“Mày biết tao là ai không?” – Khi quyền lực lên ngôi!

Đạo đức suy đồi, văn hóa xuống cấp

Vụ việc mới đây nhất vào hôm 12/10 một người phụ nữ đang xếp hàng chờ rút tiền ở máy rút tiền tự động (ATM) tại Hà Nội, thì bất ngờ một người đàn ông chen ngang. Người phụ nữ đã nhắc nhỏ người đàn ông bất lịch sự đó về hành vi thiếu tôn trọng người khác thì ngay lập tức chị bị người đàn ông này chửi bới và hành hung, đồng thời liên tục phát ngôn "Mày biết tao là ai không?".

Một sự việc khác tương tự cũng diễn ra tại Hà Nội, một người thanh niên tự xưng là lái xe cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm và có những hành vi đánh người sau khi có va chạm giao thông. Người này cũng lên mặt ra vẻ "Mày biết tao là ai không?"…

Trước đây, cũng có xảy ra nhiều vụ việc bị báo chí phanh phui như một nữ tổng giám đốc của tập đoàn bảo hiểm chửi bới và có lời lẽ thiếu văn hóa với các tiếp viên trên một chuyến bay. Hay một cán bộ cơ quan nhà nước cướp mất chỗ ngồi trên máy bay của một vị khách nước ngoài.

Hoặc nhiều cán bộ công chức nhà nước khi tham gia giao thông, bị phạt do vi phạm giao thông, đều có những hành vi được xem là không hợp tác chống đối và thậm chí sử dụng quyền lực của mình hoặc của người thân để xúc phạm, mạt sát người khác cũng được truyền thông đăng tải, thậm chí quay video đăng lên mạng xã hội.

Chưa bao giờ văn hóa ứng xử của con người với con người lại bị suy đồi đến như vậy. Một người dân tại Hà Nội đã từng bình luận trên mạng báo Zing.vn cho rằng: vấn đề không còn nằm trong phạm vi văn hóa ứng xử nữa mà nó đã là suy đồi đạo đức rồi…

Dư luận xã hội cho rằng, câu nói “Mày biết tao là ai không?” đang dần được sử dụng như một thành ngữ và là một câu cửa miệng của nhiều cán bộ như thách thức pháp luật!

Nhận định về điều này, nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang cho biết:

“Mỗi khi tôi nghe đến câu đó là tôi hình dung ra Hà Nội và khu vực miền Bắc là chủ yếu, còn các khu vực miền Nam thì ít khi nghe đến các câu như vậy. Nó bộc lộ thói xấu của đại bộ phận ngoài đó, cán bộ cũng có và dân cũng có. Dân thì phải là con ông cháu cha, có thể lực mới dám nói câu “mày biết tao là ai không” mục đích để hù dọa những người có liên quan. Nó trở thành nếp sống lâu năm rồi, đạo đức xã hội nó xuống cấp hư hỏng, luôn đem thế lực ra dọa nhau, những thế lực trong bộ máy nhà nước, điều thứ hai thì quen biết và có thể sai khiến được đám xã hội đen thì mới hay đem mấy câu đó ra để đạp nhau như thế. Đó là điều đáng báo động về đạo đức xã hội tại Việt Nam nói chung và tại miền Bắc nói riêng.”

Còn theo quan điểm của thầy Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội có nhận định cho rằng, câu nói này khá phổ biến tại xã hội Việt Nam từ côn đồ lặt vặt đến cả quan chức và mỗi khi nghe đến là ông xác định từ những thành phần vô văn hóa:

“Theo quan điểm của tôi thì những người nào dùng câu này là những kẻ côn đồ, sử dụng cụm từ có tính đe dọa người khác để hòng áp đảo người ta, làm cho đối phương sợ hãi, mà đa số để bưng bít những việc mình làm sai chứ không phải để hành xử đúng. Nếu hành xử đúng thì bất kể là ai, bất cứ điều gì thì cứ theo pháp luật mà làm không việc gì phải cảnh cáo bằng câu nói này. Khi dân ta nghe đến câu nói này là biết ngay là đám vô văn hóa.”

