Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) công bố hôm 16 tháng 5 năm 2023, Việt Nam đứng thứ tám trên bảng xếp hạng các nước tuyên án tử hình nhiều nhất trong năm 2022 với ít nhất 102 người bị kết án. Theo tổ chức này, Việt Nam cùng với Trung Quốc và Bắc Hàn là những quốc gia luôn che giấu số liệu thật về số người bị kết án tử hình. Do đó, tổ chức này cho biết không có đầy đủ số liệu mà chỉ có một phần số liệu như trên.
Việt Nam sử dụng án tử hình ra sao?
Một số chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp mà RFA có dịp trò chuyện cho rằng, Việt Nam nên bỏ án tử hình bởi nền tư pháp không độc lập và đầy những bản án oan, sai. Nếu tử hình oan một con người thì sẽ không còn cơ hội để sửa sai.
Bộ Luật Hình sự Việt Nam hiện vẫn duy trì hình phạt tử hình với diễn giải đây là hình phạt rất cần thiết, góp phần thực hiện nhiệm vụ của Luật Hình sự là đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Một số luật sư cho rằng không nên duy trì hình phạt tử hình vì án tù chung thân cũng có tác dụng ngăn ngừa tội phạm không kém.
Ở Mỹ thì mọi thủ tục rất rõ ràng trên các văn bản và phía bên công tố muốn thi hành bản án hay muốn hủy bản án thì đều dựa theo luật pháp. Còn Việt Nam thì ngành tư pháp không phải là một ngành độc lập với ngành lập pháp và ngành hành pháp, cho nên việc tuyên án tử hình hay bỏ án tử hình ở Việt Nam cũng tùy tiện. - Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên
Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên, từng có bảy năm làm Phó khoa trưởng Lincoln Law School of San Jose ở California, nói với RFA hôm 15/8/2023:
“Hiện còn nhiều quốc gia vẫn giữ án tử hình. Cái quan trọng là việc áp dụng và thực thi bản án như thế nào mà thôi. Đó là điểm khác biệt. Có những nước họ coi trọng sinh mạng con người như ở Mỹ, thì khi muốn tuyên một bản án tử hình nó phải qua nhiều gia đoạn lắm. Và ngay cả khi một người đã bị tuyên bản án tử hình rồi thì thủ tục để họ khiếu nại níu kéo sự sống có thể kéo dài rất nhiều năm. Và ngay cả cách xử tử họ cũng được xử cách nào cho nhanh nhất, không bị đau đớn…
Riêng tôi, tôi thấy rằng, khung hình phạt phải rõ ràng với những thủ tục bảo vệ quyền của những người bị án tử hình phải được thực hiện nghiêm túc trước khi lấy mạng của một người vì tội của họ.
Ở Mỹ thì mọi thủ tục rất rõ ràng trên các văn bản và phía bên công tố muốn thi hành bản án hay muốn hủy bản án thì đều dựa theo luật pháp. Còn Việt Nam thì ngành tư pháp không phải là một ngành độc lập với ngành lập pháp và ngành hành pháp, cho nên việc tuyên án tử hình hay bỏ án tử hình ở Việt Nam cũng tùy tiện.”
Có thể thấy những điều Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên nhận định qua phiên xử "chuyến bay giải cứu" ở Việt Nam vừa qua trong một bài viết của Luật sư Đặng Đình Mạnh trên facebook cá nhân của ông rằng: "Tôi thấy những bản án tử hình được mua chuộc bằng tiền một cách công khai, chính thức trong pháp đình, trước mặt nhân dân. Tôi thấy những nụ cười khinh khỉnh của đám quan chức tội phạm ra tòa, vì có lẽ, hình phạt của họ đã được "giải cứu" thành công. Tôi thấy quy định hình phạt tử hình cho kẻ nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trong bộ luật hình sự chỉ con số lòe bịp cho một nỗ lực làm trong sạch giả hiệu."
Luật sư Đặng Đình Mạnh nói thêm với RFA:
“Theo tôi, qua thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình thì số vụ án giết người, ma túy vẫn gia tăng đều hàng năm. Cho thấy lý giải của chính quyền VN để duy trì án tử hình với mục đích răn đe là hoàn toàn vô dụng.
