mới là cách tạo điều kiện nhất cho người dân, chứ không phải là chặn các chuyến bay thương mại, chỉ mở các chuyến bay do Nhà nước, để rồi cuối cùng dẫn tới bên Cục Lãnh sự và những kẻ đứng đằng sau tiếp tay cho Cục Lãnh sự ăn chặn tiền của nhân dân.”
Việt Nam thuộc số ít quốc gia có chuyến bay giải cứu
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói từ chuyến bay giải cứu công dân đầu tiên từ Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 2/2020 cho đến nay, Việt Nam đã tổ chức hơn 1.000 chuyến bay đưa 240 ngàn công dân Việt Nam từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.
Bà Hằng nhấn mạnh Việt Nam là một trong số ít các quốc gia tổ chức liên tục các chuyến bay đưa công dân về nước, được nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Ông Phùng Mạnh Cường, người từng được Chính phủ Đức giải cứu trên chuyến bay hồi tháng 4/2020 nói rằng, nước Đức và nhiều nước Châu Âu khác không có nhiều chuyến bay giải cứu như Việt Nam vì họ không có chủ trương chặn các chuyến bay thương mại.
Đức chỉ tổ chức các chuyến bay giải cứu khi dịch COVID-19 vừa mới bùng phát vào đầu năm 2020, hay ở những nước không có chuyến bay về Châu Âu. Sau đó, nước này vẫn để cho các chuyến bay thương mại nhập cảnh, đặc biệt là đối với công dân nước này, chỉ hạn chế đối với khách du lịch và những người không có visa dài hạn mà thôi.
Ông Cương kể, khi trình bày mong muốn được quay trở lại Châu Âu với Sứ quán Đức, ông được sắp xếp chuyến bay chỉ năm ngày sau đó, mà không đề cập đến chi phí. Sáu tháng sau ông nhận được email yêu cầu trả tổng cộng 600 Euro cho chuyến bay giải cứu này:
“Nhà nước Đức họ chỉ nói rằng mình sẽ chịu một phần phí tổn trong chuyến máy bay giải cứu này, thế còn bao nhiêu thì chưa tổng kết được, nhưng cái quan trọng nhất là bây giờ phải cứu mọi người đã.
Sau đó độ khoảng sáu tháng sau thì họ mới gửi một cái email lại cho mình đề nghị thanh toán số tiền tổng cộng là 600 Euro từ Việt Nam sang Đức.”
Trong khi đó, theo thông tin từ doanh nhân giấu tên ở Ba Lan, giá vé giải cứu từ Đức hay các nước Châu Âu khác về Việt Nam trong mùa dịch là từ 1.200 cho tới 1.500 Euro, nhưng cũng rất khó để mua được với giá đó. Có người phải mua vé chợ đen từ 3.000 cho đến 5.000 Euro.
Mòn mỏi chờ đợi, vé giải cứu mắc hơn bình thường
Chị Trương Thị Hà, lao động ở Dubai được hồi hương trên chuyến bay giải cứu hồi tháng 8/2020 cho biết mình đã chờ đợi khoảng gần năm tháng, sau phải lên mạng nhờ truyền thông loan tin thì mới được sắp xếp cho về.
Thời điểm đó, Chính phủ Việt Nam còn áp dụng cách ly tập trung miễn phí nhưng vẫn phải trả mức giá hơn 1.000 đô-la Mỹ tiền vé. Trong khi bình thường, giá vé tầm 600 đến 700 đô-la Mỹ mà thôi:
“Từ lúc mà em nghỉ là phải tháng tư cho đến tháng tám mới được về. Đợt của em là được về nhưng vé máy bay là phải mua. Đợt đó của em hết một ngàn mấy đô còn đâu về Việt Nam thì được miễn phí.
Bình thường thì cũng tùy vào từng thời điểm, tùy hãng nữa, thì chắc rơi vào tầm sáu - bảy trăm đô, tầm đấy.”
Chị Hà nói sau này, giá vé mỗi ngày một tăng cao. Em trai của chị mới về Việt Nam hồi tháng 10 năm ngoái trên chuyến bay nhân đạo, cũng tốn gần 35 triệu đồng, bao gồm tiền cả cách ly tập trung ở doanh trại quân đội, và test COVID:
“Các bạn em mà về các đợt sau thì họ phải mất rất là nhiều tiền mà giá vé rất là cao. Em nhớ có đợt mọi người hô nhau là có vé tầm 100 triệu rồi sau vãn vãn xuống còn 60 triệu.
Nói chung là nó nhiều mức giá lắm. Em của em về đợt tháng 10 năm ngoái thì 25 triệu, cách ly chi phí tập trung hết bảy triệu tiền cách ly nữa mà.
Chuyến bay từ Đại sứ quán, đăng ký với Đại sứ quán, chờ rất là lâu mới được duyệt về, chắc phải tầm năm - sáu tháng.”
Chị Hường, làm việc ở Đài Loan, được Văn phòng Văn hoá Kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc duyệt cho về nước hồi tháng tám năm ngoái nói giá vé nhân đạo là hơn 10 triệu. Ngoài ra, còn chi phí cách ly tập trung, test COVID… tổng cộng là khoảng 30 triệu:
“Vé máy bay vé nhân đạo là tầm 10 triệu về Việt Nam là vé máy bay không, còn chưa kể chi phí phát sinh là cách ly và test COVID nữa. Bọn em về Việt Nam cả cách ly các thứ, tầm 30 triệu, cách ly tập trung một phòng tám người ở Đà Nẵng.
Được về là tốt rồi. Bởi vì đợt đấy vé đắt lắm. Nếu bình thường cách ly ở khách sạn thì tầm 50 - 60 triệu.”
Chị Hường nói để được 60 triệu mua tấm vé về nước tương đương tiền lương từ hai đến ba tháng làm việc có tăng ca của lao động tại Đài Loan. Nếu ai không có việc làm nhiều thì để dành cả năm cũng chưa chắc có được số tiền đó.
Bốn cán bộ lãnh đạo Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, bao gồm cả Cục trưởng, Cục phó cùng hai cán bộ khác bị khởi tố và bắt giam vì tội nhận hối lộ hôm 28/1, vì hành vi thực hiện trục lợi bằng các chuyến bay giải cứu công dân bị kẹt ở nước ngoài trong đợt dịch COVID-19 vừa qua.