Các công trình thủy điện sai phạm vẫn tồn tại: Hiện tượng con lạc đà chui lọt lỗ kim

0:00 / 0:00

Sai phạm ở Lai Châu và Lào Cai

Thông tấn xã Việt Nam trong những ngày cuối trung tuần tháng 7 phổ biến loạt bài ghi nhận về các dự án thủy điện Chu Va 2, Mường Kim II và Nậm Pạc ở Lai Châu có nhiều sai phạm trong quá trình triển khai dự án như: việc xây dựng vẫn cứ diễn ra dù còn vướng mắc việc đền bù cho người dân địa phương; ngang nhiên tận thu và khai thác đá hoặc khoan hầm xuyên qua Quốc lộ 32 trong khi cơ quan chức năng chưa cấp phép; nổ mìn thi công công trình thủy điện làm nứt nhiều nhà dân và nghiêm trọng nhất là chính quyền chưa giao đất mà vẫn cứ tiến hành xây dựng trong thời gian dài.

Trong khi đó, báo giới một lần nữa nhắc lại trường hợp các dự án thủy điện Pờ Hồ, Bản Hồ và Tà Thàng ở Lào Cai mà chủ đầu tư bị cáo buộc có rất nhiều sai phạm liên quan đến thu hồi và giải phóng mặt bằng; chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép hay chưa hoàn tất thủ tục pháp lý nhưng vẫn ngang nhiên xây dựng công trình thủy điện không phép…Riêng Nhà máy thủy điện Tà Thàng, do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Vietracimex, thuộc Bộ Giao thông-Vận tải làm chủ đầu tư, được đưa vào danh sách có hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng.

Công trình thủy điện Tà Thàng với nguồn vốn đầu tư 200 tỷ đồng, được khởi công xây dựng hồi cuối năm 2008. Tuy thuộc trong nhóm công trình bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng vào năm 2009, nhưng nhà máy này vẫn được tiến hành xây dựng và vận hành phát điện lên lưới điện quốc gia vào tháng 10 năm 2013 với sản lượng bình quân khoảng 250 triệu KWH/năm, đạt doanh thu trung bình 235 tỷ đồng và không nộp thuế. Theo ghi nhận của Báo mạng Lao Động, Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Vietracimex cho đến nay chưa nộp thuế, phí cho ngân sách Nhà nước tỉnh Lào Cai lên đến 47 tỷ đồng.

Con lạc đà chui lọt lỗ kim

<i>Tôi cho rằng vì có trạng thái những dự án được phát hiện thì chưa kịp xử lý kịp thời, xử lý ngay và nhiều khi cứ để đấy mà Việt Nam vẫn dùng từ gọi là 'phạt cho tồn tại'. Thế thì từ đấy dẫn đến chủ đầu tư lờn và với cái đà như thế cứ tiếp diễn hết dự án này sang dự án khác. Tôi cho rằng đây là một tình trạng khá buồn khi bệnh 'lờn luật' đang được xuất hiện khá nhiều, đặc biệt việc 'lờn luật' đó tạo ra lợi ích nhiều hơn cho chủ đầu tư làm cho cái gọi là thu lợi bất chính, thu lợi trái pháp luật đang xảy ra<br/>-Giáo sư Đặng Hùng Võ</i>

Từ Sài Gòn, Kỹ sư Xây dựng Trần Bang cho RFA biết các dự án lớn như công trình xây dựng thủy điện phải trải qua quy trình xét duyệt rất bài bản từ việc trình duyệt bước đầu dự án tiền khả thi với các bộ để xin phép cho sự chuẩn thuận như Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Nông nghiệp, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (nếu có liên quan đến phòng cháy, chữa cháy) và Bộ Kế hoạch-Đầu tư (nếu liên quan đến vốn) và khi các bộ này thông qua cho xét duyệt thì mới tiến hành khảo sát và thiết kế, gọi là “luận chứng kinh tế-kỹ thuật”, sau đó mới thực hiện đấu thầu thi công. Do đó, Kỹ sư Xây dựng Trần Bang khẳng định quy trình xét duyệt các dự án xây dựng ở Việt Nam có thể nói là rất khó và nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, với hiện trạng hàng loạt các dự án thủy điện lớn như ở Lào Cai và Lai Châu mà báo giới nhiều lần phản ánh cho thấy hiện tượng con lạc đà chui lọt lỗ kim. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường-Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận xét với RFA về hiện tượng này:

“Sự thực thì không chỉ các công trình thủy điện mà nhiều loại dự án khác, như chúng ta thấy trên mặt báo các dự án của Mường Thanh tại Hà Đông và tại Linh Đàm thì cũng đều rơi vào tình trạng tức là thực hiện dự án không đúng với nội dung được phê duyệt; trong đó thường thiên về hướng tạo lợi ích nhiều hơn cho chủ đầu tư. Tôi cho rằng vì có trạng thái những dự án được phát hiện thì chưa kịp xử lý kịp thời, xử lý ngay và nhiều khi cứ để đấy mà Việt Nam vẫn dùng từ gọi là ‘phạt cho tồn tại’. Thế thì từ đấy dẫn đến chủ đầu tư lờn và với cái đà như thế cứ tiếp diễn hết dự án này sang dự án khác. Tôi cho rằng đây là một tình trạng khá buồn khi bệnh ‘lờn luật’ đang được xuất hiện khá nhiều, đặc biệt việc ‘lờn luật’ đó tạo ra lợi ích nhiều hơn cho chủ đầu tư làm cho cái gọi là thu lợi bất chính, thu lợi trái pháp luật đang xảy ra.”

