Kêu gọi trước ‘im lặng’ về tin Ông Trọng ngã bệnh

Trong bức thư kêu gọi cảnh giác, nhóm nhân sĩ gồm những nhân vật được biết đến như các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu, giáo sư Tương Lai… đề cập đến vấn đề tin đồn trong những ngày vừa qua về việc ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bị lâm bệnh.

Giáo sư Tương Lai, nguyên viện trưởng Viện xã hội học Việt Nam, thành viên tổ tư vấn thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhắc lại:

“Thì vừa rồi có tin ông Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ trong chuyến thăm tại Kiên Giang rồi đưa về bệnh viện tỉnh, rồi về thành phố và rồi đưa về Hà Nội. Thì tất cả cũng chỉ là tin đồn mà nhà nước và giới truyền thông không hề có một lời giải thích nào cả. Chính vì điều đó làm cho lòng dân trong nước bấn loạn hơn, không phải vì vai trò uy tín gì to lớn của ông Nguyễn Phú Trọng đâu mà bản thân ông Trọng thì người dân cũng không tin tưởng gì. Nhìn qua dư luận trên đường phố và ý kiến của các tầng lớp nhân dân ta tạm gọi là thông tấn vỉa hè và qua những thống kê của nhiều trang mạng uy tín có trách nhiệm thì thấy số người truy cập vào tin tức ấy thì rất cao. Trong khi nhân dân như vậy mà giới lãnh đạo lại không có thông tin chính thức gì cả. Điều đó nói lên rằng trong nội tình của ban lãnh đạo có nhiều vấn đề rất là lôi thôi, xoay quanh cái ghế quyền lực bị bỏ trống.”

Bức thư cho rằng tin đồn từ nhiều nguồn khác nhau nhưng khó kiểm chứng và càng khó hơn khi cả một bộ máy truyền thông từ Trung ương đến địa phương đều giữ một sự im lặng tuyệt đối về việc này.

Theo nhận định trong thư thì chính vì sự im lặng đó nói lên những mâu thuẫn gay gắt giữa các thế lực trong nội bộ Đảng và nhà nước. Thực trạng đó sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội trên nhiều mặt.

Các nhân sĩ cho rằng họ là những người chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc nay mạnh dạn nói lên nỗi lo cho vận mệnh của quốc gia bằng Lời Kêu Gọi Cảnh Giác gửi đến nhân dân và giới lãnh đạo hiện nay.

Giáo sư Tương Lai chia sẻ rằng trong lịch sử của đất nước Việt Nam kẻ thù phương Bắc luôn rình rập những biến động xã hội ở lân bang để thực hiện mưu toan xâm lược phương Nam. Ông lý giải:

<i>Lúc bấy giờ lòng dân hiện nay lo sợ rằng có thế lực nhắm vào ghế quyền lực đang bị bỏ trống ấy là cuộc tranh giành đấu đá nhau thì nó tạo ra một thế cho Tập Cận Bình ra tay, bởi vì họ không dại gì ngồi yên trong một thời cơ thuận lợi như thế này.</i>

<i>- GS. Tương Lai</i>

“Thế thì bây giờ đây thông tin về người đứng đầu Đảng và nhà nước vị trí cao nhất nhưng vẫn bị bưng bít, không biết ông ta bệnh tình nặng tới đâu, sống chết thế nào và có tiếp tục được công việc nữa không…Lúc bấy giờ lòng dân hiện nay lo sợ rằng có thế lực nhắm vào ghế quyền lực đang bị bỏ trống ấy là cuộc tranh giành đấu đá nhau thì nó tạo ra một thế cho Tập Cận Bình ra tay, bởi vì họ không dại gì ngồi yên trong một thời cơ thuận lợi như thế này. Chính vì như thế chúng tôi mới ra lời kêu gọi cảnh giác.”

Sau khi lời kêu gọi được lan truyền trên mạng xã hội, ngoài những ý kiến đồng thuận cũng có nhiều ý kiến chưa đồng tình bởi vì họ cho rằng, bức thư kêu gọi được viết không rõ ràng khiến nhiều người không hiểu là đang cảnh giác cái gì và cần cảnh giác ai như lời nhà báo Phạm Thành:

“Bây giờ phải nói là cảnh giác trước kẻ thù Tàu Cộng, nói cho rõ ràng ra chứ nói phương Bắc là nước nào, phương Bắc bao nhiêu nước đâu chỉ một mình Trung Quốc. Tôi đọc bài kêu gọi tôi rất là khó chịu, những người kêu gọi chẳng hiểu kêu cảnh giác cái gì, cảnh giác ai và sao lại cảnh giác. Các ông phải nói rõ ra chứ. Mấy ông cứ lập lờ nói chung chung chả đâu vào đâu trong khi bây giờ nó tràn ngập thông tin trên mạng. Anh mà viết không rõ ràng, không cụ thể thì hiệu quả của nó sẽ không có tác dụng gì hết bởi vì người ta sẽ không tin.”

Phó giáo sư Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục trước khi về hưu vào năm 2002 và cũng là người tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam năm hôm 26/10/2018, nói với chúng tôi rằng, ông đồng ý với lời kêu gọi; nhưng có thể do hơi vội vã nên 4 vị nhân sĩ đã viết nội dung kêu gọi không được rõ ràng dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

“Tôi nghĩ rằng các vị này cũng hơi vội vã viết nội dung nó hơi rườm rà, văn phong thì không được giản dị nên người ta không biết là đang kêu gọi cái gì và phải làm gì, nhiều người đặt ra vấn đề như vậy. Tôi cũng góp ý là có lẽ nội dung nó chưa thật sự rõ và văn phong nó chưa được giản dị vì lời kêu gọi thì phải ngắn gọn thôi, có thể do vội vã nên sự chuẩn bị không được tốt.”

Sau chuyến làm việc trong hai ngày 13 và 14 tháng 4 tại tỉnh Kiên Giang của tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, 4 các trang mạng xã hội ở Việt Nam đồng loạt đưa tin cho rằng ông này bị ngã bệnh trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Kiên Giang.

Trong khi đó, các báo trong nước không đưa bất cứ thông tin nào về sức khỏe của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng. Truyền thông trong nước tiếp đó còn loan tin Ông Nguyễn Phú Trọng gửi điện văn chúc mừng đến gửi điện mừng đến Chủ tịch Ủy Ban Thường Vụ Hội Nghị Nhân dân Tối Cao Triều Tiên Choe Ryong Hae nhân kỳ họp thứ nhất Hội nghị Nhân dân Tối cao khóa 14 nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên bầu lãnh đạo mới của Bắc Triều Tiên.

Vào ngày chủ nhật 21 tháng 4 khi xảy ra những vụ đánh bom tại Sri Lanka, truyền thông Việt Nam cũng loan tin tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi điện chia buồn đến tổng thống nước này.

Cư dân mạng vào ngày 22 tháng 4 phát hiện Truyền hình Việt Nam loan tin về ông Nguyễn Phú Trọng nhưng sử dụng những thước phim cũ năm 2018.

______________________________

Đính chính:

Do sai sót trong lỗi biên tập, Đài Á Châu Tự Do đã bỏ một đoạn trong bài viết này trong phần phỏng vấn nhà báo Phạm Thành theo quy định về nguyên tắc biên tập.

Chân thành cáo lỗi các vị nhân sĩ cùng quý độc giả về lời biên tập khi để sót những từ ngữ không phù hợp trong bài viết.