Từ chối khẩu trang tặng: “Vì chính trị nên họ không nghĩ đến sức khỏe người dân”

0:00 / 0:00

Một nhóm các nhà thiện nguyện đã gây quỹ để có 1.200 khẩu trang Nano, tặng cho gần 1.200 trẻ em quanh nhiệt điện Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, để các em bảo vệ sức khỏe từ bụi than. Tuy nhiên chính quyền đã chỉ đạo các trường không được phép nhận. Vì lý do gì họ đã không nghĩ đến sức khỏe người dân?

Theo thông tin từ trang Facebook của nhà báo Mai Quốc Ấn, chỉ trong vòng một tuần đã gây quỹ gần đủ số lượng khẩu trang cho trẻ em vùng ô nhiễm, chưa kể nhiều người hảo tâm tặng hẳn toàn bộ hoặc tặng một phần số tiền mua khẩu trang.

Tuy nhiên chương trình đã bị sự ngăn cản của chính quyền huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Theo nhà báo Mai Quốc Ấn, dân địa phương dĩ nhiên muốn nhận khẩu trang cho con cháu mình, tuy nhiên đại diện huyện Tuy Phong thì không. Chính quyền lấy lý do là “nơi này không còn ô nhiễm nữa”, nhận khẩu trang thì “sợ bị thế lực thù địch lợi dụng”!?

Một người dân ở Bình Thuận biết rõ chương trình này cho Đài Á Châu Tự Do biết hôm 3/5/2019, như sau:

“Đây là xuất phát từ lòng tốt của mọi người thôi, họ vận động một số người cho ít tiền rồi mua mấy ngàn cái khẩu trang để phát cho trẻ em vùng này. Họ ra đây đặt vấn đề cũng cách đây vài tháng rồi, nhưng Anh Điển là Chủ tịch huyện Tuy Phong không cho, anh Điển nói là Vĩnh Tân hết ô nhiễm rồi, đem khẩu trang ra phát làm gì. Ý ổng như thế nên mấy nhà trường đâu dám làm trái lệnh lãnh đạo địa phương.”

Theo cư dân Vĩnh Tân, tất nhiên là người dân ở đây cần khẩu trang Nano chống bụi này, nhưng vì thông qua chính quyền để phát cho học sinh, nên đã bị chính quyền ngăn cản, người dân này nói tiếp:

“Nhưng mà vì đường lối chính trị của chính quyền, nên ông Chủ tịch huyện không cho, lấy cớ là “Vĩnh Tân hết ô nhiễm rồi nên không cần thiết cấp khẩu trang”, ý kiến chỉ đạo của ông ấy như thế nên tất cả cấp các trường trên địa bàn huyện Tuy Phong không dám nhận, mặc dù học sinh mình đang rất cần nhưng họ không dám nhận.”

Bãi xỉ than của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. (ảnh minh họa chụp trước đây)
Bãi xỉ than của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. (ảnh minh họa chụp trước đây) (RFA)

Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động chính thức, hiện bãi xỉ than của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đã cao khoảng hơn 20 m, có khoảng hơn 4 triệu tấn tro xỉ than chưa có “đầu ra”, khiến môi trường sống của người dân khu vực này tiếp tục bị đe dọa.

Với khối lượng xỉ than tồn đọng ngày lớn, người dân sống trong khu vực này cho biết, dù nắng hay mưa cũng đều lo lắng, nắng thì sợ bãi xỉ phát tán khói bụi vào khu dân cư. Mưa thì lo bãi xỉ có thể vỡ bờ bao.

Vào tháng 4 năm 2015, cư dân xã Vĩnh Tân huyện Tuy Phong bức xúc vì đã phải hít thở bầu không khí ngập ngụa khói bụi xỉ than được xả thải từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nên đã cùng nhau biểu tình chặn Quốc lộ 1A trong 30 giờ. Trong quá trình chặn quốc lộ 1A, nhiều người được cho là quá khích khi dùng đá, bom xăng tấn công lực lượng chức năng khiến nhiều người bị thương. Sau đó hàng chục người đã bị nhà cầm quyền truy tố vì quá khích gây rối.

