Những bất cập quanh việc miễn học phí cấp 2

0:00 / 0:00

Chính phủ VN ngày 15 tháng 8 đã quyết định miễn học phí cấp Trung học Cơ sở, hay còn gọi là cấp 2 các trường công lập.

Miễn học phí cho học sinh cấp Trung học Cơ sở là một phần trong dự án Luật giáo dục sửa đổi của Bộ Giáo dục trình lên Chính phủ. Bộ Giáo dục giải thích việc nhà nước mới miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS chưa được miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là đối với vùng núi, vùng dân tộc thiểu số. Mức thu học phí dù không quá cao, nhưng cũng là gánh nặng đối với gia đình có thu nhập thấp.

Chỉ một ngày trước khi Chính phủ đồng ý miễn học phí cấp 2, Bí thư thành ủy TP.HCM ông Nguyễn Thiện Nhân cũng nói rằng thành phố có thể sẽ miễn học phí cho học sinh THCS ở thành phố này bắt đầu từ năm 2019.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, một nhà giáo ở Hà Nội, cho rằng học sinh được miễn học phí, nhưng vẫn phải đóng muôn vàn các loại phí khác:

Tình trạng chung của chúng ta trong giáo dục cũng như y tế là về mặt hình thức thì chúng ta nói là miễn phí hoặc rất rẻ nhưng trên thực tế người dân vẫn phải trả rất nhiều tiền. Cái dở nhất của chuyện miễn phí không triệt để này là người cung cấp dịch vụ giáo dục hoặc y tế sẽ đẩy người dân vào tâm thế như đi ăn mày, kiểu như đã miễn phí cho còn lắm chuyện nọ kia! Cho nên nó làm mất đi ý nghĩa của việc miễn phí.

Bà Nguyễn Hoàng Ánh cũng nhận định tiền học phí của học sinh thực chất không có nhiều, chủ yếu là các tiền phí khác là gánh nặng cho phụ huynh vào mỗi dịp đầu năm học.

về mặt hình thức thì chúng ta nói là miễn phí hoặc rất rẻ nhưng trên thực tế người dân vẫn phải trả rất nhiều tiền. <br/>- PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh

Trên các trang mạng, phụ huynh đăng tải danh sách những khoản đóng phí đầu năm, trong đó có những nơi lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng tiền học phí chỉ là phần rất nhỏ trong số đó. Trong khi đó, học sinh phải nộp tiền học thêm gấp nhiều lần học phí, chưa kể đến các khoản như hoạt động hè, sửa chữa trường, 4-5 loại quỹ, giấy kiểm tra, lao công, bảo vệ, nước uống, gửi xe, kỹ năng sống, học thêm nhóm,…

Hiện tại VN đã áp dụng chính sách phổ cập giáo dục Tiểu học bằng cách miễn học phí cho học sinh cấp 1 các trường công lập. Mặc dù như vậy nhưng phụ huynh vẫn kêu than họ phải đóng quá nhiều khoản cho con em, và có những khoản không hợp lý. Đây được gọi là tình trạng lạm thu trong ngành giáo dục.

Một phụ huynh ở xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu, Nghệ An nơi từng xảy ra vụ việc phụ huynh không cho con em tới trường để phản đối tình trạng lạm thu của trường tiểu học Diễn Đoài, cho RFA biết:

Trường đạt trường chuẩn quốc gia, tức không phải thu tiền học buổi 2 nữa nhưng họ vẫn thu. Đáng lẽ họ dậy 2 buổi mới đủ thời gian các môn, nhưng họ bịt dân bằng cách đẩy sang buổi chiều.

Nếu tính tất cả các phí thì cũng khá nhiều cho nên thực tế mà nói bây giờ tất cả những gì nhu cầu mình dùng thì mình phải nộp tiền. Nhưng có những cái mình chả biết gì cả mà vẫn phải nộp khá nhiều.

Học sinh một trường THCS Hà Nội dự lễ khai giảng.
Học sinh một trường THCS Hà Nội dự lễ khai giảng. (AFP)

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, hiện là Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia và Phát triển Nhân lực, cho rằng chủ trương miễn học phí THCS là đáng hoan nghênh, nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện:

Thách thức lớn nhất là trường sở, vì hiện nay mình vẫn còn trường công và trường tư thục. Chỉ trường công mới miễn học phí được, còn trường tư thục thì không có khái niệm miễn học phí bởi vì đã gọi là tư thục thì do các tổ chức, cá nhân lập ra thì họ phải có lợi nhuận. Cho nên khó khăn là sợ rằng các trường công có làm nổi không. Bởi vì nếu trường công không làm được thì rất khó bởi vì các trường tư họ không bao giờ làm việc đó.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một chuyên gia giáo dục, nguyên giáo sư đại học Liège, hiện đang sống ở Việt Nam, cho rằng chính sách này khó thực hiện trong điều kiện tài chính hiện nay của VN:

Bây giờ về vấn đề tài chính, thành phố Sài Gòn cũng như cả nước đang thâm thủng tài chính và thiếu tiền dữ dội. Rồi không biết nếu miễn phí thì các trường làm sao có thể chu toàn việc trả lương cho các giáo viên, nhất là số lượng và hình thức lựa chọn giáo viên chưa được tốt nên số lượng giáo viên rất đông. Cái này là một quá trình dài chứ đâu phải chỉ một sớm một chiều.

Đề xuất miễn học phí cấp 2 trước đó cũng được Bộ Giáo dục trình lên Chính phủ để xin ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm 12/3, nhưng Chính phủ đã lược bỏ nội dung này đi. Hai bộ Tài chính và Nội vụ lúc đó phản đối đề xuất miễn học phí cấp 2 vì làm tăng chi ngân sách Nhà nước vốn đang gặp khó khăn.

<br/>Rồi không biết nếu miễn phí thì các trường làm sao có thể chu toàn việc trả lương cho các giáo viên...<br/>- GS. Nguyễn Đăng Hưng

PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng giải pháp cần làm bây giờ để giảm gánh nặng chi phí cho phụ huynh không phải là miễn học phí, mà phải bỏ cái mác “phi thương mại” trong giáo dục để minh bạch các khoản thu:

Điều này giống như quản lý doanh nghiệp vậy. Thứ nhất, chúng ta phải bỏ được gông cùm cho rằng giáo dục là phi thương mại đi. Vì cái câu "giáo dục của VN là phi thương mại" trong các hiệp định WTO mà mình không thể áp dụng các quy tắc thương mại, chính ra lại là một rào cản làm cho giáo dục không tiến bộ được. Vì các luật về thương mại không được áp dụng nên cuối cùng không có cách nào kiểm soát cả. Giáo viên nào sống bằng đường công khai thì rất khổ. Thực tình bây giờ công khai thì tiền ít, nhưng không công khai thì không ai biết được là bao nhiêu.

Bà nói rằng nếu VN quản lý trường học như một doanh nghiệp, thuê những người quản lý giỏi ở nước ngoài, sẽ đem lại hiệu quả cao. Một ví dụ bà nêu ra đó là trường hợp thầy giáo Trương Nguyện Thành mà đại học Hoa Sen mời từ Mỹ về đã đem lại nhiều thay đổi lớn về cách quản lý cho trường này.