Huyện lạm quyền khi buộc dân chích ngừa COVID-19

0:00 / 0:00

Ngày 21 tháng 6 năm 2022, Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ra thông báo số 20 đề nghị tất cả công dân trên địa bàn trong diện tiêm mũi thứ 4 ngừa COVID-19 phải nhanh chóng đi tiêm. Nếu người dân không chấp hành sẽ không được đi ra khỏi địa bàn nơi cư trú; không được tham gia các hoạt động công cộng; không được chính quyền giải quyết các thủ tục hành chính. Thông báo được Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, ông Đào Khắc Hùng ký thay Chủ tịch.

Báo Tiền Phong dẫn lời ông Đặng Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên rằng: “Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 97.000 người thuộc đối tượng tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi 4 nhưng nhiều người chưa quan tâm, tỉ lệ tiêm còn quá thấp. Đến nay chỉ mới có khoảng 15.000 người đã tiêm nên địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và nếu cần sẽ áp dụng một số biện pháp để người dân tiêm mũi 4. Chúng tôi phấn đấu từ nay đến cuối tháng sẽ hoàn thành tiêm cho những người thuộc đối tượng được tiêm”.

Về pháp lý thì người dân có quyền từ chối các can thiệp y tế vào cơ thể người ta. Luật pháp bảo hộ điều đấy. Chính quyền làm như thế là sai. Mà sai thì dân có quyền phản ứng, thậm chí kiện ra tòa người ra văn bản quy định vì đấy là quyền con người, quyền thân nhân của người ta. Ngay cả mổ để cứu mình thì bệnh nhân cũng phải ký cam kết đồng ý thì bác sĩ mới được mổ. - Bác sĩ Đinh Đức Long

Theo quan điểm của Bác sĩ Đinh Đức Long bày tỏ với RFA, chính quyền muốn dân đi chích ngừa để tự bảo vệ mình là đúng nhưng cách làm của chính quyền là sai. Phải thuyết phục, vận động và giải thích cho dân hiểu và dân tự nguyện đi chích ngừa chứ không thể dùng biện pháp phạt hành chánh hay cưỡng chế. Ông phân tích:

“Về pháp lý thì người dân có quyền từ chối các can thiệp y tế vào cơ thể người ta. Luật pháp bảo hộ điều đấy. Chính quyền làm như thế là sai. Mà sai thì dân có quyền phản ứng, thậm chí kiện ra tòa người ra văn bản quy định vì đấy là quyền con người, quyền thân nhân của người ta. Ngay cả mổ để cứu mình thì bệnh nhân cũng phải ký cam kết đồng ý thì bác sĩ mới được mổ.

Còn nói về chuyên môn, sức khỏe của mình là tài sản của mình. Hơn ai hết, mình phải có trách nhiệm với chính mình. Vắc-xin là phương pháp duy nhất để chữa các bệnh lây truyền nhiễm, đặc biệt là COVID-19 này.

Ngoài ra, nếu tỷ lệ tiêm chủng cao hơn các địa phương khác thì địa phương đó được thành tích, nhưng nếu rủi ro có chết người - điều không ai muốn - thì chính quyền có chịu trách nhiệm không thì không thấy nói!”

Chỉ nửa ngày sau khi ban hành Thông báo số 20 nêu trên, ông Đặng Văn Phương - Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên - ký tiếp văn bản số 411 để thu hồi thông báo số 20. Lý do được nêu ra là “do sơ suất trong quá trình soạn thảo Thông báo.”

Một nhân viên UBND huyện Mỹ Xuyên nói với RFA:

“Mọi việc vẫn bình thường. Văn bản đó ban hành có sai chút chút. Có thu hồi văn bản đó rồi. Có gởi lên đài truyền thanh của huyện. Có tuyên truyền, có thông báo lên rồi.

