Ảnh hưởng đến môi trường
Người dân các khu vực thủy điện hiện nay sau khi Sông Tranh liên tiếp bị động đất đã phản ứng dây chuyền trước các dự án thủy điện đang được trình cho chính phủ để thực hiện trong đó có đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Hai đập thủy điện này chỉ được xây dựng khi hàng trăm ngàn hec ta rừng nam Cát Tiên bị phá hoàn toàn và sau đó kéo theo những di chứng sinh thái không thể nào đánh giá được.
Theo website chính thức của Vườn Quốc gia Cát Tiên có ghi rõ "Việc xây dựng thuỷ điện sẽ làm thay đổi dòng chảy, chế độ ngập nước của hệ thống sông Đồng Nai và các bàu đầm, đặc biệt là khu Bàu Sấu (đã được công nhận là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế). Thông qua đó, sẽ ảnh hưởng đến sinh cảnh và môi trường sống của các loài động thực vật. Bên cạnh đó, việc xây dựng thuỷ điện sẽ làm mất diện tích đất rừng. Do vậy, chúng tôi khẳng định là việc xây dựng thuỷ điện sẽ ảnh hưởng có hại đến tài nguyên và môi trường rừng".
Nguồn lợi thủy điện không thể bù đắp so với sự mất mát quá lớn từ đời sống sinh vật bị đảo lộn, rừng bị phá khiến khu vực hạ lưu là Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh sẽ bị ngập lụt vào mùa mưa, tệ hơn nữa là một vụ vỡ đập nếu xảy ra thì hai nơi này có nguy cơ biến thành biển trắng.
Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, một cán bộ khoa học đồng thời có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực kiểm lâm sau nhiều lần gửi các kiến nghị chống lại việc xây dựng thủy điện không có kết quả, ông đã quyết định gửi thư lên thẳng chủ tịch nước và chính phủ trình bày những phản biện của mình nếu hai con đập được xây dựng.
Việc xây dựng thuỷ điện sẽ làm mất diện tích đất rừng. Do vậy, chúng tôi khẳng định là việc xây dựng thuỷ điện sẽ ảnh hưởng có hại đến tài nguyên và môi trường rừng".<br/>Website Vườn Quốc gia Cát Tiên <br/>
Thư kiến nghị của Ths Thuật được phản hồi từ chính cơ quan ông làm việc và những cảnh cáo cũng như kỷ luật có thể được áp dụng đối với ông vì đã gửi kiến nghị vượt cấp theo tinh thần luật công chức. Khi được hỏi cảm tưởng Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật cho biết:
Thật sự trong bối cảnh đất nước như thế này thì cũng hiểu được lãnh đạo họ cũng có những khó khăn riêng. Bây giờ người tốt trong xã hội này không nhiều mà việc này rất lớn và phức tạp vì rất nhiều bộ ngành đã tham mưu cho thủ tướng để đồng ý thủy điện này được thi công sớm. Nhất là giai đoạn gay go trong vấn đề đánh giá tác động môi trường thì việc hợp thức hóa làm thủ tục cuối cùng chuẩn bị thi công từ đó tới giờ chưa bao giờ xảy ra việc đánh giá tác động môi trường mà bị bác bỏ. Thật sự vấn đề này không phải là vấn đề chính trị mà là vấn đề môi trường.
Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật cũng là người gửi kiến nghị thu thập 10 ngàn chữ ký để cứu rừng Cát Tiên vì theo ông đây là di sản quốc gia đã được UNESCO thừa nhận nên Liên Hiệp Quốc có thể vào cuộc yêu cầu chính phủ Việt Nam ngưng dự án. Ông cho biết chi tiết hơn:
Môi trường chính là chúng ta. Con người được tạo bởi chính những yếu tố môi trường như không khí, đất nước mà CátTiên là khu sinh quyển thế giới như vậy không còn là tài sản của quốc gia nữa mà nó là di sản và tài sản của thế giới. Trách nhiệm bảo vệ Cát Tiên là trách nhiệm toàn nhân loại chứ không riêng người Việt Nam do vậy có một sự hưởng ứng rất lớn trong cộng đồng thế giới bây giờ. Hy vọng rằng khi thu thập được 10 ngàn chữ ký thì Liên hiệp quốc sẽ có ý kiến với chính phủ Việt Nam để dừng lại hai dự án này.
