Chiều 13 tháng 2 năm 2022, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký công văn số 394/UBND-KGVX về việc rà soát, tăng cường tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ mắc COVID-19.
Truyền thông nhà nước trích dẫn nội dung văn bản cho hay, người đứng đầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn trương chỉ đạo các lực lượng tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động và tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, các trường hợp trong độ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều, người từ chối tiêm. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố về kết quả tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 trên địa bàn quản lý.
Trước đó, Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh, thành phố không được để lãng phí vắc-xin được cấp. Nhiều người cho rằng, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu tuyên truyền, vận động tiêm vắc-xin cho cả người từ chối tiêm là một hành động lạm quyền.
Chủ tịch Hà Nội chỉ có thẩm quyền về hành chính chứ không thể về chuyên môn được. Như vậy Chủ tịch Hà Nội là người lạm quyền khi dùng mệnh lệnh hành chính áp đặt lên một lĩnh vực chuyên môn. - Bác sĩ Đinh Đức Long
Bác sĩ Đinh Đức Long nhận định:
"Hiện nay nói về lý thuyết thì ai cũng chích ngừa hết rồi và thực tế là chích gần hết. Còn một số người rất ít họ dứt khoát không chích, gia đình cũng không chích. Nghĩa là không bắt buộc và người ta có quyền từ chối không chích.
Chủ tịch Hà Nội chỉ có thẩm quyền ở Hà Nội. Nếu đó là văn bản của Bộ Y tế thì mới có giá trị toàn quốc vì Bộ Y tế là cơ quan chủ quả, là đầu mối mọi vấn đề liên quan y tế. Nếu văn bản Bộ Y tế không bắt buộc mà Hà Nội bắt buộc thì có thể kiện Hà Nội. Chủ tịch Hà Nội chỉ có thẩm quyền về hành chính chứ không thể về chuyên môn được. Như vậy Chủ tịch Hà Nội là người lạm quyền khi dùng mệnh lệnh hành chính áp đặt lên một lĩnh vực chuyên môn.”
Hồi tháng 8 năm 2021, khi đợt dịch COVID-19 thứ tư đang bùng phát, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Dương Anh Đức thông báo cho người dân thành phố rằng, việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 là trên tinh thần tự nguyện, những người đồng ý tiêm sẽ được tiêm, không bắt buộc.
Tại Hà Nội, giữa tháng 9 năm 2021, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt Tạ Văn Hải ký văn bản số 740 về việc tiếp tục thực hiện tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho người dân, nêu rõ: “Đối với những trường hợp trong độ tuổi nhưng từ chối tiêm chủng, yêu cầu người dân ký cam kết với UBND phường về việc không thực hiện tiêm chủng, nêu rõ lý do và cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng”.
Khi nội dung này gây phản ứng trong dư luận, ông Tạ Văn Hải giải thích với truyền thông rằng, mục đích của phường khi yêu cầu dân ký cam kết là chỉ muốn biết lý do vì sao người dân không tiêm mà thôi.
Với văn bản mới nhất mà Chủ tịch Hà Nội vừa ban hành hôm 13 tháng 2 liên quan việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, Luật sư Hà Huy Sơn nhận xét:
“Theo luật phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm thì không có quy định bắt buộc, và các văn bản hướng dẫn thì cũng chưa có luật nào quy định bắt buộc phải chích vắc-xin cả. Nếu theo thông tin cho rằng có văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bắt buộc những người không muốn tiêm phải tiêm, thì theo tôi, văn bản ấy trái với quy định của pháp luật. Người dân có quyền không thực hiện văn bản ấy. Đây có thể là văn bản nội bộ người ta chỉ đạo với nhau chứ không phải là văn bản quy phạm pháp luật bắt buộc người dân phải thực hiện.”
Việc mỗi nơi ra một quy định khác nhau, hoặc thừa hành quy định theo những cách khác nhau bị cho là ‘loạn 63 sứ quân’ trong cách chống dịch của các cấp chính quyền.
Nếu theo thông tin cho rằng có văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bắt buộc những người không muốn tiêm phải tiêm, thì theo tôi, văn bản ấy trái với quy định của pháp luật. - Luật sư Hà Huy Sơn
Hàng loạt chỉ thị do Thủ tướng Chính phủ ban hành chồng tréo nhau như thách thức người dân trong ‘mê hồn trận’. Có thể kể như Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19; Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 về tiếp tục thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ban hành “Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19”. Sau cùng là Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” có hiệu lực thi hành từ ngày 11/10/2021. Khi Chính phủ ban hành quy định tạm thời mới thì cũng tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16, 19 nữa.
Tại buổi tọa đàm “Nghị quyết 128 - Hướng đến bình thường mới” hôm 18 tháng 10 năm 2021, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị cần có giám sát chặt chẽ lãnh đạo địa phương để xác định trách nhiệm. Ông Nhưỡng nhấn mạnh: "Vào trận mà đồng chí không chỉ huy được thì đề nghị lui ra, để người khác làm thay chứ đánh trận mà như vậy chúng ta sẽ thua”.
Ngoài việc ban hành quá nhiều chỉ thị, văn bản trong chống dịch khiến người dân không tin tưởng vào khả năng chống dịch của Chính phủ, nhiều vụ lạm quyền trong thừa hành các quy định đã dẫn đến những bất mãn trong dân chúng như phá cửa bắt dân đi xét nghiệm, bắt giữ người sai luật dẫn đến chết người như trường hợp xảy ra tại Bình Thuận.
Hôm 14 tháng 2 năm 2022, Công an tỉnh Bình Thuận ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam năm dân quân tự vệ để điều tra về các hành vi bắt người trái pháp luật, cố ý gây thương tích làm nạn nhân tử vong. Nạn nhân là anh Trần Văn Trí bị đưa về trụ sở làm việc do ‘vi phạm Chỉ thị 16 về phòng, chống dịch COVID-19’. Anh Trí bị năm dân quân này đánh đập đến thương tích và tử vong sau khi được trả về nhà.
Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, chính Thủ tướng Chính phủ phải ra công điện yêu cầu các địa phương không đặt ra những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trái với quy định của Chính phủ và Bộ Y tế. Thủ tướng nhấn mạnh, các biện pháp phòng chống dịch dứt khoát phải được thực hiện thống nhất trên toàn quốc nhưng linh hoạt trong phạm vi nhất định, các địa phương nếu áp dụng các biện pháp khác hoặc cao hơn quy định chung thì phải báo cáo.
Ông Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh có báo cáo chính phủ khi ban hành công văn yêu cầu tất cả người dân Hà Nội phải chích ngừa cho dù họ không muốn?