Trong khi kinh tế thế giới suy giảm ít nhất 4% vì dịch bệnh COVID-19 trong năm 2020 thì Việt Nam lại được đánh giá như một “ngôi sao sáng” trong khu vực khi kinh tế tăng trưởng gần 3% (+2,91%).
Lãnh đạo đảng cộng sản VN đã từng nhìn nhận: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” tại cuộc họp diễn ra vào ngày 26/1/2021, một ngày trước khi dịch COVID-19 tái bùng phát lần 3 tại VN.
Không dừng lại ở kịch bản “dập dịch trong 10 ngày” mà hiện đã gần 2 tuần trôi qua, dịch đã lây lan ra nhiều tỉnh, thành tại VN và có khả năng 2 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trở thành “điểm nóng” với gần 50 địa điểm bị phong toả.
Kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ như thế nào trong “tình hình mới” này, RFA có buổi trò chuyện với Tiến sĩ Kinh tế-Tài Chính Nguyễn Trí Hiếu.
RFA: Thưa Tiến sĩ, ông từng có nhận định “Dù phải chống chọi với làn sóng dịch bệnh nhưng VN vẫn duy trì được mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội. Vì thế có thể coi năm 2020 là năm đánh dấu một thành quả mà theo tôi nhận định là tốt nhất trong 10 năm qua”.
Vậy theo Tiến sĩ, bức tranh kinh tế VN 2021 khi dịch đang tái bùng phát lại, liệu 2021 cũng khả quan như 2020?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chưa điều gì có thể khẳng định được cho năm 2021, tại thời điểm này chúng ta mới đi qua một tháng rưỡi của 12 tháng năm 2020. Tại thời điểm này thì dịch đang trở lại, trên thế giới thì tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng. Trong tình hình như thế thì nền kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động rất mạnh.
Tình hình 2020 tương đối khả quan và qua năm 2021 nếu không có dịch bệnh thì sẽ hồi phục đáng kể, theo như chính phủ thì có thể hồi phục GDP 6-6,5%, nhưng sau đó Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại và cho rằng có thể đạt đến 7%, trong khi một số tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam còn có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn 7%. Thế nhưng khi dịch bệnh ập đến vào tháng 2 này thì mọi người cũng cảm thấy lo ngại hơn.
Theo tôi dự báo nếu tình hình dịch bệnh không kiểm soát được thì dĩ nhiên tác động của nó không thể tưởng tượng được và có thể nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng suy trầm. Nhưng nếu Việt Nam kiểm soát được dịch bênh thì trong trường hợp tốt nhất thì nó cũng vẫn ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.
RFA: Vậy theo Tiến sĩ, kinh tế Việt Nam sẽ có thể được dự đoán ra sao?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Hy vọng rằng trong hết quý I thì người ta có thể kiểm soát được, ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh cho đến cuối tháng 3. Với giả thiết cuối tháng 3 có thể ngăn chặn được dịch bệnh thì nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng vào những quý tiếp theo. Nhưng đến hết quý III, nếu dịch bệnh lan tràn nhanh hơn nữa với những loại virus biến thể thì tác động với nền kinh tế khó lường, trong trường hợp đó, mục tiêu chính phủ đưa ra 6-7% sẽ rất khó thực hiện.
Có lẽ tôi thấy có ba kịch bản. Kịch bản bình thường tức kiểm soát được dịch bệnh trong quý I, mức tăng trưởng trong trường hợp bình thường là 5%. Trong trường hợp tốt nhất vào khoảng 6%. Trong trường hợp tệ có lẽ từ 1-2%.
RFA: Theo Tiến sĩ, kịch bản nào có xác suất xảy ra cao hơn thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Cả ba kịch bản như thế thì tại thời điểm này, tình hình dịch bệnh chưa kiểm soát được thành ra đưa xác suất cho mỗi kịch bản như thế là khó.