Mới đầu văn bản đó làm ra để dân mình chịu đi tiêm, cuối cùng bị trên la. Văn bản đó làm lại theo văn bản yêu cầu tiêm mũi một, mũi hai, mũi ba. Mũi bốn là mũi tiêm nhắc lại nên bây giờ không tiêm cũng được, không có vấn đề gì hết. Mọi việc bình thường. Dân đi ra khỏi địa bàn hay mọi thủ tục hành chính vẫn được giải quyết bình thường. Nói chung là mọi việc bình thường như trước kia.”

AP21067162527302.jpg

Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, các cơ quan chức Việt Nam ban hành nhiều văn bản bị cho là chồng chéo, không thống nhất, thậm chí không thể thực hiện cho cả dân lẫn chính quyền cấp cơ sở.

Có thể nêu một vài ví dụ cụ thể như sau. Hôm 6 tháng 7 năm 2021, đài truyền hình quốc gia thông báo “Không hề có quyết định đóng cửa thành phố Hồ Chí Minh trong 10 đến 15 ngày như thông tin lan truyền trên mạng xã hội từ chiều qua”. Chiều tối ngày 7 tháng 7, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thông báo áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng, cách ly toàn xã hội từ 0h ngày 9 tháng 7 năm 2021. Thời gian áp dụng 15 ngày.

Vào tháng sáu năm 2021, hai huyện Đông Anh và Thường Tín ở Hà Nội phải thu hồi văn bản yêu cầu người tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 phải trả phí.

Luật sư Đặng Đình Mạnh trao đổi với RFA quanh việc Thông báo 20 rồi văn bản 411 của UBND huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng:

“Không có quy định nào cho phép ủy ban xã ra một cái văn bản với những hình thức cấm cản người dân như vậy cả. Cái đó là họ lạm quyền. Còn khi họ ra văn bản với nội dung sai thì họ được phép thu hồi lại. Thông thường thì họ ra văn bản mới trong đó cho biết văn bản trước đó có sai sót. Thường ở xã họ có nhiều cách để thông tri cho người dân biết.

Thứ nhất, về mặt chính quyền thì họ phải phổ biến lại cho cán bộ công nhân viên chức trong ủy ban biết để hành xử. Thứ hai, nhiều khả năng họ sẽ cho thông báo trên đài phát thanh của xã. Hiện nay ở khá nhiều tỉnh thành vẫn còn nhưng cái đài phát thanh là những cái loa gắn trên cột đèn để loan tin hàng ngày.”

Việc chính quyền một số địa phương lạm quyền khi đại dịch COVID-19 bùng phát vừa qua là điều ai cũng có thể thấy. Một trong những vụ nổi bật xảy ra hôm 28 tháng 9 năm 2021, khi một video clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy dân quân tự vệ, cảnh sát cơ động ở Bình Dương phá khoá cửa, ập vào nhà bà Hoàng Thị Phương Lan. Những người này bẻ ngoặt tay bà, lôi bà ra ngoài để xét nghiệm COVID-19 trong tiếng la khóc của con bà và sự phản đối của bà, bởi bà đang làm việc online nên không thể đi test lúc đó. Một trường hợp khác xảy ra được người dân quay clip và đăng tải trên facebook trước đó vài ngày, cho thấy một người dân ở Cà Mau tên Trần Tô Ân Châu cũng vì từ chối xét nghiệm COVID-19 tại nhà nên đã bị lực lượng chức năng khiêng đi cách ly tập trung. Một thanh niên ở Đắk Lắk bị công an còng tay áp giải đi test COVID-19 chỉ vì người này từ chối chuyện xét nghiệm.

Đến nay, khi chuyện cưỡng chế xét nghiệm không còn nữa thì lại xảy ra chuyện bắt dân chích ngừa, dù không phổ biến ở các địa phương. Theo một số chuyên gia y tế, việc tiêm ngừa mũi thứ 4 là cần thiết vì kháng thể sẽ được duy trì nhưng nhận thức mỗi người khác nhau nên không thể ép buộc một cách cực đoan.