Công trình thủy điện Tà Thàng được đưa vào danh sách có hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng vào năm 2009.
Công trình thủy điện Tà Thàng được đưa vào danh sách có hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng vào năm 2009. (Courtesy: Ảnh chụp màn hình nongnghiep.vn)

Tiếp lời Giáo sư Đặng Hùng Võ, Kỹ sư Xây dựng Trần Bang giải thích hiện tượng “con lạc đà chui lọt lỗ kim” trong các dự án xây dựng tại Việt Nam không có gì là quá khó hiểu. Kỹ sư Trần Bang nhấn mạnh:

“Thế bây giờ chủ đầu tư bỏ qua các bước (quy trình thực hiện dự án), chắc chắn là không phải bỏ qua hết thì họ dựa vào một ô dù cấp cao nào đó, như một ông ở Bộ Chính trị hay một ông Bộ trưởng- Ủy viên Trung ương…Cho nên họ cứ mang ông ấy ra dọa và các bộ, ban, ngành phải lờ đi. Nhưng chẳng hạn khi vị trí bị thay thế bởi một người khác, họ khui ra hay khi thanh tra kiểm tra thì mới lộ ra. Thế thì chủ đầu tư lại tiếp tục ‘chạy’”

Vào hôm 21/07/19, trong bài phóng sự cuối của loạt bài ghi nhận về các công trình thủy điện sai phạm ở Lai Châu, Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Lai Châu - Giàng A Tính rằng, các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở đã thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, xử lý vi phạm của các công trình thủy điện, để xảy ra vi phạm kéo dài. Còn các sai phạm của những dự án thủy điện ở Lào Cai, câu hỏi về trách nhiệm của các sở, ngành liên quan mà báo giới quốc nội nêu lên vẫn chưa có phản hồi nào từ Chính quyền tỉnh Lào Cai. Trong khi đó, Báo mạng Nông nghiệp Việt Nam hồi trung tuần tháng 9 năm ngoái ghi nhận, các cơ quan bao gồm Sở Tài nguyên-Môi trường, Sở Giao thông-Vận tải-Xây dựng, Sở Công thương và Sở Kế hoạch-Đầu tư của tỉnh Lào Cai đưa ra kiến nghị tạm dừng dự án thủy điện Bản Hồ do có những vi phạm nghiêm trọng, nhưng Chính quyền tỉnh lào Cai chỉ phê bình bằng văn bản đối với chủ đầu tư là Công ty Việt Long, đồng thời yêu cầu các cơ quan vừa nêu tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, kịp thời xử lý vướng mắc, phát sinh để đảm bảo tiến độ công trình.

Nghịch lý vẫn tồn tại

Song song với những tin tức về các dự án thủy điện có sai phạm như ở Lào Cai và Lai Châu, dư luận đón nhận các bản tin mà họ gọi là “trớ trêu” khi một người dân ở huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh hồi năm 2015 bị lập biên bản và bị buộc phải tháo dỡ chòi nuôi vịt do tự ý xây dựng trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình mà không xin phép chính quyền địa phương, hay hồi năm 2017, ở khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh một con đường nhựa sạch đẹp mà người dân trong xóm tự hiến đất và cùng quyên góp xây dựng lại bị chính quyền địa phương yêu cầu xới lên, trả lại hiện trạng cũ do không có giấy phép thi công…Gần đây nhất, trường hợp quán Bún Bò Dũng Đinh, ở phường 4, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh bất thình lình bị cưỡng chế, đập phá toàn bộ quán vào ngày 14 tháng 6 vừa qua khiến dư luận phẫn nộ khi xem video clip do chính nạn nhân là ông Dũng Đinh quay lại và đăng tải trên mạng xã hội

Vào tối ngày 23 tháng 7, ông Dũng Đinh chia sẻ với RFA rằng, miếng đất mà ông mua lại để dựng quán bán bún bò thuộc một “dự án treo” mà người dân địa phương gọi tên là “Dự án Cụm 3 trường” kéo dài hơn 20 năm. Theo luật định hiện hành thì người dân có thể chỉnh sửa, xây cất và chấp nhận sẽ không được bồi thường một khi dự án quy hoạch tiến hành đền bù giải tỏa. Ông Dũng Đinh cho biết ông chỉ dựng một cái khung tiền chế, tháo dỡ được mà cũng bị cưỡng chế và sau khi xảy ra vụ việc, ông đã làm đơn khiếu nại nhưng hơn 1 tháng qua chính quyền địa phương vẫn chưa có phản hồi nào.

