Nghiên cứu Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn ở Việt Nam năm năm qua tiến triển ra sao?

0:00 / 0:00

Nghiên cứu Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn (KHXH&VN) ở Việt Nam tăng trưởng ra sao trong năm năm qua là vấn đề được Thạc sĩ Hồ Mạnh Toàn, Trung Tâm Nghiên Cứu Xã Hội Liên Ngành, Đại Học Phenikaa, giải trình trên báo mạng trong nước, kèm theo biểu đồ công bố quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Theo Thạc sĩ Hồ Mạnh Toàn, đây là dữ liệu thu thập được từ trang web Scimago - trang thông tin lấy toàn bộ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu Scopus - mục đích kiểm chứng xem nhận định rằng việc công bố trong Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn là 'khó đăng' hay 'đặc thù' có thực sự đúng hay không.

Một số chuyên ngành trong lãnh vực KHXH&NV, dựa trên nguồn Scopus mà Thạc sĩ Hồ Mạnh Toàn đưa ra, cho thấy từ 2016 đến 2021 kết quả công bố 14 chuyên ngành liên quan là Kinh Tế, Kinh Doanh, Tâm Lý, Nhân Học, Giáo Dục, Văn Hóa, Luật, Khoa Học Chính Trị & Quan Hệ Quốc Tế, Lịch Sử, Văn Học, Triết Học, Ngôn Ngữ, Thư Viện & Khoa Học Thông Tin, Đô Thị Học… đều có sự tăng trưởng về số bài cũng như thứ hạng do Scopus ghi nhận.

Về Kinh Tế, năm 2016 Việt Nam có 107 bài, đứng hạng 57. Năm 2018 có 246 bài, lên hạng 52; năm 2020 là 1.024 bài, vượt lên hạng 20.

Về Kinh Doanh, 140 bài năm 2016, hạng 63; năm 2018 là 410 bài, hạng 49; 2020 là 1.316 bài, vượt lên hạng 25.

Về Giáo Dục, năm 2016 Việt Nam có 117 bài, đứng thứ 57; 2018 có 111 bài, xuống hạng 60; nhưng đến 2020 có 328 bài, lên hạng 52.

Về Khoa Học Chính Trị & Quan Hệ Quốc Tế, từ 20 bài được đăng năm 2016, đứng hạng 61; 18 bài năm 2018 đứng hạng 68; đến 2020 có 70 bài và lên hạng 50.

Về ngành Nhân Học, chỉ tám bài năm 2016, ba bài năm 2018, 18 bài năm 2020, thứ hạng lần lượt là 75, 117 và 66.

Về Lịch sử, 10 bài năm 2016, hạng 79; 17 bài năm 2018 hạng 70; 36 bài năm 2020 đứng hạng 62.

Những con số và thứ bậc như vậy, theo thạc sĩ Hồ Mạnh Toàn, chúng tỏ một loạt các ngành trong Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn đã có sự tăng trưởng, ông gọi là vượt bậc về số lượng công bố quốc tế trong năm năm qua, nhất là chuyên ngành Kinh Tế và Kinh Doanh.

Bên cạnh đó, chuyên ngành có sự tăng trưởng được đánh giá ấn tượng về công bố trên Scopus là Giáo Dục. Ngoài ra, các chuyên ngành được xem là có “tính đặc thù” và chừng như “rất khó công bố” thì cũng có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, các chuyên ngành như Nhân Học, Văn Học, Triết Học, Thư Viện & Khoa Học Thông Tin, Đô Thị Học vân vân…đã có sự tăng trưởng đều từ 2016 đến 2020.