Cũng từ Hà Nội, ông Nguyễn Lân Thắng một nhà hoạt động xã hội và nhà quan sát tại Việt Nam chia sẻ với chúng tôi:

“Pháp luật không nghiêm minh và không dành cho tất cả mọi người mà chỉ dành cho những người dân đen mà thôi. Trong xã hội này sự bất công của nó rất là lớn và luôn luôn có vùng cấm, những quan chức càng cao thì vùng cấm nó càng lớn và gần như được xem là bất khả xâm phạm. Mà chuyện này nó phổ biến trong xã hội hàng bao nhiêu năm nay rồi dẫn đến việc là nếp hằn trong suy nghĩ, người ta cứ nghĩ rằng cứ xù lông xù vảy ra để chứng tỏ có một quyền lực nào đó thì người khác sẽ không đụng vào. Nếu quan sát trong xã hội có thể thấy ngay cả những người chả có chức có quyền gì đâu mà họ vẫn sử dụng câu nói đó như là xuất phát điểm.”

Ngoài ra, ông Thắng còn cho rằng, trước đây mỗi khi người dân nghe đến câu nói này thì cũng có sự lo sợ nhất định nhưng từ khi internet và mạng xã hội phát triển, nhất là các cơ quan báo chí truyền thông độc lập tại nước ngoài như BBC, RFA, RFI… và nhiều trang truyền thông nhỏ lẻ khác lên tiếng, thì người dân dần thức tỉnh và có thể hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong xã hội như thế nào, nên bây giờ đối với những trường hợp như thế này họ không còn e ngại lắm!

Quá khó để thay đổi nhận thức?

Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý 3 diễn ra vào ngày 16/10, phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đề cập đến vấn nạn nhiều quan chức, cán bộ có những hành xử không đúng mức ở nơi công cộng là không chấp nhận được. Ông cũng nói có không ít trường hợp như vậy đã xảy ra trong những năm gần đây chứng tỏ đạo đức, văn hóa của cán bộ, quan chức hoặc con em của họ đang bị suy đồi. Do đó, phó thủ tướng đề nghị cần chấn chỉnh để xã hội được văn minh hơn. Liệu mong muốn đó của ông có quá khó?

Facebooker Minh Hải có nhận định cho rằng, điều này không thể xử lý được và nó là một điều quá khó.

“Không phải đến bây giờ phó thủ tướng Trương Hòa Bình mới đứng ra nói về chuyện này đâu mà chỉ mang tính quán triệt, mà tại Việt Nam thì họ đã quán triệt từ rất lâu rồi nhưng mà do cách ứng xử của con người nó coi thường và văn hóa tồi nên nó dẫn đến việc tồn đọng mãi đến bây giờ. Tất cả là do nhận thức của mỗi cán bộ mà thôi.”

Tuy nhiên, ông Nguyễn Lân Thắng thì lại có ý kiến khác. Ông nói có thể chính quyền cả nước đang trong giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội Đảng sắp tới nên những phát biểu của các quan chức bên Đảng và bên Chính quyền cũng vì mục đích truyền thông dư luận để có lợi thế về chính trị trước khi việc bầu cử của đại hội bắt đầu.

“…chứ những vấn nạn của đất nước này nó tồn tại bao nhiêu năm nay rồi nhưng có xử lý đâu. Nhiều đợt ra quân rất là rầm rộ chuyện này chuyện kia rồi ngay sau khi đại hội Đảng hay các đợt trọng điểm qua đi thì các vấn đề tệ nạn của xã hội nó vẫn còn y xì nguyên như thế và thậm chí nó còn tiêu cực nghiêm trọng hơn thế.”

Theo các nhà báo và các nhà quan sát tình hình xã hội, chính trị tại Việt Nam lâu nay đều có cùng nhận định cho rằng, họ hy vọng một ngày nào đó tại Việt Nam -pháp luật có thể thắng được "luật rừng", các cơ quan công quyền, các quan chức hành xử đúng pháp luật thì người dân sẽ cảm thấy yên tâm và đặt niềm tin nhiều hơn vào họ, vào xã hội. Nếu không "Thượng bất chính, hạ tắc loạn"…là điều chắc chắn có!