Vào hôm 5 tháng 3 năm 2019, chúng tôi liên lạc với cơ quan chức năng địa phương để tìm hiểu thực tế thì được ông Võ Trần Duy Thạch, Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cho biết có bụi gì đâu mà phải tặng khẩu trang:

“Tặng quà an sinh xã hội thôi, chứ lý do gì mà tặng khẩu trang? Bụi thì mình mua khẩu trang y tế bình thường thôi, đâu có bụi gì đâu mà cần phải tặng khẩu trang? Còn bãi sỉ thì người ta đổ nước lu đèn hết, trừ khi trời gió thôi, hiện giờ cũng đang khắc phục. Đã phát triển công nghiệp thì phải chấp nhận. Người ta phải chủ động chứ, cũng như mình nấu lò lửa, lò lửa khi mình quạt thì tro cũng phải bay. Trong tầm kiểm soát của mình chứ không phải như mấy năm về trước. Có gió nắng lớn thì mình sợ nắng đeo khẩu trang thôi, bình thường mà. Sợ đen đeo khẩu trang thôi, anh em làm việc đứng bình thường mà, tôi đi thực địa cũng đứng bình thường mà.”

Trong khi đó người dân Vĩnh Tân lại cho rằng địa phương vẫn còn ô nhiễm lắm, và anh rất vui khi các tổ chức giúp khẩu trang Nano chống bụi cho trẻ em địa phương mình:

“Chưa biết chất lượng như thế nào nhưng nghe một số người nói là có tác dụng ngăn chặn bụi Nano cho những đứa trẻ. Mình nghe vậy mình cũng mừng vì họ đem đến giúp cho dân mình bảo vệ sức khỏe thì tốt thôi. Bây giờ không được thì phải tính cách khác. Ở đây phải có khẩu trang chứ, khu vực này khẩu trang y tế bán mạnh nhất, hầu như ở đây ai cũng xài khầu trang y tế. Chính bản thân tôi đây, mỗi sáng quét nhà là tôi phải mang khẩu trang y tế. Mức độ ô nhiễm ở đây kinh khủng lắm.”

Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Khải cho biết về sự nguy hại của khói bụi than:

“Bất kỳ mội bụi khói than nào dù là khói than tổ ong, khói than của củi, khói than của trấu và khói than của than cốc hay gì đấy cũng đều gây độc hại cho con người. Nó là khí CO, nếu hít khí CO vào thì sẽ làm cho người ta ngạt. Nếu là các chất khác như SO2, NO2… hoặc một số kim loại bay hơi, thì đều gây độc hại cho con người. Tóm lại khói nhà máy điện nói chung là gây ra rất nhiều độc hại.”

Trước sự ngăn cản của chính quyền huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, nhà báo Mai Quốc Ấn đã viết trên Facebook của anh là anh sẽ vẫn tiếp tục, không chỉ là khẩu trang cho trẻ vùng ô nhiễm mà còn là nước uống hay thức ăn và học bổng, bất chấp những viện cớ “nhạy cảm” hay nỗi lo giữ ghế của ai.

Theo nhà báo Mai Quốc Ấn, trẻ em không có tội để phải gánh chịu bệnh tật nhân danh phát triển. Về nỗi lo bị “thế lực thù địch lợi dụng”, theo anh thì giấu giếm ô nhiễm chính là cách chống phá nhân dân và đất nước... tốt nhất.

Vị cư dân Vĩnh Tân cho biết thêm về những gì anh dự định giúp đỡ để các khẩu trang Nano chống bụi có thể đến tay các em học sinh:

“Hồi chiều có Chị A. nói là thông qua Hội phụ huynh học sinh để phát cái này cho học sinh. Bảy tám ngày nữa tôi mới về, có gì tôi sẽ làm việc thử coi được hay không được, tất nhiên ở đây họ cần lắm, sao lại không? Nhưng chính quyền họ không cho thôi, vì họ cho là họ sợ mang tiếng. Nếu họ cho một số tổ chức cá nhân cấp khẩu trang này thì họ sợ bị cho rằng Vĩnh Tân còn ô nhiễm nên mới cấp khẩu trang.”

Theo anh, ý nghĩa chính trị là như thế. Anh tự hỏi, có bao giờ họ nghĩ, thôi mọi chuyện dẹp sang một bên, đặt sức khỏe người dân lên trên hết thì bằng mọi cách họ sẽ cho thực hiện dự án này. Nhưng theo anh, họ vì chính trị nên họ không nghĩ đến sức khỏe người dân.