Điều này dẫn tới kết luận của ông Hồ Mạnh Toàn là sau Thông Tư số 8 của Bộ Giáo Dục Đào Tạo về tiến sĩ năm 2017 với sự chú trọng đến công bố quốc tế, thì nhận định KHXH&NV Việt Nam “đặc thù”, “khó đăng” hay “không phù hợp với quốc tế” cần phải xem xét lại.

vienhanlamkhxhvn2.jpeg
Trao bằng tiến sĩ tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Hình: Học viện KHXH

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu về Đông Nam Á và Việt Nam, lý giải vấn đề như sau:

“Qui định trước đây, năm 2017, tiêu chuẩn để thành tiến sĩ ở Việt Nam cao hơn, đòi hỏi ít nhất phải có hai bài nghiên cứu đăng ở tạp chí uy tín ở nước ngoài. Thế nhưng tiêu chuẩn năm 2021 thù giảm đi, bảo rằng có thể không cần tới hai bài”

Giảm đi như thế khiến những vị đã thành Tiến sĩ, Giáo sư từ lâu lên tiếng phản đối:

“Có hai Giáo sư bên giới KHXH lại nói rằng những công trình nghiên cứu về Khoa Học Xã Hội đăng ở các nước khó lắm cho nên hạ xuống là phù hợp”

Thạc sĩ Hồ Mạnh Toàn đã dựa trên số liệu để nói rằng thực chất mấy năm vừa rồi việc nghiên cứu KHXH&NV của Việt Nam có tăng trưởng, việc các tác giả Việt Nam có bài được đăng trên các tạp chí nước ngoài có tăng lên và không phải là cái gì khó lắm. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì:

"Trong Khoa Học Xã Hội thì mấy ngành như Kinh Tế, Tâm Lý học, Lý Luận học, Sử Học … và các thứ khác quả là khó thật. Ông Hồ Mạnh Toàn chỉ thống kê qua Scopus thì cũng có lý nhưng bản thân những số liệu đấy bao nhiêu phần trăm thuộc về các tạp chí có uy tín trên thế giới thì mình còn phải xem lại. Ông có thể đúng với số liệu nhưng không đúng với nguồn số liệu. Phải nhìn ngay ra chỗ này đúng nhưng đúng trong một khoảng hẹp thôi"

"Đăng một bài nghiên cứu sâu sắc trên một tạp chí có uy tín quốc tế như của đại học Stanford hay Havard thì nó khó, nhưng mà đăng ở một đại học chả có danh tiếng gì ở Mỹ chẳng hạn thì tự nhiên nó chả có gì là nghiêm túc thực sự".

Cần hay không nghiên cứu công bố quốc tế, là câu hỏi của nhà giáo Phạm Minh Hoàng, từng nhiều năm giảng dạy tại Đại Học Bách Khoa TP HCM.

Trao đổi cùng RFA qua điện thư, ông Phạm Minh Hoàng dẫn lời Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung Tâm Nghiên Cứu và Phát Triển giáo dục Edlab Asia:

“ISI, Scopus là chuẩn quốc tế mà các trường cần phải lấy làm căn cứ để hội nhập. Tuy vậy, quy chế này cũng tính đến các yếu tố đặc thù với một số ngành vì điều kiện không phù hợp với tạp chí ISI, Scopus hoặc chưa đủ năng lực đáp ứng độ khó của tạp chí ISI-Scopus thì có thể thay thế bằng phương thức khác, ví dụ như là hai bài công bố ở hội thảo quốc tế. Cũng cần lưu ý hội thảo này hoàn toàn có thể do chính các trường đại học ở Việt Nam tổ chức”.

KHXH&NV, vẫn lời nhà giáo Phạm Minh Hoàng, phần lớn là những môn học mang tính trừu tượng (theo nghĩa tốt đẹp của câu chữ), nên sự đánh giá cũng khá là phức tạp:

"Điều quan trọng là các công bố này phải được đánh giá một cách nghiêm túc, không phe nhóm, không phân biệt chính kiến"

"Riêng về đánh giá "Nghiên Cứu KHXH&NV ở Việt Nam có tăng trưởng", tôi lại càng dè dặt hơn. Một nhà nghiên cứu kinh tế có thể công khai phê phán về chất lượng và hiệu quả của đầu tư vốn nước ngoài (FDI), nhưng nếu ông ta đi xa hơn bằng cách kết luận rằng FDI chỉ làm miếng mồi béo bở cho các quan chức thì có thể vào tù hoặc mất việc như chơi".