Cá nhân tôi không ủng hộ hình phạt tử hình. Vì lẽ, điều đó không chỉ đi ngược với sự tiến bộ của luật pháp các nước văn minh trên thế giới đang theo đuổi mà còn thể hiện quan điểm thiếu nhân đạo của pháp luật nước nhà.”
Trong khi đó, một vài tử tù được trả tự do do án oan như ông Hàn Đức Long, ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén, hay vài tử tù được các chuyên gia luật nhận định là oan nhưng vẫn chưa được làm sáng tỏ là Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh và Hồ Duy Hải đã phần nào nói lên thực tế ngành tư pháp Việt Nam.
“Án tử hình là sự vi phạm nhân quyền trắng trợn nhất”
Trong kỳ Kiểm định định kỳ phổ quát (UPR) năm 2019, Bỉ và Thuỵ Điển đề nghị Việt Nam bãi bỏ án tử hình. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn bảo lưu quan điểm giữ lại hình thức trừng phạt cao nhất này.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, tính đến cuối năm 2021, hơn 2/3 quốc gia trên thế giới đã bãi bỏ án tử hình trong luật hoặc thực tiễn. 108 quốc gia, chiếm đa số các quốc gia trên thế giới, đã bãi bỏ án tử hình trong luật đối với mọi tội phạm và 144 quốc gia đã bãi bỏ án tử hình trong luật hoặc thực tiễn. Chỉ còn 55 quốc gia vẫn giữ hình phạt tử hình, trong đó có Việt Nam.
Luật sư Vũ Đức Khanh nêu quan điểm của ông với RFA sáng 15/8/2023:
“Tôi thật sự lấy làm tiếc, rất tiếc khi Chính phủ Việt Nam vẫn duy trì án tử hình mặc dù đã có nhiều tiếng nói từ người dân và bạn bè quốc tế thiết tha kêu gọi nên hủy hình thức man rợ, vô nhân này.
Trong số những lý do được viện dẫn để cấm hình phạt tử hình là do lo ngại về việc kết án sai, lo ngại về việc nhà nước lấy đi mạng sống của người dân và sự không chắc chắn về vai trò ngăn chặn tội phạm của án tử hình.
Cũng cần nói thêm rằng quyền sống là một trong những quyền thiêng liêng nhất của con người. Vì vậy, án tử hình là sự vi phạm nhân quyền trắng trợn nhất. Việc duy trì án tử hình với lý do viện dẫn là để răn đe những tội phạm như giết người, mua bán ma túy, vv... chỉ là nguỵ biện cho năng lực của một chính quyền để giải quyết những vấn nạn của xã hội. Tham nhũng ở Việt Nam cũng có thể bị án tử hình nhưng nó vẫn không diệt được nạn tham nhũng.
Không có một cơ sở thuyết phục nào để kết luận rằng tử hình những người này sẽ làm giảm nguy cơ tội phạm. Giải quyết bằng việc tước đoạt sinh mạng của người khác sẽ không giải quyết được gì.”
Cách đây tám năm (2015) Trung tướng Trần Văn Độ (nguyên phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao, chánh án Tòa án quân sự trung ương) được truyền thông dẫn lời từng cho rằng ông đã nghiên cứu về hình sự, về hình phạt tử hình hàng chục năm nay và chưa có nhà khoa học nào khẳng định rằng áp dụng hình phạt tử hình sẽ giảm tội phạm.
Không có một cơ sở thuyết phục nào để kết luận rằng tử hình những người này sẽ làm giảm nguy cơ tội phạm. Giải quyết bằng việc tước đoạt sinh mạng của người khác sẽ không giải quyết được gì. - Luật sư Vũ Đức Khanh
Thế giới hiện có hai quan điểm trái ngược nhau về án tử hình. Một bên cho rằng phải huỷ bỏ hình phạt tử hình bởi sự sống của con người là cái quý giá nhất mà tạo hoá đã ban cho, không nên sử dụng pháp luật để tước đi cái đó. Thêm vào đó, nếu quan tòa mắc sai lầm trong việc quyết định hình phạt tử hình thì không thể sửa chữa sai lầm này một khi hình phạt được thi hành. Một bên cho rằng, cần duy trì hình phạt tử hình để đảm bảo an ninh cho xã hội đối với những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Với một thể chế không có tam quyền phân lập, liệu những bản án tử hình cho những người dân thấp cổ bé miệng ở Việt Nam có công bằng hay không, là câu hỏi còn bỏ ngỏ.