Đài RFA được biết không chỉ một trường hợp của ông Dũng Đinh mà còn có thêm hơn một chục trường hợp khác cùng hoàn cảnh, thuộc dự án treo “Cụm 3 trường”. Đây là một dự án mà Báo mạng Đô Thị Mới, hồi tháng 11 năm 2018 phản ánh về việc Công ty Vạn Thái “núp bóng dự án công ích” để thu hồi đất của người dân. Ông Dũng Đinh khẳng khái nhận xét về chủ tâm của chính quyền địa phương:

“Họ xử lý việc này lạm quyền với một lý do đơn giản thôi, là họ cũng quơ vào trong dự án ‘Cụm 3 trường’, là họ đang giữ cho Công ty Vạn Thái. Họ bắt tay nhau để làm những chuyện lợi ích nhóm. Họ làm động thái này là chứng tỏ chính quyền với Công ty vạn Thái bắt tay nhau để hại dân.”

Kỹ sư Xây dựng Trần Bang trả lời câu hỏi Đài Á Châu Tự Do đưa ra rằng vì sao có sự gần như là đối nghịch trong cách hành xử của chính quyền địa phương đối với những công trình xây dựng tại Việt Nam như thế:

“Đó là lỗi hệ thống. Ví dụ như ở vùng này chính quyền cho người dân làm các công trình dân sinh như làm cầu, làm đường trong xóm mà nhà nước không đầu tư. Thế nhưng, chỗ xóm này thì làm được, còn chỗ khác thì không làm được. Ông nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từng nói rằng ‘trên bảo dưới không nghe’. Có nghĩa rằng rất chặt chữ từ Trung ương xuống, tuy cùng một luật nhưng mỗi nơi lại một khác. Nơi này thả cho dân làm, nơi kia thì bóp dân. Tức là, có thể nơi này quản lý chặt chẽ đối với các công trình từ nhỏ đến lớn, nhưng có nơi sẽ cho qua các công trình lớn có phong bì, còn công trình nhỏ không có phong bì bị bắt để lập thành tích.”

<i>Thế bây giờ chủ đầu tư bỏ qua các bước (quy trình thực hiện dự án), chắc chắn là không phải bỏ qua hết thì họ dựa vào một ô dù cấp cao nào đó, như một ông ở Bộ Chính trị hay một ông Bộ trưởng- Ủy viên Trung ương…Cho nên họ cứ mang ông ấy ra dọa và các bộ, ban, ngành phải lờ đi. Nhưng chẳng hạn khi vị trí bị thay thế bởi một người khác, họ khui ra hay khi thanh tra kiểm tra thì mới lộ ra. Thế thì chủ đầu tư lại tiếp tục 'chạy'<br/>-Kỹ sư Trần Bang</i>

Kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Dũng Đinh cho biết kế bên và phía sau nền đất quán bún bò bị cưỡng chế của ông vẫn có các ngôi nhà khác tiếp tục được xây lên, mà không bị chính quyền cưỡng chế (!?).

Trở lại câu chuyện các dự án thủy điện sai phạm mà vẫn “sừng sững” hoạt động, bất chấp các văn bản “hỏa tốc” đề nghị sửa sai từ các bộ, ngành, để thấy rằng có một sự “hậu thuẫn” nào đằng sau những sai phạm này chăng? Rất tiếc là, hậu quả cuối cùng rồi thì người dân cũng lãnh đủ. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường-Giáo sư Đặng Hùng Võ nhấn mạnh về những hậu quả tai hại của các dự án thủy điện xây dựng trái phép:

“Sự thực mà nói khi thủy điện làm trái với quy hoạch được duyệt thì sẽ dẫn đến những hệ lụy khá lớn: thứ nhất là mất rừng nhiều hơn; thứ hai là khi hồ chứa lớn hơn và đồng thời xả nước xuống không theo đúng quy hoạch thì có thể làm thiệt hại cho đồng rượng và cuộc sống của người dân và thậm chí đấy cũng là những nguyên nhân tạo ra mất cân bằng sinh thái ở khu vực, có thể tạo ra lũ ống, lũ quét là các hiện tượng mà hiện nay người dân đang chịu thiệt hại rất nhiều.”

Tỉnh Lai Châu có 71 công trình thủy điện được phê duyệt, trong đó gần 20 công trình đã hoàn thành và số còn lại đang xây dựng. Tỉnh Lào Cai có 80 công trình thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt, trong đó 44 dự án đã hoàn thành. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có con số thống kê chính thống nào được công bố liên quan các dự án thủy điện sai phạm tại hai tỉnh bị cho là mang nhiều tai tiếng trong dự án thủy điện này. Thế nhưng, truyền thông luôn cập nhật những con số cụ thể về thiệt hại người và của ở hai tỉnh miền núi Lào Cai và Lai Châu mỗi mùa mưa bão hàng năm.