“Với nhận định trên, tôi nghĩ đánh giá “Nghiên Cứu KHXH&NV ở Việt Nam tăng trưởng” có thể đúng, nhưng xin nói cho rõ hơn là nó đang tăng trưởng dưới ánh sánh và sự chỉ đạo của một Nhà Nước và một đảng cầm quyền”.

Từ Đại Học Quốc Gia Hà Nội, giáo sư Trần Ngọc Vương, thành viên Hội Đồng Giáo Sư ngành Văn Học, xác nhận năm năm qua Việt Nam đã có sự tăng trưởng trong nghiên cứu KHXH&NV. Vấn đề phải được trình bày thẳng thắn ở đây, giáo sư nhấn mạnh, là Việt Nam vẫn đang đối diện cũng với những xung đột, tranh cãi trên dưới 20 năm nay:

"Với tư cách một người trong cuộc, cũng là người ít nhiều có kinh nghiệm mấy chục năm làm Khoa Học Xã Hội thì tôi nói thế này: với KHXH thì những công bố quốc tế mà tôi biết gần đây, căn cứ vào thống kê và báo cáo từ Hội Đồng Giáo Sư mấy năm vừa rồi, về mặt số lượng công bố quốc tế gắn tên người Việt thì có tăng lên"

"Nhưng sự tăng lên ấy tôi không hy vọng, không tin là tăng lên về mặt chất lượng khoa học. Sự tăng lên đó trước hết là do sức ép của việc đạt chuẩn. Nhiều người, phần lớn là trẻ tuổi đang có nguyện vọng, đã tìm mọi cách kể cả chuyện thuê người viết, có nghĩa số lượng bài công bố quốc tế là do áp lực của tiêu chuẩn chứ không hẳn do nhu cầu tự thân của công việc. Cách làm như vậy, dù theo chiều hướng nào, cũng đạt hiệu quả rất là thấp".

Với nhận định trên, tôi nghĩ đánh giá “Nghiên Cứu KHXH&NV ở Việt Nam tăng trưởng” có thể đúng, nhưng xin nói cho rõ hơn là nó đang tăng trưởng dưới ánh sánh và sự chỉ đạo của một Nhà Nước và một đảng cầm quyền. - Nhà giáo Phạm Minh Hoàng

Khẳng định mình là người luôn ủng hộ, khuyến khích, đề cao việc công bố quốc tế nơi cán bộ khoa học cũng như người dân làm khoa học, giáo sư Trần Ngọc Vương giải thích tiếp:

"Nâng công bố quốc tế là nâng tầm suy nghĩ, tầm tri thức và tầm liên kết cộng đồng của giới khoa học trong nước, kể cả Khoa Học Tự Nhiên lẫn Khoa Học Xã Hội, mà do tình huống lịch sử bị cô lập nên không theo kịp khoa học thế giới

“Khoa Học Xã Hội cũng có những vấn đề của nó. Chúng tôi đã nói với lãnh đạo Bộ Khoa Học & Công Nghệ là tiêu chuẩn công bố quốc tế của những bài nghiên cứu ở Việt Nam, nhất là những bài về Khoa Học Xã Hội, thì tác giả của nó phải minh bạch”

" Bởi vì nếu nói sòng phẳng, nói khách quan, nói thật về KHXH thì bên lãnh đạo, quản lý, an ninh, chính trị …chắc chắn là không hài lòng, thậm chí có nguy cơ cao đối với những người công bố quốc tế"

Đó mới là cái khó, là hệ quả của những tranh cãi chưa được giải quyết, giáo sư Trần Ngọc Vương nói.

Theo ông những người soạn thảo Nghị Định, Thông Tư, thí dụ Thông Tư 2017 hay Thông Tư 2021 vừa rồi chẳng hạn, đã làm theo ý chí chủ quan mà không biết rút kinh nghiệm từ những tiêu cực đã xảy ra trong quá khứ.