Nếu tính tên 100% điểm thì tôi nghĩ có lẽ kịch bản bình thường (5%) xảy ra có xác suất lớn nhất. Còn kịch bản 6% tôi nghĩ rất khó. Kịch bản +1-2% có xác suất thấp hơn vì Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh năm 2020, thành ra chuyện Việt Nam có thể kiểm soát được dịch bệnh là có khả năng. Nếu trong trường hợp đó, sau quý I mà kiểm soát được dịch bệnh thì kịch bản 5% là xác suất lớn nhất.
RFA: Theo ông, trong tình hình trên, các nhà hoạch định kinh tế, chính sách Việt Nam nên đưa ra những giải pháp nào phù hợp?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Có lẽ một số yếu tố thế này mà Việt Nam cần đẩy mạnh để tăng trưởng kinh tế dưới bất cứ kịch bản nào:
Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam phải đi nhanh về nền kinh tế kỹ thuật số, một nền kinh tế kỹ thuật số với tất cả những quy trình sản xuất kinh doanh được đưa vào vận hành với nền tảng công nghệ số, sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng như kỹ thuật số hiện đại. Đó là điểm Việt Nam có thể chạy rất nhanh bởi vì một nền kinh tế kỹ thuật số không cần phải có đầu tư lớn lao về mặt tài chính mà chỉ là vấn đề về trí tuệ và công nghiệp. Đó là điểm mạnh của Việt Nam vì Việt Nam không có nhiều tiền nhưng nói đến trí tuệ con người thì người Việt Nam thông minh, cần cù. Đây là sở trường của Việt Nam cần khai thác.
Việc đầu tiên đẩy mạnh nền kinh tế là phải đưa nền kinh tế vào nền kinh tế kỹ thuật số thật nhanh trên tất cả mọi phương diện từ việc quản lý quốc gia phải được kỹ thuật số, tất cả những quy trình phải làm tự động và giảm thiểu sự can thiệp của con người. Việc quan trọng cho vấn đề kỹ thuật số của nền kinh tế là Việt Nam phải có dữ liệu lớn để quản lý những số liệu về dân số, về tất cả sự vận hành của nền kinh tế. Từ chính phủ đến các cơ quan, doanh nghiệp, thậm chí đến người dân phải sử dụng nhiều hơn nền tảng kỹ thuật số.
Điều thứ hai, trong thời gian này nhiều doanh nghiệp nhỏ đang rất lao đao vì bị tác động của dịch bệnh. Thành ra chính phủ phải có những gói giải pháp hữu hiệu hơn bốn gói giải pháp năm ngoái đưa ra gồm một cái 300 nghìn tỉ giao cho ngân hàng, một cái 180 nghìn tỉ để giảm thuế, một cái 62 nghìn tỉ trả lương cho người lao động và một gói nhỏ là 18 nghìn tỉ để các doanh nghiệp vay với lãi suất bằng 0 để giữ chân người lao động. Những gói đó không hiệu quả nên năm nay nếu thật sự nền kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh và cần những gói giải cứu thì cần phải có những giải cứu thật sự hiệu quả, có nghĩa rằng tiền phải đến tay đối tượng. Nếu để giúp doanh nghiệp thì tiền phải đến tay họ, nếu gói giải cứu cho người dân thì tiền phải đến tay họ. Còn bốn gói năm ngoái thì tiền không đến tay cái đối tượng hoặc đến nhỏ giọt, hoặc một phần nào.
Những chính sách đầu tư của chính phủ cần xem xét lại để tập trung vào những lãnh vực đầu tư thật cần thiết cho đất nước và tránh lãng phí. Đầu tư công dĩ nhiên là một trong những trọng điểm của đầu tư. Đầu tư vào hạ tầng cơ sở là một trong những vấn đề không những Việt Nam mà trên cả thế giới, rất nhiều những quốc gia đang đầu tư vào hạ tầng cơ sở như cầu cống, đường sá, giao thông. Thứ nhất là tạo công ăn việc làm, thứ hai là đặt một nền tảng để phát triển kinh tế trong tương lai.
Đó là ba điểm tôi nghĩ rằng có lẽ là quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021.
RFA: Xin cám ơn Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đã dành thời gian cho Đài RFA.