Quyền của người dân
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc thuộc đơn vị Đồng Nai trong một lần tới hiện trường mới đây nhằm trao đổi với cử tri Đồng Nai và chủ đầu tư đã đưa ra nhận xét:
Cái danh xưng Đồng Nai là nơi đã gắn chặt với tôi trong tư cách một đại biểu quốc hội. Mặc dù địa bàn xây dựng của thủy điện 6 và 6A không nằm trong địa bàn của tỉnh Đồng Nai nhưng Đồng Nai là hạ lưu của con sông vì thế cho nên quan tâm của cử tri chúng tôi rất bức xúc, vì thế ngày hôm qua có cuộc tiếp cận với chủ đầu tư.
Thật ra phải nói cho sòng phẳng, công bằng. Ở đây phải thấy các nhà đầu tư kinh doanh thì họ phải có lợi nhuận và họ cũng đã tuân thủ tất cả những yêu cầu mà luật pháp quy định rồi. Vấn đề ở chỗ là thông tin không rõ ràng. Cái quan tâm nhất của mọi người là vấn đề môi trường. Hiệu quả kinh tế thì ai cũng thấy rằng nguồn điện năng là rất cần thiết cho sự phát triển xã hội.
Liên quan đến vùng Nam Cát Tiên là vùng hướng đến mục tiêu được công nhận bởi UNESCO cho nên luận chứng bảo vệ môi trường của chủ đầu tư đưa ra nhưng sự phản biện không mang tính chất khoa học và ở đây thiếu vắng vai trò của quản lý nhà nước. Có những tổ chức xã hội về nghề nghiệp, nhà khoa học đã lên tiếng rất mạnh mẽ cho nên quan điểm của tôi lúc này nhà nước phải thể hiện vai trò trách nhiệm của mình. Trách nhiệm với cả doanh nghiệp nữa. Họ đã bươn chải theo dự án này mà sự tốn kém của họ là sự tốn kém của xã hội. Trong khi đó thì nhà nước gần như không thể hiện thái độ rõ ràng dứt khoát của mình.
Ví thế tôi cho rằng vấn đề liên quan đến hệ thống của các nhà máy thủy điện Việt Nam đang rất cần xem xét lại để bảo đảm tính bền vững của nó và làm cho người dân an tâm hơn.
Khi được hỏi phản ứng của cơ quan nơi Thạc sĩ Thuật làm việc có dấu hiệu quá cứng nhắc và có vẻ như trù dập người góp ý kiến liệu có vi phạm luật pháp hay không, đại biểu Dương Trung Quốc cho biết:
Ở đây có hai điều, một là luật công chức và những quy định nơi cơ quan, tùy theo dạng đặc thù của cơ quan đó thí dụ như vấn đề bảo mật....Nhưng căn bản người công dân có quyền tỏ thái độ của mình. Với bất kỳ ai nhất là những người có trách nhiệm. Tôi cho cách xử lý này là không thể chấp nhận được. Quy định của mỗi cơ quan thì có thể là được quy định nhưng không thể vi phạm quyền của người dân.
Tôi cho rằng vấn đề liên quan đến hệ thống của các nhà máy thủy điện Việt Nam đang rất cần xem xét lại để bảo đảm tính bền vững của nó và làm cho người dân an tâm hơn.<br/>ĐBQH Dương Trung Quốc
Có một thực tế đáng buồn đó là trong khi đập thủy điện làm người dân lo sợ cho tính mạng tài sản của họ bao nhiêu thì nhà nước vòng vo tránh né một cách khó hiểu bấy nhiêu. Người dân biết rằng khi Sông Tranh 2 và những câu hỏi nóng bỏng còn đó thì hai đập Đồng Nai 6 và 6 A không có một cơ may nào được dừng lại kể cả sự nhập cuộc của UNESCO.
Những sự việc vừa xảy ra trong thời gian mới đây cho thấy mặc dù Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người trách nhiệm cho phép các dự án thủy điện hoạt động nhưng rồi cũng sẽ bị cuốn trôi theo dòng thác thủy điện của EVN như Sông Tranh 2 và người chịu thiệt hại sau cùng vẫn là người dân chứ không ai khác.
Theo dòng thời sự:
- Vụ Sông Tranh 2 vẫn còn bỏ ngỏ
- Phản biện độc lập đầy lo ngại về Sông Tranh 2
- Liệu đập thủy điện Sông Tranh 2 có bị vỡ?
- Động đất lần thứ 10 tại thủy điện Sông Tranh 2
- Việt Nam Tuần Qua
- Động đất đe dọa thủy điện Sông Tranh 2
- Tiếp tục động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh
- Sự cố Sông Tranh 2 và những điều đáng quan ngại
- EVN vẫn cho tích nước hồ chứa Sông Tranh 2
- Đập vỡ, dân chạy đi đâu?
- Sự cố Sông Tranh – người dân sẽ ra sao?
- Khảo sát tình hình động đất tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2